Chặn đường “né thuế” qua thương mại điện tử
7 tháng đầu năm nay, ngành Thuế đã thu được 78.000 tỷ đồng từ thương mại điện tử, tăng 38% so với bình quân 7 tháng đầu năm 2023. Thu thuế thương mại điện tử đang ngày càng khởi sắc, khi ngành thuế đã có các cơ sở dữ liệu về việc kinh doanh của từng người bán hàng.
Đến nay, ngành thuế đã phối hợp với Bộ Công an và hoàn thành 90% việc rà soát, đồng bộ cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, với cơ sở dữ liệu mã số thuế. Bên cạnh đó, ngoài dữ liệu từ các sàn thương mại điện tử gửi về, ngành Thuế cũng đang chủ động phối hợp với nhiều Bộ, ngành để có thể thu thập được đa dạng các nguồn thông tin khác nhau về doanh thu của người bán.
Không kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử mà kinh doanh qua các mạng xã hội và có sử dụng dịch vụ giao hàng đến tận tay người tiêu dùng thì có phải kê khai và nộp thuế hay không. Nhiều ý kiến cho rằng, ngành thuế sẽ rất khó quản lý đối với các mô hình như thế này, khi các mạng xã hội không có nghĩa vụ phải báo cáo doanh thu của người bán về cho ngành thuế. Tuy nhiên, hiện nay ngành thuế đã phối hợp cùng với các đơn vị viễn thông, bưu chính và đặc biệt là giao hàng nhanh để nắm bắt doanh thu của từng cá nhân, đơn vị có sử dụng dịch vụ giao hàng và thu tiền hộ.
Tại Cục thuế tỉnh Quảng Ninh, ngoài các dữ liệu từ các sàn thương mại điện tử, các dữ liệu từ các đơn vị bưu chính, viễn thông, chuyển phát nhanh cũng liên tục được cập nhật, để rà soát doanh thu của những cá nhân, đơn vị kinh doanh online trên các nền tảng mạng xã hội. Qua đó, phát hiện trên 1.188 cá nhân có sử dụng dịch vụ giao hàng và thu tiền hộ, với giá trị giao dịch trên 21 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Chí Bắc – Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Trong đó có cá nhân khi cơ quan thuế phát hiện, qua các kênh thông tin khai thác, qua các sàn thương mại điện tử cũng như các kênh thông tin phối hợp với cơ quan thuế, có những cá nhân chúng tôi phối hợp xử lý truy thu trên 2,5 tỷ đồng”.
Thu thuế thương mại điện tử đang ngày càng khởi sắc
Để quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử trong đó bao gồm cả kinh doanh bán hàng trên nền tảng mạng xã hội, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo toàn ngành chủ động rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý Thuế theo Chỉ thị số 18 của Chính phủ.
Dữ liệu về thu nhập của các cá nhân, tổ chức kinh doanh qua thương mại điện tử được thu thập đa dạng từ nhiều nguồn khác nhau, để không bỏ sót một đối tượng nào, dù họ kinh doanh ở bất cứ đâu, truyền thống hay online.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân – Tổng cục Thuế nhận định: “Cách thức ở đây là Tổng cục Thuế giao cho Cục thuế các địa phương mang tính chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu tại địa phương từ rất nhiều nguồn, không phải chỉ phụ thuộc một nguồn từ Tổng cục Thuế. Các nguồn này sẽ kết nối với nhau để có được một cơ sở dữ liệu cho một mã số thuế của một cá nhân hay một hộ kinh doanh cá nhân có bao nhiều nguồn thu nhập từ các sàn giao dịch thương mại điện tử”.
Trên cơ sở dữ liệu lớn, định kỳ hàng năm, ngành thuế cũng căn cứ vào các tiêu chí rủi ro để đánh giá, lựa chọn đối tượng thực hiện thanh tra, kiểm tra. Các trường hợp vi phạm có dấu hiệu hình sự sẽ được chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật. Cơ quan thuế mong muốn người nộp thuế tuân thủ pháp luật và tự giác kê khai nộp đủ nghĩa vụ thuế vào ngân sách Nhà nước, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh.
Theo vtv.vn
Copy link
Lấy link!
https://vtv.vn/kinh-te/chan-duong-ne-thue-qua-thuong-mai-dien-tu-20241001165850861.htm