Thế Giới

Chưa đầy 1 tháng Mỹ áp thuế 100% lên xe điện Trung Quốc, EU chuẩn bị áp thuế bổ sung lên tới 25%, mặc Đức, Thuỵ Điển, Hungary phản đối

Để ngoài tai những cảnh báo của Đức rằng việc áp thuế sẽ khơi mào một cuộc chiến thương mại tốn kém với Bắc Kinh, Brussels đang thúc đẩy việc áp thuế xe điện Trung Quốc, dự kiến mang lại hơn 2 tỷ euro mỗi năm cho ngân sách của EU.

Theo nguồn thạo tin, trong ngày 12/6, Uỷ ban châu Âu (EC) sẽ thông báo với các nhà sản xuất ô tô rằng họ sẽ áp mức thuế tạm thời lên đến 25% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc bắt đầu từ tháng tới. Brussels lập luận rằng các hãng xe điện Trung Quốc được hưởng lợi từ trợ cấp nhiều hơn các đối thủ của họ ở châu Âu.

Theo các nhà phân tích tại Rhodium Group, Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của khối – đã xuất khẩu 10 tỷ euro xe điện sang EU năm 2023, tăng gấp đôi thị phần năm ngoái lên 8%.

Bắc Kinh đã cảnh báo rằng họ sẽ có những động thái đáp trả, trong khi tìm cách thuyết phục các nước EU phản đối mức thuế mới, cao hơn mức thuế hiện tại là 10%. Bắc Kinh vốn đã áp dụng mức thuế 15% đối với xe điện châu Âu.

Đức, Thụy Điển và Hungary cho biết họ không tán thành động thái này vì lo ngại Trung Quốc sẽ trả đũa. Thủ tướng Đức Olaf Scholz gần đây đã cảnh báo rằng sự cô lập và các rảo cản thuế quan cuối cùng chỉ khiến mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn và mọi người trở nên nghèo hơn.

Tuy nhiên, những nguồn thạo tin cho biết những nỗ lực của ông Scholz đã “không có tác dụng”. Người này cho biết uỷ ban dự kiến sẽ tăng thuế lên khoảng 35%. Tuy nhiên, mức thuế này vẫn thấp hơn nhiều mức 100% mà Mỹ áp dụng chưa đầy một tháng trước.

Các mức thuế bổ sung ở châu Âu sẽ đánh vào các nhà sản xuất Trung Quốc bao gồm BYD và SAIC, cũng như các công ty có nhà máy ở Trung Quốc như Tesla. Các mức thuế có thể khác nhau tuỳ theo nhà sản xuất, tuỳ thuộc vào mức trợ cấp mà EU đã xác định.

Tổ chức tư vấn kinh tế Kiel Institute nhận thấy mức thuế bổ sung 20% đối với xe điện Trung Quốc sẽ làm giảm 1/4 lượng xe nhập khẩu. Với 500.000 xe nhập khẩu năm 2023, số xe giảm đi sau khi áp thuế sẽ tương đương khoảng 125.000 chiếc, trị giá gần 4 tỷ USD.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng sự thiếu hụt này sẽ được bù đắp bằng sự gia tăng sản xuất trong EU và giảm xuất khẩu xe điện. Nhưng điều này đồng nghĩa mức giá cuối cùng cho người tiêu dùng có thể tăng lên đáng kể.

EC dự đoán xe điện Trung Quốc sẽ chiếm 15% thị phần tại EU vào năm tới. Uỷ ban cho biết giá xe điện Trung Quốc thường thấp hơn 20% so với giá của các mẫu do EU sản xuất.

Ủy viên thương mại EU Valdis Dombrovskis thừa nhận xe điện rất quan trọng cho quá trình chuyển đổi xanh. Nhưng ông nói thêm: “Cạnh tranh phải công bằng”.

Theo các quan chức, cơ quan của ông đã thu thập được bằng chứng cho thấy các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc và các nhà cung cấp của họ đã nhận được các khoản vay trợ cấp, giảm thuế và đất đai giá rẻ.

Nhiều nhà sản xuất ô tô EU đã phản đối kế hoạch áp thuế, vì lo ngại Trung Quốc có thể đáp trả tương tự hoặc thậm chí chặn họ khỏi thị trường nước này. Các thương hiệu châu Âu chiếm khoảng 6% doanh số bán xe điện tại Trung Quốc vào năm 2022. Đức xuất khẩu 216.299 ô tô sang Trung Quốc vào năm 2023, giảm 15% so với năm trước. Các hãng xe bao gồm Mercedes và Volkswagen cũng vận hành các nhà máy ở nước này.

Thủ tướng Thuỵ Điển Ulf Kristersson đã cùng với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và thủ tướng Hungary Viktor Orbán công khai phản đối thuế quan của EU. Ba nhà lãnh đạo này sẽ cần có thêm 11 người khác đồng tình để lật ngược quyết định của EC về thuế xe điện. Các nước Trung Âu khác như Cộng hòa Séc và Slovakia dự kiến sẽ tham gia vào nhóm phản đối. Nhưng Pháp và Tây Ban Nha cho biết họ sẽ ủng hộ việc áp thuế.

Các quốc gia thành viên sẽ được yêu cầu bỏ phiếu về thuế quan trước ngày 2/11. Các mức thuế cuối cùng thường sẽ được áp dụng trong 5 năm.

Theo FT

Nguồn