“Cánh cửa” nhà ở xã hội đã rộng hơn
Thêm 20.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội
Ngoài 4 ngân hàng nhà nước là BIDV, VietinBank, Agribank, Vietcombank tham gia Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thì có thêm 4 ngân hàng thương mại cổ phần đăng ký tham gia, gồm: Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng Quân đội (MB) và Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Qua đó, nâng tổng số nguồn vốn của chương trình tín dụng lên 140.000 tỷ đồng. Đây là tín hiệu rất tích cực khi các nguồn lực đang tập trung nhiều hơn vào mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp.
Ngân hàng MB là 1 trong 4 ngân hàng vừa đăng ký dành 5.000 tỷ đồng tham gia gói hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, mức lãi suất cho cả chủ đầu tư và người mua nhà đều thấp hơn đáng kể so với mức lãi suất cho vay thông thường.
Hiện mức lãi suất cho vay với người mua nhà đang được Ngân hàng Nhà nước đề xuất giảm thêm từ 3 – 5%, tức là có thể rẻ bằng một nửa so với hiện nay. Bởi dù đã có 2 lần giảm lãi suất, nhưng những người mua nhà ở xã hội như chị Phạm Thị Huệ (Mê Linh, Hà Nội) vẫn đang trả lãi vay khoảng 7 – 8%/năm và hết 3 – 5 năm đầu được ưu đãi thì lãi suất cộng thêm vài % nữa tạo áp lực rất lớn lên chi tiêu hàng tháng.
Ngoài ra các doanh nghiệp cho rằng muốn tăng khả năng giải ngân thì gốc rễ phải giải quyết từ khâu bố trí quỹ đất sạch trở đi, mà theo Luật nhà ở mới, thì trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương.
Theo ông Nguyễn Chí Thanh – Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam: “Nhà ở xã hội lãi cố định là 10% rồi, mà bây giờ không kiểm soát được vấn đề kiểm soát mặt bằng rõ rằng rất khó để thu hút nhà đầu tư. Do vậy, tôi nghĩ vai trò của các thành phố, tỉnh thành đóng vai tò quyết định trong phát triển nhà ở xã hội”.
Đã có thêm 20.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh minh họa.
Nhận định về mức lãi suất cho vay với người mua nhà đang được Ngân hàng nhà nước đề xuất giảm thêm từ 3-5%, TS Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, đây là một tín hiệu vui dành cho nhiều người có cơ hội tiếp cận vốn để mua nhà vì những đối tượng được xem xét mua nhà đều là những người lao đông, công nhân, viên chức… có thu nhập thấp.
“Từ đó thu hút nhiều người lao động sẽ quan tâm tiếp cận gói tín dụng để mua nhà. Như vậy cũng sẽ tác động tốt đến thị trường đầu ra để giúp ch các chủ đầu tư có thể yên tâm tham gia phát triển nhà ở xã hội”, ông Nguyễn Văn Đính nhận định.
Tuy nhiên, để thực hiện được theo ông Nguyễn Văn Đính, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành khác cũng nên có những tính toán để đưa ra những kiến nghị để Chính phủ có thể quyết định là thế nào để cân đối mức lãi suất cho phù hợp và nó phải nằm ở ngưỡng người lao động có thể chấp nhận được để hoàn thành các mục tiêu đặt ra.
TS Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
Giảm dần mặt bằng lãi suất cho vay
Hơn 1 năm kể từ khi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo lại chung cư cũ chính thức triển khai, tỷ lệ giải ngân rất chậm, đến nay mới đạt hơn 1,1%, trong đó lãi suất là một trong những rào cản lớn nhất. Trước thực tế này, thời gian qua Chính phủ đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ.
Trên cơ sở Nghị quyết 33 năm 2023 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã công bố lãi suất cho vay kể từ khi triển khai gói tín dụng này là từ tháng 2/2023 đến hết ngày 30/6/2023 là 8,5%/năm đối với chủ đầu tư và 8,2% đối với người mua nhà.
Kể từ ngày 1/7 đến hết 31/12/2023, lãi suất cho vay đã giảm còn 8,2%/năm đối với chủ đầu tư và 7,7%/năm đối với người mua nhà. Đến cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục công bố mức lãi suất cho vay áp dụng từ ngày 1/1 – 30/6/2024 là 8%/năm đối với chủ đầu tư và 7,5%/năm đối với người mua nhà. Như vậy, so với thời điểm triển khai gói tín dụng này, lãi suất đã giảm tổng cộng 0,7%/năm.
Nới lỏng quy định, đẩy nhanh tiến độ giải ngân
Để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, năm nay, Chính phủ giao mục tiêu cả nước hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội. Như vậy khối lượng phải hoàn thành từ nay tới cuối năm là rất lớn. Bộ xây dựng cho biết muốn đạt mục tiêu này thì phải đẩy nhanh hoàn thiện 400.000 căn nhà ở xã hội đã được phê duyệt cấp phép trước đó. Bởi vậy, để gỡ khó, cũng như thúc đẩy nhanh gói tín dụng này, nhiều quy định, thậm chí là cơ chế đã được nới lỏng hơn.
Từ ngày 1/8, người mua nhà ở xã hội chỉ cần có mức thu nhập không quá 15 triệu đồng/tháng và vợ chồng không quá 30 triệu đồng/tháng. Cùng với đó, người mua chỉ cần xác nhận chưa có nhà ở, đất ở tại nơi làm việc, sinh sống là có thể đăng ký mua nhà ở xã hội. Như vậy, tệp khách hàng đã được mở rộng hơn, sẽ khiến cho các chủ đầu tư mạnh dạn tham gia phân khúc nhà ở xã hội hơn.
Ông Nguyễn Hữu Đức – Tổng giám đốc CTCP Xây dựng thương mại địa ốc Hồng Loan bày tỏ: “Chúng tôi vẫn mong muốn việc xét duyệt gói 120.000 tỷ đồng cần được đơn giản, nhanh chóng hơn cho các chủ đầu tư có thể tiếp cận được nguồn vốn này”.
Cùng với việc nới lỏng các quy định về điều kiện mua thì điều kiện để vay vốn, cũng được điều chỉnh mạnh. Lãi suất sẽ thấp hơn 3% lãi suất thông thường, thời gian ân hạn vốn vay lên tới 10 năm, thay cho 5 năm như trước.
Các quy định cả về pháp lý cũng như cơ chế, điều kiện triển khai nhà ở xã hội đã được nới rộng cho cả người mua cũng như nhà đầu tư. Đây cũng là những cơ sở để thúc đẩy tiến độ giải ngân gói 120.000 tỷ đồng vốn đã ì ạch sau hơn 1 năm triển khai này.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, với những nội hàm của Luật Nhà ở 2023 là khá đầy đủ. Còn một số điểm khác liên quan như các luật xung quanh như Luật Đấu thầu, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng,Luật Đầu tư… cũng phải cần thiết để điều chỉnh để nó đồng bộ với Luật Nhà ở và Luật Đất đai. Từ đó, các vấn đề tắc nghẽn về khâu quy trình thủ tục.
Chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là một chính sách nhân văn để người thu nhập thấp có nhà, đảm bảo quyền có chỗ ở cho mọi người dân như trong Hiến pháp đã quy định.
Sau hơn 1 năm triển khai ì ạch, có thể nói sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của hệ thống ngân hàng cùng hàng loạt đổi mới chính sách đang giúp cánh cửa tiếp cận nhà ở xã hội rộng mở hơn bao giờ hết.
Về lâu dài rất cần sự triển khai đồng bộ hơn nữa, trong đó vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng, vì quỹ đất sạch để làm nhà ở xã hội giờ đây thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Không có đủ nguồn cung nhà ở xã hội thì chính sách tín dụng cũng sẽ không có nhiều ý nghĩa.
Theo VTV
Copy link
Lấy link!
https://vtv.vn/kinh-te/canh-cua-nha-o-xa-hoi-da-rong-hon-20240817093420826.htm