Quan điểm điều hành kinh tế của bà Harris khác gì ông Biden?
Bà Harris từng có quan điểm cứng rắn hơn về thương mại, chuyển đổi năng lượng nhưng được dự báo điều hành tương tự ông Biden nếu thành tổng thống.
Với tư cách là phó tổng thống, bà Harris đồng hành chặt chẽ với Tổng thống Biden về các vấn đề kinh tế nên khả năng đường lối điều hành của bà có sự tiếp nối nhất định. “Nhìn chung, chúng tôi nghĩ rằng bà ấy sẽ tiếp tục con đường Biden-Harris,” nhóm chuyên gia của Evercore ISI dự báo trên WSJ.
Tuy nhiên, vẫn có những khác biệt nhất định trong quan điểm điều hành kinh tế Mỹ của bà so với tổng thống đương nhiệm. Những tuyên bố và hành động của bà từ thời là thượng nghị sĩ và mới đây có khả năng hé lộ một phần quan điểm.
Tại một bài phát biểu đầu tuần này, bà cho biết đã xác định mục tiêu xây dựng tầng lớp trung lưu khi trở thành tổng thống. “Chúng ta biết khi tầng lớp trung lưu mạnh thì nước Mỹ mạnh”, bà nói.
Ưu đãi thuế sẽ là một trong những cách hiện thực hóa điều này, là điểm tương đồng với Biden. Từ khi là thượng nghị sĩ, bà từng đề xuất Đạo luật LIFT quy mô 3.000 tỷ USD để giảm thuế trực tiếp 3.000 USD cho cá nhân hoặc 6.000 USD cho gia đình. LIFT không đi đến đâu, nhưng ý tưởng cơ bản của nó – hỗ trợ thu nhập thông qua giảm thuế – là một phần trong chính sách kinh tế của Biden.
Tương tự các thượng nghị sĩ Dân chủ khác, bà Harris bỏ phiếu chống lại luật thuế của đảng Cộng hòa vào năm 2017, cho phép giảm thuế cá nhân, doanh nghiệp và cắt giảm một số ưu đãi thuế. Vào 2020, lúc là ứng cử viên tổng thống, bà ủng hộ việc bãi bỏ hoàn toàn luật này.
Khi làm phó tổng thống, bà ủng hộ Biden tìm cách tăng thu thuế các tập đoàn và gia đình thu nhập cao trong khi giữ nguyên hoặc cắt giảm cho các hộ kiếm dưới 400.000 USD mỗi năm. Hiện chính quyền Biden kêu gọi gia hạn nhiều khoản cắt giảm thuế hết hạn sau năm 2025, kết hợp với tăng thuế gia đình thu nhập cao.
Mark Zandi, Kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, dự báo bà Harris tiếp tục ủng hộ đề xuất của Biden về việc tăng thuế doanh nghiệp lên 28% từ mức 21%. Hồi 2019, bà thậm chí ủng hộ mức thuế doanh nghiệp 35%.
Với thương mại quốc tế, bà Harris từng phản đối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giống như Trump. Từ năm 2015, dưới thời Obama, bà bày tỏ lo ngại TPP tác động tới người lao động và khí hậu. Sau đó, cuối 2016, Mỹ chính thức rút khỏi TPP sau khi Trump vào Nhà trắng.
Bà cũng là một trong 10 nghị sĩ từng bỏ phiếu chống lại Thỏa thuận Mỹ – Mexico – Canada, một phiên bản được đàm phán lại của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ mà Trump thường xuyên khuyến khích. Theo bà, các quy định về môi trường là không đủ nhưng ông Biden ủng hộ thỏa thuận mới.
Trong nhiệm kỳ của mình, ông Biden giữ nguyên mức thuế của Trump với 10% hàng nhập khẩu của Mỹ cũng như nhiều hàng hóa từ Trung Quốc. Gần đây, ông tăng thuế với xe điện và tấm pin mặt trời của Trung Quốc. Theo Zandi, Harris có thể duy trì các mức thuế với hàng nhập khẩu nếu nắm quyền.
Với lộ trình chuyển đổi năng lượng, năm 2022, trong vai trò phó tổng thống, bà Harris bỏ lá phiếu quyết định tại Thượng viện cho khoản đầu tư lớn nhất của đất nước trong việc chống biến đổi khí hậu là Đạo luật Giảm lạm phát. Luật này trợ cấp hàng trăm tỷ USD thuế cho xe điện, năng lượng tái tạo và sản xuất pin.
Trước đó, Harris thể hiện quan điểm đối lập với Trump và cứng rắn hơn với Biden trong chuyển đổi năng lượng. Khi còn là thượng nghị sĩ và ứng viên tổng thống năm 2020, bà ủng hộ Green New Deal, một tập hợp các đề xuất và nguyên tắc chính sách nhằm giải quyết biến đổi khí hậu và bất bình đẳng kinh tế.
Với kỳ vọng nhanh chóng tách rời nền kinh tế Mỹ khỏi nhiên liệu hóa thạch và cải tổ cơ sở hạ tầng năng lượng quốc gia, bà muốn cấm toàn diện hoạt động khai thác dầu đá phiến, trong khi Biden chỉ phản đối trên các vùng đất liên bang. Theo WSJ, quan điểm mạnh mẽ của bà có thể gây bất lợi cho Pennsylvania, bang sản xuất dầu khí lớn và là bang chiến trường quan trọng mà Biden thắng sát nút vào năm 2020.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hiện còn khó để dự đoán đầy đủ và chính xác chương trình nghị sự kinh tế của bà Harris. Những gì bà làm hay tuyên bố khi còn là thượng nghị sĩ cũng mang tính tham khảo nhất định.
Theo Economist, việc rút ra kết luận từ các vị trí bà đảm nhận trước khi thành phó tổng thống có thể gây hiểu lầm. Bởi khi đó, bà trong hoàn cảnh đứng giữa phe tiến bộ và phe trung lưu truyền thống của đảng Dân chủ, điều cuối cùng khiến bà chịu sự chỉ trích của cả hai phía và không đạt được thành công khi tranh cử hồi 2020.
Vì thế, vài năm qua, bà đã dần dung hòa hơn, nhận được cố vấn từ các chuyên gia có tiếng nói ôn hòa như Mike Pyle và Deanne Millison. Bà cũng chấp nhận các cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn của ông Biden về chăm sóc sức khỏe và thuế, dù hiện chưa nêu rõ kế hoạch của riêng mình cho hai lĩnh vực này. “Tôi nghĩ bà ấy sẽ theo sát kịch bản kinh tế của Biden”, Mark Zandi của Moody’s Analytics nói.
Ông Biden gọi chương trình nghị sự của mình là “xây dựng lại tốt đẹp hơn” (build back better). Trong các bài phát biểu gần đây về kinh tế, bà Harris lại thường nhắc đến cụm từ “tự do phát triển” (freedom to thrive). Chưa rõ nó có thành khẩu hiệu tranh cử hay không nhưng những người từng làm việc với bà nói rằng nó gói gọn triết lý và cách tiếp cận chính sách kinh tế của bà.
Đó là hướng tới mở rộng chứ không phải đổi mới chính sách kinh tế của Biden (Bidenomics). Ông đã thực hiện được một nửa chương trình, với các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, sản xuất và năng lượng xanh. Harris sẽ tiếp tục triển khai và vận động cho chương trình nghị sự xã hội mà bà rất quan tâm, bao gồm chính sách cho lao động thu nhập thấp, phụ nữ, doanh nghiệp nhỏ và gia đình trung lưu.
Hiện bà Harris và ông Trump có khoảng cách ủng hộ chênh lệch sít sao trong các cuộc khảo sát gần đây. Tuy nhiên, Economist lưu ý chính sách kinh tế của bà Harris (Kamalanomics) khá giống với Bidenomics nên có thể là bất lợi cho chiến dịch tranh cử. Bởi lẽ, đa số người Mỹ đánh giá thấp ông Biden về điều hành kinh tế trong các thăm dò trước đây, do bị ảnh hưởng bởi lạm phát.
Phiên An (Economist, WSJ, USA Today)