Phúc Sinh nhận thêm 431.250 Euro vốn ESG từ Hà Lan, ông Phan Minh Thông nói về “sự trùng hợp không thể lý giải nổi”
Phúc Sinh Group vừa công bố việc nhận tài trợ không hoàn lại từ Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan (DFCD). Theo đó, DFCD tài trợ cho Phúc Sinh 75% tổng giá trị dự án 575.000 Euro, tương đương 431.250 Euro. DFCD cũng sẽ hỗ trợ kỹ thuật để Phúc Sinh triển khai các hoạt động chính.
Đây là khoản tài trợ lớn nhất với tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay mà DFCD dành cho một công ty tại Việt Nam.
Với khoản viện trợ không hoàn lại này, Phúc Sinh sẽ tiếp tục mở rộng các dự án phát triển bền vững, bao gồm các hoạt động chống phá rừng (nondeforestation) và những sáng kiến rộng hơn liên quan đến ESG, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt ở các nước tiên tiến và khó tính như châu Âu.
Trước đó, Phúc Sinh cũng vừa nhận đầu tư từ quỹ Hà Lan khác là &Green với tổng giải ngân và dự định tài trợ đến 25 triệu USD trong vòng 7 năm. Đây là khoản đầu tư đầu tiên của &Green vào một doanh nghiệp Việt Nam, quỹ cho biết đã đầu tư 3 công ty nông nghiệp tại Đông Nam Á.
Việc liên tiếp nhận được vốn từ Hà Lan theo Chủ tịch Phan Minh Thông là “sự trùng hợp không thể lý giải nổi”.
“Chúng tôi rất có duyên với Hà Lan. Tất cả các dự án của chúng tôi đều xuất phát từ Hà Lan mà chúng tôi cũng không thể giải thích lý do vì sao ”, ông nói.
Ông kể, năm 2010, chính khách hàng ở Hà Lan đã nói với Phúc Sinh về câu chuyện ESG và các sản phẩm trên kệ phải đạt chứng nhận phát triển bền vững. Cũng trong năm này, ông Thông cho biết Công ty đã bỏ ra 800 triệu để thuê chuyên gia ESG về đẩy mạnh phát triển bền vững. Dù thất bại 2 năm đầu, đến năm 2014 Phúc Sinh đạt kết quả: trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận Rainforest Alliance vào năm 2014.
Là doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu lớn tại Việt Nam, hiện Phúc Sinh cũng đang chú trọng cây cà phê. Với những khoản đầu tư nhận được, Phúc Sinh cam kết thúc đẩy chuyển đổi ngành công nghiệp cà phê của Việt Nam hướng tới các chuỗi cung ứng có thể truy xuất nguồn gốc, không tàn phá rừng. Công ty sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng và giá trị của cà phê Việt Nam khi mở rộng sản xuất và tiếp cận khách hàng trên toàn thế giới, qua đó thúc đẩy các sản phẩm được sản xuất bền vững của Việt Nam trên quy mô toàn cầu.
Phúc Sinh cũng cho biết tại Sơn La họ đang liên kết được hơn 2.000 hộ trồng cà phê trên 4.500 hộ trồng tại đây. Sắp tới, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng liên kết, bao tiêu đầu ra cho nông dân, hướng dẫn kỹ thuật và phân bón.
Về phía DFDC được biết đến là sáng kiến của Chính phủ Hà Lan với ngân sách 160 triệu Euro, nhằm tăng khả năng chống chịu của các cộng đồng và hệ sinh thái dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Các lĩnh vực chính mà DFCD tập trung là nước sạch, vệ sinh môi trường, lâm nghiệp và nông nghiệp bền vững.
Ông Albert Bokkestijn – Quản lý Dự án SNV-DFCD (Hà Lan) cho biết đầu tư vào Phúc Sinh chính là cách DFCD đang hỗ trợ những người yếu thế, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
“Các vùng sản xuất cà phê của Việt Nam được biết là rất dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu và những người nông dân sản xuất nhỏ gần như không có sự chuẩn bị cho những hậu quả này. Phúc Sinh với phương châm đi cùng nông dân và bằng cách tuân thủ các biện pháp quản lý theo yêu cầu của Rainforest Alliance, sẽ giúp đỡ đáng kể cho nông dân trước biến đổi khí hậu và thách thức mới trên thị trường tiêu thụ”, vị này nói.
Ông Albert cũng phân tích, Phúc Sinh là công ty chế biến và kinh doanh cà phê & hạt tiêu tư nhân, nằm trong top 10 công ty xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam tại cả hai thị trường. Công ty đã dẫn đầu về chứng nhận Rainforest Alliance (RA) tại Việt Nam và chiếm 30% tổng lượng cà phê xuất khẩuRFA từ Việt Nam. DFCD tự hào hỗ trợ Phúc Sinh phát triển hơn nữa các nỗ lực kinh doanh của mình cho sự phát triển bền vững này.