Bất Động Sản

Hành lang, vành đai xanh Hà Nội và chiến lược phát triển nông nghiệp đô thị?

(KTVN 250) Phát triển nông nghiệp đô thị (NNĐT) chính là xu thế đáp ứng tiêu chí xanh của các đô thị và chức năng vành đai xanh cho các đô thị vệ tinh vùng Thủ đô. Việc phát triển theo xu hướng xanh và bền vững, ngoài các mô hình và giải pháp có tính thụ động và chủ động trong quy hoạch, thiết kế, xây dựng và quản lý, quản trị, vận hành đô thị thông qua việc ứng dụng công nghệ và kỹ thuật, còn một mô hình khác đã được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai áp dụng, đó chính là phát triển NNĐT, dùng nền tảng kinh tế NNĐT được hỗ trợ bởi công nghệ cao, nhằm hướng các đô thị phát triển theo hướng sinh thái, đi đôi giữa bảo vệ hệ sinh thái và môi trường cùng với nâng cao chất lượng cuộc sống và sinh kế cho người dân.

NNĐT và các vấn đề đặt ra cho các đô thị Việt Nam theo xu hướng phát triển xanh và bền vững?

Nông nghiệp đô thị (Urban agriculture hay Urban farming hoặc Urban gardening) được hiểu là ngành kinh tế trong và ven đô thị, sản xuất, chế biến và cung ứng cho người dân lương thực, thực phẩm tươi sống, hoa, sinh vật và thực vật cảnh…

Bản chất của nông nghiệp đô thị (NNĐT) là dùng phương pháp canh tác hữu cơ và công nghệ cao không cần nhiều đất đai, không gây ô nhiễm môi trường, sử dụng và tái sử dụng tài nguyên thiên nhiên và chất thải đô thị; tăng thêm không gian xanh và cơ hội thư giãn cho người dân đô thị. NNĐT được hiểu là việc sử dụng các diện tích nhỏ, các lô đất trống, sân vườn, thảm cỏ, ban công, sân thượng… trong các thành phố, khuôn viên, công trình…để trồng cây hoặc chăn nuôi gia cầm, gia súc nhỏ phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, thủy văn. Bảo đảm sự cân bằng sinh thái, tạo hiệu quả sản xuất, hiệu quả kinh tế, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng môi trường…, sau đó, toàn bộ, hay một phần sản phẩm được thương mại hóa.

Thực trạng quá trình đô thị hóa ở Việt Nam hiện nay đang theo xu hướng lan rộng, đã dẫn đến thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, làm tăng số lượng cư dân thành phố; ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu tác động mạnh đến điều kiện canh tác, nhiệt độ tăng và lượng mưa thay đổi thất thường ảnh hưởng nặng nề đến mùa vụ… đã tạo điều kiện nhất định, tuy chưa rộng, nhưng bước đầu đặt nền móng cho NNĐT phát triển ở nhiều nơi, có thể ở trong đô thị như các hệ thống vườn sinh vật cảnh, vườn trên mái, ban công… hoặc ở các làng, xã có nghề truyền thống trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả… hoặc ở các trang trại nông nghiệp sử dụng công nghệ cao về thủy canh, hệ thống vườn ươm…

Ở Việt Nam, NNĐT tùy theo vị trí địa điểm, thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu, quy mô đất đai, các thế mạnh về văn hóa bản địa và kinh tế xã hội… có thể gồm các loại hình sau: Nông nghiệp tự cung, tự cấp; Nông nghiệp phục vụ khách sạn nhà hàng; Nông nghiệp phục vụ xuất khẩu; Nông nghiệp xanh; Nông nghiệp phòng hộ; Nông nghiệp sinh thái; Nông nghiệp du lịch; Nông nghiệp nghỉ dưỡng; Nông nghiệp công nghệ cao.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, NNĐT ở trung tâm và ven đô có thể góp phần đảm bảo lương thực tươi sống cho người dân, giúp người tiêu dùng nghèo tiếp cận thức ăn giá rẻ từ các hộ sản xuất và từ các chợ gần hoặc chợ đầu mối nông sản. Những người sản xuất trên diện tích nhỏ cũng có thể tự cung cấp sản phẩm và bán lượng dư thừa ra thị trường để tăng thu nhập. NNĐT còn có khả năng phát triển theo các mô hình chuyên biệt để cung ứng nhiều dịch vụ cho đô thị như cung cấp cây xanh, hoa tươi và thực phẩm cho khách sạn, cung ứng dịch vụ du lịch, dịch vụ an dưỡng… Bên cạnh đó, cũng có thể tái sử dụng chất thải đô thị để làm phân bón, nước tưới… góp phần quan trọng để giảm ô nhiễm môi trường.

Như vậy, có thể thấy, so với canh tác truyền thống, NNĐT hiệu quả hơn, bền vững hơn, sản phẩm hữu cơ trở nên dễ tiếp cận hơn, tạo nhiều không gian nhỏ thân thiện, cho phép thưởng thức sản phẩm tươi sống quanh năm. Đặc biệt, đối với các đô thị vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) có tính chất vệ tinh xung quanh Thủ đô Hà Nội và các đô thị ven đô Hà Nội, vốn có xuất phát điểm và nguồn gốc từ nông thôn hoặc là phần “thị” trên cơ sở hình thành từ phần “đô” thuộc về hành chính và tập quyền, nhưng lại có chức năng tiếp sức cho phần “đô” duy trì sự ổn định và phát triển.

NNĐT có ý nghĩa về mặt chấn hưng các giá trị của các ngành nghề nông, lâm, ngư nghiệp truyền thống đi cùng các dư địa giá trị về văn hóa vốn có của vùng châu thổ, gắn với nền văn minh lúa nước lâu đời, trên cơ sở được hỗ trợ bởi các công nghệ kỹ thuật canh tác. Đồng thời, chính việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang NNĐT với chủ yếu là thảo mộc và sông nước, sẽ góp phần rất lớn trong việc tham gia giải quyết các vấn đề nan giải của các đô thị trong quá trình đô thị hóa, như: ô nhiễm môi trường tự nhiên và môi trường sống, năng lượng, khó khăn sinh kế của cư dân, sự đứt gãy và tổn thương của những giá trị về tinh thần và văn hóa nơi chốn… Chính vì vậy, NNĐT sẽ là giải pháp và là hướng đi chiến lược cho sự phát triển của các đô thị Việt Nam nói chung và đô thị ven đô, đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội nói riêng, theo hướng sinh thái và bền vững trong tương lai.

NNĐT tại chỗ – xu hướng đáp ứng tiêu chí xanh cho các đô thị và chức năng vành đai xanh cho các đô thị vệ tinh vùng thủ đô

Trước hết, cần hiểu rõ NNĐT tại chỗ (On-site urban agriculture), hay trồng trọt đô thị, hoặc làm vườn đô thị là hoạt động trồng trọt, chế biến và phân phối thực phẩm trong hoặc xung quanh các khu vực đô thị. NNĐT cũng có thể liên quan đến chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nông lâm kết hợp. Các hoạt động này cũng có thể diễn ra ở các khu vực ven đô. Đối với NNĐT tại chỗ, an ninh lương thực, dinh dưỡng và tạo thu nhập là động lực chính cho việc thực hiện.

Ngoài ra, việc tiếp cận trực tiếp nhiều hơn với rau tươi, trái cây, hoa, cây xanh và các sản phẩm thịt, cá thông qua NNĐT tại chỗ có thể cải thiện an ninh lương thực và an toàn thực phẩm, bảo tồn và làm tăng độ bền vững của hệ sinh thái tự nhiên, giảm ô nhiễm môi trường…

Nếu như trước đây, các khu vực ven đô thị Hà Nội và đặc biệt là ở các vùng nông thôn vùng ĐBSH, vốn thiên về canh tác thuần nông do để thích ứng và hài hòa với điều kiện tự nhiên, đã hình thành các quần cư với từng khuôn viên gắn với ngôi nhà ở như một đơn vị ở cân bằng sinh thái (mô hình VAC). Tổ chức xã hội gắn liền với đặc điểm cấu trúc không gian kiến trúc này, kết hợp với sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, đã tạo ra hạ tầng xanh cho các khu ở và sản xuất một cách tự nhiên. Thậm chí, đến nay, còn nhiều dư địa này, mà đôi khi chúng ta hay ví von nói tới hình ảnh này theo kiểu mô phỏng “rừng trong thành phố” hay “thành phố trong rừng”, cũng giống như “làng trong phố” hay “phố trong làng”.

Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa cao như hiện nay, đất nông nghiệp bị thu hẹp dần, đất thổ cư biến dạng với việc tách thửa, chuyển nhượng hoặc xây cất với mật độ cao… nên có xu thế mất dần cấu trúc hạ tầng xanh này, chẳng những ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên và môi trường, mà còn xóa nhòa dần văn hóa và kiến trúc bản địa truyền thống ở các khu vực này.

Chính vì lẽ đó, rất cần phát triển NNĐT tại chỗ. Với các đô thị ven đô, bản thân khi NNĐT phát triển, được kết nối và lan tỏa, chúng sẽ đóng vai trò chức năng tạo thành các vành đai xanh cho các đô thị lõi trung tâm. Không những vậy, các đô thị ven đô hoặc các đô thị ở các tỉnh, thành phố có tính chất vệ tinh quanh Thủ đô, luôn tồn tại có nông nghiệp xen kẽ – Khi đó, chúng sẽ đóng thêm vai trò đồng thời, là các lõi xanh cho tự thân cho đô thị.

Mô hình phát triển NNĐT sẽ tạo hệ sinh thái và tiêu chí xanh cho chính đô thị và khi có sự kết nối sẽ tạo các hành lang và vành đai xanh cho các đô thị trung tâm

Đây là cấu trúc và hình thái đô thị có tính phổ biến ở các quốc gia có nền tảng gốc từ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở vùng ĐBSH, với đặc trưng văn minh lúa nước. Xu thế này, sẽ hướng các đô thị phát triển theo hướng Nông thị (Urban agriculture). NNĐT khi đó, sẽ có vai trò dẫn dắt chức năng các đô thị trở thành đô thị nông nghiệp, giống như chúng ta đã bắt đầu có các mô hình chức năng đô thị công nghiệp, đô thị di sản, đô thị đại học, đô thị du lịch và nghỉ dưỡng…

Thiên nhiên và tạo hóa cũng rất ưu đãi cho Việt Nam với khí hậu nhiệt đới, ánh sáng quanh năm, thảo mộc bốn mùa tươi tốt theo chuỗi chu kỳ “Xuân sinh – Hạ trưởng – Thu thu – Đông tàn”. Đây là một thế mạnh để phát triển nông nghiệp nói chung và NNĐT nói riêng. Chúng cũng phù hợp với Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó ngành nghề sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh là loại ngành nghề thứ 5 trong 7 ngành nghề truyền thống ở nông thôn được khuyến khích phát triển.

Rất nhiều các làng nghề sinh vật cảnh hiện nay ở trong nội đô, ven đô hoặc các vùng nông thôn, không những là nơi bảo tồn và phát triển các loài, giống, gen tốt của cây trồng, vật nuôi… Mặt khác, còn là nơi nhân giống, lai tạo cho các sản phẩm mới có năng suất cao. Đồng thời còn là nơi ươm cây giống để phát triển, thay thế cây xanh cho các đô thị như cây xanh đường phố, cây xanh vườn hoa công viên, cây xanh trong các khu đô thị mới, cây xanh cho các khu resort…

Bên cạnh đó, NNĐT được chú trọng phát triển ở cả nội đô, ven đô và các vùng nông thôn xen kẽ… cũng chính là khai thác, phát huy kinh nghiệm canh tác nông nghiệp truyền thống “nhất canh Trì – nhị canh Viên – tam canh Điền”, trên cơ sở khai thác lợi thế từ Thổ, Thủy và Thảo mộc. Hướng đi này cũng phù hợp với yêu cầu đa dạng của các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp được nêu tại Quyết định số 919/QQĐ-TTg ngày 1/8/2022 của Chính phủ phê duyệt chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 (chương trình OCOP – One commune one product), là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực như nguồn lao động, văn hóa địa phương, trí tuệ, sự sáng tạo…Từ đó, chính quyền các đô thị, nông thôn xác định rõ những đặc điểm, thế mạnh của từng loại hình kinh tế phù hợp để thực hiện, cân đối sao cho “phi Trí bất hưng, phi Thương bất phú, phi Công bất hoạt, phi Nông bất ổn”.

So với các ngành nghề kinh tế và thủ công truyền thống khác, đang có nhiều xu thế gây ô nhiễm môi trường, cần phải quy hoạch lại theo hình thức sản xuất tập trung xa các khu ở và định cư lâu đời – Trái lại, NNĐT lại ít ảnh hưởng hơn nếu kiểm soát tốt về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nguồn nước tưới tiêu.

Ngoài những giá trị do NNĐT đưa lại như đã phân tích, mô hình này còn tham gia trực tiếp và có tác dụng, ảnh hưởng lớn đến các vấn đề có liên quan tới bản sắc văn hóa trong kiến trúc, không chỉ thuần túy chỉ thể hiện thông qua kế thừa các giá trị văn hóa địa phương, vùng miền… mà chính là ở hệ sinh thái tự nhiên, yếu tố vừa chi phối, tác động và làm nên, hun đúc nên các giá trị văn hóa bản địa. Lưu ý đến yếu tố này, cũng đồng thời, chính là mong muốn định hướng phát triển kiến trúc theo các xu thế nhân văn hiện nay như sinh thái, xanh, tiết kiệm năng lượng, bền vững…

Chính NNĐT sẽ làm cân bằng lại mối quan hệ giữa loài người với thế giới tự nhiên, thông qua kết nối và khắc phục các đứt gãy của các hệ sinh thái, hệ sinh cảnh, các loài thực, động vật… do con người tạo ra trong quá trình chinh phục và kiến tạo, đặc biệt là quá trình đô thị hóa. Giảm được các xung đột, tránh được thảm họa do tự nhiên gây ra do mất cân bằng hệ sinh thái hoặc dịch bệnh…

Cuộc khảo sát tại khu vực HLX hà nội: từ mô hình phát triển NNĐT đến việc đưa rừng vào thủ đô

Để minh họa cho các nội dung của bài viết, tác giả xin được giới thiệu một mô hình phát triển NNĐT, thông qua sản xuất và canh tác sinh vật cảnh với sản phẩm là hoa Lan do doanh nghiệp Lan Toàn cầu tại huyện Đan Phượng, Hà Nội tiên phong thực hiện. Đây cũng là một trong những kết quả công tác của Hội đồng Khoa học Tạp chí Kiến trúc Việt Nam với các chủ thể đã, đang và sẽ đặt nền móng cho mô hình NNĐT xung quanh Thủ đô.

Với những lợi thế giá trị đặc biệt về cảnh quan thiên nhiên, lịch sử, văn hóa bởi vị trí địa lý, nơi giao thoa giữa đền Hát Môn, chùa Thầy, núi Ba Vì và dòng sông Đáy – Công ty Lan Toàn cầu đã đưa giống lan của Đài Loan về thị trường trong nước và đầu tư mua công nghệ làm giống, công nghệ chăm sóc, xây nhà mô nuôi cấy phôi lan với các công nghệ kỹ thuật cao và đặc biệt để trồng lan với quy mô lớn. Trang trại của Công ty Lan Toàn cầu với quy mô 32ha đã trở thành nơi sản xuất hoa, cây giống Lan Hồ Điệp lớn nhất Việt Nam và vươn tầm Châu Á.

Trên thực tế, Lan Hồ Điệp là loài hoa đòi hỏi yêu cầu nghiêm ngặt về điều kiện sinh trưởng và quy trình chăm sóc. Đòi hỏi công nghệ kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm cùng các quy trình cấy phôi giống trong nhà mô theo thời gian sinh trưởng của cây, cùng với lắp đặt các hệ thống máy móc hiện đại với những tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh như phải tiệt trùng tuyệt đối và phải có máy lạnh trung tâm với hệ thống áp suất dương để hạn chế côn trùng xâm nhập.

Ngoài nhà mô là những khu nhà kính ươm hoa theo các giai đoạn phát triển. Hiện tại công ty có 20.000m2 (bao gồm 4 nhà kính), 2 nhà mô mới (12.000m2) đang xây dựng và sẽ đi vào sử dụng thời gian tới đây.

Nhân lực chất lượng cao trong nghiên cứu và sản xuất cũng là yếu tố tiên quyết được công ty Lan Toàn cầu chú trọng xây dựng. Ngoài việc sử dụng lao động phổ thông tại địa phương, công ty còn tuyển đội ngũ kỹ sư trẻ, đưa sang Đài Loan đào tạo trong vòng 3 năm, sau đó quay về làm việc cho công ty.

Dây chuyền sản xuất Lan Hồ Điệp trong các phòng mô thí nghiệm và nhà kính chăm sóc Lan theo thời gian trưởng thành của Công ty Cổ phần Lan Toàn cầu

Nhằm mở rộng và phát triển hơn nữa quy mô trồng lan, doanh nghiệp này đang triển khai dự án trồng rừng tạo môi sinh cho lan, từ đó hình thành “khu vườn địa đàng” ngay giữa lòng Thủ đô dự kiến với quy mô 350ha. Do người dân canh tác nông nghiệp thông qua trồng lúa và hoa màu không hiệu quả, dẫn tới một phần đất đai để hoang hóa, một phần sang nhượng hoặc cho thuê sử dụng mục đích phi nông nghiệp… Vì vậy, doanh nghiệp đã và đang tiến hành các thủ tục thuê đất lâu dài để canh tác. Đây là một chủ trương đúng đắn và nhân văn, cần được địa phương và TP Hà Nội tạo điều kiện về các cơ chế, chính sách trong đầu tư và sản xuất. Mục tiêu là tạo thành những cánh rừng, ngọn núi, khe suối để tạo môi trường ẩm, lấy giống Lan của rừng Trường Sơn để nuôi cấy, nhân giống, lai tạo nhằm đưa loài hoa Lan bản địa đặc biệt này của Việt Nam đến với các nước trên thế giới; kết hợp với các trải nghiệm và dịch vụ du lịch về nông nghiệp trong nhà và ngoài trời.

Nếu giống Lan bản địa được nhân rộng thành công, thời gian tới, Việt Nam sẽ là điểm đến của các nhà kinh doanh hoa trên thế giới. Đặc biệt, sẽ tạo ra một khu vực sinh cảnh theo kiểu rừng trong thành phố, đóng góp vào hệ sinh thái tự nhiên cho huyện Đan Phượng nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung.

Có thể khẳng định, mô hình NNĐT đem lại nhiều giá trị trên các phương diện khác nhau cho các khu vực trong và ngoài đô thị như tài nguyên đô thị, môi trường và cảnh quan đô thị, sinh kế đô thị gắn với các ngành nghề truyền thống trong canh tác nông nghiệp, văn hóa và xã hội đô thị, cộng đồng và nơi chốn đô thị… Các đô thị Việt Nam nói chung, đô thị nội đô, ven đô và vệ tinh của Thủ đô nói riêng, đang đứng trước bối cảnh toàn cầu, diễn ra những suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt về tài nguyên, khí hậu, môi trường, lương thực, năng lượng…do quá trình đô thị hóa, lại cộng thêm các đe dọa từ biến đổi khí hậu cùng thiên tai và dịch bệnh… Vì vậy, việc kiến tạo và phát triển xây dựng mô hình NNĐT sẽ là mô hình tốt nhất, hiệu quả và bền vững nhất để khắc phục những ảnh hưởng và rủi ro trên.

Suy cho cùng, Việt Nam là một quốc gia với bản sắc kinh tế nông nghiệp nhiệt đới, nên lấy đặc trưng này để duy trì và phát huy trong phát triển đô thị thông qua NNĐT với các hình thức canh tác được hỗ trợ bởi công nghệ kỹ thuật cao. Đó cũng chính là xu thế phát triển nhằm cân bằng và hài hòa giữa Điều kiện tự nhiên, Văn hóa bản địa và Thời đại của Kỷ nguyên công nghệ số. Mô hình này rất cần sự chung tay xây dựng của các chủ thể trong xã hội, đặc biệt là sự quan tâm của các cấp chính quyền đô thị và nông thôn trong việc xây dựng và hỗ trợ thông qua các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển NNĐT, được lồng ghép với các đồ án quy hoạch xây dựng.

Đồng thời, để hướng các đô thị phát triển theo xu thế xanh, thông minh và bền vững – Rất cần một cuộc cách mạng hóa để có thể hiện đại hóa nông nghiệp bản địa truyền thống ở các đô thị và lân cận vùng ĐBSH nói riêng và cả nước nói chung./.



Nguồn