Vua tôm lên kế hoạch lãi kỷ lục gần 1.300 tỷ, loạt ‘tay to’ đổ vốn cho cá tra
Xuất khẩu thủy sản sản đã và đang có dấu hiệu hồi phục trở lại. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2024 đạt 3,5 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm ước đạt 725 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Còn xuất khẩu tôm trong kỳ đạt 1.335 triệu USD, tăng 7,5% so với 5 tháng đầu năm 2023. Nhờ xuất khẩu tăng, nên tôm nguyên liệu tại thị trường trong nước đã tăng: tôm thẻ loại 50-60 con/kg ở mức 80.667 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg, loại 100 con/kg ở mức 108.333 đồng/kg, tăng 2.600 đồng/kg).
Với những tín hiệu tốt từ thị trường, nhiều kế hoạch lớn của các doanh nghiệp đầu ngành được đề ra.
“Cựu vua” cá tra tìm đường trở lại
Tài liệu họp ĐHĐCĐ 2024, CTCP Nam Việt (Navico, mã chứng khoán ANV) dự kiến sẽ tăng vốn lên hơn 2.666 tỷ đồng – vượt Vĩnh Hoàn để trở thành công ty cá tra có vốn điều lệ lớn nhất sàn chứng khoán.
Cụ thể, Navico dự trình phương án phát hành hơn 133 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ thực hiện quyền 100% (cổ đông cứ sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới). Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo kiểm toán hợp nhất 2023.
Thời gian thực hiện trong năm 2024, HĐQT sẽ quyết định thời điểm cụ thể.
Công ty cũng trình cổ đông thực hiện chia cổ tức tiền mặt 5% (giá trị hơn 66 tỷ đồng) và dành ra 1.331 tỷ đồng để thưởng cổ phiếu (tức sử dụng đến 92% lợi nhuận chưa phân phối).
Nếu thành công, vốn điều lệ sau phát hành sẽ tăng gần gấp đôi lên mức hơn 2.666 tỷ đồng. Con số này sẽ đưa Navico vượt mặt Vĩnh Hoàn (vốn điều lệ 1.834 tỷ đồng) để trở thành công ty cá tra có vốn điều lệ lớn nhất thị trường chứng khoán.
Về kinh doanh, năm 2024, Navico đặt tiêu tổng doanh thu 5.000 tỷ đồng, tăng 13% và lợi nhuận sau thuế 306 tỷ, tăng 685% so với thực hiện năm 2023. Với chỉ tiêu trên, HĐQT dự kiến cổ tức dao động 5 -10%.
Navico là doanh nghiệp nuôi trồng cá tra có thâm niên lớn nhất nước khi sớm ra đời vào năm 1993, tiền thân là Công ty TNHH Nam Việt. Trong quá khứ, Navico được biết đến là vua cá tra một thời – đi trước Vĩnh Hoàn (VHC) và Hùng Vương (HVG). Song, trên đỉnh cao sự nghiệp, việc đầu tư đa ngành, dàn trải đã khiến Navico tổn thất nhiều. Đặc biệt, sa lầy vào cơn bĩ cực tại khoản đầu tư DAP 2 – Vinachem (DAP Lào Cai) khiến Navico bất ngờ lỗ trăm tỷ trong giữa năm 2016, từ đó kéo dài chuỗi ngày sụt giảm, bị HVG và VHC lần lượt “vượt mặt”.
Vĩnh Hoàn chờ thời nhờ bệ đỡ vững chắc
“Nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán VHC) là đơn vị sở hữu chuỗi giá trị khép kín tự chủ gần như toàn phần, luôn giữ vững vị thế top 1 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ. Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam thành công sản xuất Collagen và Gelatin từ da cá tra.
Ở vị thế xuất khẩu tốt, song thời gian gần đây tình hình kinh doanh Công ty giảm. Theo kế hoạch trình cổ đông, năm 2024 Vĩnh Hoàn ra hai kịch bản, kịch bản cao và kịch bản cơ bản.
Đối với kịch bản cơ bản, Vĩnh Hoàn lên kế hoạch doanh thu 10.700 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ dự kiến 800 tỷ đồng, giảm 12,9% so với thực hiện trong năm 2023.
Đối với kịch bản cao, doanh thu dự kiến 11.500 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ dự kiến 1.000 tỷ đồng, tăng 8,8% so với thực hiện trong năm 2023.
Kết thúc quý đầu năm, Công ty lãi 169,7 tỷ đồng, giảm mặc dù doanh thu tăng, Vĩnh Hoàn cho biết do giá bán nhóm sản phẩm cá tra giảm.
Bên cạnh kinh doanh lao dốc, nếu xét về dòng tiền, trong quý đầu năm 2024, dòng tiền kinh doanh chính của Vĩnh Hoàn tiếp tục âm 250,7 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 431,4 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 431,8 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 553,7 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.
Tại thời điểm 31/3/2024, Vĩnh Hoàn đang đầu tư hơn 160 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán, và đang phải trích lập dự phòng gần 27 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 16,6% tổng danh mục đầu tư. Trong đó, Công ty đang phải trích lập dự phòng 26 tỷ cho mã DXS của DatXanh Services.
CTCK DSC đánh giá, VHC đang có tốc độ hồi phục nhanh hơn so với thị trường chung, và có thể điều chỉnh giá bán ở mức 5-10% trong nửa sau năm 2024. Tuy nhiên, việc Mỹ xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ vô hiệu hóa lợi thế thuế POR 0% của VHC, giá bán có thể tăng chậm hơn trước sự cạnh tranh của các đối thủ mới gia nhập thị trường.
DSC cho rằng Vĩnh Hoàn đang “chờ thời” nhờ bệ đỡ vững chắc. Nhìn chung, việc xuất khẩu sang Trung Quốc đang trở nên khó khăn hơn khi các lệnh cấm vận và trừng phạt lên sản phẩm củaNga sẽ khiến nước này xuất khẩu ồ ạt các mặt hàng với giá rẻ hơn vào thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, doanh thu của VHC tại một số thị trường ngoài Trung Quốc tăng trưởng tốt trong quý vừa rồi, đặc biệt là thị trường Châu Âu tăng trưởng 47% YoY. DSC cho rằng, động lực tăng trưởng của VHC một phần đến từ các sản phẩm chế biến và sức khỏe, với mức tăng trưởng trung bình là 110% so với cùng kỳ.
“Ông trùm” xuất khẩu tôm muốn “lấn sân” thêm mảng cá tra
Còn CTCP Camimex Group (mã chứng khoán CMX), đã thống nhất cổ đông kế hoạch muốn nhảy sang lĩnh vực mới là chế biến cá (cá tuyết, cá minh thái, cá chẽm, cá hồi) và đầu tư nuôi cá (cá hồi, cá chẽm).
Trong đó, Camimex sẽ mua lại nhà máy cá của công ty Hùng Vương, bởi Công ty hiện có nhà máy chế biến tôm nhưng không phù hợp để sản xuất cá. Chưa kể, việc cải tạo nhà máy tôm để đầu tư máy móc cũng không phù hợp.
Với động thái trên, ban lãnh đạo Camimex sẽ đầu tư nhà máy chuyên sản xuất cá, CTCP Thảo Anh Fish là bên liên quan sẽ thực hiện chế biến cá trong tương lai.
Được biết, Camimex là một trong những doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam. Đặc biệt, doanh nghiệp này là một trong số ít những đơn vị sản xuất tôm hữu cơ quy mô lớn trên thế giới và là nhà sản xuất Việt Nam duy nhất hiện nay đạt tiêu chuẩn hữu cơ trên toàn bộ chuỗi cung ứng (từ con giống đến bàn ăn) Naturland, EU Organic và BIO SUISSE.
Năm 2024, Camimex lên mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 75 triệu USD từ 10.000 tấn thành phẩm. Tương ứng kế hoạch doanh thu tăng trưởng 22% lên 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 57% lên 105 tỷ đồng.
Năm nay, Công ty dự kiến sẽ phát triển vùng nuôi tôm sinh thái lên 20.000 ha, đầu tư nuôi tôm công nghệ cao, hướng đến việc tự chủ 15-30% nguyên liệu tôm đầu vào.
“Vua tôm” Minh Phú muốn có lãi trở lại
Được mệnh danh là “vua tôm” sàn chứng khoán nhiều năm trở lại đây, năm 2024 Thủy sản Minh Phú dự trình cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu đạt 18.568,7 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 1.265,7 tỷ đồng – con số cao nhất lịch sử của doanh nghiệp này.
Kế hoạch này gây chú ý khi Minh Phú vừa lỗ kỷ lục gần 98 tỷ đồng trong năm 2023. Riêng quý 4/2023, lãi ròng Công ty chỉ đạt 12 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ. Minh Phú cho biết, nguyên nhân do kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh các công ty nuôi tôm thương phẩm trong kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh chưa có hiệu quả.
Thực tế, trên thị trường xuất khẩu, tôm Việt đang bị cạnh tranh mạnh với tôm Ecuador. Chia sẻ với báo giới, Chủ tịch Minh Phú là ông Lê Văn Quang thừa nhận đúng là 2 cách nuôi tôm của ta và Ecuador đang trái ngược nhau, nên giá thành nuôi tôm của Ecuador chỉ bằng gần 1/2 của Việt Nam.
Nguyên nhân, chúng ta quản lý môi trường yếu, thả nuôi mật độ cao cốt để tăng năng suất, sản lượng, hy vọng có lợi nhuận cao nhưng rút cuộc rủi ro lại lớn. Nuôi theo cách của chúng ta giá thành tôm nuôi cao hơn gấp đôi so với Ecuador.
Chưa kể, năm qua cả thế giới theo lãi suất cao của Mỹ. Người dân tiêu tiền vay là chủ yếu, nên lãi suất phải trả cao họ không chịu nổi, buộc phải tiết kiệm chi tiêu, kéo theo nhu cầu tiêu dùng giảm. Nhu cầu thị trường giảm nhưng sản lượng tôm lại tăng mạnh. Cả năm 2023, sản lượng tôm của Ecuador tăng thêm từ 700.000-1.400.000 tấn tôm. Ấn Độ và Việt Nam cũng tăng sản lượng tôm. Điều này dẫn tới cung vượt cầu, giá tôm giảm kinh khủng.