Thương Hiệu

Các hợp chất saponin là đặc trưng chỉ có ở sâm Việt Nam

Sâm Ngọc Linh phát triển ổn định ở thôn K’Long K’Lanh (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) với độ cao khoảng 1.600m2 so với mực nước biển.

Hợp chất saponin là đặc trưng để phân biệt sâm Việt Nam với các loại sâm khác

Chia sẻ tại hội thảo “Chung tay vì sự phát triển sâm quốc bảo”, GS.TS Trần Công Luận, nguyên Giám đốc Trung tâm sâm và dược liệu TP.HCM, hiện là Hiệu trưởng Trường đại học Tây Đô cho biết trước đây, các hội thảo thường chỉ đề cập đến 52 hợp chất saponin có trong sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã phát hiện số lượng saponin tăng lên 107 hợp chất, cho thấy tiềm năng dược liệu phong phú của loài sâm này.

“Giá cả cây sâm tính theo chất lượng và năm tuổi chứ không phải theo trọng lượng”, ông nhấn mạnh. Vị chuyên gia này cũng cho rằng cần có chính sách để tập trung phát triển 2 cây sâm (sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu) để nó trở thành sản phẩm hàng hóa.

Tuy nhiên, do cây sâm là loại quý hiếm và có giá trị kinh tế cao nên việc ngụy tạo thành vấn nạn như độn đinh, chét đất, lấy tâm thất mạo danh… GS Luận khuyến nghị cần sớm có hành lang minh bạch, an toàn về tính pháp lý, khoa học, đồng thời chính người tiêu dùng nên sử dụng sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

TS Lê Thị Hồng Vân, giảng viên khoa Dược, Trường đại học Y Dược TP.HCM, chia sẻ những kinh nghiệm trong nghiên cứu về thành phần hóa học của 3 loại sâm Ngọc Linh, Lai Châu và Lang Biang.

Theo TS Vân, các hợp chất saponin là đặc trưng để phân biệt sâm Ngọc Linh với các loại sâm khác trên thế giới. Hợp chất này có nhiều đặc tính dược lý, điển hình là khả năng chống ô xy hóa, tăng cường hệ miễn dịch, tác dụng kháng viêm và hỗ trợ thần kinh, đặc biệt tốt cho sức khỏe.

Các nghiên cứu ban đầu cho thấy thành phần hóa học của sâm Lai Châu khá tương đồng với sâm Ngọc Linh về số lượng và hàm lượng hoạt chất. Cho tới nay còn nhiều tranh cãi liệu có nên xem sâm Lai Châu đồng danh với sâm Ngọc Linh hay không. Tuy nhiên đây chính là cơ sở cho thấy tiềm năng của sâm Lai Châu.

Tương tự, sâm Lang Biang có nhiều điểm tương đồng với sâm Ngọc Linh, đặc biệt là về thành phần saponin. Tuy nhiên, hàm lượng MR2 trong sâm Lang Biang thấp hơn so với sâm Ngọc Linh. TS Lê Thị Hồng Vân đánh giá sâm Lang Biang rất tiềm năng, nhưng là một loài đang bị đe dọa, do đó cần được bảo tồn, nghiên cứu và phát triển.

Sản lượng khai thác sâm từ năm 2030 đạt khoảng 300 tấn/năm

Vườn sâm Lai Châu được trồng tại xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè. Ảnh tư liệu
Vườn sâm Lai Châu được trồng tại xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè. Ảnh tư liệu

TS Phạm Quang Tuyến, Viện Nghiên cứu Lâm sinh, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam – nhà nghiên cứu sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh chia sẻ, hiện nay Việt Nam chủ yếu trồng sâm dưới tán rừng. Tuy nhiên để đạt sản lượng lớn, có thể phát triển các phương pháp khác như trồng sâm dưới mái che và trồng sâm trong nhà vi khí hậu.

Ưu điểm của hai phương pháp này là có thể kiểm soát các yếu tố môi trường, tạo điều kiện tối ưu cho sự phát triển của cây sâm; tuy nhiên, hai mô hình này đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu cao hơn và yêu cầu đội ngũ nhân công có trình độ kỹ thuật cao.

Đề cập đến mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 về việc đạt diện tích trồng sâm khoảng 21.000 ha, với sản lượng khai thác từ năm 2030 đạt khoảng 300 tấn/năm, “Để đạt được mục tiêu này, cần thiết lập các vùng nguyên liệu quy mô lớn với chất lượng giống tốt và áp dụng cơ giới hóa trong các công đoạn trồng, chăm sóc và thu hoạch sâm”, TS Tuyến nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Đức Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sâm Sâm (Chủ tịch Hội sâm Ngọc Linh Quảng Nam), nói rằng đến nay người tiêu dùng vẫn rất khó phân biệt các loại sâm, chỉ khi nào có sự minh bạch thì ngành sâm mới phát triển tốt.

Theo ông Lực, để phát triển sâm dưới tán rừng gặp nhiều vướng mắc liên quan đến nhiều luật. Muốn phát triển quy mô công nghiệp, các bộ ngành cần triển khai tháo gỡ sớm để người dân có niềm tin. Mặt khác, các tổ chức tài chính chưa mạnh dạn cho vay để đầu tư sâm và hiện tại đầu tư vào sâm chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ.

Ông Lực cũng bày tỏ khi đã coi sâm Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia thì mọi người dân phải được dùng nhưng giá hiện nay vẫn còn cao, rất ít người có thể tiếp cận.

“Tôi đề xuất Bộ Y tế xem xét đánh giá sản phẩm tốt đưa vào danh mục thuốc, sản phẩm thuộc danh mục bảo hiểm y tế để người dân được dùng. Sản phẩm không có đầu ra thì khó mà phát triển bền vững được” – ông Lực nhấn mạnh.

TS Trần Minh Ngọc, Phó cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền, Bộ Y tế cho rằng, để cây sâm thành quốc bảo thì phải cung cấp thông tin minh bạch, rõ ràng đó là loại sâm nào. Tuy nhiên, khi ra quốc tế thì không nói sâm Ngọc Linh hay sâm Lai Châu tốt hơn mà thống nhất là sâm Việt Nam rất tốt, tác dụng dược lý mà loại sâm khác không có.

Trong việc thương mại hóa sâm, ông Ngọc nhấn mạnh bên cạnh việc trồng trên núi thì cần nghiên cứu trồng quy mô công nghiệp để người dân sử dụng. “Giá sâm khoảng 20 triệu/kg thì người dân mới có thể tiếp cận”, ông nói thêm.

Đối với đề xuất đưa sâm vào danh mục bảo hiểm y tế, đại diện Bộ Y tế cho biết việc này có thể nghiên cứu nhưng sản lượng hiện nay khá ít, nên cần tập trung phát triển vùng nguyên liệu.

Về cơ chế, chính sách, ông Ngọc cho biết trong luật Dược đang trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này có chính sách đặc biệt ưu đãi đầu tư cho ngành công nghiệp dược, giảm tổng mức đầu tư xuống 3.000 tỉ đồng. Trong lĩnh vực dược liệu, cây sâm trồng ở vùng núi cao, vùng đặc biệt khó khăn nên các doanh nghiệp cần nắm thông tin ưu đãi về đầu tư, đất đai, thuế.

Ngoài ra, ông Ngọc cho rằng muốn phát triển bền vững thì cần áp dụng công nghệ thôn tin truy xuất nguồn gốc từng loại sâm. Dẫn một nghiên cứu mới đây chỉ ra thị trường dược liệu quốc tế có thể lên đến 400 tỉ USD vào năm 2030, TS Ngọc cho rằng cần tập trung phát triển thị trường trong nước trước rồi vươn ra thế giới.



Nguồn