Apple đánh ‘thuế’ 30% nhưng không mang lại lợi ích, nhà sáng tạo thất vọng, kêu gọi tẩy chay
Mức phí cửa hàng ứng dụng Apple đưa ra đang làm giảm thu nhập người sáng tạo nội dung trong khi không mang lại nhiều lợi ích, theo Business Insider. Gã khổng lồ công nghệ lấy 30% doanh thu từ các giao dịch thực hiện trên ứng dụng hệ điều hành iOS và điều này đang ảnh hưởng đến rất nhiều nền tảng sáng tạo.
Patreon là cái tên mới nhất chịu tác động bởi khoản phí bổ sung, cùng với Substack, YouTube, Facebook và Instagram. Phía Apple cũng áp đặt chi phí mới lên các nền tảng nhỏ hơn, chẳng hạn như Kajabi, Mighty Networks và Passes, với mục đích tạo ra nhiều lợi nhuận hơn từ bộ phận Dịch vụ. Điều này có ý nghĩa về mặt tài chính, song lại cho thấy một sự thay đổi lớn đối với Apple.
“Không thể phủ nhận tác động tích cực mà Apple đã tạo ra đối với nền kinh tế sáng tạo”, Lindsey Gamble, người tư vấn chiến lược tiếp thị, cho biết. “Tuy nhiên, mức phí 30% mà họ tính hiện đang có tác động tiêu cực”.
Gamble cho biết Apple đang khiến các nhà sáng tạo phải chi nhiều tiền hơn để tăng tiếp cận lượng khán giả lớn. Để bù đắp, họ buộc phải tăng giá đăng ký từ người hâm mộ.
Apple không phải là nền tảng duy nhất lấy một phần thu nhập của người sáng tạo. YouTube lấy 1% doanh thu quảng cáo, song sự khác biệt là nền tảng này cung cấp một dịch vụ rõ ràng bằng cách đặt quảng cáo trên video. Apple hiện không trả lời yêu cầu bình luận từ Business Insider.
Những người sáng tạo than phiền rằng ngoài việc kiếm được nhiều tiền hơn, Apple không làm được gì nhiều trong những năm gần đây. Podcasting là lĩnh vực nhà Táo khuyết từng đi tiên phong, song giờ đây cũng bị bỏ bê vị thế. YouTube và Spotify đang thế chân.
Đưa ra các sáng kiến giải trí lớn, Apple khiến nhiều người sáng tạo phải thất vọng. Dịch vụ phát video trực tuyến Apple TV+ đã chi rất nhiều tiền cho các chương trình và phim ảnh, nhưng hầu như chỉ làm việc với sao nổi tiếng hạng A và bỏ qua tệp người làm nội dung trên mạng xã hội. Nước đi này trái ngược hoàn toàn so với một số dịch vụ phát trực tuyến khác.
Đối với podcasting, vào năm 2021, Apple ra mắt tính năng thành viên trả phí cho những người làm podcast, bao gồm cơ hội được xuất hiện ở đầu nguồn cấp dữ liệu Apple Podcasts. Tính năng có thể là một công cụ khám phá có giá trị cho podcast, song hãng vẫn chưa làm gì nhiều để phát triển. Khoản đầu tư chung để phát triển hệ sinh thái podcast vẫn còn kém hơn so với các đối thủ.
Phía người sáng tạo thất vọng, song Apple vẫn đảm bảo thu phí từ các ứng dụng. Patreon là nền tảng sáng tạo mới nhất bị Apple áp dụng phí. Bắt đầu từ tháng 11, tất cả các giao dịch được thực hiện thông qua thiết bị iOS sẽ phải chịu mức phí 30% doanh thu.
Người sáng tạo họ không thể làm gì nhiều để thay đổi chính sách, song được cho là có thể cố gắng lách luật bằng cách hướng lưu lượng truy cập đến trang web của mình, sau đó hạ phí đăng ký.
“Theo thời gian, khi ngày càng nhiều nhà sáng tạo dựa vào lượng đăng ký và tiền boa để kiếm tiền, mức phí có thể trở thành vấn đề lớn hơn và khiến nhiều nhà sáng tạo coi Apple là bên hưởng quá nhiều lợi ích”, một chuyên gia nhận định.
Jim Louderback, cố vấn về nền kinh tế sáng tạo, cho rằng những người sáng tạo nên tẩy chay Apple vì mức phí quá “cắt cổ”.
“Thế còn những người sáng tạo thì sao, hãy cùng nhau tẩy chay tất cả các sản phẩm của Apple?”, Louderback viết. “Chính phủ có thể cân nhắc điều này để đánh vào hành vi độc quyền của Apple. Càng có thêm lý do để những người sáng tạo cùng nhau đấu tranh cho bản thân”.
Theo Paul Haddad, nhà phát triển đứng đằng sau các ứng dụng mạng xã hội Tweetbot và Ivory, nhiều khoản hoa hồng cho App Store không hề công bằng. Ông nhấn mạnh con số 30% là vô cùng vô lý.
“Hãng cố gắng tỏ ra công bằng nhưng sẽ luôn thất bại cho đến khi hạ mức hoa hồng xuống 5% đến 10%”, Paul Haddad nói.
Trước đó, CEO Tesla, Elon Musk cũng đã có bài viết nói về mức phí Apple áp dụng cho cửa hàng ứng dụng App Store. Vị tỷ phú thừa nhận chúng “chắc chắn không ổn” và giống như “đánh thuế 30% lên internet”.
“Mức phí này cao hơn gấp 10 lần mức nên có theo đúng nghĩa đen”, Musk viết.
Tờ Nikkei Asian Review trước đó nhận định AppStore từng là con gà đẻ trứng vàng cho nhà Apple, song giờ đây lại đang trở thành cái cớ cho hàng loạt quốc gia, từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc cho đến Liên minh Châu Âu (EU) kiện cáo nhà táo khuyết. Với khoản phí 30% hoa hồng trên App Store, rất nhiều doanh nghiệp và nhà hoạch định cho rằng Apple đang độc quyền và hủy hoại sự phát triển toàn ngành.
“Trong một thời gian dài, Apple đã bóp nghẹt sự đổi mới của các doanh nghiệp, từ chối cơ hội lựa chọn của người tiêu dùng. Giờ đây, chúng ta sẽ tiến thêm một bước để buộc Apple và hệ điều hành iOS của họ phải tuân thủ luật pháp”, Ủy viên Thierry Breton của EU cho biết.
Theo: Business Insider, Nikkei Asia