Site icon DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU

Cần làm rõ tình trạng buông lỏng quản lý các mỏ khoáng sản

Công tác quản lý khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như đất san lấp, cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn bất cập. Các doanh nghiệp được cấp phép khai thác đã thao túng thị trường, đẩy giá liên tục tăng. Công tác quản lý lỏng lẻo, thậm chí có tình trạng cán bộ “bảo kê”, “chống lưng” cho hoạt động khai thác khoáng sản, dẫn đến việc khai thác vượt trữ lượng được cấp phép, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Theo quy định, giá cát niêm yết tại mỏ là 150.000 đồng/m3 nhưng thực tế tại tỉnh Quảng Nam, trong một thời gian dài các doanh nghiệp xây dựng và người dân muốn mua được cát thì phải trả tiền mặt với giá “cắt cổ” mà không có hoá đơn. Hiện giá cát xây dựng tại tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng bị “thổi” lên từ 500.000 đồng/m3 đến 600.000 đồng/m3.

Nhiều doanh nghiệp bắt tay nhau găm hàng, gây khan hiếm cát

Tại khu vực các huyện miền núi Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, giá cát cũng ở mức 400.000 đồng/m3 khi mua tại mỏ. Giữa năm 2023, khi dư luận lên tiếng, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp kiểm soát giá nguyên vật liệu xây dựng; kịp thời điều chỉnh, công bố giá vật liệu xây dựng theo tháng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi. Thế nhưng sau một thời gian, mọi việc lại như cũ.

Một nhà thầu xây dựng bức xúc nêu thực trạng. “Giá cát khi đến chân công trình còn phụ thuộc vào vị trí công trình và đường vận chuyển nữa. Mua tại mỏ thì khoảng 400.000 đồng/m3 nhưng đến chân công trình của tôi thì từ 600.000 đồng/m3 đến 700.000 đồng/m3 cát. Bán với giá cao ngất ngưởng như vậy nhưng các chủ mỏ có lúc thì xuất hoá đơn có lúc không chịu xuất hoá đơn. Ví dụ, mình mua 100 triệu đồng thì họ chỉ xuất hoá đơn 10 triệu đồng hoặc 20 triệu đồng thôi vì sợ vượt trữ lượng nên các chủ mỏ không dám xuất hoá đơn nhiều”.

Trong một thời gian dài, nguồn cung đất san lấp tại tỉnh Quảng Nam thiếu hụt dẫn đến nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn “đứng bánh”. Là địa phương có nhiều đồi núi, nguồn đất, đá dồi dào nhưng tỉnh Quảng Nam lại đang khan hiếm đất đắp nền là một nghịch lý. Giá đất san lấp trên thị trường vượt xa đơn giá dự toán công trình dẫn đến tình trạng “càng làm càng lỗ”.

Tại tỉnh Quảng Nam có 7 cây cầu xây xong nhưng chưa có đường dẫn vì thiếu đất đắp.

Đại diện một doanh nghiệp xây dựng tại huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết, chủ đầu tư liên tục yêu cầu đẩy nhanh tiến độ nhưng nhà thầu gần như bế tắc do không có nguồn đất san lấp: “Theo dự toán, đơn giá đất san lấp chỉ 56.000 đồng/ m3 đến chân công trình, nhưng  thực tế chúng tôi phải mua với giá 170.000 đồng/m3. Chúng tôi tính toán khi hoàn thành phải bù, riêng phần giá đất chênh lệch phải lên đến 3 tỷ đồng. Điều này khiến doanh nghiệp rất khó khăn nhưng đã dự thầu chúng tôi phải chấp nhận làm, tuy nhiên nguồn đất hợp pháp trên địa bàn huyện hiện không có để thi công”.

Giá cát, đất san lấp chưa có dấu hiệu giảm, nguồn cung khan hiếm, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Dự án hoàn thiện đường Võ Chí Công, tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, khởi công từ đầu năm nay nhưng đến nay vẫn chưa tìm được nguồn đất. Trên địa bàn tỉnh này hiện có 7 cây cầu, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, thi công gần hoàn thiện nhưng chưa có đường dẫn do thiếu đất đắp. Dự án đường tránh lũ kết nối trung tâm huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam với Quốc lộ 1A và đường 14H dài 4km, tổng vốn đầu tư 280 tỷ đồng. Công trình này triển khai từ tháng 4/2020, dự kiến tháng 4/2023 hoàn thành nhưng đến nay chỉ mới đạt 60% khối lượng và phải tạm dừng do thiếu đất san lấp.

Chính quyền các địa phương có văn bản đề nghị tỉnh cho chủ trương khoanh vùng một số điểm mỏ đất, không tổ chức đấu giá nhằm mục đích phục vụ các dự án trọng điểm. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá tình hình thực hiện các thủ tục khai thác và khả năng cung ứng vật liệu xây dựng thông thường, nhất là đất san lấp phục vụ các công trình giao thông; đề xuất các giải pháp giải quyết việc khan hiếm vật liệu xây dựng.

Ông Bùi Ngọc Ảnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam thông tin: “Sở Tài nguyên và Môi trường vừa phê duyệt thêm 22 điểm mỏ để tổ chức đấu giá. Hiện nay theo phân cấp thì giao cho UBND cấp huyện tổ chức đấu giá các điểm mỏ này. Chúng tôi đang đôn đốc việc này, địa phương nào đã có quyết định đấu giá của tỉnh rồi thì khẩn trương tổ chức đấu giá các điểm mỏ”.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra tiến độ các dự án trên địa bàn.

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, trong những năm đến, tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức đấu thầu, cấp phép hoạt động cho 640 mỏ đất. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có 70 mỏ đất đang khai thác và sắp được cấp phép khai thác.

Trong một thời gian dài, tại tỉnh Quảng Nam, hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi, đất đá tồn tại rất nhiều bất cập. Một số doanh nghiệp khai thác vượt công suất, chậm thực hiện hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác. Nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động bán hàng không xuất hóa đơn, xuất hóa đơn với giá trị ghi thấp hơn thực tế thanh toán. Một số doanh nghiệp có biểu hiện bắt tay nhau găm hàng, thao túng giá.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam cho biết, tỉnh sẽ triển khai các biện pháp cứng rắn nhằm chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản:“Việc quản lý khai thác, quản lý giá đất, giá cát tồn tại nhiều vấn đề gây thất thoát tiền thuế. Thậm chí có tình trạng bảo kê cho hoạt động khai thác khoáng sản. Đây là vấn đề rất nóng. Tôi nhận được rất nhiều đơn thư tố cáo liên quan đến quản lý, khai thác khoáng sản. Người dân giám sát hoạt động khai thác khoáng sản và tố cáo việc một số mỏ khai thác vượt trữ lượng. Người dân phản ảnh việc một số mỏ chỉ được phép khai thác trữ lượng 50.000m3/ ngày, nhưng thực tế thì khai thác đến 300.000m3/ngày. Người dân chỉ rõ danh tính cán bộ lãnh đạo bảo kê cho mỏ khoáng sản đó. Cơ quan chức năng gần như không quản lý được vấn đề này”.

Nguồn

Exit mobile version