Chú ý vài bí quyết là không bỏ lỡ cơ hội
Mặc dù nhiều thương hiệu đồ xa xỉ muốn ngăn chặn hoạt động bán lại các sản phẩm cũ của họ nhưng đó là một nhiệm vụ bất khả thi. Điều này được cho là đem lại lợi ích cho các tín đồ thời trang và nhà đầu tư, những người có thể hưởng lợi từ hoạt động kinh doanh đang bùng nổ này.
Theo Wall Street Journal, người mua sắm toàn cầu đã chi 1,3 nghìn tỷ USD cho túi xách, quần áo, đồng hồ và đồ trang sức sang trọng mới chỉ trong 4 năm qua. Ít nhất một số thứ trong số đó chắc chắn sẽ được tìm thấy trên các trang web đồ cũ.
Nếu trước đây, nhiều món hàng xa xỉ có thể phủ bụi trong tủ quần áo của người tiêu dùng thì nay dường như chúng xuất hiện nhiều hơn ở các đại lý bán lẻ hàng xa xỉ trực tuyến như The RealReal hay Vestiaire Coll.
Theo ước tính của Bain & Company, các sản phẩm xa xỉ “secondhand” được bán trên toàn thế giới năm 2023 trị giá 45 tỷ euro, tương đương 49,3 tỷ USD theo tỷ giá hối đoái hiện tại. Quy mô thị trường bán lại đã tăng gần gấp đôi trong 4 năm.
Con số này đủ lớn để các nhà thiết kế phải chú ý. Các thương hiệu cũng có những lo ngại chính đáng rằng hàng giả có thể bị coi là hàng thật trên các trang web cũ, bởi một số trang web không có kiểm tra xác thực nghiêm ngặt. Và họ cũng không thích việc người tiêu dùng dễ dàng nhận thấy hàng hóa nào giữ được giá trị và hàng hóa nào không.
Sasha Skoda, giám đốc bán hàng cấp cao của The RealReal, cho biết: “Tôi nghĩ các thương hiệu đang theo dõi rất chặt chẽ giá trị bán lại các sản phẩm của họ”.
Đối với một số thương hiệu cao cấp, giá trị sản phẩm bán lại đang rất cao khi người mua không muốn phải chờ đợi quá lâu để đặt được hàng.
Trung bình, túi xách Hermès đã qua sử dụng đắt hơn 25% so với túi mới và những thiết kế khan hiếm thậm chí còn có giá cao hơn. Một chiếc túi Birkin 25 cơ bản, có giá khoảng 10.000 USD khi mua mới tại một cửa hàng tại Mỹ. Nhưng người mua có thể phải trả tới 24.000 USD trở lên để mua lại từ các đại lý bán lại lớn như Privé Porter. Tương tự, đồng hồ đã qua sử dụng do Rolex và Patek Philippe sản xuất có giá bán cao hơn trung bình lần lượt là 20% và 39%, dựa trên dữ liệu từ WatchCharts.
Mặt khác, theo dữ liệu từ The RealReal, túi xách của Louis Vuitton mất trung bình 40% giá trị khi được bán lại, theo dữ liệu từ The RealReal. Túi của Christian Dior giảm gần một nửa giá trị.
Một số nhà đầu tư đang mua dữ liệu chi tiết từ WatchCharts để nhận gợi ý về những mặt hàng đồ xa xỉ nên đầu tư hoặc tránh xa. Hay xem xét các mặt hàng của từng thương hiệu có sự thay đổi gì không qua từng năm.
Ví dụ, giá trị hàng cũ của nhãn hiệu xa xỉ Salvatore Ferragamo đến từ Ý, đang trong quá trình cải tiến và giá cả đã tăng vọt trên The RealReal trong năm qua. Ngược lại, giá trị bán lại trung bình của Burberry đã giảm 17%. Đây không phải là một dấu hiệu tốt cho thương hiệu. Các thương hiệu hàng đầu của tập đoàn xa xỉ Kering được niêm yết tại Paris cũng có vẻ yếu kém, họ sở hữu Gucci, Balenciaga và Bottega Veneta, giá trị hàng đã qua sử dụng cũng giảm lần lượt 10%, 14% và 23% trong năm qua.
Hiện tại, nhiều người đang coi việc đầu tư mua đồ hiệu rồi bán lại trên các trang web hàng cao cấp (đối với một số mặt hàng nhất định) là một cách đầu tư khôn ngoan , bên cạnh việc rót tiền vào các tài sản như chứng khoán, bất động sản, vàng,…
Dữ liệu cũng có thể tiết lộ liệu việc tăng giá mạnh mẽ nhằm làm cho các thương hiệu có vẻ được ưa chuộng và độc quyền hơn có mang lại hiệu quả như mong đợi hay không.
Theo đó, đối với các công ty xa xỉ, một câu hỏi được nhiều người đặt ra là liệu họ có thể tác động đến giá trị bán lại của mình bằng cách can thiệp trực tiếp vào thị trường đồ cũ hay không.
Cho đến nay, điều này không xảy ra nhiều. Gucci, Stella McCartney và Burberry đều nhúng tay vào nó thông qua quan hệ đối tác với các trang web bán lại, nhưng những động thái này chỉ là nhỏ hoặc tạm thời.
Rolex là một ngoại lệ. Vào cuối năm 2022, nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ đã triển khai một chương trình liên quan tới đồng hồ đã qua sử dụng được chứng nhận và hóa ra đây là một động thái kinh doanh khôn ngoan.
Dấu hiệu ban đầu cho thấy người mua hàng sẵn sàng trả thêm tiền cho những chiếc đồng hồ đã qua sử dụng đã được Rolex xác minh.
Một chiếc đồng hồ Rolex 126500 Daytona có giá mua mới là 15.100 USD. Vì mẫu này khan hiếm nên một đại lý không có giấy chứng nhận có thể bán một chiếc đã qua sử dụng với giá 32.300 USD theo ước tính của WatchCharts. Tuy nhiên, một chiếc Daytona đã qua sử dụng được bán lại đi kèm chứng nhận của Rolex có thể có giá từ 37.000 USD trở lên.
Kiểm soát thị trường bán lại theo cách này có thể hiệu quả đối với các thương hiệu có giá trị cao, số lượng hạn chế như Rolex. Còn đối với các nhà sản xuất quần áo và túi xách sẽ cần phải mua lại một lượng lớn hàng đã qua sử dụng, điều này có thể làm giảm lợi nhuận của họ.
Điều đó khiến hầu hết các công ty kinh doanh các mặt hàng xa xỉ chưa có phương án tối ưu đối với thị trường bán lại đang bùng nổ. Người mua hàng sẽ tiếp tục tìm được những món hời và các nhà đầu tư có thể khai thác được một kho tàng dữ liệu.
Tham khảo WSJ
Theo Nhịp sống thị trường
Copy link
Lấy link!
https://markettimes.vn/ngoai-chung-khoan-bat-dong-san-nhieu-nguoi-tren-the-gioi-dang-dau-tu-vao-mot-tai-san-doc-dao-du-cu-ban-lai-van-thu-loi-nhuan-cao-chu-y-vai-bi-quyet-la-khong-bo-lo-co-hoi-50364.html