Kinh Tế

Liên minh thị trường vốn – ván cược giúp EU theo kịp Mỹ, Trung

Để bắt kịp tăng trưởng Mỹ, Trung Quốc, EU muốn đẩy nhanh sáng kiến “liên minh thị trường vốn”, trong đó huy động 10.000 tỷ euro nhàn rỗi của người dân.

Liên minh châu Âu (EU) từ lâu đã nói về thị trường chung nơi con người, hàng hóa và tiền bạc có thể di chuyển trong khối mà không bị cản trở như thể khối này là một liên bang giống Mỹ.

Nhưng thực tế, Politico cho rằng EU không thực hiện được tham vọng đó, đặc biệt khi nói đến dòng tiền. Hậu quả là lục địa già ngày càng tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc. Ngành công nghiệp của họ yếu dần. Các công ty khởi nghiệp thiếu tiền mặt và kém thành công hơn so với các đối thủ ngoài khối. Các quy tắc tài chính hiện hành làm hạn chế chi tiêu công cho chuyển đổi năng lượng xanh.

“Chúng ta cần (tiền) tài trợ cho các dự án đổi mới để bắt kịp khoảng cách công nghệ với Mỹ”, Stéphane Boujnah, Tổng giám đốc điều hành của tập đoàn giao dịch chứng khoán lớn nhất châu Âu Euronext nói.

Vì vậy, EU cần một chiến lược táo bạo để trở mình và “Liên minh thị trường vốn” (CMU) là nỗ lực để tạo ra bước ngoặt. Sáng kiến CMU được nêu đầu tiên vào tháng 9/2015. Kế hoạch của CMU đưa ra danh sách hơn 30 hành động để thiết lập các khối xây dựng của một thị trường vốn. Kể từ đó, châu Âu tiến hành một số nghiên cứu để định hình các hành động chính sách cần thiết để tạo lập CMU trong tương lai.

Politico cho rằng, việc các chính phủ tại châu Âu phá bỏ các rào cản để cho phép CMU hình thành có thể là cơ hội cuối cùng để cứu lục địa khỏi việc rơi vào vực thẳm tài chính.

Tiền euro được chụp vào 30/5/2022. Ảnh: Reuters

Một nhà máy sản xuất, một trang trại gió và một công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo đều rất khác nhau. Nhưng chúng có điểm chung là cần tiền để hoạt động. Đó là nơi thị trường vốn – bao gồm thị trường giao dịch cổ phiếu, trái phiếu và các sản phẩm đầu tư khác – phát huy tác dụng.

Về mặt lý tưởng, CMU sẽ liên kết 27 thị trường đầu tư tài chính hiện có trên khắp EU, cho phép dòng vốn đi xuyên biên giới thuận lợi như nội địa. Hiện giá trị của tất cả công ty trên thị trường chứng khoán châu Âu, tính theo phần trăm GDP, bằng một nửa ở Mỹ. Vốn đầu tư mạo hiểm – loại vốn cần cho các công ty công nghệ giai đoạn đầu và startup – chỉ bằng 5% so với ở Mỹ.

Mathieu Savary, Chiến lược gia trưởng công ty nghiên cứu tài chính BCA Research cho biết EU không thiếu tiền nhưng thị trường vốn phân mảnh khiến các doanh nghiệp tốn kém hơn để huy động vốn. Hiện khoảng 300 tỷ euro tiền tiết kiệm của người châu Âu được đầu tư ra nước ngoài mỗi năm, chủ yếu là ở Mỹ.

Cùng với đó, trong khi các nhà đầu tư cá nhân tại Mỹ rót gần một nửa tài sản tài chính của họ vào chứng khoán thì tỷ lệ này ở EU chỉ 17%. Trung tâm Chính sách châu Âu (CEP) tin rằng EU nên tăng tỷ lệ này.

Vì vậy, CMU sẽ giúp thu hút vốn từ “con heo đất” 10.000 tỷ euro trong tài khoản tiết kiệm của người dân châu Âu để tài trợ cho các doanh nghiệp, giúp cải thiện năng lực cạnh tranh với các đối thủ ngoài khối.

Ngoài ra, tiền trong các quỹ hưu trí cũng là một mục tiêu được các bên đề xuất tận dụng cho CMU. Tại Mỹ, gần 60% hộ gia đình sở hữu cổ phiếu, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua quỹ hưu trí. Ở Pháp và Đức, con số này chỉ khoảng 18%.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói nhiệm kỳ 5 năm tới của bà là “thời điểm đầu tư”, bắt đầu bằng việc hoàn thiện CMU.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại Brussels, Bỉ ngày 21/3. Ảnh: AFP

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại Brussels, Bỉ ngày 21/3. Ảnh: AFP

Vào tháng 4, các nguyên thủ nhất trí tái khởi động lại thị trường nợ bán lại của châu Âu. Đến tháng 5, các bộ trưởng tài chính hứa nỗ lực “làm sâu sắc thêm” thị trường vốn mà không cần phải ban hành luật ở cấp độ EU.

Bên lề cuộc họp của các bộ trưởng tài chính EU hồi tháng 7, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết CMU là “một trong những ưu tiên hàng đầu”. Bất đồng trong nhiều vấn đề nhưng Berlin và Paris cùng quan điểm về chủ đề này.

Đức ủng hộ CMU vì đây là giải pháp để tránh tăng vay nợ chung của khối. Pháp cho rằng liên minh là bước tiến giúp EU giảm phụ thuộc vào Mỹ. Vốn tư nhân có thể giúp EU định hướng lại trong các lĩnh vực như năng lượng, quốc phòng và “cai nghiện” cho dân châu Âu trong việc đầu tư qua Mỹ.

Để hút tiền nhàn rỗi trong ngân hàng, Pháp đề xuất tạo ra một sản phẩm tiết kiệm chung cho toàn EU. Mục tiêu là khuyến khích người gửi tiết kiệm chuyển sang sản phẩm này, có thể là hình thức cổ phiếu, để tài trợ vốn cho các công ty phát triển thay vì gửi tiền vào ngân hàng nhận lãi thấp.

Nhưng đang có hàng loạt thách thức trong quá trình triển khai CMU. Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) tại Washington DC thẳng thắn nhận xét rằng sau 10 năm ra đời ý tưởng, CMU chỉ vẫn tập trung vào hùng biện.

Theo PIIE, giới chức EU nói suông về tầm nhìn rằng thị trường vốn sẽ phát triển tốt, thanh khoản và sâu rộng, giúp startup phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy quyền tự chủ chiến lược cho khối và cuối cùng có thể cạnh tranh với Phố Wall. “Khi nói đến hành động, mọi thứ đột nhiên trở nên ít đi”, viện bình luận.

Các mục tiêu thúc đẩy hội tụ trong các lĩnh vực cấu trúc nên CMU như thuế, luật phá sản hoặc tài chính lương hưu vẫn còn chậm tiến triển. Ví dụ, tiến trình chuẩn hóa luật phá sản, một phần chính của dự án, hoàn toàn bế tắc. Điều này rất quan trọng vì khi các chủ nợ quyết định có hỗ trợ tài chính cho một dự án hay không, họ muốn biết chắc điều gì sẽ xảy ra nếu dự án đó phá sản.

Việc thành lập cơ quan giám sát EU duy nhất cho các tổ chức tài chính phi ngân hàng – sàn chứng khoán, công ty quản lý tài sản – để họ tuân theo các quy tắc giống nhau trên toàn khối khi hoạt động xuyên biên giới, cũng vướng.

Ứng cử viên tiềm năng nhất là Cơ quan Giám sát Chứng khoán và Thị trường Châu Âu (ESMA) trụ sở tại Paris. Tuy nhiên, nhiều nước đang phản đối vì lo ngại rằng các công ty lớn chuyển đến Pháp để gần với cơ quan giám sát.

Nỗi sợ thua cuộc khi ra biển lớn cũng là rào cản. Hiện nhiều tổ chức tài chính như ngân hàng, công ty bảo hiểm, sàn giao dịch được hưởng lợi từ việc là một con cá lớn trong cái ao nhỏ. Khi liên minh hình thành, cá phải bơi chung vào biển lớn, đối mặt với sự cạnh tranh từ khắp châu Âu. Một số trong số đó sẽ không thành công, dẫn đến phá sản hoặc bị các đối thủ mua lại.

“Rất ít nước thành viên tin rằng các nhà vô địch quốc gia của họ sẽ tồn tại khi tiếp xúc với sự cạnh tranh thực sự”, Bryan Coughlan, Kinh tế trưởng tại Tổ chức Người tiêu dùng châu Âu cho biết. Ông nói thêm rằng mọi người thường tuyên bố sẵn sàng về thị trường mở và cạnh tranh nhưng đến khi đàm phán thiết lập chính sách để thực hiện thì không phải vậy.

Làm sao để thuyết phục được người châu Âu tham gia các sản phẩm đầu tư mới thay vì gửi tiết kiệm nhà băng cũng là vấn đề. Chuyên gia tài chính CEP Anastasia Kotovskaia cho biết các hộ gia đình EU có sở thích mạnh mẽ với các sản phẩm có tính thanh khoản cao nhưng lợi nhuận thấp.

“Tuy nhiên, xu hướng này lại trái ngược với các mục tiêu cốt lõi của liên minh thị trường vốn”, bà nói. CEP khuyến nghị EU đơn giản hóa các quy định hiện quá quan liêu, khó hiểu và gây mất động lực với các nhà đầu tư cá nhân.

Song song đó, Brussels nên đưa ra các biện pháp bổ sung để cải thiện kiến thức tài chính cho công dân, khiến họ quan tâm đến thị trường tài chính. Đồng thời, có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản đầu tư xuyên biên giới của các nhà đầu tư nhỏ để góp phần phân bổ vốn hiệu quả hơn.

Cờ EU trước trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussels, Bỉ năm 2022. Ảnh: AFP

Cờ EU trước trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussels, Bỉ năm 2022. Ảnh: AFP

Giữa hàng loạt khó khăn, PIIE cho rằng dự án CMU có thể thất bại nhưng nên được trao cơ hội cuối cùng. Tổ chức này khuyến nghị EU trước mắt tập trung lập được cơ quan giám sát thị trường vốn chung. Nếu thuyết phục được các thành viên trao vài trò đó cho ESMA thì cũng cần tái thiết lại tổ chức này theo cơ chế quản lý mới, khuôn khổ tài trợ mới và đặt hiện diện tại các địa điểm mới để mở đường cho việc mở rộng đáng kể các hoạt động giám sát.

“Việc biến nó (cơ quan giám sát chung) thành hiện thực sẽ đưa CMU thành một dự án khả thi. Ngược lại, nếu chủ nghĩa dân tộc và các lợi ích cố hữu vẫn ngăn cản có lẽ đã đến lúc phải ngừng nói về liên minh thị trường vốn”, PIIE nhận định.

Ngay cả khi CMU ra đời cũng có thể không phải là “đùa thần” giúp EU cất cánh. Vẫn còn nhiều tranh cãi về lượng vốn sẽ được giải phóng. Thierry Philipponnat, Kinh tế trưởng Finance Watch lo rằng đang có một số lạc quan đến mức viển vông.

“Hãy làm đi nhưng đừng mơ rằng nó sẽ tài trợ cho các dự án không có lợi nhuận đủ cao”, ông nói. Ví dụ, các dự án chống biến đổi khí hậu mà châu Âu đang làm thuộc loại không mang lại lợi nhuận hấp dẫn để hút vốn.

Báo cáo của Finance Watch đánh giá, ngay cả trong kịch bản tốt nhất, khi liên minh thị trường vốn được hoàn thành, tài chính tư nhân chỉ có thể đáp ứng một phần ba nhu cầu chuyển đổi xanh của EU. Phần còn lại sẽ phải đến từ vốn công.

Nhưng dù giống giấc mơ viển vông, đây vẫn là lựa chọn tốt mà EU có. Boujnah, CEO của Euronext lạc quan về CMU khi thấy các nhà lãnh đạo cuối cùng đã hạ quyết tâm. “Khi có ý chí chính trị, người châu Âu có thể hành động rất nhanh chóng,” ông nói.

Phiên An (Politico, EC, CEP, PIIE)


Nguồn