Site icon DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU

Bàn cách giải quyết hơn 10.000 căn hộ tái định cư bỏ hoang

Ngân sách TP nặng gánh

Ngày 8.5, có mặt tại khu chung cư Phú Mỹ (Q.7, TP.HCM) chúng tôi chứng kiến 2 hình ảnh đối lập. Trong khi cuộc sống ở đây khá nhộn nhịp, thì riêng 42 căn hộ dành tái định cư cho người dân bị thu hồi đất trên địa bàn Q.7 bỏ hoang nhiều năm nay, không có người ở đang xuống cấp trầm trọng. Các thiết bị, vật tư trong căn hộ chúng tôi ghé vào đã hoen gỉ, bong tróc ẩm mốc. Những căn còn lại chắc cũng không khá hơn vì bỏ hoang lâu nay.

Khu nhà tái định cư Thủ Thiêm bỏ hoang nhiều năm đã xuống cấp, hoang tàn

Tại khu tái định cư Thủ Thiêm, dù xây dựng trên đất vàng nhưng hàng ngàn căn hộ cũng bỏ hoang nên xuống cấp nghiêm trọng. Khi thấy người lạ xuất hiện, các bảo vệ báo về Trung tâm quản lý nhà và giám định xây dựng (thuộc Sở Xây dựng TP.HCM – đơn vị được UBND TP.HCM giao quản lý nhà tái định cư) và chỉ ít phút sau nhiều người có mặt và yêu cầu chúng tôi rời khỏi nơi đây.

Quan sát bên ngoài có thể nhận thấy các tòa nhà đã hư hại nhiều, nhất là các vật tư, thiết bị ngoài trời. Tại các khu công viên thì cỏ mọc um tùm, ghế và các thiết bị tập thể dục đã hư hại. Nhiều căn shophouse được tận dụng làm kho chứa vật liệu xây dựng, thậm chí rác. Đường vào các tòa nhà được rào chắn cẩn thận vào hàng rào, hàng rào dây thép gai. Thậm chí, một khu nhà trước đây được trưng dụng làm Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 thì đến nay các bảng hiệu vẫn còn đó, chưa được gỡ xuống.

Thế nhưng, TP vẫn đang phải thuê các công ty quản lý các căn hộ tại đây và đang nợ đến hơn 70 tỉ đồng. Trả lời Thanh Niên, ông Phạm Ngọc Lâm, đại diện Công ty cổ phần dịch vụ bảo trì và quản lý chung cư Era Town, cho biết từ tháng 2.2023 đến nay, nhiều lần công ty gửi công văn đề nghị Trung tâm quản lý nhà và giám định xây dựng thanh toán hơn 500 triệu đồng phí quản lý 42 căn hộ tái định cư tại chung cư Phú Mỹ nhưng vẫn chưa đòi được nợ. Cũng vì không được trả tiền đã làm ảnh hưởng đến nguồn tài chính, gây khó khăn trong công tác vận hành nhà chung cư của đơn vị này.

Nhà tái định cư bỏ hoang, ngân sách TP mỗi năm phải chi ra hàng trăm tỉ đồng để bảo trì, quản lý

Tại khu chung cư Khang Gia (Q.Gò Vấp) cũng có 102 căn hộ tái định cư thuộc nhà nước quản lý đang để trống được Công ty TNHH thương mại dịch vụ quản lý Cao ốc quốc tế quản lý. Tuy nhiên, từ tháng 8.2020 đến nay, Trung tâm quản lý nhà và giám định xây dựng chưa thanh toán hơn 1 tỉ đồng tiền phí quản lý, mặc dù công ty đã hai lần gửi văn bản đề nghị thanh toán.

Trong khi hàng ngàn căn hộ tái định cư bỏ hoang thì theo các chuyên gia, việc TP buộc các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải dành quỹ nhà tái định cư phục vụ nhu cầu tái định cư trên địa bàn quận, huyện đã gây nhiều bất cập.

Điển hình, tại khu chung cư Kingdom 101 (Q.10), theo quy định đã dành hơn 100 căn hộ làm nhà tái định cư. Nhưng UBND Q.10 đã có văn bản gửi TP là quận không có nhu cầu. Chủ đầu tư sau đó cũng kiến nghị TP cho bán số căn hộ này để lấy tiền đưa vào ngân sách. Thế nhưng, sau nhiều năm công văn qua lại đến nay số căn hộ trên vẫn chưa có lối ra. Đáng nói, do vướng về nhà tái định cư khiến việc làm sổ hồng của cư dân nơi đây bị chậm trễ. Quá bức xúc nhiều cư dân đã đâm đơn cầu cứu, khiếu nại, khiếu kiện khắp nơi. Đây là tình trạng chung đang diễn ra trên địa bàn TP.

Chuyển qua làm nhà ở xã hội

Luật sư Trần Minh Cường (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng tình trạng các căn hộ tái định cư bỏ hoang phần lớn là do chính sách tái định cư đã lỗi thời. Mấu chốt lớn nhất là các căn hộ này không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người dân, chất lượng xây dựng còn rất kém so với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, khi xây dựng không tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, khâu đền bù lại không thỏa đáng, người dân không chấp nhận dẫn đến hậu quả là các căn hộ tái định cư bị bỏ hoang cho đến nay.

Ghế đá, công viên xuống cấp, hư hại nặng tại một dự án tái định cư bỏ hoang

“Đã đến lúc cần thay đổi quan điểm về nhà tái định cư. Thay vì xây nhiều nhà tái định rồi để hoang, TP có thể liên kết với doanh nghiệp (DN) bất động sản để mua nhà thương mại làm nhà tái định cư bố trí cho người dân nếu cần. Đối với số căn nhà tái định cư “trộn” lẫn trong các chung cư thương mại nên giao về cho chủ đầu tư bán để thu hồi vốn nộp vào ngân sách nhà nước”, ông Cường đề xuất và lập luận, ngân sách nhà nước đang khó khăn, trong khi để hoang càng lâu thì số căn hộ này càng xuống cấp, càng mất giá, thậm chí trở thành gánh nặng khi mỗi năm TP phải bỏ ra số tiền hàng trăm tỉ đồng để bảo trì, bảo dưỡng và quản lý. Nay đem bán rẻ cho người dân, thu hồi vốn cho ngân sách để trả nợ và đầu tư vào các dự án hạ tầng, xã hội phục vụ lại cho người dân TP.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu dẫn chứng vì nhà tái định cư bỏ hoang gây lãng phí mà TP đã đưa ra 3.790 căn hộ thuộc khu 38,4 ha (TP.Thủ Đức) nằm trong tổng thể 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư khu đô thị mới Thủ Thiêm để bán đấu giá. Số căn hộ này từng được đấu giá vào năm 2017, với mức khởi điểm 8.800 tỉ đồng và năm 2018 với mức 9.100 tỉ đồng nhưng thất bại.

“TP nên đấu lẻ từng gói thầu cho người dân thay vì bán sỉ. Một giải pháp nữa được đưa ra là chuyển số căn hộ trên thành nhà ở xã hội. Bởi hiện nay nhu cầu về nhà ở xã hội đang rất lớn và người mua nhà được hỗ trợ về lãi suất nên có thể dễ dàng bán hơn là đấu giá sỉ”, ông Châu kiến nghị.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên – Môi trường, TP hiện đang triển khai hàng loạt dự án hạ tầng quan trọng nên phải chuẩn bị sẵn quỹ nhà trước khi tiến hành bồi thường. Ở mỗi dự án bồi thường giải phóng mặt bằng, Nhà nước đều chuẩn bị 3 nguồn lực gồm: tiền, nền đất và nhà tái định cư để người dân lựa chọn. Nếu như trước đây giá bồi thường giải phóng mặt bằng thấp, người dân thường chọn nhà tái định cư thì đến nay chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã thay đổi, giá bồi thường sát giá thị trường nên phần lớn người dân sẽ nhận tiền và tự tạo lập chỗ ở mới.

Vị này cho biết để tiếp tục bán đấu giá quỹ nhà tái định cư nhằm khởi động lại thị trường bất động sản, sớm thu hồi vốn về cho ngân sách. Sở đã tham mưu cho UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện các việc như: xác định thẩm quyền quyết định bán đấu giá; chuyển đổi mục tiêu từ quỹ nhà tái định cư sang thương mại; lập sở hữu nhà nước đối với hạng mục công trình sử dụng chung, cầu thang, lối đi, hành lang, công viên… để đấu giá thành công các căn hộ ở khu tái định cư Thủ Thiêm cũng như nhiều nơi khác.

Đa phần người dân đã quen với cuộc sống, việc làm tại nơi đã bị giải tỏa và không muốn chuyển tới sống tại chung cư nên lựa chọn lấy tiền mặt để tự lo nơi ở mới. Đó là lý do dẫn tới nhà tái định cư bị ế, bỏ hoang.

Một lãnh đạo Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM


Nguồn

Exit mobile version