Bất Động Sản

Twinhome – Ngôi nhà có chung mặt đứng

Twinhome nằm ở trung tâm Cần Thơ, một thành phố thuộc vùng châu thổ hạ lưu sông Mê-Kông, ngôi nhà với những dấu ấn kiến trúc mới lạ, được thiết kế và thi công bởi Space+ Architecture, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2023.

Thông tin dự án

  • Địa điểm: Cần Thơ, Việt Nam
  • Diện tích khu đất: 240 m2
  • Diện tích xây dựng: 1190 m2
  • Thiết kế – Thi công: SPACE+ Architecture (http://spaceplus.design/)
  • Kiến trúc sư Chủ trì: Trần Công Danh
  • Quản lý dự án: KTS. Trần Thảo Xuân Phương
  • Nhóm Thiết kế: Nguyễn Văn Thuận, Đinh Hoàng Phú, Lê Anh Huy, Trần Ngọc Lưu
  • Diễn họa: Nguyễn Long Hoàng Dương
  • Nhà thầu thi công nội thất: POLI
  • Hoàn thành: 12/2023

Twinhome là một dự án cải tạo kết hợp với xây dựng mới, mở rộng 2 ngôi nhà phố riêng lẻ đã được bàn giao sẵn phần thô. Sự độc đáo của Twinhome trước tiên chính là ở hình thức kiến trúc bên ngoài, với 2 con đường tiếp cận ở mặt trước và sau nên ngôi nhà được xem như có 2 mặt đứng chính.

Mặt đứng hướng Đông Nam đã được xây dựng hoàn thiện sẵn theo lối kiến trúc tân cổ điển, nhóm thiết kế đã giản lược một số chi tiết kiến trúc trang trí để mang đến một ngôn ngữ thiết kế đương đại và thanh thoát cũng như thuận tiện cho việc bảo trì sửa chữa trong tương lai.

Hệ lan can tay vị, con tiện lục bình bằng bê tông được thay thế bằng lan can kính, các cấu trúc vòm cột với các chi tiết gờ chỉ cũng được tháo dỡ mang đến một mặt đứng thoáng và mang đến nhiều ánh sáng tự nhiên hơn nhưng vẫn giữ được đường nét tổng thể chung và hài hòa với khu phố.

Điểm thú vị nằm ở mặt đứng hướng Tây Bắc công trình, dù ban đầu đây là hai ngôi nhà phố riêng lẻ, nhưng vì gia chủ của hai ngôi nhà là những người thân trong gia đình, đồng thời toàn bộ dự án cũng được thiết kế và thi công xây dựng cùng lúc, do đó nhóm thiết kế đã đề xuất sử dụng một mặt đứng chung cho 2 ngôi nhà, giúp cho Twinhome có được tỷ lệ cân đối và hài hòa hơn so với các ngôi nhà phố khác trong cùng khu vực.

Ngoài ra mặt đứng này còn bị tác động của nắng Tây vào buổi chiều có thể gây ảnh hưởng nóng bức đến các không gian bên trong nhà. Do đó các vách tường dọc được bố trí nhằm hạn chế các tia nắng thấp xiên, cũng như góp phần tạo nhịp điệu sinh động cho toàn bộ mặt đứng. Cây xanh cũng được bố trí xen kẻ, hài hòa trên các ban công giúp tạo cảnh quan, cải thiện vi khí hậu và giảm bớt bức xạ mặt trời.

Về không gian kiến trúc, cả hai ngôi nhà cũng được thiết kế nối dài thêm 9m về hướng Tây Bắc để tạo nhiều không gian sử dụng hơn cho gia chủ. Thang bộ cũng được điều chỉnh thay đổi vị trí và kiểu dáng so với thang hiện trạng thô đã bàn giao, thang máy được bổ sung nhằm mang đến sự tiện lợi cho việc di chuyển trên nhiều tầng.

Nhóm thiết kế cũng áp dụng tối đa các giải pháp thiết kế thụ động như giếng trời, cửa sổ, các khoảng thông tầng,… nhằm mang đến ánh sáng và thông gió tự nhiên cho từng không gian bên trong nhà.

Về nội thất, toàn bộ các không gian đều được thiết kế cá nhân hóa theo từng nhu cầu của mỗi thành viên trong gia đình. Tất cả các căn phòng đều đáp ứng được sự riêng tư với công năng sử dụng khép kín, cũng như có được những tầm nhìn tốt nhất ra cảnh quan bên ngoài.

Ths. KTS Trần Công Danh (KTS Trưởng của Văn phòng thiết kế Space+ Architecture), chủ trì thiết kế dự án Twinhome chia sẻ: “Nhà phố riêng lẻ trong các đô thị nén với mật độ dân số cao tại Việt Nam hiện nay như: TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ,… thường có đặc điểm chung là diện tích đất nhỏ, mặt tiền hẹp nhưng lại có nhiều tầng cao nhằm đáp ứng cho nhu cầu sử dụng cũng như sự sinh sống của nhiều thế hệ, điều này dẫn đến mặt ngoài các ngôi nhà thường có tỷ lệ không cân đối giữa chiều rộng và chiều cao (nên chúng ta thường gọi là nhà ống “tube house”).

Có thể nói Twinhome là một trong những giải pháp thiết kế mặt đứng rất sáng tạo khi các KTS đã hợp khối và thống nhất được ngôn ngữ kiến trúc, tạo nên một mặt đứng chung, cân đối và hài hòa về tổng thể, mặc dù bên trong vẫn là hai ngôi nhà phố riêng biệt và có công năng sử dụng hoàn toàn độc lập.”

Xem thêm hình ảnh công trình:

Tố Uyên – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc



Nguồn