Doanh Nghiệp

“Mạng di động Viettel lớn lên cùng vận hội của đất nước”

Ông Cao Anh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) đã chia sẻ về chặng đường 2 thập kỷ mạng di động Viettel (15/10/2004 – 15/10/2024).

Khát vọng lớn tạo nên kỳ tích lớn

Sau 20 năm, câu chuyện Viettel trở thành mạng di động hàng đầu tại Việt Nam vẫn là câu chuyện truyền cảm hứng cho những nhà khởi nghiệp. Ông có thể chia sẻ về những yếu tố thành công của Viettel khi tham gia thị trường khi đó?

Nếu nhìn lại, chúng ta có thể nói thời điểm đó Viettel khá may mắn khi hội tụ đủ cả các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Việt Nam khi đó là một thị trường tương đối lớn, với hơn 80 triệu dân, tỷ lệ thâm nhập điện thoại chỉ khoảng 4-5% – dư địa phát triển còn rất lớn. Kinh tế đất nước cũng bước vào giai đoạn phát triển năng động với tốc độ cao hơn các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia, Phillipin. Đó là những điều kiện khách quan để Viettel có cơ hội phát triển.

Tuy nhiên, cơ hội đó không chỉ dành riêng cho Viettel, mà chia đều cho cả các nhà mạng đã đi trước (MobiFone, Vinaphone, Sfone) và cả các nhà mạng đi sau (HTMobile, Gtel, EVNMobile). Chính những yếu tố nội tại đã giúp Viettel đề ra được những chiến lược đúng đắn, cách đi khác biệt vượt qua các thách thức để trở thành mạng di động hàng đầu trên thị trường.

Nếu xét tại thời điểm đó, Viettel là một công ty quy mô nhỏ trong lĩnh vực viễn thông di động, vốn ít, kinh nghiệm mỏng, nguồn lực hạn chế. Nhưng khát vọng của Viettel lại vô cùng lớn. Muốn tự xây dựng mạng di động của người Việt. Muốn cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp top đầu thị trường có quy mô gấp hàng chục lần. Muốn mỗi người dân Việt Nam sẽ có một chiếc điện thoại để sử dụng. 20 năm trước, đó là những điều kỳ lạ nhưng lại là động lực cho tất cả cùng tiến theo một hướng, bất chấp khó khăn.

Ông có thể chia sẻ rõ hơn về khát vọng đã giúp một nhà mạng nhỏ – Viettel 2004 – có thể vươn lên top đầu Việt Nam như thế nào?

Viettel từ khi mới thành lập năm 1989 đã có khát vọng trở thành một công ty công nghệ, phục vụ người dân Việt Nam bằng công nghệ rồi. Nhưng điều kiện lúc đó chưa có, nên chưa thể làm được. Viettel có giấy phép kinh doanh viễn thông từ năm 1995, nhưng đến năm 2000 mới bắt đầu kinh doanh điện thoại VoIP đường dài.

Viễn thông di động là một lĩnh vực công nghệ cao thời điểm đó, đòi hỏi nguồn đầu tư lớn. Số tiền vốn Viettel tích lũy được chủ yếu từ 4 năm kinh doanh VoIP và xây lắp không thấm vào đâu. Khi bắt đầu kinh doanh, mạng di động Viettel có vỏn vẹn 150 trạm phát sóng, tại 3 thành phố lớn. Con số đó thực sự khiêm tốn so với các nhà mạng khác. Sfone ra mắt trước 1 năm đã phủ sóng tại 15 tỉnh thành phố, còn 2 doanh nghiệp lâu đời Vinaphone và MobiFone cũng có mặt tại tất cả các địa phương với hàng nghìn trạm phát sóng.

Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc của Viettel khi đó đã có những quyết sách chiến lược sáng suốt, biến nguy thành cơ, trở thành cơ hội đột phá. Đầu tiên, quyết tâm tự mình làm chủ là quyết sách quan trọng để Viettel có thể chủ động thực thi các chiến lược theo đuổi khát vọng “phổ cập hóa điện thoại di động”, đưa sóng di động phủ rộng toàn quốc, đến cả vùng miền cư dân thưa thớt, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tôi nghĩ nếu có nhà đầu tư nước ngoài tham gia, chắc chắn họ sẽ cân đo dòng tiền trên mỗi trạm, ưu tiên khả năng sinh lời và sẽ khó chấp nhận việc phủ sóng ở nơi ít khách hàng.

Chiến lược đúng đắn tạo nên sự khác biệt của mạng di động Viettel. Chuyện Viettel đi mua thiết bị trả chậm từ 2-4 năm để có hạ tầng đột phá phủ khắp Việt Nam đã được nhiều người biết đến. Đó cũng là nghệ thuật đàm phán, đảm bảo việc hợp tác nhưng vẫn giữ được tự chủ. Bởi khi đó, viễn thông thế giới suy thoái, các nhà mạng không đầu tư nữa, Viettel mới có cơ hội để mua trả chậm số thiết bị này. Nhưng chính cơn suy thoái lại là cơ hội để Viettel tạo đà phát triển mạnh mẽ.

Đồng bộ với chiến lược hạ tầng, các chính sách kinh doanh cũng đi theo hướng tạo điều kiện để người dân có thể tiếp cận được nhiều nhất: giá cả hợp lý, bỏ các giới hạn thời gian sử dụng,… Khát vọng đó cũng được lan tỏa tới mỗi cán bộ, nhân viên Viettel, tạo nên không khí thi đua làm việc quên mình. Từng bước một, Viettel gỡ được thế bí về nguồn vốn, vừa đột phá cho kinh doanh ngay trong bối cảnh đầy thách thức.

Tất cả những điều đó trở thành điều kiện tiên quyết để Viettel bứt phá, trở thành mạng di động top đầu Việt Nam chỉ sau 4 năm và tiếp tục duy trì vị thế cho đến ngày hôm nay.

Vậy thời điểm nào thì Viettel không còn xem mình là “mạng nhỏ”?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần nhìn lại lịch sử một chút. Từ những ngày đầu kinh doanh, những mục tiêu mà Viettel đề ra cũng rất khác biệt: “Mỗi người dân Việt Nam một chiếc điện thoại di động”. Sau này là các mục tiêu tương tự: “Mỗi người Việt Nam một chiếc smartphone”, “Mỗi hộ gia đình một đường Internet tốc độ cao”,… Chúng ta có thể thấy điểm chung trong mục tiêu chiến lược của Viettel không phải là thị phần, lợi nhuận, doanh thu, mà rất giống với các mục tiêu của đất nước. Nó thể hiện Viettel luôn song hành với định hướng phát triển của Tổ quốc, khát khao đóng góp vào tiến trình phát triển kinh tế, xã hội.

Với mục tiêu như vậy, Viettel luôn tự nhận lấy những vấn đề lớn của xã hội, của đất nước để giải quyết. Ví dụ như khi đã “phủ sóng” toàn dân, nghĩa là Viettel đã xác định sẵn sàng hỗ trợ một bộ phận người yếu thế. Gắn kinh doanh với trách nhiệm xã hội là giải pháp để Viettel hoàn thành các mục tiêu của mình.

Tôi nghĩ rằng, Viettel chưa từng là nhà mạng nhỏ, vì những khát vọng của người Viettel rất lớn, ngay từ khi quy mô công ty còn nhỏ bé. Dám đặt các mục tiêu lớn lao, kiên định trong đàm phán để có sự hợp tác công bằng, đối diện thách thức để tự chủ mọi mặt, bản lĩnh đó của người Viettel đã xác lập vị thế doanh nghiệp từ khi khởi nghiệp.

Khi thuê bao di động vượt qua số dân, từ khóa “bão hòa viễn thông” được nhắc đến nhiều. Viettel đã ứng xử với hoàn cảnh này như thế nào?

Theo tôi, lĩnh vực viễn thông không có khái niệm “bão hoà”, nhưng có sự chuyển dịch từ viễn thông truyền thống sang viễn thông số. Dịch vụ viễn thông đang là dịch vụ chính thì sẽ chuyển sang vai trò nền tảng. Nói cách khác, “bão hòa viễn thông” chỉ đúng khi nói về 1 dịch vụ, 1 công nghệ cụ thể. 15 năm trước, điện thoại di động 2G chỉ phục vụ cho thoại và SMS là chính. Năm 2015, mật độ dịch vụ này đã tiếp cận tới 100% người dân là “bão hòa” công nghệ 2G.

Khi đó, Viettel đã đặt cho mình mục tiêu khác là phổ cập dịch vụ data để người dân tiếp cận được với công nghệ số. Xuyên suốt giai đoạn triển khai 3G và 4G, Viettel đã làm được cuộc cách mạng thứ 2 là phổ cập điện thoại thông minh, mang kết nối băng thông rộng di động đến với mọi người dân Việt Nam.

Năm 2018, tỷ lệ khách hàng sử dụng mobile data chỉ khoảng 54%, thì đến nay đã lên tới trên 92% (2024)- cao hơn nhiều mức trung bình của Thế giới và Châu Á (82%)- theo GSMA Inteligence 2024. Điều đó có nghĩa, 4G đã gần tới điểm bão hòa, thì công nghệ mới là 5G lại xuất hiện. Đây lại là bắt đầu của một giai đoạn mới, mở ra giai đoạn phổ cập kết nối thông minh cho mỗi người dân Việt Nam.

Trưởng thành từ phụng sự Tổ Quốc

Liệu Viettel đã sẵn sàng cho một chương mới trong viễn thông?

Chắc chắn! Nhưng lần này sẽ rất khác. Viettel Telecom đã chuyển chiến lược kinh doanh từ cạnh tranh sang hợp tác. Thay đổi góc nhìn kinh doanh trong giai đoạn mới sẽ phù hợp với vai trò của một doanh nghiệp dẫn dắt thị trường hiện nay.

Viettel sẽ tạo ra bùng nổ kết nối thông minh. Vai trò của Viettel trong giai đoạn mới là tiếp tục tiên phong dẫn dắt về kiến thiết hạ tầng số, đảm bảo hạ tầng viễn thông siêu băng rộng, siêu kết nối, hạ tầng dữ liệu sạch, mở và an toàn. Đây cũng là giai đoạn mà Viettel Telecom có sự chuyển dịch mạnh mẽ để tạo ra các ứng dụng số, nền tảng số có ý nghĩa cho sự phát triển của xã hội.

“Mạng di động Viettel lớn lên cùng vận hội của đất nước”- Ảnh 2.

Điều chắc chắn là những nền tảng đó được kết nối bằng băng thông rộng, công nghệ tiên tiến nhất. Dựa trên những nền tảng Viettel xây dựng, cả xã hội (các doanh nghiệp, nhà phát triển độc lập – PV) được thỏa sức tự do sáng tạo trên đó, tạo ra những sản phẩm cung cấp cho người dùng. Ví dự như ô-tô tự lái, nhà máy thông minh, truyền hình không độ trễ,… tất cả những dịch vụ đó sẽ do cả xã hội làm, tạo ra sản phẩm trên nền tảng của Viettel.

Sự cộng hưởng và cùng tạo giá trị là sự bùng nổ mà Viettel Telecom mang đến cho xã hội, để phát triển kinh tế số, xã hội số và chính phủ số.

Và những mục tiêu cụ thể của Viettel Telecom hướng tới trong kỷ nguyên số là gì ạ?

Như tôi đã nói, chiến lược của Viettel vẫn bám chặt với những mục tiêu của Đảng, Chính phủ trong phát triển đất nước. Vai trò của Viettel trong giai đoạn mới vẫn tiếp tục tiên phong đi trước về kiến thiết hạ tầng cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia, bao gồm những hạ tầng quan trọng: hạ tầng 5G/6G, hạ tầng mạng cố định băng rộng siêu băng thông, hạ tầng IoT và hạ tầng dữ liệu. Việc đảm bảo phủ nhanh và sâu rộng hạ tầng số sẽ giúp cho công cuộc chuyển đổi số của đất nước diễn ra nhanh hơn, thúc đẩy nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ hơn và giúp cho đời sống người dân cũng được nâng tầm lên. Đó cũng chính là động lực cho tăng trưởng viễn thông trong các năm tới.

Trước mắt, 5G không chỉ phục vụ khách hàng cá nhân mà 5G sẽ phục vụ cho cả khách hàng doanh nghiệp, chính quyền, cơ quan nhà nước,… để phát triển xã hội, phục vụ các nền tảng số để phát triển kinh tế số, xã hội số và chính phủ số. Tất nhiên, trước 5G đã có những nền tảng khác để phát triển. Nhưng ưu thế công nghệ của 5G sẽ thúc đẩy quá trình phát triển nhanh hơn, tiện lợi hơn, sớm hơn. Viettel Telecom đặt mục tiêu phủ sóng 5G tới hơn 90% người dân ở khu vực thành thị trong gia đoạn khai trương 5G.

Song song với kiến tạo hạ tầng số, các nền tảng dịch vụ số cũng được Viettel Telecom phát triển với các mục tiêu đẩy mạnh phổ cập và hợp tác. Nền tảng truyền hình số TV360 mang khát vọng đưa dịch vụ truyền hình số chất lượng cao đến với mọi người dân, mọi hộ gia đình. Nền tảng Smarthome Viettel Home được sinh ra để kết nối đến toàn bộ thiết bị thông minh trong mỗi hộ gia đình trở nên thuận tiện hơn, hiện đại và an toàn hơn. Hay nền tảng SME Hub với mong muốn kết nối toàn bộ dịch vụ số của xã hội dành cho doanh nghiệp trên 1 nền tảng, giúp thúc đẩy mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Khi viễn thông còn là nghe, gọi, việc “lắng nghe để thấu hiểu từng nhu cầu nhỏ nhất của khách hàng” là triết lý nổi tiếng giúp Viettel thành công. Triết lý này còn đúng trong kỷ nguyên số?

Nói đến lắng nghe, mọi người thường nghĩ đến khía cạnh phản ánh của khách hàng: Lắng nghe để chăm sóc khách hàng tốt hơn, lắng nghe để phục vụ khách hàng tốt hơn. Với Viettel Telecom, lắng nghe để thấu hiểu nhu cầu của khách hàng. Từ sự thấu hiểu nhu cầu đấy, doanh nghiệp tạo ra những dịch vụ để cung cấp cho khách hàng.

Lúc trước Viettel chỉ có 1 số dịch vụ liên quan đến viễn thông thì giờ đã tích hợp dịch vụ viễn thông với công nghệ thông tin để cung cấp cho các tệp khách hàng như khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, hộ gia đình, cơ quan, bộ ban ngành, chính phủ… Đấy chính là sự thấu hiểu, nắm được nội tâm của khách hàng để từ đó tạo ra sản phẩm phù hợp. Chúng tôi lắng nghe một cách chủ động để thấu hiểu nhu cầu của khách hàng, thậm chí ngay cả khi khách hàng chưa cần lên tiếng.

“Mạng di động Viettel lớn lên cùng vận hội của đất nước”- Ảnh 3.

Trong kỷ nguyên công nghệ số, đòi hỏi của khách hàng ngày càng khắt khe hơn, môi trường để trao đổi thông tin ngày càng đa dạng và phức tạp hơn. Nhà mạng cần phải đầu tư nhiều công cụ số để chủ động hơn trong việc lắng nghe khách hàng. Việc lắng nghe khách hàng một cách chủ động và chủ động tìm kiếm đến khách hàng, giúp họ giải quyết vấn đề của mình sẽ giúp nhà mạng gắn kết hơn với khách hàng của mình.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Nguồn