Kinh Tế

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 9

Quy định mới về số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9, Nghị định số 83/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; quy định về cơ quan thuộc Chính phủ và quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Nghị định số 83/2024 quy định vụ thuộc tổng cục có từ 15 đến 20 biên chế công chức, cục (trừ cục đặt tại địa phương), thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục thuộc Bộ có dưới 4 tổ chức được bố trí không quá 2 cấp phó.

Từ 1/9, áp dụng quy định mới về số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị.

Vụ thuộc tổng cục có trên 20 biên chế công chức; cục (trừ các cục đặt tại địa phương), thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục có từ 4 tổ chức trở lên thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định số lượng cấp phó của từng đơn vị, bảo đảm bình quân không quá 3 người trên một đơn vị.

Đối với ban và văn phòng của cơ quan thuộc Chính phủ có từ 15 đến 20 người làm việc là công chức, viên chức được bố trí không quá 2 cấp phó; ban, văn phòng có trên 20 người làm việc là công chức, viên chức thì Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quyết định số lượng cấp phó của từng đơn vị, bảo đảm bình quân không quá 3 người trên một đơn vị.

Bên cạnh đó, Nghị định số 83/2024 sửa đổi, bổ sung quy định về số lượng cấp phó đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Theo đó, số lượng cấp phó của các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ được bố trí bình quân không quá 3 người/đơn vị.

Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ (trừ Bộ Công an và Bộ Quốc phòng; trừ các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ); đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan thuộc Chính phủ, bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ngoài; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh có số lượng cấp phó tùy thuộc vào số lượng viên chức.

Cụ thể, nơi nào có từ 20 viên chức trở xuống được bố trí không quá 2 cấp phó; có trên 20 viên chức được bố trí không quá 3 cấp phó.

Đối với bệnh viện hạng 1 trở lên; đơn vị sự nghiệp y tế làm nhiệm vụ kiểm soát và phòng chống bệnh tật tuyến tỉnh hạng 1 trở lên; trường phổ thông có nhiều cấp học có quy mô từ 40 lớp trở lên thì được bố trí không quá 3 cấp phó.

Tiêu chuẩn xét thăng hạng viên chức chuyên ngành y, dược, dân số

Bộ Y tế ban hành Thông tư 11/2024 quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y, dược, dân số, có hiệu lực thi hành từ 1/9.

Thông tư 11/2024 quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên chức danh bác sĩ cao cấp (hạng I), bác sĩ y học dự phòng cao cấp (hạng I), y tế công cộng cao cấp (hạng I), dược sĩ cao cấp (hạng I).

Đồng thời, quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên chức danh bác sĩ chính (hạng II), bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II), y tế công cộng chính (hạng II), dược sĩ chính (hạng II), điều dưỡng hạng II, hộ sinh hạng II, kỹ thuật y hạng II, dinh dưỡng hạng II, dân số viên hạng II.

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 9- Ảnh 2.

Thông tư 11/2024 của Bộ Y tế quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y, dược, dân số.

Về tiêu chuẩn, điều kiện chung, người lao động công tác trong ngành y tế thuộc các đối tượng nêu trên, cần được người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức quyết định cử viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Đối với yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ, cần đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, và tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại các thông tư, thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y, dược, dân số.

Họ cũng cần có vị trí việc làm còn thiếu, tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp viên chức được xét thăng hạng.

Tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể xét thăng hạng viên chức chuyên ngành y, dược từ hạng II lên hạng I như sau:

Viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp bác sĩ cao cấp (hạng I), bác sĩ y học dự phòng cao cấp (hạng I), y tế công cộng cao cấp (hạng I), dược sĩ cao cấp (hạng I) cần đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện chung như trên.

Đồng thời, trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng II, cần đạt một trong các thành tích, kết quả hoạt động:

Được bổ nhiệm chức danh Giáo sư hoặc Phó giáo sư chuyên ngành phù hợp với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng; đạt danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân; đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; được khen thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì trở lên.

Là Chủ nhiệm hoặc thành viên tham gia chính ít nhất 1 nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp Bộ, cấp tỉnh trở lên, và nhiệm vụ này cần được nghiệm thu từ mức đạt trở lên.

Chủ trì hoặc thành viên tham gia chính ít nhất 1 đề án, hoặc 1 hướng dẫn, quy trình chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh vực công tác được cấp Bộ, cấp tỉnh ban hành. Chủ nhiệm ít nhất 3 nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên, và nhiệm vụ khoa học và công nghệ này phải được nghiệm thu từ mức đạt trở lên.

Tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể xét thăng hạng viên chức chuyên ngành y, dược, dân số từ hạng III lên hạng II như sau:

Viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp bác sĩ chính (hạng II), bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II), y tế công cộng chính (hạng II), dược sĩ chính (hạng II), điều dưỡng hạng II, hộ sinh hạng II, kỹ thuật y hạng II, dinh dưỡng hạng II, dân số viên hạng II, ngoài các điều kiện chung, trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng III đạt một trong các thành tích, kết quả hoạt động:

Được cấp bằng Chuyên khoa cấp II hoặc Tiến sĩ chuyên ngành phù hợp với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng; đạt danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, Thầy thuốc Nhân dân; đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua từ cấp Bộ, cấp tỉnh trở lên; được khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba trở lên.

Chủ nhiệm ít nhất 2 nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên và được nghiệm thu từ mức đạt trở lên.

Chủ nhiệm ít nhất 1 nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên, và thành viên tham gia ít nhất 1 nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp Bộ, cấp tỉnh trở lên, và nhiệm vụ khoa học và công nghệ này được nghiệm thu từ mức đạt trở lên.

Chủ trì ít nhất 2 đề án hoặc hướng dẫn, quy trình kỹ thuật chuyên môn trong lĩnh vực công tác từ cấp cơ sở trở lên, hoặc sáng kiến cải tiến kỹ thuật được cấp có thẩm quyền ban hành.

Thành viên tham gia ít nhất 2 đề án hoặc hướng dẫn, quy trình chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh vực công tác được cấp Bộ, cấp tỉnh ban hành.

Hướng dẫn phương pháp lập giá bán điện bình quân

Thông tư số 09/2024 của Bộ Công Thương quy định tính toán giá bán điện bình quân sẽ có hiệu lực thi hành từ 14/9.

Thông tư này hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán giá bán điện bình quân theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 05/2024 của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 9- Ảnh 3.

Bộ Công Thương hướng dẫn chi tiết về phương pháp lập giá bán điện bình quân hằng năm và trong năm cũng như công thức tính toán để có kết quả giá điện cuối cùng.

Thông tư gồm 3 chương, 15 điều, áp dụng cho EVN và các đơn vị thành viên, các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong đó, Thông tư hướng dẫn chi tiết về phương pháp lập giá bán điện bình quân hằng năm và trong năm cũng như công thức tính toán để có kết quả giá điện cuối cùng.

Theo đó, giá bán điện bình quân hằng năm và trong năm được tính toán dựa trên các chi phí khâu phát điện, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí mua các dịch vụ truyền tải điện, phân phối – bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí điều hành – quản lý ngành trong giá bán điện bình quân hằng năm/trong năm.

Để có cơ sở tính toán, Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể phương pháp lập tổng chi phí của các khâu: phát điện; truyền tải; dịch vụ phụ trợ hệ thống điện; dịch vụ phân phối – bán lẻ điện; dịch vụ điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực; chi phí điều hành – quản lý ngành và lợi nhuận định mức…

Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Bộ trưởng Công Thương việc kiểm tra, rà soát và giám sát phương án giá bán điện bình quân do EVN xây dựng, điều chỉnh theo quy định tại Quyết định số 05/2024 của Thủ tướng.

Khai tử điện thoại “cục gạch”

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 03/2024 về quy hoạch băng tần 1800 MHz có hiệu lực kể từ ngày 14/6 và Thông tư số 04/2024 về quy hoạch băng tần 900 MHz cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng IMT của Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 24/6, tạo cơ sở pháp lý cho lộ trình dừng công nghệ di động cũ và phổ cập điện thoại thông minh.

Đây là những cơ sở pháp lý để dừng công nghệ di động 2G, phổ cập điện thoại thông minh. Về lộ trình dừng công nghệ 2G, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, từ 16/9, hệ thống 2G sẽ ngừng phục vụ các thuê bao sử dụng máy điện thoại 2G only.

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 9- Ảnh 4.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tắt sóng 2G từ 16/9.

Cụ thể, từ 16/9, Bộ Thông tin và Truyền thông không cung cấp dịch vụ cho thiết bị đầu cuối thuê bao chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM, trừ một số trường hợp cung cấp dịch vụ cho thiết bị đầu cuối thuê bao kết nối vào mạng GSM cho mục đích truyền, nhận dữ liệu giữa thiết bị với thiết bị hoặc cung cấp dịch vụ tại khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK.

Hệ thống 2G được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 15/9/2026, trừ trường hợp cung cấp dịch vụ tại khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK.

Căn cứ quy hoạch các băng tần 900 MHz, 1800 MHz, Bộ Thông tin và Truyền thông không cấp phép lại việc sử dụng các băng tần 900 MHz, 1800 MHz nếu doanh nghiệp không có phương án đảm bảo không còn thuê bao sử dụng thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM (2G only) hoạt động trên mạng từ 16/9.


Theo Anh Nhật/VTC

Nguồn