Thương Hiệu

Làm gì để phát triển hạt gạo Việt Nam bền vững?

Năm 2024, ngành gạo Việt Nam đã tạo dấu ấn đặc biệt với sản lượng xuất khẩu trên 9 triệu tấn.

Sáng 4/4, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ tổ chức Hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới”, với mục tiêu đưa ra các giải pháp và chiến lược mới cho ngành lúa gạo trong bối cảnh thị trường và công nghệ đang có những thay đổi mạnh mẽ.

Khẳng định vị thế hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới

Năm 2024, ngành gạo Việt Nam đã tạo dấu ấn đặc biệt với sản lượng xuất khẩu trên 9 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 5,75 tỉ USD, giữ vững vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng, mở ra kỳ vọng cho một năm mới tiếp tục gặt hái thành công.

Trong cơ cấu xuất khẩu gạo của Việt Nam, gạo chất lượng cao có tỉ trọng lớn, chiếm 60 – 70%. Gạo cao cấp có thương hiệu chiếm khoảng 15% và khoảng 10 – 15% là gạo cấp thấp.

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết, ngành hàng lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua đã đạt nhiều thành tựu to lớn, đóng góp 50% sản lượng lúa và hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu, là vùng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Bên cạnh những thuận lợi, sản xuất lúa cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 là cơ hội và giải pháp để tiếp tục thúc đẩy ngành hàng lúa gạo phát triển.

Còn ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, xuất khẩu gạo đang trên đà phát triển mạnh mẽ, thể hiện qua số liệu xuất khẩu ấn tượng và định hướng nâng cao giá trị sản phẩm.

Theo ông Nam, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh, từ 6 triệu tấn những năm trước lên 7,5 triệu tấn năm 2022 và vượt lên 9,18 triệu tấn năm ngoái, doanh thu trên 5,7 tỷ USD. Ngoài lúa gạo của Việt Nam, các doanh nghiệp còn nhập khẩu lúa từ Campuchia với khoảng 3 triệu tấn năm 2023 và 3,8 triệu tấn năm 2024.

Ước tính tổng lượng gạo xuất khẩu trong quý I năm nay đạt 2.250.160 tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đang có sự chuyển dịch tích cực, với xu hướng tăng tỉ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản và các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao.

Ông Đỗ Hà Nam kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ về chính sách tài chính, cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu lương thực, trong đó có gạo.

Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng và giá trị gạo xuất khẩu, hướng tới việc giảm tỉ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình, đồng thời tăng tỉ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản. Cụ thể, đến năm 2025, tỉ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình sẽ giảm xuống không quá 15%, trong khi tỉ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản sẽ tăng lên khoảng 40%.

Đến năm 2030, các mục tiêu này còn tham vọng hơn, với tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình không quá 10% và tỉ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản khoảng 45%.

Liên kết chuỗi để phát triển bền vững

Làm gì để phát triển hạt gạo Việt Nam bền vững?
Các đại biểu tham dự Hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới” – Ảnh: VGP

TS. Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng Lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) cho rằng, muốn phát triển hạt gạo Việt Nam bền vững phải liên kết theo chuỗi đã được chứng minh bằng kết quả tích cực thực hiện 7 mô hình thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, tăng trưởng xanh tại 6 tỉnh, thành vùng ĐBSCL giai đoạn 2024-2025.

Mục tiêu chính của đề án là giữ vững vai trò nòng cốt của sản xuất lúa gạo trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; phát triển nông nghiệp ĐBSCL theo hướng bền vững, thuận thiên và nâng cao thu nhập cho người trồng lúa; tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng, áp dụng quy trình canh tác bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế về bảo vệ môi trường.

“Hỗ trợ cho bà con nông dân để tăng sức chống chịu trước những biến động thị trường là mục tiêu lớn nhất của Đề án”, ông Tùng nhấn mạnh.

Để đạt được những mục tiêu này, Đề án tập trung vào các hoạt động chính như: Nâng cấp cơ sở hạ tầng và cải thiện các trung tâm hậu cần; đổi mới sáng tạo và cải tiến các gói kỹ thuật dựa trên kỹ thuật 1P5G.

Hỗ trợ tái tổ chức sản xuất nông hộ thông qua tăng cường các tổ chức nông dân và hợp tác xã; đào tạo và chuyển giao công nghệ cho nông dân về canh tác bền vững, quản lý trang trại, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và các lĩnh vực liên quan đến giám sát, báo cáo và thẩm định tín chỉ carbon (MRV).

Đồng thời, huy động các nguồn lực tài chính và kỹ thuật trong nước và quốc tế; phát triển thị trường gạo carbon thấp, bao gồm xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường cho gạo carbon thấp của ĐBSCL và Việt Nam.

Cải thiện hệ sinh thái trong nước để hỗ trợ chuyển đổi ngành lúa gạo, bao gồm khả năng tiếp cận tài chính, cơ chế chi trả carbon và cơ chế chia sẻ lợi ích…



Nguồn