Không gian sáng tạo, tương tác văn hóa từ ba loại hình không gian công cộng
Có thể coi không gian công cộng là một tấm gương phản chiếu văn hóa thành phố, đời sống đô thị… Bởi vậy, chắc chắn nó là phương tiện tác động và hoàn thiện bản sắc văn hóa của con người và xã hội. Nếu nhìn nhận không gian công cộng từ quan điểm trên, ngay cả ở những loại hình (hoặc cấp độ) cơ bản nhất, như chợ, khu ẩm thực hay hội chợ triển lãm, sẽ cho thấy vai trò quan trọng của không gian công cộng với tư cách là một không gian sáng tạo, tương tác văn hóa, đồng thời đóng góp vào sức hấp dẫn của cảnh quan và tạo lập giá trị kinh tế.
1. Không gian công cộng – cơ sở phát triển không gian văn hóa, sáng tạo
Không gian công cộng (public space, public sphere) là một khái niệm cơ sở then chốt được tiếp cận trong địa lý đô thị, thiết kế đô thị, triết học, xã hội học, nghiên cứu văn hóa và nghệ thuật thị giác. Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về không gian công cộng phân loại dựa trên quyền sở hữu, kiểm soát, khả năng tiếp cận và sử dụng.
Việc định nghĩa không gian công cộng dựa trên quyền sở hữu vẫn còn là một “vùng xám”, do lằn ranh giữa “công” và “tư” đang ngày một bị xóa nhòa. Một khuynh hướng đáng chú ý trên thế giới hiện nay, đó là tư hữu hóa/tư nhân hóa (privatisation) không gian công cộng, hay còn được hiểu là phi quốc hữu không gian công cộng. Điều này dẫn đến một thuật ngữ phổ biến ở phương Tây là không gian công cộng được sở hữu tư (privately owned public space), được sử dụng để mô tả một loại không gian công cộng, mặc dù thuộc sở hữu tư nhân, về mặt pháp lý được yêu cầu mở ra đối với công chúng theo pháp lệnh quy hoạch của thành phố hoặc luật sử dụng đất khác… Bởi vậy, không gian công cộng thậm chí có thể bao hàm cả không gian tư hữu nhưng công chúng được quyền tự do tiếp cận, trong khi không gian công hữu nhưng không cho phép công chúng tiếp cận thì không. Và đây có vẻ như là cũng là vấn đề chung ở Việt Nam khi tìm cách định nghĩa không gian công cộng từ góc độ quyền sở hữu không gian. Nhưng đồng thời, có thể thấy rõ không gian công cộng gắn liền chặt chẽ với chủ thể tham dự nó, tức công chúng.
Một số tác giả định nghĩa không gian công cộng là “không gian không bị kiểm soát bởi cá nhân hay tổ chức tư, và do đó nó cởi mở đối với đại chúng” (Madanipour 1996, tr. 144). Trong chuyên luận Public Space, không gian công cộng được định nghĩa dựa trên khả năng tiếp cận và sử dụng “Như là các địa điểm có thể tiếp cận công cộng, nơi mọi người đến cho các hoạt động nhóm hoặc cá nhân” (Carr và những người khác 1992, tr. 50).
Các nhà hoạch định và nghiên cứu đô thị đã từ lâu duy trì quan điểm cho rằng các động lực thể lý và xã hội của không gian công cộng đóng một vai trò trung tâm trong việc hình thành công chúng và văn hóa công cộng. Một không gian công cộng như phố, công viên, quảng trường đã được nhìn nhận như là những biểu tượng của sự phồn thịnh tập thể, hay nói cách khác không gian công cộng là một biểu trưng của văn hóa tập thể. Không gian công cộng, do đó, là một phần không thể thiếu của không gian đô thị.
Iveson (1998) đề xuất phân loại bốn mô hình không gian công cộng:
1. Mô hình nghi lễ: Mô hình nghi lễ coi không gian công cộng đích thực là không gian đại diện cho chiến thắng của công chúng đối với chợ thương mại, thường là thông qua quyền sở hữu nhà nước và thiết kế xây dựng quy mô lớn. Đây là những không gian hoành tráng, nơi có thể tổ chức các sự kiện quan trọng của quốc gia, tiểu bang hoặc thành phố.
2. Mô hình cộng đồng: Mô hình cộng đồng đặt chất lượng của “đời sống công cộng” được tạo điều kiện bởi các loại không gian công cộng khác nhau lên tầm quan trọng hàng đầu. Nhiều nhà quy hoạch đô thị đã khám phá mối liên hệ giữa không gian công cộng và cộng đồng, và cho rằng “tính công cộng” của không gian không phụ thuộc vào quyền sở hữu nhà nước, mà phụ thuộc vào khả năng nuôi dưỡng hoặc xây dựng cộng đồng;
3. Mô hình tự do: Ở mô hình này, không gian công cộng lý tưởng được coi là không gian mở và có thể tiếp cận được bởi tất cả mọi người, bỏ qua mọi sự khác biệt về mặt xã hội. Đây là địa điểm của sự tham gia của công dân trong cuộc sống hàng ngày và các công việc công cộng. Mô hình này tập trung rõ ràng hơn vào các vấn đề bao hàm và loại trừ so với các mô hình nghi lễ hoặc cộng đồng.
4. Mô hình đa công cộng: Mô hình không gian đa công cộng thay thế sự gắn bó của mô hình tự do với lý tưởng về không gian công phổ quát bằng lý tưởng về không gian công như một bối cảnh có cấu trúc cho sự tương tác giữa nhiều bộ phận công chúng khác nhau.
Hầu hết các học giả đều tán thành về vai trò xã hội và cố kết cộng đồng của không gian công cộng. Về hiệu quả của không gian công cộng: “Khi các không gian công cộng thành công, chúng sẽ khuếch đại các cơ hội tham gia vào hoạt động cộng đồng. Mối quan hệ giao hảo cởi mở này nuôi dưỡng sự phát triển của đời sống công cộng, vốn bị hạn chế bởi sự cô lập xã hội của các khu dân cư và vùng ngoại ô. Trong các công viên, quảng trường, chợ, bờ sông và các khu vực tự nhiên của các thành phố, mọi người từ các nhóm văn hóa khác nhau có thể đến với nhau trong một bối cảnh hỗ trợ của sự cùng chung thụ hưởng. Khi những trải nghiệm này được lặp đi lặp lại, không gian công cộng trở thành phương tiện mang những ý nghĩa cộng đồng tích cực” (Carr, tlđd, tr. 344). Còn Arendt (1958) lập luận rằng không gian công cộng cung cấp khả năng cho mọi người đến với nhau, thảo luận và nhận ra sự hiện diện của nhau, điều vốn rất quan trọng đối với nền dân chủ.
Thomas (1991) đã nhấn mạnh vai trò xã hội của không gian công cộng và đề xuất: “Không gian công cộng là một khu vực thiết yếu mang lại cơ hội cho các cá nhân lẫn cộng đồng phát triển và làm phong phú thêm cuộc sống của họ” (tr. 222). Ông đã xác định bốn vai trò xã hội đối với không gian công cộng: (1) là khu vực dành cho đời sống công cộng; (2) là nơi gặp gỡ giữa các nhóm xã hội khác nhau; (3) là không gian để trưng bày các biểu tượng và hình ảnh trong xã hội; (4) là một phần của hệ thống giao tiếp giữa các hoạt động đô thị (tr. 210).
Mehta (2014) xây dựng một khung đánh giá không gian công cộng dựa trên mô hình năm chiều cạnh của không gian công cộng như sau:
Chỉ số an toàn là mối quan tâm tiên quyết đối với một không gian công cộng, được tính toán dựa trên khả năng một người cảm thấy an toàn trước các tác nhân xã hội và vật lý, tức tội phạm và giao thông. Không gian công cộng là không gian tham dự, do đó, chỉ số tính bao hàm của không gian công cộng nhằm đánh giá mức độ tiếp cận của không gian đối với các cá nhân và nhóm khác nhau, và mức độ các hoạt động và hành vi khác nhau của họ có được ủng hộ hay không. Chỉ số các hoạt động có ý nghĩa nhằm đánh giá các hoạt động tham gia vào việc kiến tạo ý nghĩa và bản sắc cho không gian công cộng. Cảm giác thoải mái trong một không gian công cộng có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm mức độ an toàn được cảm nhận, sự quen thuộc với môi trường và con người, thời tiết, điều kiện vật chất, sự thuận tiện,… Tuy nhiên, chỉ số độ thoải mái chỉ đề cập đến các tác động vật lý và môi trường của không gian công cộng. Chỉ số độ thú vị của một không gian công cộng được đánh giá dựa trên chất lượng của không gian và hiệu quả thẩm mỹ không gian mang lại cho các giác quan của người tham dự.
Ở Việt Nam, không gian công cộng lần đầu tiên xuất hiện trong Nghị định số 42/2009/NĐ-CP của Chính phủ về phân loại đô thị, nhưng chưa được định nghĩa chính thức hay quy định cụ thể trong văn bản pháp quy. Không gian công cộng, nếu hiểu theo nghĩa như là một thành tố mang chức năng phục vụ đời sống tinh thần của dân cư đô thị hiện đại, có thể là quảng trường, công viên, vườn hoa, khu chức năng. Tuy nhiên, nếu từ quan điểm không gian công cộng phương Tây để nhìn nhận tính đặc thù của không gian công cộng Việt truyền thống, sẽ rút ra được những khác biệt:
2. Chợ
Định nghĩa cơ bản nhất về chợ (marketplace), theo từ điển Oxford, là nơi thường xuyên tụ tập của mọi người để mua bán các vật dụng, vật nuôi và các hàng hóa khác. Chợ được coi là không gian công cộng cốt tủy, không chỉ cung cấp khả năng tiếp cận các sản phẩm tươi sống mà còn đóng vai trò là cơ sở hạ tầng xã hội quan trọng (van Eck và nhiều tác giả khác, 2022). Trong các tài liệu chính sách và học thuật, chợ thường được đóng khung như cơ sở hạ tầng xã hội, tạo điều kiện cho sự hiệp lực tự phát giữa những người thuộc các nền tảng kinh tế – xã hội và văn hóa khác nhau, đồng thời mang lại cảm thức về cuộc sống địa phương và “linh hồn” của một thành phố.
Ở châu Âu, các chợ thường chiếm vị trí trung tâm của thị trấn – thường được gọi là quảng trường chợ – hoạt động như một trung tâm của địa phương và là nơi giao thương hàng hóa từ các địa phương bên ngoài. Với sự phát triển đô thị hóa, nhiều thành phố đã chứng kiến chợ ngoài trời của họ chuyển sang các không gian cố định, có mái che, thường được xây dựng đặc biệt cho mục đích sử dụng của chúng, trong khi sự phát triển của chợ bán lẻ ngoài trời và đường phố trên khắp các cảnh quan đô thị cũng phát triển nhanh chóng. Dưới đây là sơ đồ các lợi ích của chợ với tư cách là không gian công cộng:
Chợ là không gian cho các mối quan hệ kinh tế bổ sung, trong đó mua sắm và tiêu dùng tạo cơ hội để làm sâu sắc thêm các mối quan hệ. Một loạt các gắn kết xã hội được thúc đẩy bởi chợ: Đồng nghiệp phát triển sự gắn kết nhờ chia sẻ trải nghiệm chung; mối quan hệ giữa người mua và người bán; các doanh nghiệp cạnh tranh phát triển mối quan hệ gắn kết với nhau; các cộng đồng và các mối quan hệ phân tán về mặt địa lý được kết nối với nhau thông qua các dịch vụ vận tải (Storr 2008).
Trên cơ sở sử dụng mô hình SOP ba chiều (sự gắn kết với nơi chốn, bản sắc nơi chốn và sự lệ thuộc nơi chốn) để nghiên cứu tầm quan trọng của chợ đường phố ở nước Anh với tư cách là các không gian xã hội trong thành phố, Watson và Studdert (2006) nhận thấy rằng: Các chợ tạo cơ hội nán lại cho khách viếng thăm, thường bằng cách cung cấp các lựa chọn thực phẩm và đồ uống tại chỗ, cũng như các khu vực tiếp khách thân mật, vốn là một yếu tố quan trọng khi các cá nhân đưa ra quyết định ở lại và tương tác với những người họ biết (và chưa biết). Cũng theo hai tác giả, các chợ đường phố chủ ý thu hút khách bằng cách cung cấp nhiều loại sản phẩm và dịch vụ phù hợp với nhu cầu và “thị hiếu” của cộng đồng (do chúng phù hợp với văn hóa của khu vực lân cận), sẽ có xu hướng trở thành không gian xã hội, nơi mọi người ở lại và kết nối với nhau. Họ cho rằng các chợ sẽ thành công hơn về mặt xã hội khi chúng đáp ứng được “nhu cầu của cộng đồng xung quanh, đặc điểm kinh tế xã hội và nhân khẩu học cũng như các điều kiện địa phương”.
Để khám phá vai trò xã hội của chợ, và tác động của các yếu tố vật lý, kinh tế và quản lý khác nhau đối với chợ với tư cách là không gian của sự đa dạng và tương tác xã hội, các tác giả trên đã lựa chọn nghiên cứu dân tộc học các chợ ở sáu thị trấn và thành phố của Anh, và hai chợ khác ở London. Các địa phương được chọn để phản ánh sự khác biệt tiềm ẩn giữa các chợ ở khu vực nông thôn, thị trấn nhỏ, thành phố và thủ đô, và giữa các loại chợ khác nhau: Chợ nông sản, chợ ngoài trời, chợ trong nhà, chợ đường phố. Các trường hợp nghiên cứu cũng khác nhau về chỉ số kinh tế xã hội và xã hội/nhân khẩu học, khác nhau về quy mô diện tích, khác nhau về tổ chức điều hành (quản lý bởi hội đồng hoặc công ty tư nhân). Yếu tố đa văn hóa – đa dân tộc cũng được xem xét đến khi các tiểu thương có nhiều nguồn gốc khác nhau: Người gốc Phi, Phi-Caribê, châu Á, Đông Âu và Do Thái.
Điều quan trọng nhất, theo như kết luận nghiên cứu chỉ ra, đó là các thuộc tính đóng góp cho sự thành công của chợ như là một không gian công cộng/không gian xã hội:
- Các đặc trưng để thu hút khách đến với địa điểm – bao gồm nhiều loại sản phẩm đa dạng “phù hợp” với nhu cầu và “thị hiếu” của cộng đồng địa phương, cũng như gây một cảm giác ngạc nhiên hoặc bất ngờ để thu hút sự quan tâm;
- Cung cấp cơ hội để khách nán lại: Các tiệm café và xe bán đồ ăn ở những địa điểm gần đó là mấu chốt để níu giữ khách; các khu vực chỗ ngồi cũng có tầm quan trọng đáng kể;
- Tiếp cận tốt địa điểm: Phương tiện giao thông công cộng là chìa khóa, nhưng cơ hội đến bằng ô tô và tiếp cận bãi đậu xe cũng rất quan trọng đối với một số du khách;
- Một cộng đồng thương nhân tích cực và gắn bó – vừa cung cấp ưu đãi bán lẻ mà còn cung cấp một phần đời sống xã hội của chính địa điểm chợ. Ngoài ra, còn có các thuộc tính quan trọng khác nhưng ít thiết yếu hơn như sau:
- Một địa điểm được bố trí tốt – có suy nghĩ tư duy về cách bố trí của các quầy hàng, các cửa hàng hoặc điểm đến chủ đạo (thường là quán cafe) và một số cụ thể như lối đi rộng rãi để mọi người qua lại dễ dàng, cũng như che nắng che mưa;
- Sự kết nối với các cửa hàng bán lẻ khác – để đảm bảo rằng chợ được gắn với các cửa hàng bán lẻ địa phương;
- Quản lý hiệu quả chợ – bao gồm vai trò lãnh đạo từ các hội đồng để đưa ra định hướng chiến lược cho chợ.
Một ví dụ về mô hình chợ thành công:
Chợ Ridley Road là một chợ đường phố nằm ở quận Hackney phía Đông London, có dân số 202.824 người. Đây là một khu vực rất đa dạng về sắc tộc và chủng tộc: 59,4% dân số là người da trắng, 8,6% người Anh gốc Á và 24,7% người Anh gốc Phi da đen hoặc người Anh gốc Phi-Caribê. Có một dân số tương đối trẻ (độ tuổi trung bình 33) và tỷ lệ cao các gia đình chỉ có cha mẹ đơn thân (10%). Quận là một trong những quận nghèo nhất ở Anh – chỉ số thiếu thốn là 5, chỉ 10% hộ gia đình là chủ sở hữu nhà hoàn toàn, 20,6% là chủ sở hữu có thế chấp và 50,6% là chính quyền địa phương hoặc người thuê nhà của hiệp hội xây nhà.
Chợ do hội đồng điều hành nằm trên một con phố tương đối hẹp gần Kingsland High Road và mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ Chủ nhật). Chợ đã tồn tại hơn một thế kỷ, và từ đầu thế kỷ XX đã bị thống trị bởi các các tiểu thương Do Thái. Mọi loại trái cây và rau, cùng với các sản phẩm thực phẩm dân tộc và đồ gia dụng, được bán trên các quầy hàng và trong các cửa hàng nhỏ, với các bảng hiệu vẽ tay, tạo nên một khu vực đa sắc tộc sôi động. Gần đó có bãi đậu xe trên đường phố với diện tích hạn chế. Chợ nằm cạnh một trung tâm mua sắm lớn, trong đó có siêu thị Sainsbury, nơi có thêm bãi đậu xe. Có một số xe bán thức ăn trong chợ và hai quán cà phê nhỏ nằm khuất xa.
Chợ Ridley Road, theo đánh giá của các thương nhân và người mua sắm, có lẽ là không gian xã hội sôi động nhất cho những người mua sắm và bán hàng giữa nhiều nền văn hóa khác nhau. Chợ cũng thường xuyên nhận được những phản hồi tích cực về sự điều hành cũng như chiến lược của hội đồng quản lý. Những người bán hàng cũng đóng vai trò hiệu quả trong việc thu hút mọi người tham dự vào đời sống xã hội của khu chợ. Chợ Ridley Road thể hiện mức độ tương tác xã hội, liên kết xã hội và hòa nhập xã hội cao, mặc dù khả ăng tiếp cận bãi đậu xe hạn chế. Sự đa dạng của sản phẩm, sự hiện diện mạnh mẽ của thương nhân và kết nối giao thông công cộng tốt là những yếu tố mạnh mẽ tạo nên thành công của chợ này.
3. Khu ẩm thực
Cấp độ không gian tương tác văn hóa thứ hai là khu ẩm thực. Khu ẩm thực gồm hai hình thức chính: Khu ẩm thực trong nhà (food court, hawker centre) và phố ẩm thực ngoài trời (food street). Một khu ẩm thực trong nhà có thể nằm trong khuôn viên một trung tâm thương mại, sân bay hoặc công viên. Còn trọng tâm chúng ta lưu ý tới ở đây là loại hình phố ẩm thực.
Phố ẩm thực bao gồm các quán ăn, nhà hàng và các cửa hàng ăn uống khác, và thường được quy hoạch trong khu vực dành riêng cho người đi bộ. Phố ẩm thực đóng góp vào hoạt động kinh tế, biểu trưng cho bản sắc văn hóa và xã hội của thành phố, đồng thời thu hút khách du lịch. Mặc dù vậy, các khu ẩm thực hoạt động trong không gian công cộng, thách thức quản trị đô thị và gây ra những lo ngại về sức khỏe cộng đồng, và theo một số ý kiến, tạo ra hình ảnh về nghèo đói và kém phát triển. Ở một số quốc gia Đông Á và Đông Nam Á, phố ẩm thực gắn liền với thức ăn đường phố.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 1996 đã ban hành hẳn một Yêu cầu an toàn thiết yếu đối với thực phẩm bán trên đường phố. Song, trong đó, cũng đã nêu lên những lợi thế của thức ăn đường phố, bao gồm: (1) một nguồn thực phẩm rẻ tiền, tiện lợi và thường bổ dưỡng cho người nghèo ở thành thị và nông thôn; (2) nguồn cung cấp thực phẩm đa dạng và hấp dẫn cho khách du lịch và những người có lợi thế kinh tế; (3) một nguồn thu nhập chính cho nhiều người, đặc biệt là phụ nữ; và (4) cơ hội tự kinh doanh và cơ hội phát triển kỹ năng kinh doanh với vốn đầu tư thấp.
Thuật ngữ “thức ăn đường phố” (street food) mô tả nhiều loại thức ăn và đồ uống chế biến sẵn được bán và đôi khi được chế biến trực tiếp ở những không gian công cộng, đặc biệt là đường phố. Giống như thức ăn nhanh, quá trình chuẩn bị cuối cùng của thức ăn đường phố xảy ra khi khách hàng đặt bữa ăn có thể được tiêu thụ tại nơi mua hoặc mang đi.
Thức ăn đường phố và thức ăn nhanh có chi phí thấp so với các bữa ăn tại nhà hàng và cung cấp một sự thay thế hấp dẫn cho thức ăn tự nấu. Thức ăn đường phố, tuy bị đánh giá như là một ngành sản xuất vi mô, nhưng lại rất đỗi quan trọng đối với việc quy hoạch và phát triển kinh tế của nhiều đô thị. Sự đóng góp của những người bán hàng rong cho nền kinh tế của các nước đang phát triển đã bị đánh giá rất thấp và bị bỏ qua. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho một số nơi vẫn tồn tại và thậm chí phát triển rất mạnh mẽ, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á. Tại thành phố Bogor của Indonesia, doanh thu hàng năm của thức ăn đường phố lên tới 67 triệu đô la Mỹ. Nếu người ta tính doanh thu trung bình hàng ngày của 100.000 quầy hàng (theo ước tính thận trọng) ở Malaysia, thì doanh thu bán thức ăn đường phố hàng năm lên tới 2,2 tỷ đô la Mỹ. Đây là một con số tương đối đáng kể khi phần lớn thu nhập được tạo ra tại địa phương và do đó thúc đẩy kinh tế tự cung tự cấp (Winarno và Allen).
Mỗi cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố nhìn chung có quy mô nhỏ, yêu cầu kỹ năng tương đối đơn giản, cơ sở vật chất cơ bản và số vốn nhỏ, nhưng có tiềm năng tạo thu nhập và việc làm đáng kể. Bogor, với dân số 250000 người, có 18000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, cứ 14 người thì có một cơ sở kinh doanh. Khoảng 26% người lao động hoạt động trong khu vực phi chính thức ở Bogor trực tiếp làm công việc bán hàng rong. Tương tự, Tổ chức Lao động Quốc tế đã phát hiện ra rằng những người bán hàng rong chiếm 29% lực lượng lao động thành thị đang hoạt động ở Trung Mỹ.
Những người bán thức ăn đường phố bị thu hút bởi nghề này vì khả năng kiếm được thu nhập tương đối cao. Ở Đông Nam Á, thu nhập trung bình của một người bán hàng có thể cao hơn từ ba đến mười lần so với mức lương tối thiểu và chúng thường tương đương với mức lương của những người lao động có kỹ năng làm việc trong khu vực chính thức. Ở Malaysia, thu nhập ròng rất khác nhau, từ 4 đô la Mỹ đến 36 đô la Mỹ (với mức trung bình là 16 đô la mỗi ngày) có được từ doanh thu hàng ngày có giá trị từ 10 đô la đến 120 đô la.
Ngoài vai trò là cứu cánh đối với tầng lớp lao động thấp, thì khu ẩm thực và thức ăn đường phố còn có một chức năng văn hóa quan trọng: Thúc đẩy và bảo tồn bản sắc văn hóa đích thực cho thành phố. Thức ăn đường phố góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc. Bởi không chỉ đáp ứng nhu cầu ăn uống đơn thuần, thức ăn đường phố cũng thể hiện văn hóa ẩm thực đặc thù của một quốc gia, địa phương. Nhìn từ góc độ nhân học, một quy trình thực hiện món ăn, từ nguyên liệu chế biến, gia vị sử dụng, phương pháp chế biến, cách thức trình bày và thưởng thức cũng khắc họa một bức tranh văn hóa ẩm thực phong phú.
Nhiều khách du lịch coi những người bán rong thức ăn là một phần của “trải nghiệm đích thực” và là hình ảnh của xã hội truyền thống (WIEGO 2011). Ví dụ, ở Việt Nam, những người bán hàng rong thường thể hiện một nét văn hóa nông thôn truyền thống bằng cách đội nón lá và sử dụng quang gánh. Mặc dù trang phục này có thể là cố ý và bị rập khuôn, nhưng bản thân hình ảnh này đối với khách du lịch phương Tây có thể lại là đại diện duy nhất cho lịch sử và di sản của Việt Nam. Những người bán hàng rong thường được coi là cuộc sống của đường phố và mang đến một bầu không khí độc đáo ảnh hưởng tích cực đến sự hấp dẫn du lịch.
Có thể khái quát ưu nhược điểm của ngành kinh doanh thức ăn đường phố như sau:
Tuy nhiên, các nhược điểm trên có thể được khắc phục thông qua sự quy hoạch và tổ chức có hiệu quả khu phố ẩm thực, trong đó có sự tham gia của các chủ thể quản lý. Các điều kiện để phát triển phố ẩm thực và thức ăn đường phố có thể được hệ thống theo sơ đồ sau:
Chỉ nhìn qua các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á lân cận là ta có thể chứng kiến khá nhiều bài học thành công, với những khu phố ẩm thực đã trở thành “thiên đường” ẩm thực nổi tiếng không chỉ đối với người địa phương mà còn với du khách quốc tế. Có thể kể đến khu Yaowarat, chợ Ratchawat, đường Charoen Krung Petchaburi Soi 5, Sukhumvit 38… ở Bangkok, Thái Lan, các khu Lorong Baru, Persiaran Gurney, Lebuh Presgrave, Jalan Batu Ferringhi ở Penang, Malaysia, phố Joo Chiat/Katong ở Singapore. Hoặc ở Đài Loan đã hình thành mô hình chợ đêm – phố ẩm thực như chợ đêm Tây Môn Đình, Sỹ Lâm, Nhiêu Hà (Đài Bắc), Phùng Giáp (Cao Hùng)…
4. Hội chợ, triển lãm quốc tế
Hội chợ, triển lãm quốc tế là cấp độ không gian tương tác văn hóa thứ ba. Triển lãm thương mại, còn được gọi là hội chợ thương mại, là sự kiện được tổ chức để xúc tiến thương mại, nơi người mua và người bán tụ họp để giao dịch kinh doanh và tìm hiểu cơ hội kinh doanh. Triển lãm thương mại được tổ chức định kỳ, thường ở cùng một địa điểm và khoảng thời gian trong năm và có thể kéo dài trong vài ngày hoặc vài tuần. Các hội chợ và triển lãm đã đảm nhận một vai trò ngày càng quan trọng trong thương mại quốc tế, đặc biệt là ở châu Âu và châu Á, nơi gần như mọi quốc gia đều có ít nhất một cuộc triển lãm quốc tế lớn hàng năm. Chúng có thể bao gồm các cuộc triển lãm hàng hóa nói chung đến các cuộc triển lãm cụ thể hơn nêu bật một ngành hoặc nhánh của sản xuất công nghiệp. Trong lịch sử, các triển lãm thương mại tổng hợp trưng bày nhiều loại sản phẩm và dịch vụ là phổ biến, nhưng các triển lãm thương mại ngày càng phát triển chuyên biệt.
Theo Luật Thương mại 2005 số 36/2005/QH11 định nghĩa: “Hội chợ, triển lãm thương mại là hoạt động xúc tiến thương mại được thực hiện tập trung trong một thời gian và tại một địa điểm nhất định để thương nhân trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng dịch vụ.”
Các hình thức tổ chức hội chợ triển lãm chủ yếu được phân loại theo các tiêu chí như sau:
- Sự kiện khép kín: Triển lãm thương mại là một sự kiện khép kín trong đó chỉ có đại diện của công ty, người làm truyền thông, thành viên hiệp hội và các chuyên gia hàng đầu được mời, điều này chỉ đơn giản có nghĩa là công chúng không được phép đến xem. Tuy nhiên, một số triển lãm thương mại cũng mở cửa cho công chúng;
- Được tài trợ bởi các Hiệp hội Thương mại: Một triển lãm thương mại được tổ chức và tài trợ bởi hiệp hội thương mại của ngành liên quan, để tạo điều kiện cho việc tập hợp những đối tác khác nhau, trao đổi về những ý tưởng, công nghệ và xu hướng mới;
- Tổ chức tại trung tâm hội nghị: Triển lãm thương mại là sự kiện được tổ chức tại trung tâm hội nghị hoặc không gian rộng rãi ở các thành phố lớn để nhiều công ty có thể đặt gian hàng trưng bày sản phẩm, dịch vụ và cho phép khách tham dự sự kiện đồng thời kết nối với các doanh nghiệp;
- Quảng bá sản phẩm mới: Các sản phẩm mới nhất thường được công bố hoặc quảng bá tại các sự kiện này, để thu hút sự chú ý của giới truyền thông và sự tham gia của khách hàng;
- Kết nối mạng lưới: Những người tham gia, tức là các công ty kinh doanh và các chuyên gia có thể xây dựng mối liên hệ và mở rộng mạng lưới của họ;
- Kéo dài trong vài ngày: Triển lãm thương mại không chỉ diễn ra trong một ngày, mà kéo dài trong vài ngày, thường là ba đến bốn ngày.
Mặc dù một số hội chợ, triển lãm tổ chức khép kín và chỉ mở cửa dành cho những đối tượng chuyên biệt như đại diện của các công ty và báo chí truyền thông, ở đây chúng ta đề cập đến hội chợ triển lãm với tư cách là một không gian công cộng mang tính chất tương tác văn hóa, mở cửa công khai cho tất cả mọi người. Đặc biệt, một hội chợ, triển lãm mang tầm vóc quốc tế sẽ mở rộng quy mô không chỉ gói gọn trong địa phương và các vùng lân cận, mà còn có sự tham gia đến từ nhiều doanh nghiệp nước ngoài.
Bên cạnh sự tham gia và giao lưu của nhiều quốc gia khác nhau, song song với hoạt động trưng bày triển lãm thì hội chợ triển lãm quốc tế còn bổ trợ rất nhiều không gian khác: Không gian giải trí, nơi du khách có thể thưởng thức các trò chơi cũng như đồ ăn và thức uống; không gian biểu diễn các tiết mục văn hóa nghệ thuật quảng bá văn hóa; không gian hội thảo tổ chức các seminar, tọa đàm, hội nghị liên quan đến chủ đề triển lãm…
Các hội chợ, triển lãm quốc tế có một tác động to lớn và tích cực đến nền kinh tế. Theo Báo cáo tác động triển lãm toàn cầu thường niên năm 2022 của Hiệp hội toàn cầu ngành triển lãm (The Global Association of the Exhibition Industry – UFI), cho thấy tác động trực tiếp của triển lãm trong năm 2019 như sau:
- Số lượng triển lãm, khách tham quan và nhà triển lãm: Trong năm 2019, triển lãm có sự tham gia trực tiếp của gần 353 triệu khách tham quan và gần năm triệu nhà triển lãm trên hơn 180 quốc gia.
- Chi tiêu trực tiếp (bán hàng kinh doanh): Các cuộc triển lãm đã tạo ra hơn 125,6 tỷ euro (140,7 tỷ đô la) tỷ chi tiêu trực tiếp cho khách tham quan, các nhà triển lãm và các khoản chi bổ sung liên quan đến triển lãm.
- GDP trực tiếp (tổng sản phẩm quốc nội) và việc làm: Các cuộc triển lãm đã hỗ trợ 1,4 triệu việc làm trực tiếp trên toàn cầu và tạo ra 73,5 tỷ euro (82,3 tỷ đô la) GDP trực tiếp.
Sau khi tính toán các tác động gián tiếp và phái sinh, các cuộc triển lãm đã đóng góp vào tổng tác động kinh tế toàn cầu vào năm 2019 là: 298,7 tỷ euro (334,5 tỷ đô la) tổng sản lượng (doanh số kinh doanh); tổng số 3,4 triệu việc làm; 179,3 tỷ euro (200,7 tỷ đô la) GDP (thể hiện sự đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu).
Nhìn từ một nước láng giềng chúng ta, Thái Lan, theo thống kê tháng 7/2022, các triển lãm đã có tổng tác động tạo ra 1,7 tỷ euro (2 tỷ đô la) tổng sản lượng, cung cấp 30,100 việc làm và 1,1 tỷ euro (1,3 tỷ đô la) GDP (UFI 2022).
Với lịch sử hơn 170 năm, Triển lãm thế giới (World Expo) được đánh giá là sự kiện quy mô lớn thứ ba toàn cầu, chỉ đứng sau Thế vận hội Olympics và Giải Vô địch bóng đá thế giới World Cup. World Expo là nơi tụ hội của các quốc gia từ khắp nơi trên thế giới để giới thiệu các sản phẩm và thành tựu công nghệ của họ. Bên ngoài những hoạt động triển lãm, trưng bày, World Expo còn là một sự kiện lễ hội với đa dạng hoạt động, và sau mỗi kỳ World Expo lại xuất hiện rất nhiều công trình kỳ quan được xây dựng nhân các cuộc triển lãm này.
World Expo 2020 gần đây nhất được tổ chức tại Dubai, UAE với chủ đề bao trùm “Kết nối trí tuệ, kiến tạo tương lai” diễn ra từ 1/10/2021 cho tới 31/ 3/2022 (bị lùi 1 năm so với dự kiến bởi dịch Covid-19). Trong vòng sáu tháng sự kiện đã thu hút hơn 24 triệu lượt tham quan. Hưởng ứng chủ đề của World Expo 2020, Việt Nam cũng có một nhà triển lãm rộng hơn 850m2 với thông điệp “Hội tụ quá khứ, lan tỏa tương lai”. Phần mặt tiền nhà triển lãm treo 800 chiếc nón lá bọc lá sen gắn đèn nhiều màu sắc và phiên bản thu nhỏ của 18 tác phẩm nghệ thuật do các nghệ sĩ đương đại có tên tuổi của Việt Nam sáng tác trong Dự án nghệ thuật Nhà Quốc hội Việt Nam “Kết nối tinh hoa xưa – Giá trị ngày nay” (do Nguyễn Thế Sơn làm giám tuyển). Nhà triển lãm Việt Nam trở thành một điểm đến ưa thích cho hàng trăm nghìn khách tham quan, là sự lựa chọn hàng đầu cho nhiều đoàn khách cấp cao và nhận được sự ủng hộ của rất nhiều đoàn học sinh, sinh viên tại EXPO 2020 Dubai. Ở lần tham gia thứ 8 này, Việt Nam đã vinh dự nhận “Giải Đồng cho Nhà triển lãm thuê có diễn giải chủ đề tốt nhất.”
Do đó, việc nghiên cứu tích hợp các loại hình không gian công cộng vào tổ hợp công viên cảnh quan bãi giữa sông Hồng, không những biến tổ hợp không gian này trở thành không gian đổi mới sáng tạo, khuyến khích tương tác văn hóa, tăng cường sức hấp dẫn cho địa điểm, mà còn liên kết với các không gian văn hóa đã có của quận Hoàn Kiếm và Long Biên thúc đẩy tạo ra các giá trị dịch vụ – thương mại thông qua kinh tế đêm và kinh tế công nghiệp văn hóa sáng tạo.
ThS. Phạm Minh Quân
(Hội thảo khoa học Đề án xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng Tầm nhìn và giải pháp)
Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội về việc lập đề án “Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành Công viên văn hóa đa chức năng”, Cuộc thi tuyển Ý tưởng Quy hoạch Công viên văn hóa đa chức năng tại Khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng được tổ chức nhằm tìm kiếm ý tưởng thiết kế sáng tạo độc đáo, khai thác hiệu quả quỹ đất khu vực bãi nổi giữa và bãi bồi ven sông Hồng thuộc địa bàn 4 quận: Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình, Tây Hồ thành công viên văn hóa xứng tầm tại khu vực, nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất, lợi thế tiềm năng, cải thiện cảnh quan, vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Đồng thời, hướng tới cụ thể hóa quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được duyệt và định hướng tổ chức không gian cảnh quan của Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) đã được UBND TP phê duyệt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Arendt, H. (1958). The Human Condition. Chicago, IL: University of Chicago Press;
2. Iveson, Kurt. (1998). Putting the public back into public space, Urban Policy and Research, 16:1, 21-33;
3. Madanipour, A. (1996). Design of Urban Space. New York: Wiley;
4. Mehta, Vikas. (2014). Evaluating Public Space, Journal of Urban Design, 19:1, 53-88;
5. Storr, Virgil. (2008). The Market as a Social Space. The Review of Austrian Economics. 21. tr. 135-150;
6. Thomas, M. (1991). “The Demise of Public Space.” Trong Town Planning Responses to City Change, V. Nadin và J. Doak chủ biên, 209–224. Avebury: Aldershot;
7. UNESCO (2001). UNESCO Universal Declaration on Cultural Diversity. https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000127162. Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2023;
8. The Global Association of the Exhibition Industry (2022). Global Economic Impact of Exhibitions (2022). https://www.ufi.org/archiveresearch/global-economic-impact-of-exhibitions-2022/ Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2023;
9. van Eck, Emil & Watson, Sophie & Melik, Rianne & Breines, Markus & Dahinden, Janine & Jonsson, Gunvor & Lindmäe, Maria & Madella, Marco & Menet, Joanna & Schapendonk, Joris. (2022). Moving marketplaces: Understanding public space from a relational mobility perspective. Cities;
10. Watson, Sophie & Studdert, David. (2006). Markets as Sites for Social Interaction: Spaces of Diversity. Bristol: The Policy Press for the Joseph Rowntree Foundation;
11. WHO. (1996). Essential Safety Requirements for Street-vended Foods (revised edition). World Health Organization, Division of Food and Nutrition, Food Safety Unit;
12. WIEGO (Women in Informal Employment: Globalizing and Organizing). (2011). http://wiego.org/ (truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2023);
13. Winarno, F.G. và A. Allain. Street foods in developing countries: lessons from Asia, https://www.fao.org/3/u3550t/u3550t08.htm (truy cập ngày 29/10/ 2023);