Thủ tướng chỉ đạo nóng, 7 dự án cao tốc hàng chục nghìn tỷ đồng từ Bắc vào Nam nhận lệnh đặc biệt
Tại phiên họp trực tuyến thứ 12 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông ngày 14/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GTVT và Bộ Nội vụ rà soát, phát động phong trào thi đua 500 ngày để hoàn thành 3.000 km cao tốc trước ngày 31/12/2025, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Bộ GTVT cũng được giao phối hợp với các tỉnh, thành đôn đốc các dự án cao tốc do địa phương làm chủ đầu tư. Trong năm nay phải khởi công dự án thành phần 3 thuộc tuyến Vành đai 4 Hà Nội, cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc -Liên Khương, TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành.
“Riêng dự án Hòa Bình – Mộc Châu, Cao Lãnh – An Hữu, cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, chậm nhất đến 2/9 tới phải khởi công…”- Thủ tướng giao.
Dự án thành phần 3 thuộc tuyến Vành đai 4 Hà Nội
Dự án thành phần 3 Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng thủ đô Hà Nội.
Quy mô dự kiến của dự án này là đầu tư khoảng 112,8km, quy mô 04 làn xe với bề rộng mặt cắt ngang là 17m (bề rộng cầu 17,5m) bao gồm 08 nút giao liên thông hoàn chỉnh giao cắt với đường hiện trạng cùng với các lối ra vào đường cao tốc bảo đảm khai thác an toàn, hiệu quả.
Dự án thành phần 3 thuộc tuyến Vành đai 4 Hà Nội nằm trên diện tích của Thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh.
Thời gian chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Tổng mức đầu tư là 56.536 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 18.313 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 8.776 tỷ đồng.
Cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng
Dự án có điểm đầu là nút giao với đường cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn và đường cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 tại xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình và điểm cuối là nút giao với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và đường cao tốc Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái tại phường Tràng Cát, quận Hải An, thành phố Hải Phòng.
Cao tốc có đoạn qua Ninh Bình dài 26 km, đoạn qua Nam Định dài 28,7 km, đoạn qua Thái Bình dài 32,7 km và đoạn qua Hải Phòng dài 29 km. Tuyến đường có mặt cắt ngang cho 6 làn xe, tốc độ xe chạy thiết kế từ 100 đến 120 km/h. Ngoài bề rộng mặt đường 22 m, đường có dải phân cách giữa, dải dừng xe khẩn cấp, dải an toàn.
Vốn đầu tư đoạn qua Ninh Bình là 7.000 tỷ đồng, đoạn qua Nam Định và Thái Bình là 15.419 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, 29km cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng qua địa phận thành phố Hải Phòng đang được thành phố Hải Phòng đầu tư khoảng 22km theo hợp đồng BOT. Với 7km còn lại, UBND thành phố Hải Phòng đã báo cáo Thủ tướng giao Hải Phòng là cơ quan chủ quản và đầu tư bằng ngân sách của thành phố.
Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc
Dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc – Liên Khương được thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1386/2022. Tổng mức đầu tư ban đầu cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc là 17.200 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước là 6.500 tỷ đồng, chiếm 37,79% tổng mức đầu tư.
Dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc nối huyện Tân Phú của Đồng Nai đến thành phố Bảo Lộc có chiều dài 66 km; trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Lâm Đồng dài 55 km, chiều rộng nền đường 17 m với 4 làn xe. Tổng diện tích đất thu hồi khoảng 300 ha ở cả hai tỉnh với hơn 300 hộ phải di dời.
Lý trình dự án đi qua các huyện Tân Phú (Đồng Nai), Đạ Huoai, Bảo Lộc (Lâm Đồng), có điểm đầu kết nối với điểm cuối của dự án thành phần Dầu Giây – Tân Phú thuộc công trình cao tốc Dầu Giây – Liên Khương dài hơn 200 km.
Cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương
Đây là tuyến tiếp nối (dự án thành phần) cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc thuộc công trình cao tốc Dầu Giây – Liên Khương như đã nói và có chiều dài khoảng 74 km. Quy mô chiều rộng nền đường 17 m với 4 làn xe.
Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 19.521 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước 7.761 tỷ đồng, vốn sở hữu của các nhà đầu tư và vốn huy động khác vào khoảng 11.700 tỷ đồng.
Cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành
Dự kiến thời gian chuẩn bị, giải phóng mặt bằng và thi công cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành từ năm 2023 – 2027. Diện tích đất sử dụng khoảng 322,5 ha. Cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành được thực hiện theo loại hợp đồng dự án PPP: xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT).
Tổng mức đầu tư của dự án trên 17.408 tỷ đồng. Trong đó, vốn tham gia của Nhà nước khoảng 8.530 tỷ đồng được bố trí từ ngân sách T.Ư và địa phương (bao gồm toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ chi phí xây dựng…); vốn huy động từ nhà đầu tư trên 8.878 tỷ đồng (trong đó 70% vốn vay từ ngân hàng).
Cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành xuất phát từ đường Vành đai 3 – TP.HCM đi trùng với đường ĐT.743, ĐT.747 đến trước cầu Khánh Vân (P.Khánh Bình, TP.Tân Uyên), sau đó chuyển hướng rẽ trái tách khỏi đường hiện tại, đi men Suối Cái và song song với đường ĐH.409 (thuộc TP.Tân Uyên).
Sau đó, cao tốc sẽ giao cắt đường ĐT.747A tại Cổng Xanh (TT.Tân Bình, H.Bắc Tân Uyên), đi song song và giao cắt với ĐT.741, cắt đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng, lên xã An Long (H.Phú Giáo) đến ranh tỉnh Bình Phước (thuộc H.Bàu Bàng, Bình Dương).
Cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu
Tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu đi qua Sơn La có chiều dài khoảng 32,3 km, bắt đầu từ điểm Km53+00 ở xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ và kết thúc tại Km85+300 gặp Quốc lộ 43 tại xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu.
Tổng mức đầu tư cho dự án này là khoảng 4.938 tỷ đồng, trong đó có 3.400 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và 1.538 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh Sơn La.
UBND tỉnh Sơn La đề nghị cho phép tỉnh thực hiện đầu tư Dự án theo phương án phân kỳ. Trong đó, giai đoạn phân kỳ (2024 – 2028) thực hiện đầu tư 2 làn xe (có làn dừng khẩn cấp liên tục), giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe; giai đoạn tiếp theo (2031- 2035) sẽ đầu tư hoàn chỉnh tuyến cao tốc theo quy hoạch.
Điểm đầu dự án giao với dự án xây dựng tuyến đường từ thị trấn Đà Bắc (Hòa Bình) đến Thanh Sơn (Phú Thọ), khớp nối với đoạn Km0-Km19 đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu (thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc, Hòa Bình). Điểm cuối của tuyến đường tại Km53+000, nối với phần đường cao tốc đi qua tỉnh Sơn La tại xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, Sơn La.
Cao tốc Cao Lãnh – An Hữu
Dự án đường cao tốc Cao Lãnh – An Hữu dài khoảng 27,43km; điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Giai đoạn 1, tuyến cao tốc này được đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế, nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 80km/h.
Dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu được chia thành 2 dự án thành phần: dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan chủ quản thực hiện; dự án thành phần 2 do UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản thực hiện. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến hết năm 2027.
Theo quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường cao tốc Cao Lãnh – An Hữu, giai đoạn 1 vừa được Thủ tướng phê duyệt, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án này là 7.496 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.