Đang bị luận tội, Tổng thống Hàn Quốc vẫn được tăng lương
Cụ thể, mức lương hằng năm của ông Yoon trong năm 2025 là 262,6 triệu won, tăng 3% so với mức 254,9 triệu won năm 2024. Như vậy, ông Yoon hưởng lương hằng tháng là 14,5 triệu won.
Sự điều chỉnh này được thực hiện theo quy định tăng lương hằng năm cho các quan chức chính phủ.
Ông Yoon đã bị đình chỉ nhiệm vụ từ ngày 14/12, khi Quốc hội Hàn Quốc thông qua dự luật luận tội ông vì lệnh thiết quân luật bất thành.
Dù không còn thực hiện nhiệm vụ, ông Yoon vẫn đủ điều kiện nhận lương vì ông vẫn giữ tư cách là tổng thống cho đến khi Tòa án Hiến pháp ra quyết định về đề xuất luận tội. Thời hạn của quá trình xét xử là sáu tháng. Nếu tòa án đồng tình với đề xuất luận tội tổng thống, các đặc quyền của ông Yoon sẽ lập tức bị tước bỏ.
Theo luật của Hàn Quốc, các tổng thống được hưởng 95% mức lương tại nhiệm trong suốt quãng đời còn lại sau khi rời nhiệm sở. Quyền lợi của các cựu tổng thống cũng bao gồm ba thư ký và một tài xế riêng, cùng với nguồn tài chính để vận hành văn phòng riêng và các dịch vụ bổ sung như an ninh, vận chuyển và truyền thông.
Cựu tổng thống Moon Jae-in đã được nhận lương hưu kể từ khi rời nhiệm sở vào tháng 5/2022. Trong khi đó, cựu tổng thống Park Geun-hye không nhận được bất kỳ khoản lương hưu nào do bị luận tội vào tháng 12/2016.
Tương tự, cựu tổng thống Lee Myung-bak, tại nhiệm từ tháng 2/2008 đến tháng 2/2013, đã mất quyền hưởng lương hưu sau khi bị kết tội hối lộ vào năm 2018. Ông Lee, ban đầu bị kết án 17 năm tù, đã được ông Yoon ân xá vào tháng 12/2022.
Trong khi đó, quyền Tổng thống Choi Sang-mok vẫn tiếp tục nhận mức lương hằng năm của vị trí phó thủ tướng là 154 triệu won.
Cựu quyền tổng thống Han Duck-soo, người bị đình chỉ chức vụ sau cuộc bỏ phiếu luận tội của Quốc hội Hàn Quốc vào ngày 27/12, vẫn nhận được mức lương của vị trí thủ tướng là 203,5 triệu won.
Tuy nhiên, nếu Tòa án Hiến pháp ra phán quyết đồng ý với đề xuất phiếu luận tội của Quốc hội, ông Han cũng sẽ bị tước bỏ các đặc quyền của mình với tư cách là thủ tướng.
Cũng trong ngày 12/1, nhóm bào chữa của ông Yoon cho biết, tổng thống sẽ không tham dự phiên điều trần luận tội đầu tiên vào tuần này vì lo ngại cho sự an toàn của bản thân.
Dự kiến, phiên điều trần đầu tiên của Tòa án Hiến pháp sẽ diễn ra vào thứ Ba (14/1). Có tổng cộng năm phiên điều trần được lên lịch đến ngày 4/2.
“Khi các nỗ lực thực hiện lệnh bắt giữ bất hợp pháp nhằm vào ông Yoon đang diễn ra, có những lo ngại về sự an toàn của cá nhân ông. Để tổng thống có thể ra hầu tòa, vấn đề an ninh cá nhân phải được giải quyết”, luật sự bào chữa của ông Yoon nói.
Các luật sư của Yoon trước đó tuyên bố tổng thống sẽ tham dự phiên tòa luận tội của mình vào thời điểm “thích hợp”.
Các điều tra viên trước đó đã tìm cách bắt giữ ông Yoon nhưng thất bại sau cuộc đối đầu kéo dài nhiều giờ với Cơ quan An ninh Tổng thống. Họ được cho là sẽ tiến hành một nỗ lực thứ hai để bắt giữ ông, sau khi tòa án Seoul gia hạn lệnh bắt giữ vào tuần trước.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội, Chủ tịch Quốc hội Woo Won-shik cho biết: “Tốt nhất là tổng thống nên tự nguyện trình diện”.
“Tổng thống không nên tiếp tục đứng đằng sau Cơ quan An ninh Tổng thống nữa và hãy tiến lên để đối mặt với pháp luật. Đó là điều tối thiểu mà ông có thể làm cho người dân”, ông Woo nói.
Theo Korea Herald, Yonhap