Bầu Thắng bắt tay “ông lớn” Hàn Quốc trong dự án điện gió lớn nhất thế giới trị giá 200 triệu USD tại Long An
Ngày 10/9/2024, Đồng Tâm Group (DTG) và Tập đoàn CS Wind (CS Wind) đã chính thức ký kết biên bản ghi nhớ (MOU).
Theo đó, Đồng Tâm sẽ cho CS Wind Việt Nam thuê lại 50 ha đất công nghiệp, dịch vụ công nghiệp để xây dựng nhà máy sản xuất, bãi lắp ráp cho các thiết bị tháp gió ngoài khơi và trên bờ, các sản phẩm điện gió ngoài khơi như cọc đơn, các thiết bị chuyển tiếp… và cung cấp cho thị trường toàn cầu, với quy mô lớn trên thế giới, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 200 triệu USD.
Sau quá trình tìm hiểu nghiên cứu chuyên sâu, CS Wind quyết định hợp tác chặt chẽ với DongTam Group để đặt nhà máy trong Khu công nghiệp Đông Nam Á Long An thuộc Cụm dự án Cảng Quốc tế Long An 1.935 ha do Đồng Tâm làm chủ đầu tư trên địa bàn huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Theo Biên bản thỏa thuận hợp tác, DTG và các đơn vị thành viên sẽ cho CS Wind Việt Nam thuê lại 50 ha đất công nghiệp, dịch vụ công nghiệp để xây dựng nhà máy sản xuất, Bãi lắp ráp cho các thiết bị tháp gió ngoài khơi, trên bờ, các sản phẩm điện gió như, cọc đơn, các thiết bị chuyển tiếp… và cung cấp cho thị trường toàn cầu.
Đây được cho là nhà máy có công suất sản xuất thiết bị điện gió lớn nhất trên thế giới tính đến thời điểm lập dự án, với tổng vốn đầu tư trong giai đoạn đầu dự kiến lên tới 200 triệu USD. Dự kiến công suất hoạt động lên đến hàng chục ngàn đơn vị mỗi năm, cung ứng thiết bị siêu trường, siêu trọng từ 500 đến 4.000 tấn trên mỗi thiết bị. Đặc biệt, 100% thiết bị và phụ kiện giai đoạn đầu xuất nhập thông qua Cảng Quốc tế Long An, ước tính từ 150.000 đến 200.000 tấn/năm.
Với mong muốn đóng góp phát triển kinh tế – xã hội địa phương, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Dongtam Group chia sẻ: “Chúng tôi rất phấn khởi khi có một tập đoàn uy tín như CS Wind đầu tư vào Khu công nghiệp Đông Nam Á Long An. Sau khi Nhà máy đi vào hoạt động, những thiết bị được sản xuất ra từ đây sẽ thuận lợi xuất đi các nước trên thế giới thông qua cảng biển – Cảng Quốc tế Long An. Điều đó càng khẳng định sức hấp dẫn về điều kiện thu hút đầu tư của tỉnh Long An trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Chúng tôi cũng cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư thứ cấp trong suốt quá trình triển khai dự án”.
CS Wind thành lập năm 1984 tại Hàn Quốc, là tập đoàn hàng đầu trong ngành sản xuất tháp gió cho các máy phát điện gió lớn nhất thế giới. Năm 2003, CS Wind thành lập công ty sản xuất tháp gió đầu tiên tại Việt Nam. Đây là nhà máy cốt lõi số 1 tại Đông Nam Á đã tiếp cận các thị trường châu Á, Nam Thái Bình Dương và Hoa Kỳ, nhanh chóng trở thành tập đoàn đứng top 1 trên thế giới về sản xuất tháp gió. CS Wind đang vận hành các cơ sở sản xuất tại 8 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Hoa Kỳ và Đan Mạch.
Hiện, CS Wind cung cấp hơn 13.000 tháp gió cho các nhà sản xuất tua-bin gió hàng đầu thế giới như Vestas, Siemens-Gamesa, GE và Goldwind… có vị thế trong ngành năng lượng tái tạo toàn cầu.
Thương hiệu Đồng Tâm ra đời năm 1969 tại Việt Nam, với lĩnh vực cốt lõi là sản xuất – kinh doanh vật liệu xây dựng, trang trí nội – ngoại thất. Doanh nghiệp này do ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng) làm chủ tịch. Trong 55 năm có mặt trên thị trường và 20 năm hoạt động đầu tư, khai thác cho thuê hạ tầng khu công nghiệp, Đồng Tâm lần lượt mở rộng ngành nghề hoạt động, mở rộng quy mô nhà máy, kho hàng trên toàn quốc, sản phẩm ngành vật liệu xây dựng; Đầu tư khai thác cảng biển, cung cấp trọn gói dịch vụ logistics và nhiều lĩnh vực tiềm năng.
Theo quy hoạch tỉnh Long An giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Long An hình thành 10 trung tâm logistics nhằm góp phần đẩy mạnh giao lưu kinh tế giữa tỉnh Long An với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, Cảng Quốc tế Long An đã đi vào hoạt động, nằm trong cụm dự án 1.935 ha do Dongtam Group đầu tư theo mô hình hiện đại, kết hợp bao gồm: Khu công nghiệp, Khu dịch vụ công nghiệp và Khu đô thị.
Cảng Quốc tế Long An không chỉ thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển các khu – cụm công nghiệp trên địa bàn, mà còn góp phần giảm ùn tắt giao thông cũng như giảm tải cho cụm cảng tại TP.HCM, rút ngắn thời gian, tối ưu hóa chi phí logistics, giảm bớt rủi ro, gián tiếp tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, đáp ứng được nhu cầu xuất nhập khẩu ngày càng tăng cao của tỉnh ĐBSCL, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của khu vực.