Bất Động Sản

Bãi bồi giữa sông Hồng – Có thể trở thành không gian sáng tạo đặc thù: Công viên nông nghiệp đô thị của Hà Nội?

1. Dẫn nhập

Thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/09/2016 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó xác định Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của cả nước, UBND TP. Hà Nội đã xây dựng hồ sơ “Hà Nội – Thành phố sáng tạo” và đã nộp hồ sơ ứng cử vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO vào tháng 7/2019, với nhiệm vụ trọng tâm là đặt sáng tạo vào trung tâm phát triển bền vững, tầm nhìn đưa Hà Nội trở thành thủ đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á. Tháng 10/2019, UNESCO công nhận Hà Nội cùng 65 thành phố khác trên thế giới chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi để Hà Nội quảng bá hình ảnh cũng như gia tăng cơ hội hợp tác trên mọi lĩnh vực sáng tạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực kinh tế, chính trị, trong đó trọng tâm là nguồn lực văn hóa và giáo dục vì mục tiêu phát triển Thủ đô bền vững.

Đối với Hà Nội, với vai trò Thủ đô đất nước và là một thành phố lớn tiên phong trong việc thử nghiệm nhiều chính sách kiến tạo đô thị qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, bản thân quá trình phát triển các không gian kiến trúc đô thị cũng đã cho thấy thiết kế sáng tạo với nhiều mức độ khác nhau và có mặt ở mọi không gian chính quy lẫn phi chính quy, từ hạ tầng đô thị với kiến trúc chồng lớp lịch sử đến hạ tầng văn hóa đa dạng, phong phú, góp phần tạo nên sự gắn kết hài hòa trong đời sống giữa tự nhiên với con người. Thiết kế sáng tạo cũng được xem là nhân tố quan trọng tạo nên bản sắc riêng có để Hà Nội lưu giữ truyền thống, định hình hiện tại và hướng tới tương lai. Từ đó, Hà Nội đã đề xuất nhiều ý tưởng mang tính đổi mới, táo bạo và cách mạng trong việc kiến tạo hay chuyển đổi các không gian kiến trúc đô thị nhằm hướng đến những sáng tạo mới.

2. Những mong muốn từ các nhà quản lý và thực tế sử dụng đất đai của người dân tại bãi bồi giữa sông Hồng

2.1. Bãi bồi giữa sông Hồng sẽ là công viên đô thị trong tương lai

Ngày 25/03/2022, UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định phê duyệt Quy hoạch phân khu sông Hồng tỷ lệ 1/5000, đây là cơ sở quan trọng để nghiên cứu triển khai các quy hoạch khu vực bãi bồi ven hay giữa sông Hồng – một quỹ không gian khá lớn nhưng chưa được khai thác một cách hợp lý. Theo Quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng, khu vực sông Hồng chảy qua nội đô kéo dài từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì với dân số hơn 181.000 người, tổng diện tích khoảng 686 ha. Nơi đây được định hướng là khu đa chức năng gồm các công trình công cộng văn hóa, thương mại dịch vụ và không gian cảnh quan, trục không gian lịch sử liên kết Hồ Tây – Cổ Loa. Trên cơ sở đó, quận Hoàn Kiếm, phối hợp với quận Long Biên, đề xuất bãi bồi giữa sông Hồng thành công viên văn hóa du lịch. Tuy nhiên, các cơ quan chuyên môn của thành phố cho rằng cần phải có sự nghiên cứu tổng thể khu bãi giữa, bãi bồi và hai bờ sông Hồng với sự kết hợp của toàn bộ các quận có sông Hồng chảy qua. Ngày 25/11/2022, tại phiên giải trình về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị tại bãi bồi giữa sông Hồng, quận Hoàn Kiếm cho biết đã họp bàn với ba quận Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên cùng thống nhất báo cáo UBND TP. Hà Nội cho phép lập đề án “Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa năng” tại văn bản số 1674/ UBND-HK-BĐ-LB-TH ngày 19/10/2022.

Đến tháng 06/2023, UBND TP. Hà Nội đã đồng thuận, cho phép 4 quận: Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình, Tây Hồ tiếp tục nghiên cứu đề án, đồng thời giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chủ trì cùng Sở Quy hoạch – Kiến trúc và các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn UBND quận Hoàn Kiếm triển khai nghiên cứu lập Đề án tuân thủ đúng định hướng quy hoạch trong khu vực, bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định… và khi hoàn chỉnh Đề án, báo cáo UBND TP. Hà Nội xem xét, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho ý kiến thống nhất, trình cấp thẩm quyền phê duyệt tuân thủ quy trình, quy định… Mặt khác, theo ý kiến của Sở Quy hoạch – Kiến trúc, khu vực này cần định hướng phát triển các công viên cây xanh chuyên đề, nông nghiệp, du lịch thu hút các hoạt động kinh tế phục vụ du lịch. Dựa trên nguyên tắc phục hồi công viên tự nhiên, công viên đô thị, không gian công cộng phục vụ dân cư.

Một quỹ đất lớn tồn tại ngay trong lòng thành phố nhưng lại chưa được sử
dụng hợp lý và bền vững
(Nguồn ảnh: https://arttimes.vn/xa-hoi/ngam-ve-dep-hoang-so-cua-bai-giuasong-hong-noi-se-tro-thanh-cong-vien-van-hoa-da-nang-c46a31736.html)

Như vậy, trong tương lai, Bãi Bồi Bãi Giữa sông Hồng được dự kiến sẽ trở thành công viên văn hóa du lịch nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng, cụ thể hóa định hướng sông Hồng là trục cảnh quan, tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

2.2. Hiện tại bãi bồi giữa sông Hồng đang tiến hành các hoạt động nông nghiệp đô thị

Sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội nổi lên rất nhiều bãi bồi giữa sông, thường được gọi ngắn gọn hơn là bãi giữa, với nhiều kiểu hình dáng, ở nhiều vị trí khiến cho dòng chảy lớn bị chia tách thành nhiều nhánh nhỏ. Các bãi giữa có hình dáng chung là hình thoi, xuôi theo dòng chảy. Do có nhiều biến động dòng chảy và thậm chí tiềm ẩn nhiều nguy hiểm bởi sự không ổn định của nền đất, chúng đa phần chưa được sử dụng, hoang sơ và ít dấu chân người. Tuy nhiên, ở các bãi giữa đủ lớn, nền đất chắc chắn, người dân bắt đầu tận dụng quỹ đất đai trống nhưng màu mỡ này để canh tác và chăn nuôi. Người dân thường đi thuyền ra để chăm trồng những diện tích hoa màu của mình khiến những dấu chân xuất hiện ngày càng nhiều trên đất hoang, rồi dần trở thành lối đi, đường mòn, nhen nhóm sức sống mới cho các bãi bồi này.

Khu vực bãi bồi giữa sông Hồng quan trọng nhất với Hà Nội nằm ở dưới cầu Long Biên, chủ yếu thuộc địa bàn hành chính quận Hoàn Kiếm, là một không gian xanh rộng lớn giữa Thủ đô. Rộng khoảng 23 ha, diện tích khu vực bãi bồi giữa sông Hồng này không cố định mà thay đổi theo mùa, phụ thuộc lượng mưa lũ từng năm. Những năm gần đây, mực nước sông Hồng hiếm khi lên cao, diện tích bãi giữa ít thay đổi hơn. Thượng nguồn sông Hồng xuất hiện các công trình thủy điện lớn nhỏ khiến con sông bao năm đỏ ngầu phù sa này không còn nhiều lũ và lũ lớn như xưa nên ngay cả khi mùa mưa, bãi bồi giữa sông Hồng vẫn khô cạn, trở thành cánh đồng hoa màu mùa nào cây nấy, đồng thời cũng là điểm vui chơi ưa thích của nhiều người dân Hà Nội. Sau một thời gian, cây cối đã phát triển tươi tốt, người dân kéo đến mua bán nông sản và giải trí nhiều hơn khiến đất đai trên các bãi bồi bắt đầu có giá trị, thu hút sự chú ý của người dân, thậm chí một số người “nhảy dù”, nhanh chân xuống “xí” đất tạo nên một thị trường phi chứng thức trao đổi, chuyển nhượng đất đai trên bãi bồi giữa sông Hồng.

Hiện nay, khu vực bãi giữa sông Hồng có ba nhóm người sinh sống chủ yếu là:

(1) Những người không có nhà trên mặt đất, phải sống trên thuyền hoặc nhà nổi trên sông. Họ có thể là cư dân của Hà Nội nhưng cũng có thể là cư dân lưu lạc từ các địa phương khác nhau dọc theo sông Hồng rồi tập trung lại ở đây thành một khu vực và được người dân gọi là “xóm Phao” với khoảng 100 nhân khẩu, chủ yếu sinh sống bằng nghề chài lưới, buôn bán trên sông… Bãi bồi trở thành môi trường cư trú tạm thời của họ. Tuy nhiên, do tính phi chính thức nên nhiều người dân xóm Phao vẫn đang trong cuộc sống không nước sạch, không điện lưới, thậm chí nhiều đứa trẻ cũng không được đi học…;

(2) Những người dân làm nông nghiệp với các sản phẩm rau màu, cây ăn quả như chuối, ổi, nhãn, đu đủ… kết hợp với chăn nuôi thêm gà, vịt… Họ thường có nhà ở một nơi khác và xem bãi bồi chỉ là nơi sản xuất, tạo sinh kế. Đất bãi giữa rất tốt, phù hợp với trồng rau màu, cây ăn quả mà không phải bón phân nhiều, nguồn nước tưới cũng thuận tiện. Ngoài trồng trọt, chăn nuôi là nghề nghiệp chính, một số người dân không sử dụng hết số đất cho canh tác nông nghiệp thì chuyển đổi thành chức năng khác như sân bóng mini cho thanh, thiếu niên thuê. Từ chỗ chỉ xem là nơi sản xuất, nhiều người dân đã gắn bó cuộc sống với khu vực này. Họ dựng nhà ở (tuy tạm bợ) giữa vườn cây trái, hoa màu của mình để tiện trông nom, đầu tư khoan giếng bơm tay phục vụ cho nhu cầu nước tắm rửa, giặt giũ và nấu nướng hằng ngày;

(3) Những người khai thác du lịch là những chủ thể mới xuất hiện bởi nhu cầu giải trí, tham quan và trải nghiệm cuộc sống tại các bãi bồi giữa sông Hồng. Nói cách khác, khu vực bãi giữa mới được khai thác du lịch trên nền tảng các hoạt động và sản phẩm nông nghiệp cách đây không lâu, chỉ khoảng 3-5 năm với các dịch vụ như cho thuê địa điểm để tổ chức cắm trại, chụp ảnh; đi xe đạp trải nghiệm du lịch xanh, học các khoá hướng đạo sinh kỹ năng sống ngắn ngày như chèo thuyền, bơi, trồng rau và các dịch vụ ăn uống phục vụ du lịch khác.

Các hoạt động khai thác không gian bãi bồi giữa sông Hồng để cư trú hay canh tác nông nghiệp phần nhiều mang tính tự phát của người dân (Nguồn ảnh: https://arttimes.vn/xa-hoi/ngam-ve-dep-hoang-so-cua-bai-giua-songhong-noi-se-tro-thanh-cong-vien-van-hoa-da-nang-c46a31736.html)
Các hoạt động khai thác không gian bãi bồi giữa sông Hồng để cư trú hay canh tác nông nghiệp phần nhiều mang tính tự phát của người dân (Nguồn ảnh: https://arttimes.vn/xa-hoi/ngam-ve-dep-hoang-so-cua-bai-giua-songhong-noi-se-tro-thanh-cong-vien-van-hoa-da-nang-c46a31736.html)

Như vậy, những hoạt động sinh sống, nông nghiệp và phi nông nghiệp tại bãi bồi giữa sông Hồng vẫn mang tính tự phát cao theo nhu cầu của người dân, thậm chí một số hoạt động còn vi phạm các quy định pháp luật. Trong khi đó, chính quyền lại lúng túng, loay hoay trong việc xử lý bởi rơi vào tình cảnh tranh cãi giữa cái lý – làm đúng luật, với cái tình – đảm bảo cuộc sống những người dân yếu thế mà nhiều người trong số đó khi bước đường cùng đã chọn đến sinh sống nơi này.

Nếu đặt bãi bồi giữa sông Hồng đoạn đi qua địa phận Hà Nội vào tổng thể hệ thống bãi bồi giữa sông Hồng trên lãnh thổ Việt Nam thì không chỉ khu vực này, mà các bãi bồi giữa sông khác cũng cho thấy tính sinh thái rất cao của mô hình nông nghiệp trên các không gian đặc thù này. Đất đai màu mỡ làm giảm việc sử dụng các loại phân bón hóa học trong canh tác. Mặt khác, việc kết hợp chăn nuôi với các loại động vật được chăn thả tự nhiên, được bổ sung nguồn thức ăn thực vật dồi dào nên khỏe mạnh, lớn nhanh, ít bệnh, đồng thời lại cung cấp một nguồn phân bón hữu cơ cho các loại cây trồng. Như vậy, chính sự năng động, tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, những người nông dân không chỉ đã mang đến sức sống mới cho bãi giữa mà họ còn mang đến cho chính mình một cuộc sống mới với nguồn sinh kế ổn định và trong sạch.

3. Công viên nông nghiệp đô thị: Từ các cơ sở lý thuyết đến áp dụng thực tế cho bãi bồi giữa sông Hồng

3.1. Nông nghiệp đô thị và công viên nông nghiệp đô thị

Nông nghiệp đô thị là “Một ngành công nghiệp nằm bên trong (nội đô) hoặc ở rìa (ven đô) của một thị trấn, thành phố hoặc đô thị, phát triển và nuôi dưỡng, chế biến và phân phối sự đa dạng của các sản phẩm thực phẩm và phi thực phẩm, (tái) sử dụng phần lớn nguồn nhân lực và vật chất, các sản phẩm và dịch vụ có trong và xung quanh khu vực đô thị, đồng thời cung cấp phần lớn nguồn nhân lực và vật chất, sản phẩm và dịch vụ cho khu vực đô thị đó” (Mougeot, 2000). Các đặc điểm của nông nghiệp đô thị bao gồm:

(1) Canh tác trồng trọt, chăn nuôi (gia cầm, gia súc trên cạn và các loài thủy sản dưới nước) trong và xung quanh thành phố;

(2) Sản xuất các sản phẩm lương thực cũng như phi lương thực (hoa, cây cảnh, cây thuốc…);

(3) Chế biến và tiếp thị các sản phẩm lương thực và phi lương thực được sản xuất trong và xung quanh đô thị;

(4) Sử dụng phân ủ và nước thải đô thị (đã xử lý hoặc chưa xử lý) làm tài nguyên đầu vào cho canh tác, nuôi trồng;

(5) Có thể tiến hành linh hoạt trên các không gian khác nhau như các khu đất trống trong thành phố, ở sân sau hoặc trên mái nhà…

Như vậy, có thể hiểu khái quát nhất khái niệm nông nghiệp đô thị qua các từ khóa sau:

#1. Một hoạt động kinh tế đô thị có nguồn gốc nông nghiệp;

#2. Cung cấp các sản phẩm lương thực hoặc phi lương thực;

#3. Diễn ra ở nội đô và ven đô thị.

Nông nghiệp đô thị thường được tích hợp nhiều vào các công trình kiến trúc cùng những không gian trống xung quanh công trình hay những không gian chưa sử dụng trong đô thị. Tuy nhiên, trong những năm gần đây đã xuất hiện một xu hướng mới khi lồng ghép nông nghiệp đô thị vào các công viên đô thị vì suy cho cùng, về bản chất, chúng đều hướng đến mục tiêu cung cấp màu xanh, lưu trữ và tăng cường các hệ sinh thái tự nhiên cho đô thị. Như vậy, các công viên nông nghiệp đô thị không chỉ có thể cung cấp sản phẩm nông nghiệp mà còn giúp người dân nghỉ ngơi, giải trí, cảm nhận nền nông nghiệp và hiểu biết về nông thôn. Các công viên nông nghiệp đô thị đại diện cho một thành phần cụ thể của nông nghiệp đô thị và góp phần:

(1) Bảo tồn đất nông nghiệp, đặc biệt là những khu vực ven đô thị (khi quá trình đô thị hóa đã làm chuyển đổi một số lượng lớn đất nông nghiệp);

(2) Hỗ trợ nông dân tiếp tục duy trì và phát triển nghề nghiệp của mình (thay vì chuyển đổi sang nghề khác mà đối với một số nông dân là khó hoặc không thể);

(3) Cung cấp không gian đi bộ, dã ngoại và giải trí cho người dân đô thị (với những khác biệt so với công viên đô thị thông thường với các không gian mang nặng tính trang trí);

(4) Tăng khả năng tiếp cận và giáo dục công chúng về quá trình sản xuất các sản phẩm thực phẩm và phi thực phẩm có nguồn gốc nông nghiệp;

(5) Hoạt động như một khu bảo tồn thiên nhiên cung cấp môi trường sống có giá trị và cung cấp các chương trình trình diễn để giáo dục về hệ sinh thái, các hoạt động nông nghiệp bền vững với môi trường;

(6) Cung cấp các nguồn tài chính vận hành công viên thông qua việc cho thuê các khu vực canh tác, tổ chức các chương trình, các sự kiện hay kết hợp các tour du lịch đô thị…

Các công viên nông nghiệp đô thị tạo ra môi trường tự nhiên và cảnh quan nông nghiệp mới lạ hơn so với các công viên đô thị thông thường, đáp ứng mong muốn của người dân được tận hưởng “không khí nông thôn” ngay chính trong lòng đô thị. Tuy nhiên, so với các loại hình nông nghiệp đô thị khác, công viên nông nghiệp đô thị có cấu trúc cảnh quan phức tạp hơn khi phải cung cấp đồng thời cả sản xuất nông nghiệp lẫn dịch vụ văn hóa xã hội cho người dân. Nói cách khác, công viên nông nghiệp đô thị là một hệ thống bán tự nhiên được biến đổi phù hợp, thích ứng với các nhu cầu của cư dân đô thị, đặc biệt là ở những khu vực đang chuyển đổi (Xie, và những tác giả khác, 2020).

Từ đó, một số hoạt động nông nghiệp cụ thể có thể thực hiện tại các công viên nông nghiệp đô thị được gợi ý như (Hosseinpoura, Kazemib, & Mahdizadeh, 2022):

Các hoạt động nông nghiệp mà công viên nông nghiệp đô thị có thể thực hiện

Hà Nội “quay lưng” lại với sông Hồng theo cả nghĩa đen khi sông Hồng bị ngăn cách với thành phố bởi con đê lớn, lẫn nghĩa bóng khi việc phát triển không gian đô thị không hướng ra sông (Tùng, 2019). Do đó, việc tận dụng quỹ đất bãi bồi giữa sông Hồng để bổ sung không gian văn hóa, sáng tạo cho Hà Nội là một chiến lược đúng, đồng thời cũng giúp Hà Nội dần quay mặt về phía dòng sông được xem như một thương hiệu “nơi chốn” của thành phố. Tuy nhiên, điều mà gây nên nhiều bàn cãi và tranh luận là sẽ làm gì với quỹ đất này. Mở rộng ra, Hà Nội đang đối mặt với một loạt các vấn đề không gian đô thị như thiếu không gian mở, không gian cây xanh tự nhiên trong đô thị mà do lịch sử để lại, tương đối hạn hẹp về diện tích, mờ nhạt về vai trò trong đời sống không gian đô thị Hà Nội. Rõ ràng, từ thực tế khai thác sử dụng đất bãi bồi giữa sông Hồng của người dân lẫn mong muốn pháp lý hóa và chuyển đổi của chính quyền, có một số định hướng quan trọng cho việc khai thác bãi bồi giữa sông Hồng theo hướng tạo dựng các không gian sáng tạo như:

(1) Thứ nhất, đó là các công viên nông nghiệp đô thị vừa kết hợp giữa tính chất giải trí, nghỉ ngơi của công viên, vừa giúp tăng màu xanh và tăng thu nhập của người dân thông qua việc trồng trọt các loại cây xanh nông nghiệp, tận dụng độ màu mỡ của đất đai, đồng thời cung ứng tại chỗ các nguồn nông sản sạch;

(2) Thứ hai, đó là các không gian mở xanh dành cho những hoạt động ngoài trời, picnic, dã ngoại kết hợp với các công trình công cộng, dịch vụ tiện ích nhằm giúp người dân có thể “đổi gió” cuộc sống của mình ngay trong lòng thành phố;

(3) Thứ ba, đó là các khu vực dịch vụ giải trí gắn liền với cây xanh và mặt nước ven sông, tạo nên đặc trưng riêng cho thành phố trong phát triển du lịch cũng như làm nổi bật hơn vai trò của sông Hồng…

Điều này cũng phù hợp với dự tính của UBND quận Hoàn Kiếm khi khu vực bãi giữa sẽ tổ chức khu chức năng không gian cảnh quan nông nghiệp du lịch, có thể vẫn cho các hộ dân trồng cây ngắn ngày song quy hoạch chuyển đổi trồng những loại cây ngắn ngày phù hợp. Từ đó, du khách được tham quan, chụp ảnh, hưởng thụ giá trị cây nông nghiệp đặc sắc theo hướng nông nghiệp hiện đại. Đồng thời, hình thành thêm khu chức năng không gian sáng tạo, sân chơi, tập thể thao cơ bản theo địa hình tự nhiên… Song song phát triển khu chức năng, UBND quận Hoàn Kiếm tính đến việc quy hoạch mạng lưới đường giao thông nội bộ, đường dạo của khu vực bãi bồi giữa sông Hồng sao cho thân thiện môi trường thông qua sử dụng vật liệu truyền thống.

Như vậy, ngoài việc tiếp tục cung cấp các sản phẩm nông nghiệp lương thực hay phi lương thực cho đô thị dưới hình thức một công viên nông nghiệp đô thị khi chính quyền tăng cường sự kiểm soát quá trình khai thác đất đai thông qua việc chính quy hóa các hoạt động sản xuất và sử dụng không gian, người dân hoàn toàn có thể tích hợp thêm yếu tố du lịch để tạo nên các không gian du lịch nông nghiệp sáng tạo tại bãi bồi giữa sông Hồng sẽ dựa trên các hoạt động:

(1) Tiếp đón và lưu trú – Du khách cảm nhận nhịp sống thường nhật của gia đình hoạt động nông nghiệp trong một khu vực đô thị đặc thù, có thể trong ngày hoặc lưu trú một vài ngày;

(2) Trải nghiệm và tìm hiểu – Trải nghiệm lối sống nông nghiệp, tìm hiểu nhu cầu, công việc hàng ngày của người nông dân, tìm hiểu và trải nghiệm về các loại cây trồng, vật nuôi gắn với hệ sinh thái sông Hồng;

(3) Thư giãn và tận hưởng – Tiếp xúc và cảm nhận với cảnh quan thiên nhiên, tự do di chuyển, tận hưởng tự nhiên và cuộc sống mang tinh thần nông thôn ngay trong bối cảnh đô thị vây quanh;

(4) Phân phối và cung cấp – Phân phối và chia sẻ thu nhập giữa nông dân với các công ty, tổ chức du lịch thông qua việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ hay nguồn nhân lực.

Và ngược lại, nông nghiệp tại Bãi Bồi Giữa sông Hồng nếu kết hợp du lịch sẽ không chỉ mang lại nguồn thu nhập từ cung cấp nông sản thuần túy mà còn gia tăng thu nhập cho các hoạt động nông nghiệp của người nông dân dựa trên các giá trị tinh thần, dịch vụ mà du lịch có thể mang lại. Do đó, việc tạo ra sự tồn tại cộng sinh và chuỗi giá trị kinh tế mới dựa trên mối liên kết giữa du lịch và nông nghiệp là rất quan trọng đối với mô hình công viên nông nghiệp đô thị của Hà Nội. Nói cách khác, kiến trúc cảnh quan nông nghiệp bản địa sẽ được chính người dân giữ lại và tôn trọng tối đa trong các công viên nông nghiệp đô thị bởi có thể khai thác được vào các hoạt động du lịch và đây chính là nguyên liệu quan trọng để phát triển.

4. Kết luận

Trọng tâm của Hà Nội là đặt sáng tạo, đặc biệt từ góc độ thiết kế, vào trung tâm của sự phát triển bền vững thành phố, với tầm nhìn xa rộng để trở thành Thủ đô sáng tạo của Đông Nam Á. Để hiện thực hóa mong muốn này, các dự án sáng tạo tiềm năng, các dự án cộng đồng cần được hỗ trợ tối đa để phát triển, đặc biệt chú trọng khuyến khích ưu tiên các nhóm cư dân đô thị yếu thế tham gia vào lĩnh vực kiến tạo không gian sáng tạo. dựa trên văn hóa cư trú của chính họ.

Một thành phố sáng tạo phải được thể hiện trong những cách ứng xử sáng tạo với các không gian kiến trúc đô thị lẫn môi trường cảnh quan tự nhiên. Bãi Bồi Giữa sông Hồng chính là một không gian tiềm năng để khai thác và triển khai thành không gian công cộng sáng tạo nhưng vẫn lưu giữ được quỹ đất của màu xanh nông nghiệp hay màu xanh tự nhiên. Việc kết hợp không gian nông nghiệp này dưới dạng hình công viên đô thị sẽ biến “màu xanh trang trí” của các công viên đô thị thông thường thành những “màu xanh sản xuất”, đồng thời giúp cho việc tổ chức các khu dịch vụ du lịch và giải trí, khu vực thể thao thư giãn lẫn thể thao lao động, hình thành nơi sinh hoạt cộng đồng gắn với không gian cây xanh, mặt nước, từ đó hình thành không gian nghệ thuật cộng đồng, không gian sáng tạo với trọng tâm nhấn mạnh nội dung giá trị lịch sử văn hóa sông Hồng nói chung và văn minh nông nghiệp mới của Thủ đô nói riêng.

Hình ảnh một công viên nông nghiệp đô thị trong lòng thành phố New York (Nguồn ảnh: https://ny.curbed.com/maps/new-york-urban-gardening-city-farmersbrooklyn)
Hình ảnh một công viên nông nghiệp đô thị trong lòng thành phố New York (Nguồn ảnh: https://ny.curbed.com/maps/new-york-urban-gardening-city-farmersbrooklyn)

Như một câu nói phổ biến “Mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi” mà trong trường hợp này đúng cả theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Rõ ràng là thực tế đã cho thấy từ những dải đất phù sa hoang vắng, nhưng bằng tư duy sáng tạo và bàn tay cần mẫn của những người dân, Bãi Bồi Giữa sông Hồng dần trở nên trù phú với những ruộng rau xanh tốt, những luống hoa rực rỡ sắc màu mọc lên, hay các đàn gia cầm, gia súc phát triển là thành quả xứng đáng cho nỗ lực của những người dân năng động. Tuy nhiên nếu những không gian này được chính quy hóa thành các công viên nông nghiệp đô thị thông qua sự quan tâm, định hướng phát triển của chính quyền, các nhà quản lý cùng sự tham tư vấn ý tưởng từ các nhà chuyên môn, các nhà thiết kế thì sẽ giúp cho Hà Nội có những không gian sáng tạo không chỉ dựa trên những ý tưởng đột phá mà còn dựa trên sự phát triển bền vững môi trường, xã hội và kinh tế của các cộng đồng cư dân đô thị.

TS. Trần Minh Tùng
(Hội thảo khoa học Đề án xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng Tầm nhìn và giải pháp)

Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội về việc lập đề án “Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành Công viên văn hóa đa chức năng”, Cuộc thi tuyển Ý tưởng Quy hoạch Công viên văn hóa đa chức năng tại Khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng được tổ chức nhằm tìm kiếm ý tưởng thiết kế sáng tạo độc đáo, khai thác hiệu quả quỹ đất khu vực bãi nổi giữa và bãi bồi ven sông Hồng thuộc địa bàn 4 quận: Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình, Tây Hồ thành công viên văn hóa xứng tầm tại khu vực, nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất, lợi thế tiềm năng, cải thiện cảnh quan, vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Đồng thời, hướng tới cụ thể hóa quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được duyệt và định hướng tổ chức không gian cảnh quan của Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) đã được UBND TP phê duyệt.



Tài liệu tham khảo

  • Xie, M., Li, M., Li, Z., Xu, M., Chen, Y., Wo, R., & Tong, D. (2020). Whom Do Urban Agriculture Parks Provide Landscape Services to and How? A Case Study of Beijing, China. Sustainability, 12(12), 4967, https://doi.org/10.3390/su12124967.
  • Hosseinpoura, N., Kazemib, F., & Mahdizadeh, H. (2022). A cost-benefit analysis of applying urban agriculture in sustainable park design. Land Use Policy, 112(2022), 105834, https://doi.org/10.1016/j.landusepol.2021.105834. Mougeot, L. J. (2000). Urban agriculture: Definition, presence, potentials and risks. Trong N. Bakker, M. Dubbeling, S. Gündel, U. Sabel-Koschella, & H. d. Zeeuw, Growing Cities, Growing Food: Urban Agriculture on the Policy Agenda (trang 1-42). Feldafing: Deutsche Stiftung für Internationale Entwicklung, Zentralstelle für Ernährung und Landwirtschaft.
  • Tùng, T. M. (2019, 01 25). Thành phố ven sông Hồng: Nguy cơ hay cơ hội cho Hà Nội? Được truy lục từ Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp (https:// diendandoanhnghiep.vn): https://diendandoanhnghiep.vn/thanh-pho-vensong-hong-nguy-co-hay-co-hoi-cho-ha-noi-144177.html – 0933.264.426 – tungtm@huce.edu.vn



Nguồn