Apple mất ngôi vương tại Trung Quốc
Những nhà sản xuất điện thoại thông minh trong nước gồm Vivo và Huawei đã vượt Apple để trở thành 2 nhà bán điện thoại lớn nhất tại thị trường Trung Quốc vào năm ngoái. Kết quả này giáng một đòn chí mạng và nhà sản xuất iPhone trong bối cảnh họ đang gặp khó khăn trong việc giới thiệu các tính năng AI tại thị trường Trung Quốc và cuộc cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ nội địa.
Cụ thể, lượng điện thoại mà Apple giao tại thị trường Trung Quốc đã giảm xuống 42,9 triệu chiếc trong năm 2024, thấp hơn 17% so với năm trước đó theo công ty nghiên cứu Canalys. Điều này đã giảm tới 4% thị phần của nhà Táo, xuống còn 15%. Mức giao hàng trong quý cuối cùng của năm cũng giảm 25% so với năm trước đó.
Lượng hàng xuất xưởng của Vivo và Huawei tăng lần lượt 11% và 37%, góp phần giúp 2 công ty này tăng thị phần lên 17% và 16%. Thổng thể, thị trường điện thoại thông minh tăng 4% trong năm 2023, với 285 triệu chiếc được giao.
Con số này tới trong bối cảnh Apple đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ những thương hiệu điện thoại cao cấp địa phương, đặc biệt là Huawei – công ty được hưởng lợi từ sự ủng hộ của người mua trong nước và khả năng ra mắt những tính năng AI mới cho thiết bị của mình. Trong khi đó, dịch vụ Apple Intelligence hiện chưa thể xuất hiện tại thị trường Trung Quốc.
“Apple và dòng iPhone 16 đang đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng tăng từ các thiết bị hàng đầu nội địa”, theo Amber Liu – một chuyên gia nghiên cứu tại Canalys. Chuyên gia này cũng nhận định thêm rằng, Vivo đã cho thấy khả năng mạnh mẽ thông qua việc tăng cường hợp tác với các nhà mạng và sử dụng các chiến lược tiếp thị và sản phẩm hiệu quả “để củng cố vị thế của mình trong các phân khúc từ bình dân đến trung cấp đến cao cấp”.
Trong khi đó, bằng việc tự phát triển được các dòng chip trong những năm gần đây, Huawei đã giải quyết được một vài vấn đề ban đầu của chuỗi cung ứng và trong năm 2024 đã nâng cấp cũng như tái thiết một số dòng điện thoại thông minh hàng đầu. Đặc biệt có thể kể đến dòng điện thoại gập Mate XT có giá 2.800 USD, “giúp họ thu hút được sự chú ý từ những lượng khác hàng cao cấp tại thị trường Trung Quốc”.
Doanh thu tại Trung Quốc đại lục của Apple giảm gần 8% tính tới cuối tháng 9. CEO Tim Cook đã tới thăm Trung Quốc tới 3 lần vào năm ngoái trong nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ chính sách để ra mắt được tinh năng AI trên dòng iPhone 16.
Các nhà phân tích kỳ vọng một chương trình trợ cấp — được Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia công bố trong tháng này – sẽ thúc đẩy nhu cầu về điện thoại thông minh. Là một phần của chương trình trị giá 11 tỷ USD, Trung Quốc sẽ cấp trợ cấp 15% cho những người đổi điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị cũ khác để mua các thiết bị điện tử tiêu dùng có giá trị dưới 6.000 Nhân dân tệ (818 USD). Mẫu iPhone 16 cơ bản có giá bán lẻ là 5.999 Nhân dân tệ tại Trung Quốc, mặc dù công ty đã đưa ra các chương trình giảm giá khuyến mại hiếm hoi cho điện thoại của mình trong những tháng gần đây.
“Trong số các nhà sản xuất lớn, chúng tôi cho rằng các công ty như Huawei, Honor, Oppo, Vivo và Xiaomi (theo thứ hạng) có vị thế tốt để hưởng lợi”, nhà phân tích Frank He của HSBC đã viết trong một lưu ý vào tuần trước, đồng thời nói thêm rằng cấu trúc của các khoản trợ cấp có nghĩa là chủ sở hữu điện thoại có giá trị từ 3.333 đến 6.000 Nhân dân tệ sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. “Dẫu vậy, chúng tôi thấy việc này tác động hạn chế đến chuỗi cung ứng của Apple”.
Will Wong, một nhà phân tích tại công ty nghiên cứu IDC cho biết những thách thức cốt lõi của Apple vào năm 2024 xuất phát từ những khó khăn trong việc triển khai các tính năng AI, cũng như tâm lý tiêu dùng suy yếu tại Trung Quốc, nơi người chọn tiết kiệm tiền bằng cách tìm đến các thương hiệu cung cấp điện thoại với nhiều mức giá hơn.
“Người tiêu dùng đã thay đổi sau Covid-19, họ thận trọng hơn”, ông nói. “Tâm lý ‘sợ bỏ lỡ’ không còn mạnh mẽ nữa”. Ông nói thêm rằng hiệu suất hoạt động của Apple vào năm 2025 sẽ phụ thuộc vào việc liệu công ty này có thể điều hướng được môi trường pháp lý của Trung Quốc để triển khai các tính năng AI có “yếu tố gây ấn tượng” và thu hút người mua khỏi các sản phẩm sáng tạo từ các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc hay không.
Theo: Financial Times