Site icon DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU

10 điểm nhấn tiêu biểu của ngành Xây dựng năm 2024

Chiều ngày 27/12/2024, Bộ Xây dựng đã tổ chức họp báo và gặp mặt báo chí nhằm tổng kết các hoạt động tiêu biểu của ngành Xây dựng năm 2024 vừa qua. Năm 2024, vượt qua những khó khăn, thách thức chung của nền kinh tế, ngành xây dựng cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ và đạt được nhiều kết quả tích cực. Dưới đây là 10 điểm nhấn tiêu biểu năm 2024 do Bộ Xây dựng công bố. 

1. Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn – Công tác hoàn thiện thể chế tiếp tục là điểm sáng

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ Xây dựng đã chủ động, tích cực nghiên cứu, kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng để hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành Xây dựng. Năm 2024, công tác hoàn thiện thể chế tiếp tục được quan tâm đặc biệt, và là điểm sáng, thể hiện sự quyết tâm, đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ Xây dựng.

Ngày 26/11/2024, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn (Luật số 47/2024/QH14) với tỷ lệ tán thành cao, Luật có hiệu lực từ ngày 01/07/2025. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 tại Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung soạn thảo và trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định, trình Thủ tướng ban hành 01 Quyết định; Ban hành theo thẩm quyền 02 thông tư hướng dẫn luật, bảo đảm đồng bộ hiệu lực thi hành với luật.
Cùng với Luật Đất đai sửa đổi được thông qua ngày 29/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, hai Bộ Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh BĐS số 29/2023/QH15 có hiệu lực sớm hơn 5 tháng, từ 01/8/2024. Sớm đưa chính sách vào thực tiễn, Bộ Xây dựng đã trình và được Chính phủ ban hành 05 Nghị định, 01 Quyết định bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
02 dự án luật khác do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo là Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Cấp, thoát nước cũng đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Dự kiến, Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025)…

Những kết quả tích cực trong xây dựng, hoàn thiện thể chế Bộ Xây dựng đạt được trong thời gian qua đã kịp thời thể chế hóa các chính sách, chủ trương của Đảng, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Xây dựng bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; đồng thời, đã tháo gỡ hiệu quả các vướng mắc, bất cập, những “điểm nghẽn”, cản trở sự phát triển có nguyên nhân từ quy định pháp luật; tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

2. Đẩy mạnh phân cấp phân quyền trong quản lý nhà nước

Nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng tích cực tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành các luật, văn bản dưới luật nhằm tăng cường phân cấp và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng, việc đẩy mạnh phân cấp cho địa phương thẩm định dự án, thiết kế, cấp giấy phép xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu, cấp giấy phép xây dựng cho nhà thầu nước ngoài… đã được thực hiện theo lộ trình ngay từ đầu nhiệm kỳ. Đặc biệt trong năm 2024, Bộ Xây dựng đã rà soát, tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP và một số Nghị định có liên quan về quản lý dự án đầu tư xây dựng để thực hiện phân cấp mạnh mẽ các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ về cho địa phương thực hiện.

Với việc phân cấp triệt để như trên, dự kiến sau khi Nghị định có hiệu lực, số thủ tục hành chính từ cơ quan trung ương được phân cấp thêm cho địa phương thực hiện là khoảng 95% về thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu và 100% về cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng; giảm khoảng 10% số hồ sơ dự án, công trình yêu cầu thực hiện thủ tục thẩm định tại cơ quan nhà nước.

3. Tích cực tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án, công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho công trình trọng điểm quốc gia, đẩy mạnh đầu tư công. Thực hiện nhiệm vụ tại Công điện số 02/CĐ-TTg ngày 9/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành liên quan và 46 địa phương, đồng thời thành lập tổ công tác liên Bộ để tập trung tháo gỡ vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng, khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án: Bộ ban hành các văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị tổ chức xác định và công bố giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng trên địa bàn và rà soát các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng và định mức xây dựng; Đến nay Bộ đã ban hành 250 định mức, sửa đổi bổ sung kịp thời để tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Bộ cũng phối hợp các bộ, ngành, địa phương xử lý những yêu cầu mới phát sinh theo chức năng nhiệm vụ. Thực hiện nhiệm vụ Hội đồng kiểm tra Nhà nước các công trình xây dựng đã kiểm tra 120 đợt theo kế hoạch, trong đó có 07 công trình, gói thầu được chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng…Các công trình do Thủ tướng Chính phủ giao đã được Hội đồng kiểm soát chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời để chủ đầu tư và các nhà thầu thực hiện tuân thủ yêu cầu thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho dự án.

4. Tăng trưởng ngành Xây dựng đạt khoảng 7,8% – 8,2%, cao nhất từ năm 2020 đến nay

Năm 2024, tăng trưởng ngành Xây dựng đạt khoảng 7,8% – 8,2%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,4% – 7,3%). Đây cũng là tốc độ tăng trưởng cao nhất ngành Xây dựng đạt được từ năm 2020 đến nay, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng GDP chung của nền kinh tế; Tỷ lệ đô thị hóa đạt 44,3%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 43,7%. So với chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngành Xây dựng đồng thời đạt 02 chỉ tiêu khác, gồm: Tỷ lệ thu gom xử lý nước thải 18%; Diện tích nhà ở bình quân cả nước 26,5 m2 sàn/người.

5. Phát triển nhà ở xã hội được đặc biệt quan tâm

Chính sách nhà ở xã hội (NOXH) trong năm qua qua được Đảng, Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo, xác định nhiệm vụ đầu tư phát triển NOXH cho công nhân, người có thu nhập thấp là một trong các tiêu chí, chính sách quan trọng, nhân văn nhằm bảo đảm an sinh xã hội, động lực phát triển ổn định kinh tế – xã hội của đất nước: Ngày 24/5/2024, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Đây là lần đầu tiên Đảng có chỉ đạo đối với công tác phát triển NOXH. Khẩn trương thực hiện, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 927/QĐ-TTg ngày 30/8/2024 về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW. Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 161/2024/QH15 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng đã ban Kế hoạch thực hiện Quyết định số 927/QĐ-TTg (Quyết định số 1017/QĐ-BXD ngày 1/11/2024) nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đổi mới phương thức, mô hình quản lý và phát triển NOXH để thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư, phát triển NOXH và thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng.
Trong năm 2024, Bộ Xây dựng phối hợp Văn phòng Chính phủ tổ chức 02 Hội nghị tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Bộ đang trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển NOXH. Theo đó, đề xuất triển khai gói ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho vay NOXH từ nguồn vốn trái phiếu, áp dụng trong 5 năm. Những nỗ lực trên sẽ là tiền đề để công tác phát triển NOXH trong cả nước sẽ tăng tốc bứt phá trong thời gian tới.

6. Thị trường bất động sản vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để lấy đà phục hồi phát triển

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng cùng các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản đã làm việc lần lượt với các địa phương và các doanh nghiệp bất động sản để nghe báo cáo, nắm thông tin, tình hình và rà soát đến từng dự án bất động sản cụ thể để trao đổi, hướng dẫn, giải đáp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.
Cùng với hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật, những giải pháp quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, sự nỗ lực cố gắng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, thị trường bất động sản đã có những chuyển biến tích cực, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

7. Tiếp tục tập trung triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW

Trong năm 2024, Bộ Xây dựng tiếp tục tập trung triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng với kịp thời thế chế hóa Nghị quyết 06-NQ/TW bằng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ, Bộ đẩy nhanh tiến độ thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch, tổ chức thẩm định phân loại, công nhận đô thị. Tính đến hết tháng 11/2024, toàn quốc có 900 đô thị, trong đó có 02 đô thị loại đặc biệt, 21 đô thị loại I, 39 đô thị loại II, 44 đô thị loại III, 97 đô thị loại IV.
Thực hiện các Nghị quyết Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, trong năm 2024, Bộ Xây dụng đã thành lập Tổ công tác chủ động làm việc với 30 tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương để đôn đốc triển khai các quy hoạch chung đô thị, chương trình phát triển đô thị; đã có 22 đơn vị hành chính là thành phố, thị xã thực hiện sắp xếp; 59 thị trấn trên phạm vi 05 tỉnh, thành phố được đề nghị sắp xếp, đáp ứng mục tiêu và kế hoạch đề ra.

8. Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, cung ứng sử dụng vật liệu xanh, vật liệu mới, vật liệu thay thế trong xây dựng công trình

Trên cơ sở tham mưu của Bộ Xây dựng, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển vật liệu xanh, với các cơ chế chính sách phù hợp, nhiều loại vật liệu xanh, vật liệu mới trong nước đã ngày càng được nghiên cứu và phát triển nhiều hơn.. Hiện nay, Bộ Xây dựng đã xây dựng và ban hành hoặc chuyển cho cơ quan có thẩm quyền ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật về xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng theo nhiệm vụ đặt ra tại Quyết định số 452/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm 19 Tiêu chuẩn, 01 Quy chuẩn và 07 Chỉ dẫn kỹ thuật, 03 định mức kinh tế kỹ thuật cho các lĩnh vực: làm nguyên liệu sản xuất xi măng, vữa xây, bê tông, bê tông đầm lăn, gia cố đất làm đường giao thông, tấm thạch cao, tấm tường, vật liệu san lấp. Bộ Xây dựng đã xây dựng Tiêu chuẩn TCVN 13754: 2023 Cát nhiễm mặn cho bê tông và vữa để bảo đảm các yêu cầu về sử dụng cát biển cho các công trình xây dựng.

Chương trình Tuần lễ Công trình xanh đã thành sự kiện thường niên, uy tín của Bộ Xây. Với các chính sách ban hành liên quan đến phát triển vật liệu xanh, số lượng và chủng loại vật liệu xanh ngày càng tăng và đa dạng, đóng góp vào số lượng các công trình xanh tại Việt Nam theo chiều hướng tăng: Năm 2022 có khoảng 200 công trình xanh; Năm 2023 có khoảng hơn 300 công trình xanh; Năm 2024 đã có trên 500 công trình xanh.

9. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử

Bộ đã ban hành Quyết định 926/QĐ-BXD ngày 11/10/2024, phê duyệt Đề án Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2024 – 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án hướng tới mục tiêu từng bước hiện đại hóa hành chính, minh bạch hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến ngành Xây dựng.
Trong công tác cải cách hành chính, Bộ Xây dựng đã thực thi được 8/9 thủ tục hành chính (TTHC) đạt 88%. Bộ đang cung cấp 35 dịch vụ công trực tuyến trên tổng số 119 TTHC thuộc phạm vi quản lý ngành Xây dựng. Bộ thực hiện kết nối toàn diện hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Bộ với hệ thống giám sát, đô lường mức độ cung cấp và sử dụng DVC trực tuyến một cách tự động, đánh giá được kết quả giải quyết TTHC theo thời gian thực (hệ thống EMC).

Bộ cũng triển khai thí điểm ứng dụng GIS trong công khai thông tin quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên cổng thông tin quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị Việt Nam.

10. Triển khai quyết liệt tổng kết Nghị quyết 18 -NQ/TW và Đề án sắp xếp tinh gọn bộ máy

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo Chính phủ tổng kết Nghị quyết 18- NQ/TW , Bộ Xây dựng đã khẩn trương, tích cực làm việc với Bộ Giao thông vận tải để hoàn thiện báo cáo Tổng kết Nghị quyết 18 và dự thảo Đề án Hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ đúng thời hạn.

Trong quá trình triển khai xây dựng Đề án, Bộ Xây dựng nghiêm túc quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và của Ban cán sự Đảng Bộ Xây dựng; nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tạo được sự đồng thuận, nhất trí, cùng vì sự nghiệp và nhiệm vụ chính trị chung; tin tưởng vào sự hợp nhất là sức mạnh và hiệu lực, hiệu quả. Phấn chấn và vững bước, trên bất kỳ cương vị nào cũng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thuỵ AnTCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc

 

 



Nguồn

Exit mobile version