5 năm Boeing thụt lùi trước Airbus
Kinh doanh 5 năm qua của hai nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới là tương phản giữa Airbus có lời, còn Boeing gần như liên tục lỗ.
Hôm 8/8, Boeing bổ nhiệm Kelly Ortberg làm CEO mới. Ông là cựu CEO của hãng công nghệ máy bay Rockwell Collins, được biết đến với khả năng lãnh đạo và thành công trong việc sáp nhập Rockwell Collins với United Technologies.
Quyết định này được đưa ra khi Boeing đang đối mặt với các thách thức nghiêm trọng về an toàn và chất lượng sản phẩm, dẫn đến kinh doanh thua lỗ dưới thời cựu CEO Dave Calhoun. Quá trình này của Boieng kéo dài khoảng 5 năm gần đây, khiến hãng ngày càng thụt lùi trước Airbus.
Trong lĩnh vực sản xuất máy bay thương mại thế giới, Boeing và Airbus là hai “kỳ phùng địch thủ”. Dù có nhiều nhà sản xuất khác nhưng sản lượng của họ thấp hơn nhiều so với hai gã khổng lồ này.
Theo CNN, một phần nguyên nhân do phi công được đào tạo về hệ điều hành của Boeing hoặc Airbus, nên các hãng hàng không khó để chuyển sang mua máy bay từ nhà cung cấp khác. Ngoài ra, cả Airbus và Boeing đều ưu thế bởi năng lực sản xuất lớn. Cả hai đang tồn đọng hàng nghìn đơn đặt hàng, với 8.598 chiếc tính đến cuối 2023 đối với Airbus và 5.591 chiếc tính đến cuối tháng 3 đối với Boeing.
Tuy nhiên, con đường kinh doanh của hai hãng trong những năm gần đây không giống nhau, với Boeing liên tục lỗ vì sự cố và Airbus có lãi ổn định.
Khởi đầu với 2 vụ tai nạn chết người vào cuối năm 2018 và đầu 2019 tại Ethiopia và Indonesia của máy bay Boeing 737 Max. Nhà sản xuất máy bay Mỹ bị giáng một đòn nặng nề, dẫn đến việc ngừng bay toàn bộ loại máy bay này hơn 1,5 năm.
Boeing đã mất hàng tỷ USD tiền phạt và thậm chí còn nhiều hơn nữa từ các đơn đặt hàng bị hủy và công bố khoản lỗ gần 3 tỷ USD trong quý II/2019. Dòng 737 Max cuối cùng đã được phép bay trở lại vào cuối năm 2020, sau khi có những thay đổi đối với hệ thống điều khiển bay và cập nhật hướng dẫn đào tạo.
Tuy nhiên, những vấn đề này cùng với những khó khăn về nhu cầu trong đại dịch tiếp tục khiến Boeing lỗ gần 12 tỷ USD năm 2020, với mức lớn nhất ghi nhận trong quý IV là 8 tỷ USD.
Hai năm sau vấn đề 737 Max, Boeing lại gặp phải trở ngại khác. Lần này liên quan đến mẫu máy bay 787 Dreamliner. Do các vấn đề về sản xuất, công ty đã phải hoãn bàn giao và làm lại một số bộ phận. Điều này khiến lợi nhuận giảm mạnh trong quý IV/2021, hơn 4 tỷ USD.
Bước sang 2022, nhiều vấn đề khác nhau trong lĩnh vực máy bay thương mại và kinh doanh quốc phòng gây ra khoản lỗ đáng kể khác trong quý III là 3,3 tỷ USD. Nhưng chuỗi ngày gặp sự cố dẫn đến thua lỗ của Boieng chưa kết thúc.
Vào ngày 5/1/2024, một chiếc 737 Max bung cửa khi đang bay. Sự cố này đã khiến Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) lập tức đình chỉ 171 chiếc 737-9 Max và yêu cầu Boeing ngừng mở rộng sản xuất loại máy bay này.
FAA cũng tiến hành một cuộc kiểm tra toàn diện dây chuyền sản xuất của Boeing và phát hiện nhiều vấn đề liên quan đến kiểm soát chất lượng và quy trình sản xuất. Sự cố mới khiến hãng lỗ tiếp 1,4 tỷ USD trong quý II năm nay.
Trong khi Boieng lận đận, Airbus có đường kinh doanh tương đối suôn sẻ hơn. Quý thua lỗ lớn nhất trong 5,5 năm qua là quý IV/2019, khi công ty phải trả một khoản tiền phạt lớn trong một vụ án tham nhũng và chi phí tăng liên quan đến chương trình máy bay quân sự A400M.
Hãng liên tục có các quý có lãi kể từ 2021 đến nay, với mức cao nhất là 2,24 tỷ USD vào quý II/2021. Năm này đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của Airbus sau khủng hoảng Covid-19. Doanh số bán hàng và giao máy bay tăng trở lại, đặc biệt là dòng máy bay A320neo, khi ngành hàng không toàn cầu bắt đầu phục hồi.
Cùng năm đó, Airbus ra mắt dòng máy bay A321XLR phân khúc tầm trung. Máy bay này hứa hẹn mở rộng tầm bay lên đến 8.700 km, đáp ứng nhu cầu máy bay hiệu quả về nhiên liệu và có tầm bay dài hơn.
Vào 2022, Airbus giao 661 máy bay so với 480 chiếc của Boeing, tiếp tục là nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới. Tất nhiên, bên cạnh thuận lợi, hãng cũng đối diện khó khăn chung của ngành liên quan đến chuỗi cung ứng, bao gồm thiếu hụt nguyên vật liệu và linh kiện, làm chậm trễ quá trình sản xuất và giao hàng.
Đến nửa đầu 2024, Airbus tăng sản lượng giao hàng lên 323 chiếc máy bay thương mại, so với 316 chiếc trong nửa đầu năm ngoái. Ngược lại, giao hàng của Boeing chững lại cùng giai đoạn, còn 175 chiếc so với 266 chiếc vào 6 tháng đầu 2023.
So kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay, doanh thu Airbus đạt 28,8 tỷ euro, tăng 4% so với cùng kỳ trong khi Boeing đạt 33,6 tỷ USD, giảm 11%. Tuy nhiên, Airbus lãi ròng 890 triệu USD giai đoạn này so với Boeing lỗ ròng 1,79 tỷ USD.
Nhằm củng cố năng lực sản xuất, vào tháng 6, Boeing thông báo về việc đạt được thỏa thuận mua lại nhà sản xuất thân máy bay Spirit AeroSystems. Tuy nhiên, thời điểm hoàn tất thương vụ chưa công bố.
Hiện nhà sản xuất máy bay Mỹ đang hy vọng tân CEO Ortberg sẽ xoay chuyển tình thế công ty. Sau khi xuất xưởng được 25 chiếc 737 Max hồi tháng 7, Boeing đặt mục tiêu sản xuất 38 chiếc Max mỗi tháng giai đoạn cuối năm 2024.
Tuy nhiên, chuyên gia tại công ty xếp hạng tín nhiệm Moody’s và S&P dự báo mục tiêu đó có thể không đạt được, do những rủi ro như gián đoạn lao động có thể xảy ra tại các cơ sở ở Seattle vào tháng 9, nếu các cuộc đàm phán lại hợp đồng với 30.000 công nhân nhà máy không suôn sẻ.
Jonathan Root, nhà phân tích tại Moody’s, cho rằng Boeing sẽ kết thúc năm 2024 với sản lượng 32 chiếc Max mỗi tháng và đạt mục tiêu 38 chiếc vào nửa cuối 2025. Sản lượng Max vốn được giới phân tích và đầu tư theo dõi chặt chẽ.
Boeing đã giảm sản lượng để cải thiện chất lượng sản xuất nhưng điều này ảnh hưởng đến dòng tiền. Công ty đã đốt khoảng 8,3 tỷ USD tiền mặt trong nửa đầu 2024 và dự kiến dòng tiền tự do (Free Cash Flow) sẽ âm trong năm nay, gây gánh nặng cho bảng cân đối tài chính.
“Chúng tôi coi việc tăng và ổn định sản lượng Max là cần thiết để tạo ra dòng tiền tự do, đó là điều cuối cùng chúng tôi quan tâm để duy trì xếp hạng tín nhiệm cho Boeing”, Ben Tsocanos, Giám đốc hàng không vũ trụ tại S&P Global Ratings nói.
Giới đầu tư cho rằng, Boeing cần tăng sản lượng để làm chậm quá trình đốt tiền mặt, dự kiến tiếp tục ít nhất là đến hết quý III. “Có rất nhiều đòn bẩy hoạt động trong ngành này và với tỷ lệ sản xuất đang dưới công suất tối ưu, nó sẽ chỉ đốt tiền mặt”, Tony Bancroft, Giám đốc danh mục đầu tư tại Gabelli Funds, đơn vị nắm giữ cổ phiếu Boeing cho biết.
Trong một bình luận đưa ra hôm 15/8, CEO United Airlines Scott Kirby dự đoán Boeing sẽ phục hồi “nhanh hơn hầu hết mọi người mong đợi”, sau cuộc họp với CEO Kelly Ortberg. “Tôi không chỉ được khích lệ bởi những gì tôi nghe được mà còn có thêm niềm tin rằng Boeing đang đi đúng hướng”, Kirby nói.
United Airlines là khách hàng lớn của Boeing, được cho là rất tức giận với hãng sản xuất máy bay này sau khi FAA đình chỉ sản xuất hơn 170 máy bay 737 Max 9 sau vụ bung cửa hồi tháng 1, khiến họ lỗ 200 triệu USD trong quý I.
Tuy nhiên, giờ đây Scott Kirby tỏ ra vui vẻ và ca ngợi nền tảng kỹ thuật của Kelly Ortberg tại Rockwell Collins có thể tạo ra “chiến thắng”. Trước đó, trong thời gian làm việc tại nhà cung cấp thiết bị điện tử máy bay Rockwell Collins, Ortberg đã giám sát các chương trình phát triển của công ty cho Airbus A350 XWB, Boeing 787 và Bombardier CSeries.
Một khi công ty tìm chỗ đứng vững chắc, ban lãnh đạo Boeing sẽ cần tập trung vào việc tung ra một máy bay phản lực thương mại mới để bổ sung vào dòng sản phẩm đang già cỗi của mình, theo các nhà phân tích cho biết.
Max là phiên bản mới nhất của máy bay 737 được đưa vào sử dụng lần đầu vào năm 1968. “Với độ tuổi của ông Ortberg (64) ưu tiên của ông ấy có thể là ổn định hoạt động, tài chính của Boeing và sửa chữa văn hóa công ty”, Robert Spingarn, nhà phân tích tại Melius Research cho biết.
Trong thông điệp gửi đến nhân viên gần đây, CEO Ortberg nhắc nhở người lao động rằng “mạng sống của mọi người phụ thuộc vào những gì chúng ta làm hàng ngày”. “Việc khôi phục niềm tin bắt đầu từ thực hiện đúng các cam kết của chúng tôi – dù là sản xuất những máy bay thương mại chất lượng cao và an toàn, hay cung cấp các sản phẩm quốc phòng và không gian giúp khách hàng hoàn thành nhiệm vụ của họ”, Ortberg nói.
Phiên An (theo Statista, Reuters)