Kinh Tế

Điều kiện kinh doanh – “bức tường” gần như được phá băng tại Nghị quyết 68

Nhiều điều kiện kinh doanh sẽ được gỡ bỏ, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. (Ảnh: Int)

Đây là chia sẻ của bà Bùi Thu Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục Phát triển kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính, tại Toạ đàm “Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 – những việc cần làm ngay”.

Bà Bùi Thu Thủy cho biết, Nghị quyết Trung ương 10 từ năm 2017 đã ghi rõ nguyên tắc “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế”. Nhưng đến nay, thực tiễn vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc cụ thể hóa tinh thần đó. Nghị quyết lần này đã có bước tiến quan trọng, với những mô tả chi tiết hơn, trong trường hợp chưa rõ ràng (“50-50”) thì kiên quyết không hình sự hóa.

“Khi Bộ Tài chính tham gia xây dựng Nghị quyết, ban đầu rất lo ngại rằng những đề xuất mạnh mẽ như vậy sẽ không được chấp thuận. Nhưng lần này, có sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, đặc biệt là bài viết của Tổng Bí thư như kim chỉ, tiếp thêm niềm tin và quyết tâm cho chúng tôi. Có thể khẳng định, nghị quyết lần này có tính đột phá cao hơn hẳn các lần trước”, bà Thuỷ nói.

Đơn cử như về điều kiện kinh doanh – một “bức tường” rất khó tháo gỡ – thì nay nghị quyết nêu rõ: “Chuyển toàn bộ sang công bố, không để các bộ, ngành tự đặt thêm điều kiện, trừ các lĩnh vực liên quan đến quốc phòng, an ninh và sức khỏe người dân”. Đây là một đột phá thực sự, gần như bức tường được phá băng.

Một điểm rất quan trọng là niềm tin. Lần này, Đảng và Chính phủ đã thể hiện sự tin tưởng sâu sắc đối với khu vực tư nhân. Trước đây, trong thực tế, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI thường được ưu tiên hơn so với doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong tiếp cận tín dụng. Có thời kỳ, doanh nghiệp nhà nước được tín chấp, không cần tài sản thế chấp vẫn vay được vốn, trong khi doanh nghiệp tư nhân thì vô cùng khó khăn.

Nghị quyết lần này khẳng định rõ ràng yêu cầu bình đẳng giữa các khu vực kinh tế trong cơ hội kinh doanh, tiếp cận nguồn lực… Không chỉ dừng ở trên nghị quyết, điều này sẽ được thể chế hóa bằng các giải pháp cụ thể. Nếu vẫn có hành vi phân biệt đối xử, người thực hiện phải chịu trách nhiệm. “Chúng tôi tin rằng việc thực thi sẽ là yếu tố quyết định thành công”, bà Thuỷ nhấn mạnh.

Ông Phan Chí Hiếu, Đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế chia sẻ, Nghị quyết 68 nổi lên mấy từ không phải là “đơn giản”, cũng không phải là “sửa đổi” mà ở đây là thể hiện rất mạnh là “bãi bỏ”, “cắt giảm”, có nghĩa là chúng ta phải bỏ, phải cắt đi, tức là một quy định không tốt thì không phải là chúng ta sửa để cho nó tốt hơn một chút mà quy định đấy không tốt thì bãi bỏ. Tinh thần này rất khác với trước đây và tương đồng với kinh nghiệm cải cách thể chế ở các nước.

“Chúng ta phải hiểu là không phải chỉ thủ tục hành chính, nếu như luật nào, nghị định nào không còn cần thiết thì phải bãi bỏ cả đạo luật, cả nghị định. Tinh giảm luật lệ – đấy là cái tinh thần thứ nhất”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Tinh thần thứ hai, là câu chuyện thực thi pháp luật. Việc xử lý trách nhiệm của doanh nghiệp dùng những biện pháp phù hợp với tính chất của vụ việc kinh tế. Xử lý vụ việc mang tính chất kinh tế, hành chính thì phải tách bạch với hình sự.

Khi xử lý phải tách bạch giữa tài sản, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của cá nhân người quản lý doanh nghiệp và doanh nghiệp. Có những vụ việc thì khi xử lý một cá nhân vô hình chung chúng ta đánh đồng với cả doanh nghiệp và dẫn đến việc không phân biệt được đâu là tài sản cá nhân, đâu là tài sản của doanh nghiệp, nên dẫn đến xử lý một cá nhân làm ảnh hưởng đến cả hoạt động của doanh nghiệp.

Lần này Nghị quyết quy định rất rõ. Các phương tiện thông tin, báo chí khi đưa tin các vụ việc cũng phải hết sức cẩn trọng, tránh đánh đồng một người quản lý doanh nghiệp, với một doanh nghiệp, với hình ảnh, thương hiệu của một doanh nghiệp hoạt động toàn cầu.

Về tư tưởng thứ ba trong cải cách thể chế, nếu bây giờ bỏ quy định, luật lệ, nhiều người sẽ hỏi: Thế thì quản lý nhà nước bằng gì? Ở đây chúng ta phải hiểu rõ Nghị quyết 68 thay đổi tư duy quản lý nhà nước, sử dụng những công cụ phù hợp cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Thế thì công cụ quản lý nhà nước hiệu quả đã được chứng minh là gì? Đó là không phải ngồi ở bàn giấy cấp ra một giấy phép, chứng nhận một sản phẩm đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Vấn đề là phải giám sát sản phẩm được bán ra thị trường. Vậy thay vì chúng ta ngồi bàn giấy cấp giấy phép thì tại sao không dành thời gian đi giám sát và kiểm soát thực sự chất lượng của sản phẩm. Nếu như chúng ta làm như vậy thì tôi nghĩ rằng là một số vụ việc vừa qua cũng có thể tránh được.


Theo Dương Trang

Nguồn