Những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý trong tuần 8-14/7
Bên cạnh các báo cáo về kết quả thu nhập của các ngân hàng Mỹ và quyết định chính sách lãi suất của New Zealand và Hàn Quốc, giới phân tích và các nhà kinh doanh cũng theo dõi kết quả bầu cử ở Pháp và Anh.
Dưới đây là những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý trong tuần 7-13/7/2024:
1/Lạm phát ở Mỹ
Chỉ số giá tiêu dùng hàng tháng của Mỹ, công bố vào thứ Năm (11/7) sẽ định hình quan điểm về việc liệu Cục Dự trữ Liên bang mỹ (Fed) có thể cắt giảm lãi suất trong những tháng tới hay không.
Theo một cuộc thăm dò của Reuters, chỉ số lạm phát tháng 6 ước tính tăng 0,1%, sau khi không thay đổi trong tháng 5 (nằm ngoài dự kiến).
Dữ liệu cuối tháng trước cho thấy một thước đo lạm phát khác, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước – cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt, nhưng con số này vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed.
Dự kiến đó sẽ là một phần nội dung của bản điều trần trước Quốc hội của Chủ tịch Fed
Jerome Powell vào thứ Ba (9/7). Tại một hội nghị ở Bồ Đào Nha tuần vừa qua, ông
phát biểu rằng Mỹ đang quay trở lại “con đường giảm phát”, nhưng các nhà hoạch định chính sách cần có thêm dữ liệu trước khi quyết định cắt giảm lãi suất.
Lạm phát của Mỹ.
2/ Kết quả kinh doanh của lĩnh vực ngân hàng
Lãi suất cao và môi trường kinh tế không chắc chắn đang phủ bóng đen lên thu nhập của các ngân hàng Mỹ khi mùa báo cáo quý 2/2024 sắp bắt đầu.
JPMorgan Chase, Citigroup và Wells Fargo sẽ báo cáo kết quả thu nhập quý 2 vào ngày 12 tháng 7. Bank of America sẽ công bố kết quả của mình vào ngày 16 tháng 7.
Theo ước tính của LSEG, công ty cho vay lớn nhất Mỹ, JPMorgan, dự kiến sẽ báo cáo thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) là 4,69 USD – thấp hơn 4,75 USD so với một năm trước. EPS của Bank of America được dự báo sẽ giảm xuống 79 US cent từ mức 88 US cent một năm trước, mặc dù EPS của Citi và Wells Fargo được dự đoán sẽ tăng.
Các nhà phân tích cho biết bình luận của các ngân hàng sẽ là dữ liệu quan trọng, đặc biệt là sau khi các nhà lãnh đạo ngành thông báo các điều kiện trong hoạt động ngân hàng đầu tư có sự cải thiện.
Kết quả thu nhập quý 2 của lĩnh vực ngân hàng Mỹ.
3/ Vòng bỏ phiếu thứ 2 ở Pháp
Cử tri Pháp đi bỏ phiếu vòng bầu cử thứ 2 vào Chủ nhật (7/7) với kết quả được các nhà đầu tư dự đoán Quốc hội nước này sẽ rơi vào tình trạng treo.
Triển vọng chi tiêu gia tăng dưới thời Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu của Marine Le Pen, hoặc thậm chí kể cả Chính phủ cánh tả, đã làm rung chuyển thị trường tài chính Pháp trong tháng Sáu.
Nhưng các nhà đầu tư lạc đang gia tăng lạc quan, khi Đảng RN công bố chiến thắng nhỏ hơn so với kết quả một số cuộc thăm dò ở vòng bỏ phiếu đầu tiên vào Chủ nhật tuần trước (30/6).
Phần bù rủi ro (
risk premium) của trái phiếu Pháp so với trái phiếu Đức đã
giảm xuống khoảng 70 điểm cơ bản, sau khi đạt mức cao nhất kể từ năm 2012 vào tuần trước (85 điểm cơ bản).
Tuy nhiên, các nhà đầu tư không mong muốn có một Quốc hội treo, vì nó có nguy cơ làm tê liệt chính sách, khiến việc cải thiện tình hình tài chính của Pháp vốn căng thẳng càng trở nên khó khăn hơn, khiến nước này phải đối mặt với các biện pháp kỷ luật của Liên minh châu Âu.
Chênh lệch lợi suất trái phiếu Pháp tăng do lo ngại về kết quả bầu cử.
4/ Chính sách lãi suất
Các nhà đầu tư đang chờ đợi các manh mối về việc liệu Ngân hàng Dự trữ New Zealand và Ngân hàng Hàn Quốc có hạ lãi suất trong năm nay hay không. Cả hai ngân hàng trung ương này đều có lập trường thận trọng trong bối cảnh lạm phát cao dai dẳng, và nhiều người dự đoán họ sẽ giữ lãi suất ổn định ở mức cao nhất trong 15 năm tại cuộc họp lần lượt vào thứ Tư và thứ Năm (10 và 11/7).
Đặc biệt ở New Zealand, các nhà hoạch định chính sách thậm chí còn cảnh báo nguy cơ sẽ có một đợt tăng lãi suất khác trong năm nay, và dự kiến phải đến cuối năm 2025 mới hạ lãi suất. Mặc dù vậy, thị trường đã gia tăng lạc quan khi dự báo sẽ có một đợt cắt giảm duy nhất trong năm nay và sớm nhất là vào tháng 10, khi lạm phát hạ nhiệt, niềm tin về hoạt động kinh doanh xấu đi và nhu cầu trong nước suy yếu.
Hàn Quốc thậm chí còn có những dấu hiệu rõ ràng hơn về việc giá cả đang được kiểm soát, nhưng sự đồng thuận của thị trường vẫn là nước này không cắt giảm lãi suất cho đến quý 4/2024. Tuy nhiên, áp lực chính trị đang gia tăng, với việc Tổng thống Yoon Suk Yeol kêu gọi hạ lãi suất để phù hợp với xu hướng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ là “không thể tránh khỏi”.
Lãi suất của New Zealand và Hàn Quốc.
5/ Yên Nhật trượt dài
Yên Nhật đã giảm xuống mức thấp nhất gần 40 năm bất chấp nỗ lực ngăn chặn của Chính phủ Nhật Bản. Nguyên nhân do
chênh lệch lãi suất lớn giữa Nhật Bản và các nền kinh tế lớn khác, dẫn tới việc các nhà đầu tư vay đồng yen và đầu tư vào các loại tiền tệ có lãi suất cao hơn.
Tuần qua, yên đã giảm xuống 161,58 JPY/USD, mức thấp nhất trong vòng 38 năm. Diễn biến tỷ giá đồng yen sẽ tiếp tục được thị trường theo dõi chặt chẽ trong thời gian tới.
Việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) không khẩn trương bình thường hóa chính sách tiền tệ cũng đè nặng lên đồng nội tệ, mặc dù ngày càng có nhiều đồn đoán rằng BOJ có thể tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào cuối tháng 7. Hơn nữa, BOJ trước đó đã thông báo rằng họ sẽ công bố kế hoạch kết thúc chương trình mua trái phiếu trong tháng này.
Tỷ giá JPY/USD.
Tham khảo: Reuters