Kinh Tế

Áp lực bủa vây ngành dịch vụ phòng gym

Từng tăng trưởng bình quân khoảng 20% một năm trong thập kỷ qua, thị trường gym & fitness gặp thách thức ngắn hạn, do khách hàng siết chi tiêu, cạnh tranh cao.

Đầu tháng 10, chuỗi phòng gym Fit24 thông báo đóng cửa vì “những lý do khách quan bất khả kháng”. Fit24 mở phòng tập đầu tiên vào 2012 tại TP HCM, có 5 cơ sở trước khi dừng hoạt động.

Nhưng họ không phải là thương hiệu duy nhất lao đao. Đầu tháng trước, khoảng 4.000 hội viên Getfit Gym & Yoga bất ngờ khi nhận thông báo cả 3 chi nhánh dừng hoạt động. Gần một tháng sau, 2 địa điểm mở lại sau khi cổ đông bơm thêm vốn.

Ngoài hai chuỗi này, từ năm ngoái đến nay vài chuỗi phòng tập khác cũng thu hẹp quy mô như 25 Fit, Diamond Fitness Center, S’Life Gym. Các thương hiệu được nhiều người biết đến còn lại không mở thêm chi nhánh hoặc giảm tốc độ mở rộng.

Thập niên qua, thị trường dịch vụ phòng gym tại Việt Nam tăng trưởng với tốc độ trung bình hơn 19% mỗi năm, theo hãng nghiên cứu thị trường Ken Research (Ấn Độ). Còn theo Vietdata, con số này khoảng 20%.

Theo Ken Research, lý do chính cho đà tăng là thu nhập người dân cải thiện, khiến họ ngày càng nhận thức về việc đề phòng hoặc khắc phục các vấn đề sức khỏe. Thêm vào đó, các công ty cũng mạnh tay chi tiêu cho tiếp thị, thông qua người nổi tiếng với ngoại hình đẹp để kích cầu.

“Khi quyết định làm lớn, tôi nghĩ trong 15 năm tới, thế hệ trẻ sẽ xem đến gym tập thể dục như món ăn hàng ngày”, ông Nguyễn Hữu Phúc, đồng sáng lập, thành viên Hội đồng quản trị Getfit Holdings – sở hữu Getfit Gym & Yoga kể lại giai đoạn trước Covid-19.

Đó là thời điểm từ một phòng tập gia đình, ông Phúc quyết định gọi vốn để lập thành chuỗi. Nhưng sau thập niên nở rộ, việc giành được miếng bánh trên thị trường phòng gym giờ không dễ dàng.

Khó khăn đầu tiên chuỗi phòng gym như Getfit Gym & Yoga gặp phải là chi phí ngày càng tăng. Áp lực hàng đầu được những người trong ngành thừa nhận là tiền thuê mặt bằng. Tương tự các ngành dịch vụ khác như bán lẻ hay ăn uống, chi phí mặt bằng ngày một cao khiến lợi nhuận mỏng dần.

Tại TP HCM, giá thuê mặt bằng bán lẻ không có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí nhiều tên tuổi lớn trong ngành dịch vụ buộc rút lui khỏi một số vị trí đắc địa. Các chủ mặt bằng nhà phố có xu hướng để trống chứ không hạ giá thuê. Trong khi, chi phí mặt bằng trong trung tâm thương mại và tòa nhà văn phòng vẫn tăng đều.

Theo báo cáo thị trường địa ốc quý III tại TP HCM của hãng tư vấn dịch vụ bất động sản Savills, giá thuê mặt bằng trong trung tâm thương mại tăng 4% theo quý và 6% theo năm. Ở tòa nhà văn phòng, nơi các chuỗi gym có thể chọn là địa điểm, giá thuê giữ nguyên hoặc tăng tùy phân khúc. Trong lần hồi sinh, Getfit định đàm phán lại giá cho cơ sở ở quận Tân Phú. Nếu không thành công, họ buộc phải đóng hẳn để tiết kiệm.

Ngoài mặt bằng, lương nhân sự cũng tăng, cùng với chi phí vận hành, bảo trì và nâng cấp thiết bị, máy móc để giữ chân hội viên và cạnh tranh với đối thủ. Ông Dane Fort, Tổng giám đốc FLG Việt Nam, tập đoàn sở hữu thương hiệu California Fitness & Yoga xác nhận chi phí vận hành, gồm tiền thuê nhà, thiết bị và nhân sự tiếp tục gia tăng.

Ông Nguyễn Hữu Phúc, Đồng sáng lập, Thành viên Hội đồng quản trị Getfit Holdings thảo luận cùng nhân viên vào năm 2020. Ảnh nhân vật cung cấp

Ngược với chi phí tăng là doanh thu giảm dần. Covid -19 xuất hiện khiến ngành này gặp khó. Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu Vietdata, doanh thu các chuỗi hiện “bốc hơi” trung bình trên dưới 60% so với 2019 – thời điểm Covid-19 bùng phát.

Ông Phúc nói Getfit giảm doanh thu đến 45% so với thời hưng thịnh. Trước khi tạm dừng toàn hệ thống, Fit24 từng cân nhắc thu hẹp từ 5 xuống 3 cơ sở vì tài chính gặp khó. Doanh thu giảm đến từ nhiều nguyên nhân, gồm khả năng chi tiêu và áp lực cạnh tranh.

Ông Phúc từng nghĩ kinh tế sẽ bùng nổ hậu Covid-19 nhưng lại không như kỳ vọng. “Trước đây, khách dễ dàng bỏ ra 10-15 triệu đồng mua gói tập một năm, nhưng giờ nhiều ông lớn hàng đầu trên thị trường bán cả gói 5 triệu mỗi năm, vẫn khó kiếm khách”, ông kể.

Khi khách siết hầu bao, các chuỗi cạnh tranh lẫn nhau và với đối thủ mới, khiến miếng bánh thị phần bị chia nhỏ. Trước đây, các gói tập theo năm chia trung bình khoảng 600.000 – 800.000 đồng mỗi tháng. Nhưng nay, với 300.000 – 500.000 đồng, người tập hoàn toàn tiếp cận được các chuỗi hiện đại, thiết bị đầy đủ, nhiều lớp bộ môn, phòng máy lạnh, xông hơi miễn phí, thậm chí mở cửa 24/7.

The New Gym là ví dụ về phòng tập 24/7. Chuỗi này có 13 cơ sở và chuẩn bị mở thêm chi nhánh thứ 14, bất chấp thị trường có đơn vị thoái lui. Thay vì yêu cầu các gói hội viên theo năm, chuỗi này tạo sức hút bằng cách cho khách đăng ký gói tập theo tháng chưa đến 300.000 đồng.

Đưa ra gói dịch vụ cạnh tranh, bản thân The New Gym cũng phải đua với “ngựa ô” mới nổi là Ways Station. Với 10 cơ sở, hoạt động 24/7, chuỗi này có giá dịch vụ thấp tương tự nhưng kèm mua 3 tháng tặng 1. “Hội viên các chuỗi đổ sang Ways Station vì máy xịn, cho phép huấn luyện viên cá nhân tự do (PT freelancer) từ bên ngoài vào hoạt động”, anh Minh Nhật, một hội viên 4 năm của The New Gym cho hay.

Đua “xuống đáy” về giá, các chuỗi còn phải cạnh tranh với lực lượng mới và ngày càng đông là các PT freelancer. Lý Kỳ, từng là PT một chuỗi lớn trước khi “ra riêng” hơn một năm qua cho biết nhiều huấn luyện viên cá nhân của thương hiệu hàng đầu chịu áp lực doanh số rất cao, nên chọn nghỉ việc để làm tự do.

Bằng cách này, họ nhận 100% tiền huấn luyện thay vì ăn chia hoa hồng với phòng tập. Họ rời đi, mang theo quan hệ nên các chuỗi thưa khách dần. “Phòng tập giờ sơ hở dịch vụ không tốt một chút là khách chuyển hoặc tập PT tự do”, Kỳ nói.

Một buổi đào tạo PT của  Fit24 vào tháng 4/2021. Ảnh: Fanpage Fit24

Một buổi đào tạo PT của Fit24 vào tháng 4/2021. Ảnh: Fanpage Fit24

Lý do nữa khiến các chuỗi phòng gym gặp khó, là thị trường chứng khiến cuộc thay đổi lớn về thói quen, thị hiếu luyện tập. Người Việt giờ có nhiều lựa chọn hơn để tập thể dục thể thao. Nếu vẫn chọn làm bạn với tạ, một số người có tiền chuyển sang mô hình “private gym”, tức tập riêng với PT trong không gian và khung giờ nhất định. Các dịch vụ này tính phí theo buổi kèm huấn luyện viên, khoảng một triệu đồng mỗi buổi nhưng tiện ích cao.

Bảo Anh đã 3 năm chuyển qua “private gym” vì cho rằng PT của mô hình này chuyên môn hơn, tiện nghi từ máy tập đến các chi tiết nhỏ chỉn chu. “Phòng dạng này chuẩn bị sẵn mọi thứ từ đồ ăn nhẹ đến phụ kiện. Mình đến tập không cần mang gì và có thể đi làm ngay sau buổi tập được. Quan trọng là cộng đồng văn minh, thu nhập tốt và yên tĩnh”, Bảo Anh nói.

Ngoài ra, một số người chuyển sang các bộ môn mang tính cộng đồng, đối kháng hoặc “bắt trend” như marathon, pickleball, trekking. Theo giới trong ngành, những thay đổi về nhu cầu luyện tập và chăm sóc sức khỏe cho thấy các chuỗi phòng tập nếu bám đuổi theo mô hình cũ, thiếu đổi mới sẽ khó trụ vững.

Ông Dane Fort nói chìa khóa để tồn tại lúc này nằm ở sự linh hoạt và các chiến lược định hướng tương lai. Ông phân tích người tiêu dùng hiện không chỉ hài lòng với những dịch vụ phòng gym truyền thống, họ tìm kiếm những trải nghiệm chăm sóc sức khỏe tích hợp.

“Để các doanh nghiệp thể hình phát triển trong bối cảnh thay đổi này, họ cần nhiều hơn là một địa điểm phòng tập tốt hoặc thiết bị hiện đại”, Dane nhìn nhận. Chiến lược lúc này, theo ông, là các chuỗi gym cần đào tạo đội ngũ nhân sự chuyên sâu, đưa ra dịch vụ tăng trải nghiệm cá nhân hóa và đa dạng trong hệ sinh thái. Theo đó, ngoài phòng gym, họ cần mở thêm trung tâm thẩm mỹ, chăm sóc – chẩn đoán sức khỏe, phát triển ứng dụng cho hội viên.

Từ năm ngoái đến nay, California Fitness & Yoga cùng với Curves là hai chuỗi lớn tiếp tục mở rộng về quy mô, dù chậm. Sau thời gian giẫm chân tại chỗ, Citigym cũng mở thêm 2 chi nhánh tại TP HCM, sau khi đã có 9 cơ sở.

Theo ông Dane Fort, những khó khăn của ngành gym & fitness đối diện là không tránh khỏi lúc kinh tế còn thách thức. “Tuy vậy, đây là thời điểm để chiêm nghiệm lại và những đột phá mới sẽ sinh ra”, ông lạc quan.


Viễn Thông

Nguồn