Nơi người dân sống trên núi rác cao 60 mét, sinh tồn phụ thuộc vào rác thải
Thành phố của rác
Khói bụi độc hại, mùi hôi thối từ cống lộ thiên và những đống rác xếp chồng lên nhau kéo dài tưởng chừng vô tận là những điều không quá xa lạ tại New Delhi, thủ đô của Ấn Độ. Suốt những năm vừa qua, người dân tại đây đã ngày ngày sinh sống với điều kiện tồi tệ, hít thở không khí có chất lượng kém nhất thế giới.
Tác nhân lớn nhất gây ra tình trạng ô nhiễm ở Delhi là ba bãi rác nằm ở các khu vực lân cận Ghazipur, Bhalswa và Okhla. Từ vỏ rau đến chai thủy tinh, bao bì nhựa, pin, đồ chơi hỏng và quần áo bỏ đi, hơn 10.000 tấn chất thải được thải ra mỗi ngày tại thủ đô của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Chẳng khó để bắt gặp những núi rác cao đến mức có thể nhìn từ bên kia thành phố cùng ruồi bu, sâu bọ và bốc mùi hôi thối cay xè. Dữ liệu vệ tinh gần đây chỉ ra rằng các bãi chôn rác ở Delhi đã trở thành điểm nóng toàn cầu về phát thải khí mê -tan (CH4) một loại khí nhà kính mạnh có khả năng giữ nhiệt gấp 82 lần so với khí carbon dioxite (CO2) trong 20 năm.
Được biết, một phần nguyên nhân gây ra hiện tượng này cũng đến từ việc phân loại rác yếu kém tại Ấn Độ. Là quốc gia nơi người dân chủ yếu sử dụng sản phẩm tươi để nấu ăn nhưng hơn 50% rác thải sinh hoạt lại được đổ tại các bãi rác hàng ngày là “rác ướt”, chẳng hạn như vỏ rau và thức ăn thừa. Do đó, việc các loại rác này không được phân loại và bị để thối rữa đã tạo ra một lượng lớn khí mê-tan khi phân hủy.
Đặc biệt là trong những tháng hè, mọi thứ có thể trở nên thực sự tồi tệ. Khi cái nóng thiêu đốt của Delhi tỏa ra, nó lại càng khiến khí mê-tan dễ cháy bốc cháy, biến những ngọn núi rác thành những ngọn lửa độc, cháy thành những đám khói dày đặc và hòa vào bầu không khí vốn đã bị ô nhiễm nặng.
“Kiếm ăn” và chết vì rác thải
Mặc dù việc vào bãi rác là bất hợp pháp nhưng hàng nghìn cư dân Delhi, bao gồm cả trẻ em, vẫn đang kiếm sống bằng rác thải. Bằng cách leo lên những núi rác, nhặt những vật liệu chẳng hạn như nhựa, thủy tinh, dây điện và kim loại, những người này có thể kiếm đủ tiền để mua bữa ăn qua ngày.
Nhưng việc phải lội qua đống rác với hàng loạt mảnh vỡ và kim tiêm đã qua sử dụng là điều mà họ phải đối mặt. Không chỉ vậy, việc có nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như vấn đề liên quan đến thận và phổi cũng là căn bệnh mà những người thường làm việc xung quanh khu vực này gặp phải.
Một người đàn ông địa phương nói với Guardian: “Chuyện này xảy ra thường xuyên ở đây, mọi người chết trẻ vì vấn đề sức khỏe. Chúng tôi biết mình đang bị đầu độc bởi bãi rác này nhưng chính phủ không làm gì và rác vẫn tiếp tục tràn vào”.
Năm ngoái, chính phủ Ấn Độ đã buộc phải đóng cửa các trường học trong nhiều ngày liên tiếp do chất lượng không khí độc hại tại New Delhi khi ô nhiễm không khí gây ra cảnh sương mù độc hại dày đặc bao phủ. Vào thời điểm đó, làn sương đặc cùng mùi hôi thối khiến New Delhi được ví như một thành phố hậu tận thế.
Theo ban kiểm soát ô nhiễm trung ương, mức độ ô nhiễm ở Delhi đang ở mức tồi tệ nhất kể từ năm 2020. Với việc phải sống trong bầu không khí tệ, khoảng 33 triệu cư dân sinh sống tại thành phố này có thể sẽ bị rút ngắn tuổi thọ khoảng 11,9 năm.
Để cải thiện tình hình này, các phương pháp được chính phủ triển khai để giải quyết ô nhiễm bao gồm việc tưới nước trên đường để giảm bụi và xây dựng hai tòa tháp được cho là có khả năng làm sạch không khí với giá lên tới 2 triệu USD mỗi tòa. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng biện pháp này thực sự không có hiệu quả.
Nguồn: The Sun