Bất Động Sản

50 năm phát triển kiến trúc Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh nhìn qua lăng kính màu sắc

Ảnh: Nguyễn Công Thử

Trong hành trình phát triển không ngừng nghỉ suốt nửa thế kỷ qua, Sài Gòn – TP.HCM đã khoác lên mình những lớp áo kiến trúc đầy biến đổi, phản ánh nhịp sống đô thị và dòng chảy thời đại. Trong buổi trò chuyện cùng Tạp chí Kiến trúc, ông Trần Văn Châu – CEO Paint & More – đã chia sẻ những suy ngẫm về kiến trúc và màu sắc Sài Gòn – TP.HCM trong 50 năm qua, dưới lăng kính của một người “dân ngoại đạo” về kiến trúc nhưng mang trong mình cảm nhận rất nghệ sĩ. Bằng cách chia thành ba giai đoạn lịch sử rõ nét, ông không chỉ nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của màu sắc trong kiến trúc đô thị, mà còn gợi mở một cái nhìn sâu sắc hơn về cảm xúc không gian sống, bản sắc văn hóa, và cả tinh thần của thời đại.

Trần Văn Châu – CEO Paint & More: Nhìn lại sự phát triển kiến trúc của Sài Gòn- TP.HCM 50 năm qua ta thấy đó là một bức tranh thay đổi không ngừng mà “kiến trúc là hình hài” còn “màu sắc là cảm xúc”.

Chúng tôi là “dân ngoại đạo” về kiến trúc nhưng có gần 20 năm sinh sống làm việc tại Âu Châu và gần 15 năm ở Mỹ trước lúc về lại Sài Gòn- TP.HCM năm 2007 xây dựng công ty Paint & More. Chúng tôi có cơ hội làm việc với các anh chị em kiến trúc sư, nhà thiết kế và các nghệ sĩ làm sơn hiệu ứng mỹ thuật. Thực tế đó giúp chúng tôi có một góc nhìn đan xen nhiều chiều.

Tại từng thành phố lớn trên thế giới mà chúng tôi được sống, được đi qua, chúng tôi luôn cảm nhận được “màu” của từng thành phố, không chỉ bằng mắt mà bằng cảm xúc. Mỗi nơi như có một bảng màu riêng rất đặc trưng.

  • Rome có màu nâu trầm của gạch cổ, màu cam của ánh hoàng hôn chiếu trên các bức tường và màu cổ kính biểu tượng của một thời Hy Lạp, La Mã Cổ Đại.
  • Florence là cái nôi của kiến trúc Phục Hưng với những gam màu vàng mật ong của tường nhà, màu đỏ sẫm của các mái vòm nhà thờ và sắc lam nhạt thơ mộng của sông Arno vào những buổi sáng sớm.
  • Venice được bao phủ bởi hàng trăm kênh đào qua sự phản chiếu ánh sáng cho ra màu nước bạc, hòa với những căn nhà đủ màu sắc như vàng, hồng, xanh dương, cùng màu rỉ sét của thời gian bám trên tường gạch cũ.
  • Paris được mệnh danh là kinh đô ánh sáng của Tây Âu với gam màu xám bạc phản chiếu từ các tòa nhà màu xám, trắng nhạt hay điểm xuyến màu xanh olive của những cánh cửa gỗ, màu vàng kem của cát dọc bên bờ dòng sông Seine ngả qua hồng nhạt khi hoàng hôn về.
  • London có màu xám u sầu của sương mù và mưa, màu đỏ tươi của những chiếc bus 2 tầng, màu xanh đậm của những công viên cổ kính và nâu trầm của những bức tường theo phong cách kiến trúc Edwardian.
  • Budapest, kinh đô mỹ lệ của Đông Âu có màu vàng hoàng gia của cung điện, màu xanh lên ten (green patina) của các mái vòm thánh đường và sắc nâu đỏ lãng mạn của sông Danube khi trời chạng vạng.
  • New York là màu thép xám bạc, vàng rực taxi, đen tuyền của những con đường ướt mưa và ánh đèn neon của đêm Times Square.
  • San Francisco có màu cam đỏ của cầu Golden Gate, xanh lơ rất nhạt của sương mù, pastel nhã nhặn của các căn nhà Victorian trên những con đường đồi dốc và trắng sáng của nắng California.
  • Washington DC lại tỏa một màu trắng kem của điện Capitol, xanh đậm của những công viên quốc gia National Park và sắc nâu trang nghiêm của những tượng đài tưởng niệm.
  • San Jose mang màu beige yên ả của những thập niên trước đó, nhưng nay đã chuyển qua các màu sắc cam- xanh lá- đỏ rực rỡ từ cộng đồng Latin tạo thành những gam màu sống động đa văn hóa.

Thật tuyệt vời khi có dịp liên tưởng về những nơi chốn ấy và chúng tôi đã chia sẻ với bạn đọc Kiến Trúc & Đời Sống qua bài “Âu Châu – 10 thành phố có màu sắc ấn tượng” trước đây. Yếu tố nổi bật của từng thành phố gợi cho ta nhớ về màu sắc và các biểu tượng của nó là nhờ có sự kế thừa quá khứ cũng như cách nó tiếp diễn với các công trình đương đại làm nên sắc thái riêng cho từng địa phương.

Sài Gòn- TP.HCM cũng vậy, 50 năm qua, sự phát triển kiến trúc và màu sắc của thành phố này không khỏi ít nhiều chịu ảnh hưởng từ phong cách kiến trúc Indochine (mà nhà báo Phúc Tiến gọi là Pháp-Đông Dương) và kiến trúc hiện đại (như nội dung 2 tập sách của Mel Schenck & Alexandre Garel đã đề cập). Bởi những đặc tính trong kiến trúc đương đại chỉ có thể tồn tại bền vững khi nó thật sự tôn trọng những giá trị cốt lõi, cội nguồn từ văn hóa, lịch sử, nghệ thuật trên mảnh đất đó.

Và đó là quy luật bởi chúng tôi thiết nghĩ, nếu kiến trúc không phục vụ con người thì nó chỉ là một sự phô diễn sáo rỗng và sớm muộn gì nó cũng bị đào thải.

Nếu ví kiến trúc là “tấm áo” thì sơn hay màu sắc được nhìn nhận là “màu da” của từng công trình. Sài Gòn- TP.HCM 50 năm qua đã khoác lên lớp áo trong từng giai đoạn lịch sử với những nét riêng. Với giới kinh doanh sơn thì màu sắc là cảm xúc của ký ức và chúng tôi mạn phép chia 50 năm đó thành 3 thời kỳ.

Giai đoạn từ 1975 đến 1990

Đây là lúc mà những công trình được xây dựng có công năng chính cho nhà ở tập thể với vật liệu chủ đạo là gạch, xi măng, hay những biệt thự cổ kính, khách sạn, tòa nhà từ thời Pháp thuộc được trưng dụng làm trụ sở, làm văn phòng hoặc chia nhỏ cho phù hợp nhu cầu. Tư duy thiết kế lúc đó chỉ là tiện dụng, tiết kiệm nên màu sắc chỉ là những tông màu ảm đạm, từ mái ngói nâu trầm đến vôi vữa xám bạc. Màu sắc thời đó ít được quan tâm nên tông màu thường là trắng, xám và vàng đất.

Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn dưới lăng kính thời gian, Sài Gòn- TP.HCM thật ra đã có giai đoạn chuyển mình đáng chú ý mà màu sắc, dù bị xem nhẹ, vẫn phản ánh trung thực dòng chảy của lịch sử đô thị.

Giai đoạn 1990 đến 2010: Khi màu sắc bắt đầu lên tiếng

Thập niên 90 là thời kỳ đổi mới, mở cửa không chỉ trong kinh tế mà cả ở tư duy thẩm mỹ đô thị. Kiến trúc bắt đầu thoát khỏi khuôn mẫu khô cứng, hướng đến sự đa dạng, tiện nghi và phần nào đó thể hiện cái tôi cá nhân. Và màu sắc, lần đầu tiên sau nhiều năm, được phép lên tiếng.

Năm 1995 Việt- Mỹ bình thường hóa quan hệ. Năm 1995, KTS Hồ Thiệu Trị bắt tay cải tạo Nhà Hát lớn ở Hà Nội. Đây là giai đoạn người Việt bắt đầu sơn nhà mình không chỉ để “che phủ” mà còn để “thể hiện”. Các dự án lớn từ các nhà đầu tư và thiết kế từ nước ngoài như khách sạn 5 sao, cao ốc văn phòng, chung cư cao cấp bắt đầu dùng các gam màu lạnh (xám, trắng, xanh lơ), xen lẫn những mảng màu nổi bật như cam, đỏ đất hoặc xanh cổ vịt để tạo điểm nhấn.

Thời kỳ này cũng đánh dấu bước chuyển của ngành sơn, từ vôi truyền thống sang sơn nước, sơn phủ ngoại thất cao cấp. Màu sắc không còn là yếu tố phụ mà trở thành một phần của ngôn ngữ kiến trúc. Một trong những dự án tiêu biểu là Saigon Pearl, nơi chúng tôi giới thiệu dòng sơn chống nứt Elastomeric với công nghệ Mỹ, không chỉ để bảo vệ mà còn làm nổi bật sự sang trọng qua sắc vàng nhạt đặc trưng trong năm 2008.

Màu sắc của thời kỳ này là tổng hợp của hiện đại và cầu thị: tông màu lạnh, trung tính và khát khao hòa nhập với những đô thị quốc tế. Nó như lời chào đầu tiên của thành phố này với thế giới.

Giai đoạn 2010 đến 2025: khi màu sắc trở thành cảm xúc

Sau 2010, xu hướng toàn cầu về kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững và bản sắc địa phương bắt đầu thấm dần vào tư duy thiết kế ở Sài Gòn- TP.HCM. Không gian sống không chỉ để ở mà còn để cảm. Và trong thế giới cảm xúc đó, sơn hiệu ứng mỹ thuật xuất hiện như một chất liệu mới mẻ, giúp nội thất thoát khỏi sự đơn điệu công nghiệp của đá, giấy dán tường hay sơn truyền thống.
Khác với sơn truyền thống, sơn hiệu ứng mỹ thuật có khả năng mô phỏng, lột tả được các chất liệu tự nhiên như đá cẩm thạch (Venetian Plaster), nhũ ánh kim, sơn giả bê tông, kim loại rỉ sét, rỉ đồng (Metal Effects), da thuộc (Antiqued leather), hay thậm chí là hiệu ứng Linen, Stríe, Sponging, Frottage… (gọi chung là Faux Finishing). Tuy nhiên, hiệu ứng của nó còn tùy vào ánh sáng, góc nhìn và bàn tay nghệ nhân để mỗi bức tường sẽ trở thành một tác phẩm nghệ thuật sống động.

Paint & More (tiền thân là Kelly- Moore) là một trong những đơn vị đầu tiên đưa dòng sơn hiệu ứng Modern Masters (USA) vào Việt Nam. Modern Masters được giới thiệu tại Hội Kiến trúc sư TP.HCM năm 2009. Sau đó Paint & More mời nghệ sĩ Kelly King vừa là họa sĩ, điêu khắc gia và nhà đặc chế ra các dòng sơn hiệu ứng mỹ thuật từ Mỹ về hướng dẫn các lớp tại Việt Nam vào năm 2010, 2011 cũng như tham dự triển lãm VietArc thời đó. Các công trình như khách sạn Marriott tại Hà Nội, BaNa Hill, Intercontinetal, Novotel… tại Đà Nẵng, MGM/Grand Hồ Tràm và rất nhiều công trình khác tại Sài Gòn- TP.HCM mà chúng tôi luôn đồng hành cùng với các công ty như AA, TTT,… để sử dụng dòng sơn này. Điều đáng nói là trong hơn 15 năm thực hiện sơn hiệu ứng mỹ thuật, chúng tôi luôn đi chung với KTS Nguyễn Đình Giới qua những công trình anh thực hiện ở Phú Mỹ Hưng Q7, Thảo Điền/Q2, và tại Q1, Q3,…

Điều kỳ diệu của sơn hiệu ứng mỹ thuật là nó có thể biến sản phẩm mới thành cổ kính, sản phẩm cũ thành hiếm quý và cái hay là nó phản ánh được cá tính của chủ nhân. Đó là khi màu sắc không chỉ là một lớp phủ mà là một trạng thái nội tâm trong tổ chức không gian sống.

Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, khi con người nhìn lại sự mong manh của đời sống và bắt đầu tái định nghĩa khái niệm “an toàn” và “bền vững”, thì màu sắc cũng không đứng ngoài cuộc. Các tông màu thân thiện với môi trường như xanh olive, be cát, trắng mờ, nâu đất và các màu sắc nghiêng về thiên nhiên ngày càng phổ biến trong thiết kế nội thất và vật liệu sơn. Cũng trong thời gian 2020- 2021, chúng tôi đã đặc chế ra dòng sơn OneCoat – Zero VOC – không mùi

Không ít người sau COVID đã chọn không gian sống tĩnh lặng, quay về sự giản dị, cân bằng, gần gũi với thiên nhiên trầm ấm hơn, nơi bức tường, từng gam màu đóng vai trò như một “liệu pháp cảm xúc”. Màu sắc không chỉ đẹp mà còn phải sống được với con người, theo đúng tinh thần “House to Home” mà chúng tôi đã từng chia sẻ trong hội thảo tại C- Space vào giữa năm 2022.

(c) Tạp chí kiến trúc

 



Nguồn