Sự trỗi dậy của các thương hiệu trà Việt
Xuất khẩu chè tăng mạnh trở lại, nhiều thị trường đầy triển vọng Cách nào để chè Việt mở rộng miếng bánh thị phần? |
Sự trỗi dậy của các thương hiệu trà Việt. |
Sự trỗi dậy của các thương hiệu đồ uống Việt
Chia sẻ tại một hội nghị về ngành kinh doanh ẩm thực (F&B) vừa diễn ra ở TP HCM, người sáng lập chuỗi trà sữa La Boong (thuộc Công ty TNHH La Boong Việt Nam) Vũ Việt Anh gây chú ý khi cho biết tốc độ tăng trưởng của chuỗi hiện đạt 30%/năm giữa bối cảnh ngành F&B đang gặp rất nhiều khó khăn và hơn 30.000 hàng quán phải đóng cửa chỉ trong 6 tháng đầu năm.
La Boong, một thương hiệu trà Ô Long Việt dù chỉ thành lập từ tháng 7/2023, những đã vươn lên mạnh mẽ với hơn 100 cửa hàng và mục tiêu là 140 cửa hàng trong năm nay.
Theo chia sẻ của ông Vũ Việt Anh, nhà sáng lập La Boong, trước kia, hầu hết các vùng trà tại Việt Nam vẫn chỉ thu hoạch và xuất khẩu thô, chưa sản xuất được thành phẩm để sử dụng pha trà sữa, nên doanh nghiệp lại nhập khẩu ngược lại nguyên liệu từ nước ngoài. Nhưng hiện nay nguồn nguyên liệu trà tại Việt Nam đang mang tính địa phương hơn. Hơn nữa, hiện một số vùng trồng trà như tại Đà Lạt đã cập nhật công nghệ sản xuất, cho ra thành phẩm là nguyên liệu chuyên dùng cho pha chế trà sữa, trà hoa quả.
Một thương hiệu được nhiều người nhắc đến là Phê La, Dù chỉ mới xuất hiện trên thị trường hồi năm 2021, nhưng thương hiệu Phê La đã thay thế một vài ông lớn để đứng tên trong bảng xếp hạng nhóm chuỗi cửa hàng cà phê, dịch vụ đồ uống uy tín năm 2024.
Nổi lên mạnh mẽ như là đối trọng của những “ông lớn” như Highlands Coffee, The Coffee House, hay Trung Nguyên, Phê La liên tục có động thái mở ra hướng mới để thu hút cho mình tệp khách hàng riêng, từ tháng 6/2024, Phê La thông báo mở quán từ 4h -23h để phục vụ các bạn trẻ đi uống trà sữa sáng sớm, đón bình minh thu hút được sự chú ý rất lớn từ những tín đồ trà sữa.
Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Phê La do bà Trương Nguyễn Thiên Kim giữu chức Chủ tịch HĐQT với việc nắm giữ 9,18 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 51%. Các cổ đông khác là bà Nguyễn Hạnh Hoa, nhà sáng lập nắm giữ 6,48 triệu cổ phần (36%); ông Nguyễn Hoàng, nắm giữ 2,34 triệu cổ phần (13%).
Báo cáo của Vietdata cho thấy năm 2023, Phê La đạt doanh thu gần 300 tỷ đồng và khoảng 57 tỷ đồng lợi nhuận.
Gần 4 năm có mặt trên thị trường, tính đến đầu tháng 9/2024, Phê La đã mở 31 cửa hàng. Tại nhiều cửa hàng, thương hiệu này dành riêng một khu vực nhận khách giới hạn và chỉ bán trà, cà phê nguyên chất pha chế thủ công.
Nhiều đánh giá khách quan cho rằng, thành công dù trong thời gian ngắn ngủi của Phê La là do thương hiệu này chọn phân khúc trà đậm vị, một xu hướng mới đang được sinh ra và nhân rộng bởi nhiều thương hiệu. Cụ thể với Phê La tập trung vào phát triển và nâng tầm dòng trà Ô Long đặc sản Đà Lạt và mang chúng tiếp cận gần hơn với cộng đồng.
Nhắc đến sự vươn lên mạnh mẽ của thương hiệu nội, không thể bỏ qua sự thành công của Phúc Long nhờ xây dựng chất lượng sản phẩm có hương vị đậm vị trà nổi trội khác biệt vừa truyền thống, vừa hiện đại.
Đặc biệt, vào năm 2023, thương vụ Masan thâu tóm Phúc Long là sự kiện M&A được chú ý nhất.
Báo cáo kết quả kinh doanh gần nhất được Tập đoàn Masan công bố cho thấy doanh thu của Phuc Long Heritage đạt 391 tỷ đồng trong quý II/2024, tăng 5,3% so với 372 tỷ đồng so với cùng kỳ nhờ mở thêm 15 cửa hàng mới. Kết quả này đóng góp 2% vào tổng doanh thu 20.134 tỷ đồng của tập đoàn.
Phúc Long hiện có 163 cửa hàng trên toàn quốc. Doanh thu hàng ngày của chuỗi cửa hàng ngoài WinCommerce tăng 2,4% so với mức đáy trong quý cuối năm 2023.
Mục tiêu của Phúc Long trong 2024 là tạo ra sự khác biệt thông qua định hướng chiến lược “chất lượng cao với giá phải chăng”, mang đến sản phẩm chất lượng cao, đồng thời vẫn tiếp cận được những người dùng mới. Các cửa hàng hiện tập trung vào sản phẩm trà để khai thác thế mạnh thương hiệu, nhưng cũng đang xây dựng kế hoạch tăng cường các sản phẩm cà phê để tăng tần suất mua của khách hàng.
Doanh thu ngành trà Việt Nam chủ yếu đến từ nhóm trà xanh và hồng trà
Việt Nam đang là thị trường xuất khẩu chè lớn thứ 8 thế giới. |
Việt Nam đang là thị trường xuất khẩu chè lớn thứ 8 thế giới, nhưng tỷ trọng nhập khẩu chè Việt Nam từ những thị trường chính trên toàn cầu vẫn còn rất thấp.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ước tính, xuất khẩu chè trong tháng 7/2024 đạt 16 nghìn tấn, trị giá 29 triệu USD, tăng 14,5% về lượng và tăng 6,8% về trị giá so với tháng 6/2024; tăng 52,8% về lượng và tăng 56,2% về trị giá so với tháng 7/2023. Giá bình quân chè xuất khẩu trong tháng 7/2024 ước đạt 1.796,3 USD/ tấn, giảm 6,7% so với tháng 6/2024, nhưng tăng 2,2% so với tháng 7/2023.
7 tháng năm 2024, xuất khẩu chè ước đạt 78 nghìn tấn, trị giá 135 triệu USD, tăng 32,7% về lượng và tăng 34,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá bình quân chè xuất khẩu đạt 1.727,7 USD/tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong quý II/2024, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 35,4 nghìn tấn, trị giá 62,7 triệu USD, tăng 31,1% về lượng và tăng 35,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá bình quân chè xuất khẩu trong quý II/2024 đạt 1.772,4 nghìn USD/tấn, tăng 3,2% so với quý II/2023.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu chè đạt 62 nghìn tấn, trị giá 106 triệu USD, tăng 28,3% về lượng và tăng 30% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá bình quân chè xuất khẩu đạt 1.710,0 USD/tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong quý II/2024, xuất khẩu chè có xu hướng tăng mạnh nhờ nhu cầu tại nhiều thị trường đang có dấu hiệu phục hồi. Trong đó, chủng loại chè xanh xuất khẩu chiếm ưu thế với 61,6% tổng trị giá xuất khẩu; tiếp theo là chủng loại chè đen, chè ô long và chè ướp hoa.
Cụ thể, xuất khẩu chè xanh trong quý II/2024 đạt 19,9 nghìn tấn, trị giá 38,6 triệu USD, tăng 64,4% về lượng và tăng 61,8% về trị giá so với quý II/2023. Chè xanh xuất khẩu chủ yếu tới khu vực châu Á, chiếm 97,8% về lượng và chiếm 97,7% về trị giá trong quý II/2023. Chỉ một lượng nhỏ chè xanh được xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ, châu Âu và châu Đại Dương. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chủng loại chè xanh xuất khẩu đạt 32,4 nghìn tấn, trị giá 62,1 triệu USD, tăng 56,3% về lượng và tăng 54% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
EU là thị trường nhập khẩu chè lớn nhất trên toàn cầu. Theo số liệu thống kê từ Cơ quan thống kê châu Âu, trong 4 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu chè của thị trường EU đạt 401 triệu USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023, trị giá nhập khẩu chè của EU từ Việt Nam chỉ chiếm 0,19% tổng trị giá nhập khẩu.
Như vậy, dư địa thị trường vẫn còn rất lớn và có nhiều cơ hội để mở rộng thị phần đối với ngành chè Việt Nam. Tuy nhiên, EU đang ngày càng đặt ra nhiều quy định hơn về kinh tế xanh, sạch, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu phải cập nhật thông tin để đáp ứng đúng nhu cầu tiêu dùng tại thị trường này.
Ông Nguyễn Đăng Bền, nhà sáng lập thương hiệu Thạch Cổ Trà (thuộc Công ty CP Đầu tư IGV Group), thông tin doanh thu ngành trà Việt Nam chủ yếu đến từ nhóm trà xanh và hồng trà, là những thức trà có giá trị thấp nên doanh thu của ngành thấp và người sản xuất không có lợi nhuận cao. Ngoài ra, đa số trà Việt Nam hiện nay dùng phương pháp diệt men nên chỉ sử dụng được 3-6 tháng, sản phẩm sau khi mở bao bì bị giảm hương và vị.
Do đó, ông đã chọn hướng đầu tư vào đặc sản trà cổ thụ trong rừng nguyên sinh và được chế biến trong vòng 5 giờ sau khi thu hoạch bằng phương pháp lên men giúp trà để càng lâu càng có giá trị.
“Trung Quốc đã rất thành công với trà Phổ Nhĩ và thị trường trà đặc sản này của Trung Quốc có giá trị lên đến 35 tỉ USD/năm. Và đây là sản phẩm có tỉ trọng lợi nhuận cao hơn so với các dòng trà đặc sản khác vì không chỉ được mua sắm để sử dụng ngay mà còn được mua để sưu tầm, đầu tư bởi sản phẩm để càng lâu giá lại càng tăng” – doanh nhân này lý giải.