Thương Hiệu

5 giải pháp xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị xuất khẩu

Thủy sản Việt Nam vẫn vững chân tại nhiều thị trường. Nguồn: VASEP.

Ngày 20/4 được Thủ tướng Chính phủ chọn là “Ngày Thương hiệu Việt Nam” nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu và hình ảnh quốc gia, thương hiệu Việt Nam thông qua sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, qua đó góp phần phát triển ngoại thương, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và giá trị Thương hiệu Quốc gia trên trường quốc tế.

Xuất khẩu quý 1 tiếp tục đà “hưng phấn”

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/3, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2024 ước đạt 65,09 tỷ USD, tăng 35,6% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung quý 1/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%; nhập khẩu tăng 13,9%.

Cụ thể, về xuất khẩu, trong tháng 3/2024 ước đạt 34,01 tỷ USD, tăng 37,8% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,54 tỷ USD, tăng 51,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 24,47 tỷ USD, tăng 33%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3/2024 tăng 14,2%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 21,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 11,7%.

Tính chung quý 1/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 25,21 tỷ USD, tăng 26,2%, chiếm 27,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 67,85 tỷ USD, tăng 13,9%, chiếm 72,9%.

Trong quý 1/2024 có 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 82,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 04 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,7%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu quý I/2024, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 1,18 tỷ USD, chiếm 1,3%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 82,02 tỷ USD, chiếm 88,1%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 8 tỷ USD, chiếm 8,6%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 1,86 tỷ USD, chiếm 2%.

Từ chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2024 ước đạt 31,08 tỷ USD, tăng 33,4% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,83 tỷ USD, tăng 36,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 20,25 tỷ USD, tăng 31,6%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2024 tăng 9,7%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 2,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13,7%.

Tính chung quý 1/2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 84,98 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 29,7 tỷ USD, tăng 14,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 55,28 tỷ USD, tăng 13,6%.

5 giải pháp xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị xuất khẩu

5 giải pháp xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị xuất khẩu

Lãnh đạo Bộ Công Thương kỳ vọng, các hoạt động trên sẽ giúp nâng cao nhận thức trong đại chúng và cộng đồng doanh nghiệp về Chương trình THQG Việt Nam và các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG Việt Nam. Đồng thời, hỗ trợ trang bị thêm kiến thức cho cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển thương hiệu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, Phó Trưởng Ban Thư ký Chương trình THQG Việt Nam – cho biết, Chính phủ đã phê duyệt 12 nhóm sản phẩm quốc gia Việt Nam. Tại kỳ xét chọn lần thứ 8 năm 2022, tổng số có 172 doanh nghiệp với 355 sản phẩm được xét chọn THQG Việt Nam. Đối với sản phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trong nước và quốc tế, có tổng cộng gần 4.600 sản phẩm đã được bảo hộ trong nước và quốc tế.

Để tiếp tục xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực của Việt Nam, trong năm 2024 và các năm tiếp theo, ông Hoàng Minh Chiến nêu ra 5 giải pháp mà Bộ Công Thương đề xuất.

Thứ nhất, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm là trách nhiệm chung của toàn xã hội, không phải của một bộ, ngành, địa phương hay tổ chức nào.

Thứ hai, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng cần tổ chức rà soát, tổng kết, đánh giá lại tình hình triển khai các chương trình, đề án phát triển thương hiệu sản phẩm đã ban hành từ trước đến nay để cập nhật, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Thứ ba, quan tâm các hoạt động nâng cao năng lực xây dựng, phát triển thương hiệu cho các chủ thể liên quan, trong đó chú trọng các vấn đề cốt lõi là: Sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, có tính đổi mới, sáng tạo và năng lực tiên phong trên thị trường; sản xuất sản phẩm phải đồng đều, ổn định và có tính bền vững; kinh doanh phải có văn hóa, đạo đức và uy tín.

Thứ tư, cần đẩy mạnh việc hỗ trợ đăng ký, bảo hộ thương hiệu và các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở thị trường quốc tế, trong đó tập trung vào các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Cuối cùng, việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm phải được thực hiện đồng thời cả ở 3 cấp độ: THQG, thương hiệu vùng miền, địa phương và thương hiệu doanh nghiệp.



Nguồn