Site icon DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU

3.000 bệnh nhân tử vong, hàng chục nghìn người mắc HIV hay viêm gan

Trải qua gần 6 năm điều tra về bê bối truyền “máu bẩn” diễn ra ở Anh trong thập niên 1970 và 1980, Infected Blood Inquiry đã công bố bản báo cáo gây chấn động vào hôm 20/5. Theo đó, khoảng 30.000 người đã bị nhiễm HIV hoặc viêm gan do bị truyền máu nhiễm bệnh hoặc chế phẩm từ máu nhiễm bệnh.

Khoảng 3.000 nạn nhân được cho đã tử vong. Nhiều người khác đến nay vẫn phải chống chọi với những căn bệnh mắc phải do nhận “máu bẩn”. Đây được coi là thảm họa điều trị tồi tệ nhất kể từ khi Cơ quan Y tế Quốc gia của Vương quốc Anh (NHS) được ra đời vào năm 1948.

Một người phụ nữ đang nhìn vào ảnh của các nạn nhân trong bê bối truyền “máu bẩn”. Ảnh: Reuters

Hôm 20/5, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã chính thức gửi lời xin lỗi, đồng thời gọi việc phát hiện bê bối vừa qua là “một ngày đáng xấu hổ”.

Scandal truyền “máu bẩn” diễn ra như thế nào?

Theo BCC, có hai nhóm bệnh nhân do NHS điều trị bị ảnh hưởng bởi vụ bê bối này.

Đầu tiên là những người cần truyền máu do sinh con hay phải trải qua phẫu thuật trong giai đoạn từ 1970 đến 1991.

Nhóm thứ 2 là những người mắc bệnh máu khó đông hoặc một số bệnh về máu hiếm gặp khác. Thời điểm đó, một phương pháp điều trị mới được được áp dụng mang tên Yếu tố VIII (Factor VIII). Được biết, Yếu tố VIII được tạo ra bằng cách trộn huyết tương từ hàng nghìn người hiến tặng. Vì thế, chỉ cần máu của một người hiến tặng nhiễm bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến tất cả sản phẩm được tạo ra.

Yếu tố VIII được tạo ra từ huyết tương. Ảnh: Tổng hợp

Do việc sản xuất Yếu tố VIII cần lượng máu lớn, Vương quốc Anh sớm rơi vào cảnh thiếu hụt. Để giải quyết điều này, họ đã quyết định nhập khẩu máu từ Mỹ. Tuy nhiên, phần lớn lượng máu này được lấy từ nhóm người có nguy cơ cao như tù nhân hoặc người từng sử dụng ma túy.

Thêm vào đó, lượng máu đi mua này còn không được sàng lọc thường xuyên để phát hiện bệnh viêm gan C. Cho đến năm 1991, quy trình này mới bắt đầu được thực hiện.

Hệ quả, hàng chục nghìn người nhiễm bệnh do được truyền “máu bẩn” hoặc các chế phẩm từ “máu bẩn”. Theo thống kê, khoảng 27.000 người đã mắc viêm gan C. Hàng trăm người mắc HIV. Khoảng 380 trẻ em mắc HIV, viêm gan C hoặc cả hai khi điều trị bệnh máu khó đông. Suốt thời gian dài, họ không biết bản thân bị mắc bệnh. Một số còn truyền bệnh cho người thân của mình.

Thảm kịch đáng lẽ đã có thể ngăn chặn

Vào giữa những năm 1970, xuất hiện những bằng chứng cho thấy những người được điều trị máu khó đông bằng phương pháp mới có khả năng viêm gan cao hơn. Năm 1953, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo về nguy cơ viêm gan từ việc sử dụng các sản phẩm từ huyết tương đồng thời kêu gọi các nước không nhập khẩu sản phẩm này.

Tuy nhiên, NHS do không đủ nguồn cung vẫn quyết định tiếp tục sử dụng nguồn máu nhập khẩu. Theo Guardian, một số bác sĩ và chuyên gia thậm chí lập luận rằng nguy cơ bệnh nhân tử vong do mất máu sẽ cao hơn do viêm gan. Những người này đánh giá thấp những tổn thương gan mà căn bệnh viêm gan B và viêm gan C gây ra.

Một số người khi đó đề xuất việc điều trị chống đông máu bằng phương pháp Cryoprecipitate. Phương pháp này được cho khó thực hiện hơn nhiều nhưng được tạo ra từ huyết tương của một người hiến tặng, làm giảm rủi ro nhiễm bệnh. Tuy nhiên, đề xuất này cũng không được chấp nhận.

Những người tập trung tại London ngay trước thời điểm báo cáo được Infected Blood Inquiry công bố. Ảnh: PA

Bên cạnh đó, Chính phủ Anh cũng nhận được cảnh báo về việc HIV có thể lây truyền qua các sản phẩm máu. Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Y tế Ken Clarke khi đó phản bác, cho rằng giả thuyết này thiếu “bằng chứng thuyết phục”.

Theo kết quả điều tra từ Infected Blood Inquiry, scandal “máu bẩn” đáng lẽ đã có thể ngăn chặn sớm hơn và để lại ít hậu quả hơn nếu không có sự bất cẩn của NHS cùng những người có liên quan khác.

Nỗi đau của những nạn nhân

Khi được hỏi, những nạn nhân của scandal “máu bẩn” thừa nhận kết quả điều tra của Infected Blood Inquiry chỉ là sự xác nhận cho “sự thật đã biết từ lâu”.

Richard Warwick đã bị nhiễm HIV và 2 chủng viêm gan khi đến điều trị bệnh về máu. Ông là một trong 120 học sinh mắc bệnh máu khó đông tại trường Treloar và được khám chữa trong thập niên 1970 và 1980. Ít nhất 72 người trong số này đã chết sau khi bị truyền chế phẩm từ máu nhiễm bệnh tại một trung tâm do NHS điều hành.

Là một trong những người còn sống sót, Richard giờ phải vật lộn với bệnh tật. “Chúng tôi đã mất rất nhiều người bạn. Thật đau lòng khi chứng kiến điều đó”, ông thừa nhận.

Một nạn nhân đi chữa bệnh máu khó đông từ năm 9 tuổi nhưng sau đó bị mắc HIV và viêm gan C. Anh qua đời khi mới 21 tuổi. Ảnh: Reuters

Nick Sainsbury, không thể chờ đến ngày báo cáo được công bố. Hồi năm ngoái, ông đã qua đời ở tuổi 59 sau khi bị nhiễm HIV và viêm gan C trong quá trình chữa bệnh máu khó đông.

“Tôi nghĩ công bằng cần được thực thi nhanh nhất có thể. Nhiều người đến nay vẫn đang chết mòn và họ cần được chăm sóc cẩn thận trong suốt phần đời còn lại. Đó là thứ mà chúng ta mong nhận được sau khi báo cáo vừa qua được công bố”.

Theo Reuters, Chính phủ Anh dự định bồi thường khoản tiền 10 tỷ bảng (12,7 tỷ USD) cho các nạn nhân cùng nhân thân của họ trong vụ bê bối máu bẩn. Tuy nhiên, lộ trình và cách thức bồi thường chưa được công bố.

Nguồn

Exit mobile version