Kinh Tế

Kiểm toán nhà nước chỉ ra bất cập trong quản lý ngân sách, chi tiền lương ở địa phương

Cấp thừa kinh phí cải cách tiền lương

Liên quan đến quản lý ngân sách địa phương (NSĐP), Kiểm toán nhà nước (KTNN) cho biết đã thực hiện hàng nghìn cuộc kiểm toán trong những năm qua. Đáng lưu ý, qua kiểm toán phát hiện nhiều hạn chế, tồn tại, bất cập trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công tại địa phương.

Cụ thể, về quản lý thu Ngân sách nhà nước (NSNN), qua kiểm toán có tình trạng phổ biến là các địa phương thường lập dự toán thu thấp hơn khả năng thu thực tế; phân cấp nguồn thu cho ngân sách cấp huyện không đủ để ngân sách cấp huyện chủ động thực hiện những nhiệm vụ chi được giao, dẫn tới tình trạng hầu hết các huyện, kể cả các thành phố trực thuộc tỉnh cũng phải nhận trợ cấp cân đối từ ngân sách cấp tỉnh.

Ảnh minh họa

Theo cơ quan kiểm toán, công tác quản lý thu tại một số cơ quan thuế còn tình trạng: Một số cuộc thanh tra, kiểm tra xử lý kết quả thanh, kiểm tra không phù hợp quy định; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế qua một số kết quả thanh tra, kiểm tra chưa đầy đủ, chưa kịp thời; còn tình trạng chậm lập biên bản kiểm tra, thanh tra hoặc lập chưa đúng mẫu; thời gian thanh tra, kiểm tra vượt quy định…

Về quản lý chi NSNN, qua kiểm toán cho thấy, các địa phương còn tình trạng giao dự toán chi cho ngân sách cấp dưới và các đơn vị dự toán cấp tỉnh chưa tuân thủ định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên; giao dự toán cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo định mức, mà không căn cứ vào dự toán chi và nguồn thu sự nghiệp của đơn vị.

Thậm chí, có địa phương giao dự toán tiền lương theo hệ số lương bình quân, cao hơn mức trung bình của lương thực tế theo cấp bậc, chức vụ, dẫn tới thừa kinh phí; cấp thừa kinh phí cải cách tiền lương , có trường hợp cấp thêm kinh phí cho các đơn vị sự nghiệp công lập để chi thu nhập tăng thêm không đúng quy định…

Dự án tính sai khối lượng, áp sai định mức, đơn giá

Về quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển , qua kiểm toán cho thấy, các dự án đầu tư công được duyệt còn nhiều hạn chế, sai sót, như: Xác định quy mô, giải pháp thiết kế không hợp lý, không phù hợp với quy định, dẫn đến phải điều chỉnh dự án, kéo dài thời gian đầu tư và làm tăng chi phí.

Bên cạnh đó, nhiều dự án tính sai khối lượng, áp sai định mức, đơn giá, xác định cấp đất, cấp đá, cự ly vận chuyển không chính xác, giải pháp thi công không hợp lý làm dự toán được duyệt, dự toán trúng thầu tăng cao không hợp lý, gây lãng phí, thất thoát.

Không chỉ vậy, nhiều gói thầu còn tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng và khởi công khi chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, dẫn tới chậm tiến độ, kéo dài thời gian thi công, kinh phí tăng cao so với dự toán và tổng mức đầu tư được duyệt.

Đơn cử năm 2023, qua kiểm toán, đã chỉ ra những sai sót điển hình trong hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư. Cụ thể, công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư chưa đầy đủ nội dung; chuyển đổi hình thức đầu tư từ BOT sang đầu tư công khi chưa có ý kiến chấp thuận của cấp có thẩm quyền…

Từ thực tiễn triển khai, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V Nguyễn Đức Tín cho biết, hầu hết các đơn vị được kiểm toán đều có chuyển biến tích cực trong quản lý tài chính công, tài sản công.

“Minh chứng rõ nhất là kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán ngày càng được các đơn vị nghiêm túc thực hiện; các sai sót chỉ ra dần được chấn chỉnh và không còn lặp lại trong lần kiểm toán sau”, ông Tín cho hay.

Nguồn