Giá xuất khẩu tiến gần mốc 1.000 USD, tại sao gạo Việt Nam vẫn “vô danh”?
Giá xuất khẩu tiến gần mốc 1.000 USD, tại sao gạo Việt Nam vẫn “vô danh”? |
Giá gạo xuất khẩu tiến gần mốc 1.000 USD
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2024, giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang Brunei đạt 959 USD/tấn.
Bên cạnh Brunei, giá xuất khẩu gạo sang một số thị trường cũng neo ở mức cao như giá xuất khẩu gạo trung bình sang Mỹ đạt 868 USD/tấn, Hà Lan đạt 857 USD/tấn, Ukraine đạt 847 USD/tấn, Iraq đạt 836 USD/tấn, Thổ Nhĩ Kỳ đạt 831 USD/tấn…
Giá gạo xuất khẩu tăng cao đã góp phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.
Một trong những nguyên nhân thúc đẩy giá gạo xuất khẩu trên thế giới tăng là vì Ấn Độ có lệnh cấm xuất khẩu gạo do sản xuất lúa gạo năm nay của quốc gia này đối diện nhiều khó khăn. Hiện, Ấn Độ chiếm tới 40% sản lượng gạo toàn cầu.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, Việt Nam xuất khẩu 650.000 tấn gạo với kim ngạch 416 triệu USD trong tháng 6, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung nửa đầu năm 2024, xuất khẩu gạo đạt 4,6 triệu tấn với 2,9 tỷ USD, tăng 10,4% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Nhưng gạo Việt chưa phải thương hiệu mạnh khi xuất khẩu
Từng đạt giải gạo ngon nhất thế giới, luôn giữ vị trí hàng đầu thế giới về sản lượng gạo xuất khẩu, song hầu hết gạo Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô, chưa có thương hiệu riêng.
so với các nước như Thái Lan, Campuchia… gạo Việt Nam đang có lợi thế rất lớn để xuất khẩu vào EU nhờ chất lượng tốt và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, nhưng gạo Việt lại thua về thương hiệu trước các nước đối thủ trong khu vực.
Theo đánh giá của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, phần lớn gạo Việt Nam khi xuất khẩu sang EU đều là gạo thô, chưa có thương hiệu riêng. Các doanh nghiệp nhập khẩu sau khi nhập về sẽ đóng bao bì, nhãn mác của họ lên sản phẩm gạo Việt Nam để bán cho người tiêu dùng.
Chẳng hạn, gạo Việt Nam được bán tại Anh quốc với các thương hiệu do các nhà phân phối đặt như: Longdan, Golden Lotus, Buffalo (của Longdan Supermarket), Green Dragon (của Westmill UK) và Red Ant (của MediFood).
Phân tích về vấn đề này, Thương vụ Việt Nam tại Anh (Bộ Công Thương) Nguyễn Cảnh Cường cho rằng, nguyên nhân là các doanh nghiệp Việt chưa quan tâm xây dựng thương hiệu. Do đó, nhà phân phối sở tại cho rằng, thương hiệu riêng của họ marketing hiệu quả cao hơn thương hiệu gạo của Việt Nam.
Dẫn chứng rõ nhất là gạo ST25 Việt Nam dù được công nhận là gạo ngon nhất thế giới năm 2019 nhưng rất ít người dân Anh biết đến. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt khi xuất loại gạo này sang hầu như họ chưa mặn mà với thương hiệu, nên hiệu quả marketing thấp.
Chia sẻ thêm về câu chuyện vì sao gạo của Campuchia được quốc tế yêu thích, GS Võ Tòng Xuân kể, trong chuyến đi học kinh nghiệm của Campuchia, ông thấy có nhiều chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, Pháp, Úc hỗ trợ xây dựng thương hiệu gạo. Họ thực hiện theo những bước: Xác định doanh nghiệp có thật tâm với lúa gạo; Phân tích cạnh tranh – xác định đối thủ; Vị trí so với đối thủ. Ngoài ra, cải tiến chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn chất lượng; Tổ chức và huấn luyện nông dân kỹ thuật GAP sản xuất giống đã chọn; Đăng ký thương hiệu và khẩu hiệu chiến lược; cách đóng gói bao bì… Cuối cùng là marketing, xúc tiến thương mại.
Hay nhiều nước chỉ có cùng một giống lúa nhưng xây dựng thành công nhiều thương hiệu khác nhau. Chẳng hạn cùng một giống lúa Koshihikari nhưng có hàng trăm công ty lương thực Nhật Bản sản xuất hàng trăm thương hiệu gạo khác nhau. Tương tự, cùng một giống lúa Arborio nhưng Ý có nhiều thương hiệu gạo khác nhau; Thái Lan cũng có nhiều thương hiệu xuất phát từ cùng một giống lúa…
“Vấn đề xây dựng thương hiệu rất quan trọng. Mọi người đều có trách nhiệm trong chuỗi thương hiệu đó, ngay cả người lái xe nếu không làm đúng cũng ảnh hưởng đến thương hiệu”, GS Võ Tòng Xuân chia sẻ thêm.
Nhìn ra Thái Lan – một “cường quốc” xuất khẩu gạo tương tự như Việt Nam, có thể thấy, nhiều năm nay, gạo Thái Lan được biết đến nhiều nhất với thương hiệu Thai Hom Mali. Đáng chú ý, một dòng gạo cao cấp của gạo Jasmine (hoa nhài) được nhiều người biết đến và gắn liền với đất nước Thái Lan, dù nhiều nước khác như Úc, Trung Quốc, thậm chí Việt Nam cũng có trồng và xuất khẩu loại gạo này.
Thai Hom Mali được biết đến với chất lượng ổn định, đặc điểm thơm ngon, mềm và hương vị được yêu thích. Ngoài ra, mẫu mã bao bì của gạo Thai Hom Mali cũng được chăm chút kỹ lưỡng. Hầu hết các mẫu bao bì đều có phiên bản tiếng Anh (chủ đạo), tiếng Thái, Trung Quốc, Philippines, Việt Nam… Điều này giúp gia tăng số lượng khách hàng tiềm năng lựa chọn gạo ở nước ngoài.
Đặc biệt, xác định đây là dòng gạo định hình về thương hiệu quốc gia, Thái Lan sử dụng các thông điệp như “Think Rice, Think Thailand” và “The rice bowl of Asia” để liên kết hình ảnh gạo Thai Hom Mali với quốc gia. Nhờ đó, hình ảnh gạo Thái Lan được tô đậm trong tâm trí người nước ngoài.
Cần làm gì để nói đến gạo, nghĩ đến Việt Nam
Ông Hồ Quang Cua- “cha đẻ” gạo ST25. |
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, để tạo ra vị thế cho gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, ngành gạo Việt Nam cần triển khai một chiến lược thương hiệu phù hợp với từng thị trường.
Chương trình thương hiệu quốc gia cần lựa chọn một số chủng loại gạo chất lượng cao có sản lượng lớn để đặt tên theo hướng đơn giản, dễ nhớ và gắn với địa danh nơi trồng lúa, tạo thuận lợi đăng ký bảo hộ tại nước ngoài.
Kiến nghị về chính sách, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam đề xuất: Để xây dựng thương hiệu gạo Việt cần cụ thể hóa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thương hiệu và được gắn nhãn chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam (Vietnam Rice).
Theo đó, Nhà nước cần hỗ trợ thiết lập các văn phòng giới thiệu, quảng bá gạo Việt Nam ở các thị trường trọng điểm. Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cần xem xét bỏ thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo, tham gia đấu thầu hợp đồng tập trung và yêu cầu đạt chuẩn đối với nhà máy của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Khuyến nghị về giải pháp đa dạng thị trường, TS Lê Văn Bảnh cho rằng, ngành gạo cần bảo đảm độ thuần chủng và không ngừng cải tiến chất lượng đối với các giống lúa tốt như ST24, ST25. Bên cạnh đó, tùy theo từng thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp phải tạo ra giống lúa thích hợp để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng.
Chẳng hạn, người dân Đông Bắc Á chuộng gạo hạt dài và dẻo; người dân Trung Đông thích gạo khô; người Tây Âu và Bắc Mỹ thích gạo thơm. Việc xây dựng thương hiệu gạo Việt cần bao gồm cả thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng miền và thương hiệu doanh nghiệp.
“Một số doanh nghiệp gạo hiện còn đưa ra chiến lược đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, khép kín từ khâu giống đến tiêu thụ, phát triển nhiều giống và loại gạo khác nhau. Đây là bước đi đúng hướng bởi xây dựng thương hiệu gạo trong nước cũng chính là bước đầu hình thành thương hiệu gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế.” – TS Lê Văn Bảnh chia sẻ.
Tại hội thảo tham vấn hoàn thiện chính sách, pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam, hồi tháng 3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, việc gạo ST25 bị đơn vị nước ngoài đăng ký bảo hộ độc quyền, doanh nghiệp phải tự đi xử lý để bảo vệ mình là bài học xương máu cho xây dựng thương hiệu nông sản Việt.
Ông Hồ Quang Cua- “cha đẻ” gạo ST25 cũng cho biết, sau khi gạo ST25 đoạt giải ngon nhất thế giới năm 2019, doanh nghiệp liên tục phải ứng phó với tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên khắp thế giới cũng như trong nước, và “phải gồng mình lắm mới vượt qua được”.
Liên quan đến vấn đề này, tại phiên chất vấn của Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương- Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận, Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo (Nghị định 107) đã phát sinh nhiều điểm bất cập. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Công Thương tích cực xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung hướng tới xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.
Theo đó, dự thảo nghị định (đang được lấy ý kiến, tổng hợp để hoàn thiện) hướng tới sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ báo cáo thống kê hợp đồng xuất khẩu và thực hiện hợp đồng xuất khẩu theo hướng chặt chẽ, chế tài xử lý cao, mang tính răn đe nhằm hạn chế tình trạng thương nhân chậm và không thực hiện chế độ báo cáo.
Sửa đổi, bổ sung quy định rõ thời gian hậu kiểm của các sở công thương sau khi được nhận giấy chứng nhận xuất khẩu gạo. Sửa đổi, bổ sung cơ chế, phương thức phối hợp cụ thể giữa bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan trong tổ chức điều hành xuất khẩu, bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc hiệu quả trong thực thi chính sách.
Bổ sung các biện pháp phát triển thị trường, xúc tiến thương mại đối với hàng lúa gạo, đặc biệt “xây dựng thương hiệu gạo phải là thương hiệu của Việt Nam chứ không phải thương hiệu của địa phương, càng không phải là thương hiệu của một sản phẩm cụ thể”. Đồng thời, bổ sung quy định rõ ủy thác xuất khẩu và nhận ủy thác xuất khẩu gạo, trong đó có thương nhân ủy thác và nhận ủy thác phải có giấy chứng nhận có quyền về kinh doanh xuất khẩu thì mới được thực hiện…