Doanh nghiệp cần được tháo gỡ quy định éo le
Nguy cơ ảnh hưởng uy tín ở thị trường nước ngoài
Từ khi được ban hành cho tới dự thảo Nghị định sửa đổi đang được Bộ Y tế lấy ý kiến góp ý hiện nay là 8 năm, quy định bắt buộc bổ sung các vi chất như i ốt vào muối hay sắt và kẽm vào bột mì liên tục được các doanh nghiệp (DN) ngành thực phẩm kiến nghị sửa đổi nhưng không ăn thua.
Chia sẻ sự bất hợp lý của quy định này, ông Phạm Trung Thành, đại diện đối ngoại của Công ty Acecook VN, bức xúc: Hiện nay, mì Hảo Hảo là nhãn hiệu chủ lực nổi tiếng nhất công ty, được xuất khẩu tới trên 30 quốc gia, mang lại doanh thu khoảng 40 triệu USD mỗi năm. Trong đó, Nhật Bản là thị trường chiến lược nhưng tại nước này, i ốt lại không thuộc danh sách vi chất dinh dưỡng được phép sử dụng. Còn sắt và kẽm cũng phải tuân theo các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt, đặc biệt kẽm không được phép bổ sung trong các thực phẩm khác ngoài sản phẩm thay thế sữa mẹ và thực phẩm được dùng để duy trì sức khỏe theo đúng chỉ định cụ thể của Nhật Bản. Vì vậy, mì gói Hảo Hảo để xuất đi Nhật Bản, công ty buộc phải sử dụng nguyên liệu không bổ sung các vi chất dinh dưỡng nói trên và tổ chức sản xuất riêng biệt với sản phẩm nội địa. Việc này làm tăng thêm nhiều chi phí. Không chỉ vậy, sản phẩm Hảo Hảo cho thị trường nội địa (đã bổ sung i ốt, sắt, kẽm) bị một số công ty cố tình trà trộn vào container tàu biển, hoặc vận chuyển bằng đường hàng không xuất qua Nhật Bản. Hành vi này dẫn đến nguy cơ khiến hàng hóa của Acecook VN vi phạm luật An toàn thực phẩm của Nhật Bản. Acecook VN đã in trên bao bì và thùng carton chứa sản phẩm dòng thông báo “Chỉ áp dụng trong nước”, đồng thời nhiều lần gửi thư thông báo chính thức tới tất cả đại lý phân phối sản phẩm của mình tại VN về việc không được tự ý xuất khẩu hoặc bán sản phẩm nội địa để xuất khẩu. Tuy nhiên trên thực tế từng có vụ việc sản phẩm nội địa Hảo Hảo xuất khẩu sang Nhật Bản theo hình thức này, bị phát hiện và không được thông quan. “Khi phát hiện vụ việc, Acecook VN mặc dù không phải đơn vị xuất khẩu nhưng lại bị cơ quan hải quan Nhật Bản liên hệ và yêu cầu giải trình. Điều này không chỉ khiến chúng tôi tốn công sức và thời gian để giải quyết với hải quan nước sở tại, đồng thời khiến DN đối mặt với rủi ro khủng hoảng truyền thông tại thị trường xuất khẩu lẫn VN”, ông Phạm Trung Thành nói.
Suốt 8 năm qua, quy định bắt buộc bổ sung vi chất vào nguyên liệu thực phẩm như muối, bột mì đã làm dấy lên làn sóng phản ứng từ các DN. Bà Nguyễn Thị Tình, Phó tổng giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm VN (Vifon), cho biết: “Để sản xuất được sản phẩm có sử dụng bột mì cho thị trường xuất khẩu lẫn nội địa, công ty chúng tôi phải dừng máy để chuyển đổi do sử dụng nguyên liệu chính khác nhau, gây khó khăn rất lớn trong sản xuất hằng ngày. Việc này phát sinh rất nhiều chi phí nhân công, vệ sinh, điện, nước, xử lý nước thải… Chỉ riêng công đoạn vệ sinh đã mất từ 10 – 15 giờ mới chuyển được từ vận hành hàng nội địa sang xuất khẩu, việc gián đoạn dây chuyền như vậy cũng làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng trên toàn nhà máy”.
Theo bà Nguyễn Thị Tình, Vifon không thể đầu tư mua mới dây chuyền sản xuất để tách riêng cho nội địa và xuất khẩu vì chi phí lên đến 100 – 150 tỉ đồng và đơn hàng không đảm bảo để khai thác hết công suất nhà máy, gây lãng phí nguồn lực rất lớn. “Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, sức mua chung của thị trường kể cả nội địa và xuất khẩu đều giảm sút. Chúng tôi đang phải cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác khi đấu thầu, đồng thời luôn lo sợ bị lây nhiễm chéo i ốt trong quá trình sản xuất, dẫn đến mất đơn hàng, đặc biệt là ở các thị trường khó tính như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… Chúng tôi phải tính toán để tối ưu chi phí, tìm kiếm và giữ khách hàng để đảm bảo duy trì công ăn việc làm, chăm lo đời sống cho người lao động nên việc đầu tư dây chuyền sản xuất mới là điều không thể thực hiện được trong lúc này”, đại diện Vifon bày tỏ.
Cá ngừ đóng hộp “đứng hình” vì phải dài hơn nửa mét
Trong khi hàng loạt DN khốn khổ vì quy định bổ sung vi chất chưa được gỡ bỏ thì ngành chế biến thủy sản cũng đang rơi vào cảnh không có nguyên liệu cá ngừ vằn để sản xuất vì các quy định éo le. Cụ thể, Nghị định số 37 được Chính phủ ban hành hồi tháng 4 hướng dẫn thi hành luật Thủy sản quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên, trong đó có cá ngừ vằn, nguyên liệu chủ lực của ngành chế biến và xuất khẩu cá ngừ đóng hộp. Cụ thể, kích thước tối thiểu của cá ngừ vằn được phép khai thác phải từ nửa mét (500 mm) trở lên.
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP thủy sản Bình Định, than thở: Cá ngừ vằn là nguyên liệu chủ lực để chế biến, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp. Năm 2023, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp chiếm đến 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ 800 triệu USD. Năm nay, nhờ lợi thế của hiệp định thương mại giữa VN và EU, tốc độ xuất khẩu mặt hàng cá ngừ đã tăng trưởng đột biến và kỳ vọng sẽ đạt kim ngạch 1 tỉ USD. Tuy nhiên, theo quy định, cá ngừ vằn được phép khai thác phải có chiều dài tối thiểu là 500 mm, dưới kích cỡ này thì các DN sẽ không được thu mua để chế biến xuất khẩu và nguy cơ lớn là DN không đạt được kế hoạch doanh số.
“Chúng tôi hiểu quy định này nhằm bảo vệ nguồn lợi cá ngừ, tránh khai thác cá ngừ ở kích thước nhỏ. Tuy nhiên, trong thực tế khai thác ở nước ta, số lượng cá ngừ vằn đạt được kích cỡ từ 500 mm trở lên thường chỉ chiếm khoảng 10 – 20% mẻ lưới. Sản lượng khai thác cá ngừ vằn mỗi năm của nước ta khoảng 60.000 tấn, trong khi sản lượng khai thác cho phép là 200.000 tấn. Trong 2 tháng qua, các DN chế biến cá ngừ không thể mua được nguyên liệu vì không được các cảng cấp giấy phép xuất xứ. Việc tuân thủ quy định mới về kích cỡ cá ngừ vằn có thể kéo theo việc không đủ nguồn cung nguyên liệu để chế biến, xuất khẩu”, bà Kim Lan nói.
Hiệp hội Cá ngừ VN cũng đã có công văn gửi Bộ NN-PTNT khẳng định các DN chế biến cá ngừ đóng hộp VN sẽ gặp rất nhiều khó khăn với quy định kích thước tối thiểu 500 mm của cá ngừ vằn. Hiện nay các DN đồ hộp đều phải tạm dừng thu mua nguyên liệu không đạt 500 mm và các cơ quan quản lý nhà nước như Chi cục Thủy sản, Ban quản lý cảng cá tại các địa phương đều tạm dừng việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, dẫn đến tổn thất nặng nề cho ngành hàng cá ngừ VN.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), phân tích: “Trong thực tế, kích thước của cá ngừ vằn có chiều dài trên nửa mét thường chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ 5 – 8% trong mỗi lô cá khai thác được. Kích cỡ thông dụng của loài di cư này là 15 – 40 cm/con, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong các lô khai thác trong và ngoài nước, và cũng là kích cỡ thương mại xuất nhập khẩu bình thường trên thế giới. Trong 2 tháng qua, kể từ khi Nghị định 37 có hiệu lực (từ ngày 19.5.2024), một số DN chế biến cá ngừ đã dừng hoàn toàn việc thu mua nguyên liệu khai thác trong nước của ngư dân do không đảm bảo kích cỡ đạt nửa mét trở lên. Trong khi đó, giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9 là cao điểm vào vụ khai thác cá ngừ vằn của ngư dân VN”.
Lãnh đạo VASEP nêu quan ngại: “Trong khi tàu cá của chúng ta không khai thác được cá ngừ vằn vì rào cản quy định kích thước tối thiểu thì tàu cá các nước lân cận vẫn được phép khai thác bình thường vì không có quy định giống VN. Ngay chính EU cũng không có quy định kích thước khai thác tối thiểu với cá ngừ vằn; tàu cá của Tây Ban Nha và các nước EU khác vẫn đánh bắt cá ngừ vằn dưới 1 kg. EU bảo vệ nguồn lợi hải sản bằng các biện pháp như hạn ngạch (quota), thời gian cấm biển, nghề khai thác…, chứ không thuần túy chỉ bằng kích thước tối thiểu”.
Cần cởi trói cho DN
Hiệp hội Cá ngừ VN nhìn nhận đối với quy định tréo ngoe này, ngư dân bắt buộc phải đầu tư chi phí để thay đổi ngư cụ có kích thước mắt lưới mới phù hợp, tiến hành ghi chép nhật ký, kiểm soát kích cỡ thủy sản khai thác được. Thực tế hiện nay, nhiều tàu cá vào cảng không được cấp biên bản bốc dỡ tại cảng do vi phạm về kích cỡ hải sản khai thác. Vì vậy, nguy cơ có thể một bộ phận ngư dân ở miền Trung sẽ dừng đi biển. Do đó, VASEP đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Nghị định 37 tại một số nội dung trong thời gian sớm và phù hợp nhất. Đặc biệt VASEP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và có văn bản chỉ đạo điều chỉnh, giải quyết ngay vấn đề trên trong thời gian chờ sửa nghị định do mùa vụ cao điểm của cá ngừ vằn chỉ đến cuối tháng 9.
Đối với quy định bắt buộc bổ sung vi chất vào nguyên liệu chế biến thực phẩm, VASEP cũng kiến nghị điều chỉnh để tránh gây thêm khó khăn cho DN và ngư dân. Nhiều DN chế biến đồ hộp cho biết: “Quy định bắt buộc phải dùng muối i ốt hiện nay đã làm phát sinh nhiều vấn đề. Đầu tiên là khách hàng không đồng ý mua hàng vì nhiều người tiêu dùng có vấn đề sức khỏe không cho phép dùng thực phẩm chứa i ốt. Ngoài ra, DN còn phải khai báo thành phần i ốt trên tem nhãn, tốn thêm chi phí để kiểm soát tỷ lệ i ốt trong sản phẩm”. Đối với ngư dân, khi ra biển đánh bắt được cá dùng muối để ướp nhằm bảo quản lâu hơn cũng phải dùng muối i ốt, gây tốn kém thêm mà không mang lại lợi ích gì, ngoài ra còn nguy cơ gây thừa i ốt”.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, nhấn mạnh việc duy trì quy định không thể thực thi hiệu quả trong suốt 8 năm qua là “Muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i ốt” và “Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm” trong dự thảo mới của Bộ Y tế gây hoang mang và lo ngại sâu sắc trong cộng đồng và DN ngành thực phẩm. Bởi nếu quy định này được thông qua có thể làm dấy lên những vấn đề lo lắng về sức khỏe cộng đồng và đặt gánh nặng lên các DN thực phẩm, tái diễn những khó khăn mà các DN đã từng đối mặt.
Đối với DN sản xuất điều nhân, hạt điều rang muối là sản phẩm chế biến sâu được khuyến khích để gia tăng giá trị. Tuy nhiên, quy định sử dụng muối i ốt hiện nay đang gây bất cập và lãng phí, hay nói đúng hơn là vô lý đối với thực phẩm chế biến. Hạt điều khi rang muối ở nhiệt độ cao sẽ không còn giữ được i ốt, mà nếu có thì cũng nằm ở phần vỏ lụa. Người tiêu dùng khi ăn hạt điều rang muối đều bỏ phần vỏ này vì có a xít và vị đắng, vậy thì bổ sung i ốt làm sao có tác dụng? Thực tế hiện nay, có DN phải “ngó lơ” quy định này để sử dụng muối không có i ốt khi chế biến. Việc này dù hiệp hội không khuyến khích, các DN không công khai nhưng vì quy định không phù hợp thì DN tìm cách tránh né cũng là điều dễ hiểu.
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều VN
Thực tiễn 8 năm qua cho thấy việc áp dụng đại trà không có cơ sở khoa học, không theo quản lý rủi ro, gây nhiều khó khăn cho ngành chế biến thực phẩm, tác động không chỉ tới DN trong nước mà cả nhóm ngành hàng xuất khẩu: Nhiều nước không chấp nhận thực phẩm có bổ sung i ốt (ví dụ: Nhật Bản, Úc… yêu cầu các DN phải có chứng nhận không sử dụng muối i ốt mới xuất khẩu được); DN buộc phải lựa chọn phương án vừa sản xuất hàng xuất khẩu và hàng nội địa trên cùng một dây chuyền sản xuất (không còn bất kỳ lựa chọn nào tối ưu hơn) và phải đảm bảo tuyệt đối tránh nhiễm chéo, gây tốn kém thời gian và chi phí rất lớn. Quy định này làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng nội địa và hàng VN xuất khẩu, vì giá thành hàng nhập khẩu thấp hơn, do không phải tốn kém tăng cường i ốt, sắt, kẽm, khiến hàng VN thua ngay trên sân nhà. Trong khi Chính phủ đang rất nỗ lực hỗ trợ VN nâng sức cạnh tranh thì chính quy định này lại đang gây khó khăn, tốn kém nặng nề giữa lúc sức mua suy giảm chưa từng có và so với mấy năm trước thì khó khăn của DN càng tăng lên nhiều.
(Trích công văn của 6 hiệp hội ngành hàng thực phẩm gửi Thủ tướng Chính phủ)