‘Cú hích’ để Đà Nẵng phát triển
Động lực cho kinh tế vùng
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng. Trong đó, lần đầu tiên trên cả nước, Quốc hội cho phép Đà Nẵng thí điểm thành lập Khu thương mại tự do. Điều này được kỳ vọng là sẽ tạo động lực lớn để thúc đẩy kinh tế – xã hội TP. Đà Nẵng phát triển.
Ngay sau khi Kỳ họp Quốc hội khóa XV, báo cáo trước cử tri TP. Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định, việc Quốc hội cho phép TP. Đà Nẵng được thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là chủ trương lớn, có ý nghĩa rất quan trọng, là “cú hích”, động lực lớn để kinh tế TP. Đà Nẵng nói riêng và kinh tế vùng nói chung phát triển.
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, chính sách thí điểm khu thương mại tự do mang tính đột phá, dám nghĩ, dám làm để thử nghiệm một mô hình đã được thế giới khẳng định nhưng chưa có tiền lệ ở Việt Nam.
Theo ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, việc cho phép thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế.
“Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng mà Quốc hội vừa thông qua mang tính chất đặc thù, vượt trội để khắc phục hạn chế cũng như điểm nghẽn khi thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14. Qua đó, sẽ tạo điều kiện khơi thông nguồn lực, thúc đẩy, tạo xung lực mới để phát triển TP. Đà Nẵng, tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế – xã hội của TP. Đà Nẵng.
Việc hình thành Khu thương mại tự do Đà Nẵng là cơ sở góp phần thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư FDI vào Đà Nẵng và vùng động lực miền Trung, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của vùng và cả nước; đa dạng hóa các hoạt động thương mại, du lịch gắn với vai trò trung tâm của Thành phố”, ông Trần Chí Cường cho hay.
Khơi thông các nguồn lực
Theo Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương, với việc cho phép Đà Nẵng thí điểm thành lập Khu thương mại tự do sẽ giúp Thành phố khơi thông các nguồn lực, từ đó có tác động hết sức mạnh mẽ, tích cực đối với sự phát triển trong thời gian tới.
Việc hình thành Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ tạo tăng trưởng hàng hóa qua các cảng biển của thành phố, thúc đẩy Đà Nẵng thành trung tâm cảng biển của khu vực miền Trung và kéo theo nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế.
Cụ thể, Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ thúc đẩy các hoạt động logistics, nâng cao giá trị gia tăng của ngành du lịch, thương mại… của Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng; tạo ra chuỗi các sản phẩm dịch vụ cao cấp (du lịch, bán lẻ, vui chơi giải trí…), góp phần thu hút khách du lịch đến Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung – Tây Nguyên…
Bên cạnh đó, việc hình thành Khu thương mại tự do Đà Nẵng có thể mang lại các lợi ích gián tiếp như: Hình thành trụ sở của các tập đoàn lớn, đổi mới khoa học kỹ thuật công nghệ, phát triển kinh tế hàng hải, thu hút nhân tài… mang lại tác động to lớn đối với kinh tế – xã hội.
Đồng tình với các nhận định trên, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng Vũ Quang Hùng cho rằng mô hình Khu thương mại tự do thí điểm sẽ giúp Đà Nẵng làm đầu tàu kinh tế.
“Với vị trí chiến lược của Đà Nẵng là vừa có cảng biển nước sâu, cảng hàng không quốc tế, vừa có khu vực biên giới biển, biên giới đường bộ, đồng thời là điểm cuối của Hành lang kinh tế Đông – Tây…, TP. Đà Nẵng hoàn toàn có thể thiết lập được Khu thương mại tự do. Tại đây, các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài có thể đem hàng hóa đến, tổ chức sản xuất, sơ chế, đóng gói, dán nhãn trước khi xuất khẩu đến nước khác hoặc sau đó mới đưa vào nội địa Việt Nam, đây là một thuận lợi lớn đối với TP Đà Nẵng”, ông Hùng nhận định.
Trên cơ sở đó, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho rằng, một khi Khu thương mại tự do Đà Nẵng ra đời, nó sẽ gắn với cảng Liên Chiểu và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, giúp thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp, phân loại, đóng gói hàng xuất khẩu, nhập khẩu; cung cấp các dịch vụ logistics, dịch vụ liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu nhằm thiết lập một trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế, tạo nên cấu trúc ngày càng hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật, phát huy tối đa chuỗi giá trị của cảng biển và cảng hàng không.
Bên cạnh đó, Khu thương mại tự do cũng sẽ kết nối hiệu quả hạ tầng sản xuất và bổ trợ liên hoàn cho các khu, cụm công nghiệp mới sẽ phát triển trong tương lai; kết nối cảng cạn, ga đường sắt, các trục giao thông lớn…
Dự kiến 9 vị trí xây dựng
Theo Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, thành phố sẽ xây dựng khu thương mại tự do phân tán với 9 vị trí được dự kiến xây dựng thành các khu chức năng: Khu sản xuất, khu logistics và khu thương mại – dịch vụ, tổng diện tích hơn 1.700 ha.
Theo đó, 9 vị trí này do các sở, ban, ngành và quận, huyện thống nhất đề xuất, gồm: Vị trí 1 là khu vực sau cảng biển Liên Chiểu (phía đông cảng biển Liên Chiểu, phía tây Khu công nghiệp Liên Chiểu) thuộc phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) với diện tích khoảng 100 ha với chức năng là khu logistics.
Vị trí 2 là phần đất với diện tích khoảng 100 ha dọc theo đường tránh Nam Hải Vân (phía đông Khu công nghiệp Liên Chiểu) đoạn từ sông Cu Đê đến phía Bắc trạm trung chuyển Nam Hải Vân thuộc địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc, dự kiến làm khu logistics.
Vị trí 3 là phần diện tích khoảng 400 ha ở phía bắc sông Cu Đê thuộc địa bàn xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), được dự kiến làm khu sản xuất.
Vị trí 4 có tổng diện tích 559 ha, được làm khu sản xuất bao gồm Khu Công nghệ cao Đà Nẵng có diện tích 259 ha và phần diện tích khoảng 300 ha mở rộng của Khu Công nghệ cao Đà Nẵng thuộc xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang).
Vị trí thứ 5 tại khu vực chân núi Bà Nà thuộc xã Hòa Ninh với diện tích khoảng 90 ha được dự kiến làm khu thương mại – dịch vụ.
Vị trí 6 là khu vực hai bên đường Bà Nà – Suối Mơ, giáp hồ Trước Đông về phía Đông Bắc với diện tích khoảng 154ha thuộc xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang), được dự kiến làm khu thương mại – dịch vụ.
Vị trí 7 cũng ở hai bên đường Bà Nà – Suối Mơ, giáp hồ Trước Đông về phía Tây Nam với diện tích khoảng 53 ha thuộc xã Hòa Nhơn, dự kiến làm khu thương mại – dịch vụ.
Vị trí thứ 8 thuộc khu vực được quy hoạch Khu công nghiệp Hòa Nhơn với diện tích khoảng 200ha, dự kiến làm khu logistics.
Vị trí 9 ở khu vực phía Tây Nam sân bay Đà Nẵng (giáp đường Trường Chinh) với diện tích khoảng 80ha, dự kiến được làm khu logistics.
Như vậy, theo chức năng hoạt động, nhóm các vị trí dự kiến được xây dựng có thể hình thành các khu thương mại – dịch vụ (gồm 3 vị trí số 5, 6 và 7) với tổng diện tích khoảng 297 ha; nhóm có thể hình thành các khu sản xuất (gồm 2 vị trí số 3 và 4) với tổng diện tích khoảng 700 ha, chưa tính diện tích Khu Công nghệ cao Đà Nẵng hiện trạng 259 ha; nhóm có thể hình thành các khu logistics (gồm 4 vị trí số 1, 2, 8 và 9) với tổng diện tích khoảng 480 ha.
Bên cạnh 9 vị trí nói trên, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, thành phố sẽ tiếp tục xem xét, bổ sung, điều chỉnh các vị trí cho phù hợp, bảo đảm tính khả thi khi triển khai, thực hiện.
Ngoài ra, còn vị trí thứ 10 được dự kiến lấn biển dọc theo bờ biển đường Nguyễn Tất Thành ra vịnh Đà Nẵng – đoạn từ đường Nguyễn Sinh Sắc đến giáp Khu đô thị quốc tế Đa Phước để làm khu thương mại tự do với tổng diện tích 420 ha.