Tỉ phú, triệu phú người Việt ngày càng đông
Từ người giàu trên sàn chứng khoán đến tỉ phú USD
Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) bắt đầu giao dịch chính thức vào những ngày cuối cùng của tháng 7.2000. Đến năm 2005, sàn giao dịch Hà Nội (HNX) cũng ra đời. Từ đó, số lượng doanh nghiệp (DN) đưa cổ phiếu lên giao dịch ngày càng tăng, thị trường chứng khoán (TTCK) trở thành kênh huy động vốn cho hàng trăm công ty.
Cuối năm 2006, các phương tiện truyền thông bắt đầu bình chọn danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán. Và từ đó, khái niệm “người giàu trên sàn chứng khoán” bắt đầu trở nên quen thuộc trong giới DN, doanh nhân cũng như các nhà đầu tư. Những cái tên doanh nhân được nhắc đến nhiều như ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT; ông Đặng Thành Tâm, người sở hữu hai công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản là Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) cùng Công ty CP Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC); ông Đoàn Nguyên Đức (hay còn gọi là bầu Đức) của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai; ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Công ty CP Thủy sản Minh Phú; bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP cơ điện lạnh (REE); Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Kinh Đô; ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát; ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty chứng khoán SSI…
Theo biến động của TTCK, nhiều DN mới tiếp tục lên sàn, xuất hiện nhiều doanh nhân được biết đến với tài sản rất cao. Trong đó có ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup; bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của hãng hàng không Vietjet; ông Nguyễn Đăng Quang của Tập đoàn Masan…
Và chỉ sau thời gian 7 năm kể từ khi các doanh nhân trong nước được thống kê theo danh sách người giàu nhất trên sàn chứng khoán VN, đầu năm 2013, lần đầu tiên tạp chí Forbes của Mỹ đã nêu tên ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, trong danh sách các tỉ phú USD thế giới với tài sản lúc đó được ghi nhận đạt 1,5 tỉ USD, đứng thứ 974 thế giới.
Liên tiếp 3 năm sau đó, VN cũng chỉ có mình tỉ phú USD Phạm Nhật Vượng trong danh sách những người giàu nhất hành tinh do Forbes công bố. Đến năm 2017, cùng với ông Phạm Nhật Vượng, VN có thêm nữ tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của hãng hàng không Vietjet, với tài sản trị giá 1,2 tỉ USD. Liên tiếp những năm sau, danh sách tỉ phú USD của VN trên bảng thống kê của Forbes lần lượt có thêm các doanh nhân Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát; Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn ô tô Trường Hải (Thaco Group); Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Ngân hàng Techcombank; Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan. Đặc biệt, năm 2022 danh sách những người giàu nhất hành tinh của Forbes công bố ghi nhận lần đầu tiên VN có 7 tỉ phú USD khi xuất hiện thêm ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Novagroup. Với số lượng tỉ phú gia tăng, tổng tài sản các tỉ phú VN năm 2022 đạt 21,2 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Năm 2024, khi kinh tế biến động, số tỉ phú USD của VN giảm xuống còn 6 người gồm ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Trần Đình Long, ông Hồ Hùng Anh, ông Nguyễn Đăng Quang và ông Trần Bá Dương.
Đáng chú ý, nếu như năm đầu tiên ông Trương Gia Bình dẫn đầu danh sách người giàu nhất sàn chứng khoán VN với tài sản gần 2.400 tỉ đồng, tương đương 150 triệu USD (tính theo tỷ giá năm 2006), thì đến nay tài sản của những người giàu VN đã tăng mạnh. Tỉ phú Phạm Nhật Vượng là người dẫn đầu với tài sản trị giá 4,4 tỉ USD, tăng 100 triệu USD so với 1 năm trước và tỉ phú USD có tài sản thấp nhất là 1,2 tỉ USD.
Dù số doanh nhân VN vẫn còn khá khiêm tốn trong danh sách tỉ phú USD thế giới, nhưng nhìn lại đây là một kết quả tích cực sau nhiều thập niên phát triển kinh tế đất nước. Song song đó là hàng loạt DN Việt, thương hiệu Việt cũng đã được biết đến nhiều hơn trên thị trường quốc tế.
VN có số triệu phú tăng nhanh nhất thế giới
VN có tốc độ tăng số triệu phú (người có giá trị tài sản ròng từ 1 triệu USD trở lên) nhanh nhất thế giới, tới 98% trong 10 năm từ 2013 – 2023. Đây là số liệu được nêu ra trong báo cáo gần đây của công ty tình báo tài sản toàn cầu New World Wealth (Nam Phi) và hãng cố vấn di cư đầu tư Henley & Partners (Thụy Sĩ).
Nghiên cứu của New World Wealth được thực hiện ở 90 quốc gia và 150 thành phố trên thế giới, đặc biệt tập trung vào châu Á, châu Phi. Theo báo cáo này, Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về số lượng triệu phú với hơn 5,4 triệu người, nhưng các nền kinh tế mới nổi như VN, Trung Quốc và Ấn Độ chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Cụ thể, số triệu phú của VN đạt 19.400 người tính đến cuối năm 2023, tương đương mức tăng 98% trong thập niên qua. Tốc độ tăng trưởng triệu phú của VN cao một phần do mức nền so sánh ban đầu thấp, chỉ gần 9.800 người hồi năm 2013. Tuy vậy, New World Wealth và Henley & Partners cũng cho rằng sự tăng trưởng nhanh chóng triệu phú ở VN phản ánh thành công kinh tế gần đây và cho thấy xu hướng tích lũy của cải tiếp tục gia tăng.
Kinh tế VN tăng trưởng khá ấn tượng trong giai đoạn báo cáo đánh giá (2013 – 2023), trừ hai năm 2020 và 2021 bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19. Đặc biệt, năm 2022, thời điểm khi dịch bệnh được khắc phục, kinh tế hồi phục, GDP tăng 8,02%, là mức kỷ lục trong hơn 10 năm. Mức thu nhập bình quân đầu người trong 10 năm báo cáo đánh giá cũng tăng gần 2,2 lần, từ mức 1.960 USD/người vào 2013 lên 4.284 USD/người năm 2023. GDP bình quân đầu người tăng phản ánh tính năng động của nền kinh tế.
Trước đó, New World Wealth cũng dự báo VN sẽ chứng kiến mức tăng trưởng tài sản đột biến nhất thế giới, đến 125% trong 10 năm tới. Nhà phân tích Andrew Amoils của đơn vị này đánh giá con số trên là tốc độ tăng nhanh nhất so với bất kỳ quốc gia nào, xét về GDP bình quân đầu người và số lượng triệu phú.
Không chỉ New World Wealth và Henley & Partners mới có báo cáo nói về sự gia tăng của người giàu VN, mà nhiều tổ chức gần đây cũng nhắc đến. Chẳng hạn, tháng 3 vừa qua, Báo cáo Thịnh vượng do hãng tư vấn bất động sản Knight Frank (Anh) phát hành cho biết VN ước có khoảng 752 người siêu giàu vào năm ngoái, tăng 2,4% so với 2022. Mức tăng này thấp hơn các nước láng giềng như Malaysia (4,3%), Indonesia (4,2%) và Singapore (4%), nhưng gấp ba Thái Lan (0,8%). Theo định nghĩa của tổ chức này, người siêu giàu là cá nhân có tài sản ròng (đã trừ các khoản vay) từ 30 triệu USD trở lên. Knight Frank dự báo đến 2028, số siêu giàu tại VN sẽ đạt 978 người, cao hơn khoảng 30% so với năm 2023 và nằm trong tốp 5 quốc gia tăng nhanh số người giàu tại châu Á – Thái Bình Dương, dẫn trước Hàn Quốc, Hồng Kông và Singapore. Cũng theo báo cáo, lượng người giàu (những cá nhân có tài sản từ 1 triệu USD trở lên) của VN cũng tăng 70% trong 5 năm qua, từ 40.971 người vào 2017 lên gần 70.000 người vào năm ngoái. Báo cáo cho rằng VN sẽ có hơn 112.200 người giàu vào 2027, tương đương mức tăng trưởng 173% trong một thập niên.
Hay trước đó, theo công bố của hãng nghiên cứu Wealth-X, VN nằm trong tốp 10 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh nhất thế giới giai đoạn 2012 – 2017. Theo tính toán, tốc độ tăng trưởng giới siêu giàu của VN khi đó đứng thứ 3 thế giới, đạt con số 12,7% mỗi năm và chỉ đứng sau Bangladesh (17,3%), Trung Quốc (13,4%)…
Người giàu gia tăng, kinh tế phát triển
Sự gia tăng của những người giàu càng chứng minh nền kinh tế VN đã thay đổi ngoạn mục trong hơn 3 thập niên vừa qua. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã gọi “VN là một câu chuyện phát triển thành công”. Những cải cách kinh tế từ năm 1986 kết hợp với xu hướng toàn cầu thuận lợi đã nhanh chóng giúp VN phát triển từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp chỉ trong vòng một thế hệ. Hay mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá VN trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất của khu vực và sẽ nhanh chóng nằm trong tốp 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
IMF dự báo quy mô GDP (PPP) VN hiện xếp dưới Úc, Ba Lan nhưng sẽ vượt vào năm 2029 với con số tuyệt đối đạt khoảng 2.343 tỉ USD. Đồng nghĩa, VN sẽ bước vào tốp 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới sau 5 năm nữa, trong nhóm với Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Đức, Nga, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Pháp, Mexico, Ý, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út, Tây Ban Nha, Canada, Ai Cập và Bangladesh. Trong mắt IMF, VN có thể rút ngắn gần 30 năm để đạt dấu mốc ấn tượng này so với báo cáo của Công ty PricewaterhouseCoopers (PwC) đưa ra vào năm 2017. Khi đó, PwC cho rằng phải đến năm 2050 VN mới đứng vào danh sách thứ 20 thế giới về quy mô nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho rằng số lượng người giàu VN tăng nhanh do xuất phát điểm ở mức thấp. Tuy nhiên, VN duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao ở mức 7%/năm qua nhiều năm liên tiếp đã giúp tài sản của nhiều DN, doanh nhân gia tăng mạnh. Song song đó, TTCK đã phát triển mạnh về quy mô. Nếu hơn 10 năm trước, vốn điều lệ của các DN niêm yết chỉ ở mức mấy trăm tỉ đồng thì nay đã tăng lên cả chục lần. Điều đó cũng kéo theo tài sản của những ông chủ DN tăng cao. Ngoài ra, thị trường bất động sản VN cũng tăng nhanh khiến tài sản nhiều người tích lũy lên cao. Những ngôi nhà có giá 4 – 5 tỉ đồng thì sau cả chục năm cũng tăng lên 40 – 50 tỉ đồng.
Ông dự báo, trong giai đoạn tới số lượng người giàu tại VN sẽ còn tiếp tục tăng bởi quy mô nền kinh tế VN ngày càng tăng, số lượng DN trở thành những tập đoàn kinh tế mạnh, vươn ra cả thị trường quốc tế nhiều hơn. Đặc biệt, số người giàu “chủ động” xuất phát từ những ngành sản xuất kinh doanh sẽ ngày càng tăng so với lượng người giàu “bị động” chủ yếu do bất động sản tăng như trước đây.
“Nhiều người hay nói nếu muốn qua Mỹ làm giàu thì không thể nhưng ở VN thì có thể. VN vẫn là một nền kinh tế mở cửa, đang phát triển và sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng kinh doanh hơn các nước phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ ở mức thấp. Lượng người giàu nhiều hơn, doanh nhân trở thành tỉ phú USD nhiều sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Trước hết đó là tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp nhiều vào những chính sách an sinh xã hội, mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng. Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích, phát triển cộng đồng DN, doanh nhân và cần tiếp tục đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN phát triển”, TS Đinh Thế Hiển nói.
Kinh tế VN tăng trưởng 6,1% trong năm 2024
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, kinh tế VN tăng trưởng 6,1% trong năm 2024 và 6,5% trong hai năm 2025 và 2026, cao hơn so với mức 5% của năm 2023. Mức dự báo này cao hơn báo cáo trước đó của chính WB khi đưa ra mức tăng trưởng GDP của VN năm 2024 là 5,5% và 6% vào năm 2025. Về cơ hội, WB cho rằng trong điều kiện xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng và bất động sản có dấu hiệu phục hồi (sau khi giải quyết được tình trạng đóng băng thị trường trái phiếu doanh nghiệp và luật Đất đai có hiệu lực từ tháng 8), nhu cầu trong nước sẽ vững lên vào nửa cuối năm 2024 khi tâm lý nhà đầu tư và người tiêu dùng được cải thiện. Cùng với đó, cân đối tài khoản vãng lai được dự báo vẫn duy trì thặng dư nhỏ, đồng thời Chính phủ đang quay lại củng cố cân đối ngân sách, còn lạm phát dự báo sẽ giảm từ 4,5% năm 2024 xuống còn 3,5% năm 2026.
Mục tiêu đến năm 2030 VN có 10 tỉ phú USD
Nghị quyết số 66/NQ-CP được Chính phủ ban hành tháng 5.2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân VN trong thời kỳ mới. Theo đó, chương trình đặt ra từ nay đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu DN, trong đó hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, đến năm 2030 VN có ít nhất 10 doanh nhân VN lọt vào danh sách tỉ phú USD thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn. Số lượng DN được xếp vào danh sách DN có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới tăng 10% mỗi năm…