Doanh Nghiệp

Làm sao để sinh tồn?

Những ngày cận Tết thường là giai đoạn cao điểm tiêu dùng với hình ảnh hàng quán kín chỗ ngồi, mọi người tụ tập, họp mặt vui vẻ… thì năm nay, loạt nhà hàng tại Tp.HCM lại treo biển “đóng cửa”, “trả mặt bằng”. Thậm chí, trên tuyến đường ẩm thực Phan Xích Long, ghi nhận có gần 20 nhà hàng, quán cà phê thi nhau đóng cửa.

Dưới góc nhìn người trong cuộc, ông Đặng Trung Dũng, đồng sáng lập chuỗi nhà hàng Vị (Vị Vietnam Restaurant and Café) chia sẻ: “Do ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh và kinh tế, giá bất động sản tăng cao, giá thuê nhà tăng, các đơn vị không có kế hoạch bền vững và nguồn dự phòng sẽ khó duy trì”.

Và để sinh tồn được trong bối cảnh này, Vị được biết hàng tháng đều đặn trích một số tiền lập quỹ dự phòng cho Công ty.

“Thay vì làm kinh doanh và chỉ nghĩ đến chia lợi nhuận, chúng tôi đều dành 1 khoản hàng tháng để làm giàu thêm quỹ dự phòng, dù có những sự cố như Covid xảy ra thì chúng tôi cũng có thể duy trì hoạt động được. Thực tế trong mùa dịch, vì có nguồn quỹ dự phòng nên chúng tôi có thể duy trì hệ thống cho đến khi Covid qua đi và hết giãn cách, sẵn sàng cho sự trở lại nhanh chóng ngay sau đại dịch.

Bên cạnh đó, nhờ kinh doanh bền vững và tử tế, chúng tôi nhận được sự đồng hành rất lớn từ các chủ nhà, thậm chí khi Covid xảy ra, nhà hàng phải đóng cửa thì chủ nhà trong Tp.HCM không lấy tiền thuê, sau dịch thì giảm giá thuê trong một thời gian dài. Còn chủ nhà ở Hà Nội thì giữ lại các đồ đạc chúng tôi đã đầu tư, nhờ đó chúng tôi có thể quay trở lại hoạt động nhanh chóng sau giãn cách”, ông Dũng nói.

Được biết, Vị hiện đang vận hành 2 nhà hàng tại Hà Nội và vị Sài Gòn. Theo ông Dũng, dù kinh tế suy thoái, giá mặt bằng cao song doanh thu Công ty hiện khá tốt, lợi nhuận ổn định trong năm 2024. Ngay mùa lễ hội cuối năm, Vị được biết mới khai trương thêm một nhà hàng tại Huế, diện tích 800m2. Chủ nhà hàng cũng nhấn mạnh, Công ty đã sớm nhận thức được việc giá thuê lên cao và luôn có kế hoạch dài hạn.

Ảnh: ông Đặng Trung Dũng, đồng sáng lập chuỗi nhà hàng Vị (Vị Vietnam Restaurant and Café).

Ghi nhận thị trường Tp.HCM những ngày qua, chia sẻ của anh Nguyễn Thanh Lương, nhân viên văn phòng tại Tp.HCM: Khi anh có kế hoạch cùng bạn bè đến quán “ruột” trên đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp để “gặp nhau cuối năm” nhưng liên hệ đặt bàn không được. Đến tận nơi, anh phát hiện quán đã treo bảng cho thuê mặt bằng trong khi hồi tháng 10 vẫn còn đón khách.

Hay nhà hàng bán đồ ăn Thái là Thai Express trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) cũng bất ngờ đóng cửa trong những tháng cuối năm nhưng không rõ lý do.

Ở lĩnh vực chuỗi cà phê, loạt thương hiệu “độc lạ” từng được săn đón cũng tương tự. Đơn cử, chuỗi “Tiệm trà Tháng 4”, điểm check-in quen thuộc của giới trẻ Tp.HCM, bất ngờ thông báo đóng cửa sau ngày 25/12, khép lại hành trình 5 năm của thương hiệu tại chi nhánh trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3. Fanpage thương hiệu này còn thông báo đã đóng cửa 2 chi nhánh ở đường Nhiêu Tứ (quận Phú Nhuận) và đường Hồng Lĩnh (quận 10).

Tương tự tại Hà Nội, không chỉ nhà hàng mà các shop thời trang cũng “đồng cảnh ngộ”, chủ yếu do chi phí mặt bằng cao trong khi nguồn thu không còn dồi dào như trước.

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) trong chia sẻ mới đây cho biết phân khúc nhà phố cho thuê chịu áp lực cạnh tranh gay gắt với các trung tâm thương mại và sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, một số ngành hàng phổ biến như thời trang, phụ kiện chứng kiến cuộc “tháo chạy” khỏi các mặt bằng nhà phố.

Nguồn