Khác với nhãn long tím, loại xuồng tím trái to gấp đôi, có mùi thơm hơn, được bán giá 130.000 đồng một kg vẫn hút khách.
Chị Hoa, một người bán nhãn ở quận Tân Bình, cho biết xuồng tím cháy hàng liên tục hai tuần qua. “Loại này có nguồn gốc từ cây nhãn xuồng nên hương thơm và vị ngọt đậm đà, hơn hẳn các giống nhãn thông thường. Mỗi kg hiện có giá 130.000 đồng,” chị Hoa nói.
Mức giá này tăng 15-20% so với cùng kỳ năm trước. Còn so với nhãn long tím, giá xuồng tím đắt gấp đôi.
Chị Lan ở Đà Nẵng cũng cho hay loại này rất hút khách, mỗi ngày chị tiêu thụ hết 50 kg. “Nhu cầu cao nhưng lượng hàng khan hiếm. Tôi phải đặt hàng tận các tỉnh miền Tây như Vĩnh Long, Sóc Trăng mới có để giao cho khách,” chị chia sẻ.
Theo chị Lan, mỗi kg nhãn xuồng tím có khoảng 40 trái, trong khi loại long tím tới 60-80 trái. Chúng có vị ngọt và thơm đậm đà nên được khách ưa chuộng,” chị Lan nói thêm.
Anh Ngọc Dương, người thử nghiệm trồng nhãn xuồng tím ở Sóc Trăng, cho biết loại này chưa phổ biến tại địa phương. Sau 4 năm trồng, anh nhận thấy sản lượng xuồng tím không thua kém gì so với nhãn xuồng thường. “Cây ra trái tự nhiên, không cần xử lý kích thích hoa như các giống nhãn khác. Giống này trồng dễ hơn nhãn long tím và chất lượng vượt trội”, anh cho hay.
Vì đang trồng thử nghiệm với số lượng ít, anh Dương chỉ có khoảng hơn một tạ để bán trong vụ này. Cung thấp, cầu cao là nguyên nhân khiến giá nhãn này đắt đỏ.
Ông Nguyễn Văn Phúc, cha đẻ của giống nhãn xuồng tím tại Vĩnh Long, cho hay đã nhân rộng lên 150 gốc theo hướng hữu cơ. Theo ông Phúc, nhãn xuồng tím là kết quả lai tạo giữa nhãn tím và nhãn xuồng. Điểm nổi bật của loại này là trái rất to, vỏ màu tím, cơm dày màu vàng và hạt nhỏ, có thể cho trái quanh năm, năng suất tương đương nhãn xuồng thường.
“Năm nay, tôi thu hoạch hơn một tấn nhãn xuồng tím, được thương lái mua tại vườn với giá 55.000 đồng mỗi kg,” ông Phúc nói. Ngoài việc bán trái, ông Phúc còn cung cấp cây giống với giá 50.000 đồng mỗi cây.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vĩnh Long, diện tích trồng nhãn xuồng tím tại tỉnh này còn rất ít, số lượng người trồng đếm trên đầu ngón tay. Phần lớn bà con vẫn trồng giống nhãn IDO – một giống nhãn có nguồn gốc Thái Lan, vỏ mỏng, cơm dày.
Hồng Châu