Thế Giới

Tham vọng lớn, kịch bản đối đầu Trung Quốc và kế hoạch chấm dứt xung đột Nga-Ukraine trong 24h

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị nhậm chức nhiệm kỳ hai vào ngày 20/1/2025 và có kế hoạch thay đổi sâu rộng, định hình lại nước Mỹ. Nhiều vấn đề gai góc đang chờ ông chủ mới của Nhà Trắng giải quyết.

Cử tri Mỹ kỳ vọng rất lớn vào ông Trump sau khi đắc cử. Tuy nhiên, hành trình đạt được những mục tiêu này sẽ gặp không ít khó khăn và thách thức.

Áp thuế nhập khẩu hàng hoá

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế lên tới 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, trong đó có Mexico và Canada. Việc này có thể dẫn đến giá cả tăng cao hơn đối với người dân Mỹ.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với việc tăng thuế đối với các hàng hóa của Mexico thêm 25% thì các nhà sản xuất loạt mặt hàng này của Mỹ cũng có thể tăng giá 25%.

Canada cũng vậy, Mỹ nhập khẩu khoảng 4 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Canada. Việc áp thuế 25% cũng sẽ dẫn đến việc các nhà sản xuất trong nước tăng giá để phù hợp với mức trên. Như vậy, mức thuế 25% đối với mặt hàng này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mọi người tiêu dùng Mỹ.

Tổng giá trị thương mại và đầu tư của Mỹ, Mexico và Canada rơi vào khoảng 1,8 nghìn tỷ USD mỗi năm, giá cả tăng sẽ không chỉ áp dụng đối với thực phẩm và hàng bán lẻ nếu ông Trump thực hiện việc tăng thuế đối với các nước này.

Trong vận động tranh cử, ông Trump tuyên bố “nếu thắng cử, tôi sẽ ngay lập tức hạ giá xuống, bắt đầu từ ngày đầu tiên”. Rất khó có thể giảm giá xuống khi giá đã tăng, đặc biệt trong tình hình chuỗi cung ứng bị phá vỡ.

Ông Trump có kế hoạch thay đổi sâu rộng, định hình lại nước Mỹ trong nhiệm kỳ mới.

Vấn đề nhập cư

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump hứa sẽ cải cách luật nhập cư của Mỹ, bắt đầu bằng việc trục xuất hàng loạt người di cư và chấm dứt chính sách cấp quốc tịch cho người nước ngoài sinh ra trên đất Mỹ vốn được quy định trong Tu chính án thứ 14 của hiến pháp nước này.

Việc trục xuất hàng triệu người di cư không có giấy tờ có thể sẽ tác động lớn đến nền kinh tế Mỹ vì nó sẽ làm mất đi một lực lượng lao động đáng kể trong các lĩnh vực đòi hỏi lao động chân tay hoặc những công việc mà người Mỹ không muốn làm như chăm sóc cây cối, rửa bát đĩa và dọn bàn tại các nhà hàng.

Mỏ dầu Permian Basin lớn nhất có sản lượng 4,5 triệu thùng/ngày ở phía tây Texas cũng sẽ mất đi một lượng lớn lao động. Tại các mỏ dầu này, rất khó có thể tìm được những công nhân có thể làm việc trên các giàn khoan trong cái nóng vào mùa hè nhiều lúc lên tới trên 40 độ C. Việc trục xuất họ sẽ ngay lập tức làm tăng chi phí tìm kiếm lao động thay thế trên khắp nước Mỹ.

Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump đã làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu, không chỉ gây tổn hại đến nền kinh tế của chính nước Mỹ mà còn đối với kinh tế toàn cầu, bởi vì đây là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Lạm phát tăng vọt trên toàn thế giới.

Đáng lưu ý, ông Trump có kế hoạch tiếp tục chấm dứt quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (permanent normal trade relations – PNTR) với Trung Quốc, với lý do cơ chế này đã dẫn đến mối quan hệ bất bình đẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời tăng mức thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 60%.

Điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại khác khốc liệt hơn và một lần nữa lại ảnh hưởng tai hại tới nền kinh tế của Mỹ.

Trong nhiệm kỳ trước (2017 – 2021), ông Trump đã áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh đã đáp trả không chỉ bằng mức thuế cao hơn đối với hàng hóa của Mỹ mà còn ngừng nhập khẩu ngũ cốc từ Mỹ.

Lần này, nếu ông Trump vẫn làm như trước, Mỹ chắc chắn cũng sẽ vấp phải các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh nhắm vào hàng xuất khẩu của Mỹ, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp và hàng hóa được sản xuất tại các bang do đảng Cộng hòa kiểm soát. Cùng với việc áp thuế 25% đối với Mexico và Canada và các nước khác 60-100%, lạm phát ở Mỹ sẽ tăng mạnh hơn nhiều so với trước đây.

Các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh lần này sẽ mạnh mẽ hơn, bởi vì họ đã chuẩn bị kỹ cho “cuộc chiến” có thể xảy ra bằng cách tăng cường đầu tư vào các nước Đông Nam Á, tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng và bảo vệ nền kinh tế khỏi những cú sốc thương mại.

Cùng với việc áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc, năm 2018, ông Trump đã trừng phạt Huawei – công ty dẫn đầu trong lĩnh vực viễn thông của Trung Quốc, đồng thời đưa ra sáng kiến “Mạng sạch – Clean Network” nhằm loại bỏ phần cứng và phần mềm của Trung Quốc ra khỏi cơ sở hạ tầng của Mỹ cùng hơn 40 nước thân thiện của Washington.

Trung Quốc không chỉ đáp trả trong lĩnh vực thương mại, mà còn trừng phạt các công ty Mỹ. SkyDio, công ty sản xuất máy bay không người lái lớn nhất của Mỹ, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do việc cung ứng linh kiện bị gián đoạn sau khi Trung Quốc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với công ty này, buộc công ty phải giảm sản xuất và hạn chế xuất khẩu.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang siết chặt sự kiểm soát đối với tập đoàn Intel chuyên sản xuất chip bán dẫn của Mỹ, đe dọa hoạt động của tập đoàn này tại một thị trường chiếm gần 1/4 doanh thu của hãng. Các biện pháp trừng phạt cho thấy các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh sẽ mạnh hơn nhiều so với nhiệm kỳ đầu tiên của Trump.

Cuộc chiến thương mại Trump dự định phát động chống Trung Quốc sẽ gây khó khăn cho Trung Quốc, nhưng cũng sẽ có tác dụng ngược lại đối với nền kinh tế Mỹ. Việc áp thuế cao đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, cùng với các mức thuế Trump dự định áp đặt đối với hàng xuất khẩu của các nước khác, sẽ dẫn đến lạm phát tăng mạnh do thị trường thiếu hụt đột ngột nhiều mặt hàng mà các nhà sản xuất của Mỹ chưa thể thay thế.

Cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh

Năm 2017, trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã coi Trung Quốc là “Đối thủ cạnh tranh chiến lược”. Washington đã ban hành một loạt văn bản chiến lược giải thích chính sách mới này đối với Trung Quốc, trong đó quan trọng nhất là “Chiến lược An ninh Quốc gia 2017” và “Chiến lược Quốc phòng Mỹ 2018”.

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong những năm gần đây trở thành khu vực địa chính trị quan trọng chứng kiến cạnh tranh Mỹ – Trung Quốc ngày càng gia tăng. Cùng với cuộc chiến thương mại, ông Trump chủ trương tăng cường cạnh tranh ảnh hưởng với ở khu vực quan trọng này.

Năm 2017, Tổng thống Donald Trump tới thăm một loạt nước châu Á, đưa ra khái niệm “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở – FOIP”. Đây là một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược An ninh Quốc gia 2017 và Chiến lược Quốc phòng 2018 của Mỹ.

Trump 2.0: Tham vọng lớn, kịch bản đối đầu Trung Quốc và kế hoạch chấm dứt xung đột Nga-Ukraine trong 24h- Ảnh 2.

Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ cho “cuộc chiến” có thể xảy ra với Mỹ.

Tháng 9/2021, Australia, Anh và Mỹ đã thỏa thuận thành lập một liên minh quốc phòng gọi tắt là AUKUS, nhằm tăng thêm sự hiện diện quân sự của phương Tây, kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Thái Bình Dương.

Tháng 2/2022, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã ban hành “Chiến lược của Mỹ cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” ngay sau cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao của nhóm Đối thoại An ninh Tứ giác kim cương (QUAD) gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản.

Mặc dù AUKUS và QUAD là tâm điểm quan trọng nhất của Mỹ trong việc kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, với tư duy của một doanh nhân, ông Trump lại có cách nhìn khác. Ông cho rằng Mỹ phải chi một khoản tiền lớn để duy trì sự có mặt của Mỹ ở các nước đồng minh và cái giá phải trả còn lớn hơn nhiều so với cái giá phải trả khi cạnh tranh với đối thủ.

Năm 2019, được hỏi liệu Mỹ có nên rút khỏi hiệp ước phòng thủ dài hạn với Nhật Bản hay không, ông Trump trả lời rằng có lý do để suy nghĩ về điều đó, đồng thời ông cũng gây áp lực buộc Hàn Quốc phải trả mức tăng 400% vào năm 2020 chi phí cho việc triển khai lực lượng Mỹ ở nước này.

Trong khi đó, cả Mỹ và Trung Quốc đều tìm cách tăng cường ảnh hưởng đối với các quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương. Năm 2023, Mỹ đã chính thức công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Quần đảo Cook và Niue ở Thái Bình Dương.

Về phần mình, đầu năm 2024, Trung Quốc đã ký kết một thỏa thuận quốc phòng với Maldives và thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon, nhằm phá vỡ vòng vây do Mỹ áp đặt thông qua sự hiện diện quân sự trên chuỗi đảo ở Biển Đông.

Trước đây, ông Trump cũng mô tả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là “lỗi thời” và tuyên bố trong nhiệm kỳ của mình, ông sẽ xem xét tái cơ cấu NATO theo hai giai đoạn, trong đó có việc giảm mạnh quan hệ an ninh với các quốc gia thành viên không chi tiêu ít nhất 2% GDP cho quốc phòng.

Quan hệ với đảo Đài Loan

Đài Loan (Trung Quốc) sẽ vẫn là một trong những điểm nóng địa – chính trị của thế giới và căng thẳng chính trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, đặc biệt trong bối cảnh người đứng đầu chính quyền hòn đảo, Lại Thanh Đức, vừa đắc cử đã tuyên bố mạnh mẽ chủ trương “độc lập của Đài Loan” và đưa ra những hành động làm lao dốc quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan.

Trong mọi trường hợp, Trump khó có khả năng từ bỏ ủng hộ Đài Loan vì đây được coi là tuyến phòng thủ tiền tiêu nhắm vào Trung Quốc Đại lục.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump liên tục gây nghi ngờ về mức độ hỗ trợ của Mỹ cho Đài Loan trong tương lai và áp dụng cách tiếp cận kinh doanh thông thường của mình đối với hòn đảo này.

Trả lời phỏng vấn Bloomberg Busiinessweek vào tháng 7/2024, ông Trump nói: “Đài Loan nên trả tiền quốc phòng cho chúng tôi, Mỹ không khác gì một công ty bảo hiểm… Đài Loan không cung cấp cho chúng tôi bất cứ thứ gì”.

Những tuyên bố như vậy khiến một số chuyên gia Trung Quốc tin rằng Trump sẽ tìm kiếm thỏa thuận với Đài Loan để đổi lấy sự hỗ trợ quốc phòng nhiều hơn của Mỹ. Chi tiêu quân sự của Đài Loan chiếm khoảng 2,6% GDP của đảo này.

Các cuộc xung đột khu vực

Trump 2.0: Tham vọng lớn, kịch bản đối đầu Trung Quốc và kế hoạch chấm dứt xung đột Nga-Ukraine trong 24h- Ảnh 3.

Ông Trump từng cam kết giải quyết xung đột Nga-Ukraine trong 24h.

Cuộc chiến Nga – Ukraine cũng sẽ nằm trong kế hoạch của Trump ngay khi ông trở lại Nhà Trắng. Ông đã từng cam kết giải quyết cuộc xung đột này trong vòng 24 giờ, nhưng đến nay mọi người vẫn chưa biết nội dung cụ thể trong kế hoạch của ông. Một cuộc xung đột có nguồn gốc lịch sử hết sức phức tạp, lại có nhiều bên can dự không dễ gì giải quyết trong một thời gian ngắn.

Ông Trump đã từng nói, Mỹ sẽ giảm can dự vào các cuộc xung đột quốc tế quan trọng, đồng thời đe dọa rút khỏi NATO. Điều này sẽ để lại một khoảng trống quyền lực có thể tạo điều kiện cho các cường quốc khác thay thế vị thế thống trị của Mỹ trên toàn cầu.

Cuộc chiến của Israel tại Dải Gaza đã gây ra một thảm kịch nhân đạo chưa từng có, hơn 45 nghìn người thiệt mạng, khoảng 100 nghìn người khác bị thương, hàng triệu người mất nhà cửa và đang phải đối mặt với nạn đói. Chính quyền Trump sắp tới liệu có giải quyết được cuộc xung đột Israel – Hamas tại đây hay không?

Ông Trump là tổng thống Mỹ ủng hộ mạnh mẽ nhất Israel. Trong nhiệm kỳ trước, ông là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô vĩnh viễn của Israel và cao nguyên Golan của Syria bị Israel chiếm trong cuộc chiến tranh năm 1967 là một phần lãnh thổ của Israel. Nhiều nhà phân tích chính trị không loại trừ khả năng ông Trump sẽ tiếp tục công nhận việc Israel sáp nhập các khu định cư ở Bờ Tây.

Vấn đề biến đổi khí hậu

Vấn đề biến đổi khí hậu là vấn đề mang tính chất toàn cầu tổng thống đắc cử Trump phải đối mặt. Khác với chính quyền Biden tập trung phát triển năng lượng xanh, Trump đe dọa bãi bỏ một số biện pháp được chính quyền Biden thông qua trong đạo luật Giảm lạm phát (IRA).

Theo đạo luật IRA, Mỹ sẽ đầu tư 369 tỷ USD vào các dự án năng lượng sạch, giảm thuế cho người tiêu dùng và trợ cấp cho các nhà sản xuất xe điện, để đạt mục tiêu giảm lượng khí thải của Mỹ khoảng 40% vào năm 2030.

Trong khi đó, ông Trump lại đưa ra khẩu hiệu “Khoan, khoan nữa, khoan mãi”, tức là tập trung vào lĩnh vực công nghiệp có sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy khai thác dầu và than đá. Các chuyên gia tin rằng Trump sẽ khó có thể đảo ngược một số chính sách năng lượng sạch vì sợ phản ứng dữ dội từ các cử tri, ngay trong nội bộ đảng Cộng hoà.

Liệu ông Trump có giải quyết được tất cả những vấn đề này hay không vẫn là điều chưa rõ, nhưng chương trình nghị sự của ông đang chứa đầy các chính sách đối nội và đối ngoại quan trọng cần được xử lý sau khi ông nhậm chức ngày 20/1 tới. Đây là một thách thức lớn đối với ông Trump, bởi vì nếu không thực hiện được lời hứa này, ông sẽ đánh mất niềm tin không chỉ của cử tri Mỹ mà còn của các nước trong cộng đồng quốc tế.

Cuối cùng, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2026 sẽ xác định cấu trúc quyền lực giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tại Quốc hội và sẽ có cơ sở rõ ràng hơn để đánh giá kết quả thực hiện các cam kết của ông Trump.

Nguồn