Kinh Tế

Ngành dệt may khuyến cáo doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên phụ liệu

Tại triển lãm, các hiệp hội ngành dệt may cho hay, vấn đề thời sự nhất mà các doanh nghiệp đang quan tâm là mức thuế đối ứng 46% của Mỹ áp cho hàng hóa Việt Nam. Theo Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM, đây là mức thuế quá cao, cao hơn nhiều so với dự báo. Các doanh nghiệp một mặt trông chờ vào đàm phán từ chính phủ, về phía các doanh nghiệp, trong thời gian tới, sẽ phải tính toán lại cán cân thương mại với Mỹ. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp có kế hoạch gia tăng nhập bông từ Mỹ, đồng thời đáp ứng yêu cầu nguồn gốc xuất xứ…

Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) TP.HCM thông tin, ngành dệt may hiện chiếm 12 – 16% kim ngạch xuất khẩu cả nước; nằm trong top 8 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỉ USD, đưa Việt Nam vượt qua Bangladesh, trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt gần 44 tỉ USD; năm 2025, Bộ Công thương đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng từ 10 – 12% so với năm 2024. Riêng mục tiêu xuất khẩu của ngành dệt may là từ 47 – 48 tỉ USD.

Thách thức lớn nhất của ngành này, theo đại diện VCCI là thiếu hụt nguồn lao động, vấn đề đơn hàng, nguyên phụ liệu có nguồn gốc xuất xứ theo yêu cầu của các FTA, rào cản thương mại mới của các thị trường truyền thống…

Doanh nghiệp ngành dệt Việt tham gia SaigonTex – SaigonFabric 2025

“Để vượt qua những khó khăn này, các doanh nghiệp trong ngành cần đẩy mạnh liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ, tự động hóa và xanh hóa nhà máy từ nguyên liệu, nhiên liệu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu”, ông Liêm nhấn mạnh.

Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam – cho rằng, ngoài việc chủ động tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp dệt may đã chủ động tái cấu trúc bộ máy theo hướng tinh gọn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo vào quy trình quản trị và sản xuất. Nhờ đó, doanh nghiệp đã tự động hóa nhiều khâu sản xuất, giảm phụ thuộc vào lao động thủ công, nâng cao năng suất mà không cần mở rộng quy mô nhân sự, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng…

Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt và may – thiết bị, nguyên phụ liệu và vải 2025 (SaigonTex – SaigonFabric 2025) diễn ra từ ngày 9 – 12.4, tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn. Triển lãm do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM (VCCI-HCM), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM (Agtek), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), CP Exhibition Ltd (Hong Kong) và Công ty TNHH tổ chức triển lãm CP Việt Nam bảo trợ và đồng tổ chức.

Nguồn