Kinh Tế

‘Chính sách khuyến khích phát triển năng lượng mới chưa đột phá’

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, các chính sách khuyến khích phát triển năng lượng mới (điện hạt nhân, hydrogen…) tại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) chưa đột phá, khó thu hút đầu tư.

Tại phiên thảo luận ở tổ chiều 26/10, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng cơ chế phát triển các nguồn năng lượng mới như điện khí LNG xanh, amoniac xanh, điện hạt nhân… chưa rõ ràng. Hay chính sách xử lý pin mặt trời, pin lưu trữ điện chưa được đề cập và không rõ trách nhiệm nhà sản xuất trong tái chế, thu hồi.

“Các chính sách khuyến khích phát triển năng lượng vẫn mang tính rời rạc”, bà nhận xét.

Ngoài ra, theo bà các chính sách đưa ra tại dự thảo luật vẫn thể hiện sự can thiệp của cơ quan quản lý tới nhà đầu tư. Ví dụ, cơ chế khuyến khích ưu đãi, giao thẩm quyền lớn cho cơ quan Nhà nước, dẫn tới tùy tiện, bất lợi cho nhà đầu tư. Bà Thủy nhắc lại câu chuyện lùm xùm trong phát triển nóng điện tái tạo giai đoạn vừa qua, chưa được giải quyết dứt điểm. Trường hợp tới đây tiếp tục giao quyền cho cơ quan quản lý – Bộ Công Thương, bà lo ngại tiếp tục bất cập, xung đột.

“Cơ chế đang xây dựng không an toàn cho nhà đầu tư, nhất là lĩnh vực điện tái tạo (điện gió, mặt trời, khí LNG). Trao quyền cao, nhưng trách nhiệm Bộ Công Thương chưa rõ. Đây sẽ là cản trở trong hoạt động đầu tư vào năng lượng, không đạt yêu cầu khi sửa luật”, bà nói.





Bà Trần Thị Lệ Thủy, đại biểu đoàn Bến Tre. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Bà Trần Thị Lệ Thủy, đại biểu đoàn Bến Tre. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Giải trình ở họp tổ, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết lần sửa đổi này, cơ quan soạn thảo bổ sung các cơ chế đặc thù phát triển điện tái tạo, năng lượng mới, nhằm tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư các nguồn điện này. Bởi theo ông, Quy hoạch điện VIII, kế hoạch thực hiện quy hoạch này đã ban hành hơn một năm nay, tới giờ các nhà đầu tư vẫn “uể oải, nghe ngóng cơ chế, không dám làm”.

Ông Diên giải thích một dự án điện than mất khoảng 5-6 năm đầu tư, thi công cho tới khi vận hành, điện khí LNG 7-8 năm. Hay dự án điện hạt nhân, giờ bắt đầu khởi động thì cũng mất khoảng 10 năm mới có thể vận hành. Trong khi thực tế, các nguồn điện lớn, như thuỷ điện, đã phát triển tới hạn.

Mặt khác, Việt Nam phải chuyển đổi mạnh, cơ cấu lại nguồn điện để đạt Net Zero vào 2050 như cam kết tại Hội nghị COP 26, nên không sửa luật sẽ khó phát triển các nguồn năng lượng mới.

“Chậm ban hành luật này một ngày sẽ khiến các dự án điện bị kéo dài cả năm trời, nguy cơ rủi ro, mất an toàn, an ninh năng lượng quốc gia”, ông nói và đề nghị Quốc hội xem xét, cho phép thông qua dự thảo luật này tại kỳ họp 8. Bởi, từ nay tới 2030 còn khoảng 5 năm, nếu luật này không được thông qua năm nay thì không có cách nào thực hiện mục tiêu đặt ra tại Quy hoạch điện VIII.





Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại thảo luận ở tổ, chiều 26/10. Ảnh: Nguyễn Dũng

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại thảo luận ở tổ, chiều 26/10. Ảnh: Nguyễn Dũng

Theo Quy hoạch điện VIII, tổng công suất nguồn điện tới 2030 phải gấp gần 2 lần hiện nay, trên 150.000 MW và tới 2050 khoảng 530.000 MW. Điều này đòi hỏi phát triển nguồn điện rất mạnh, không có cơ chế thì khó đạt mục tiêu.

Ngoài ra, Việt Nam đặt mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào 2050, tức cần phát triển mạnh năng lượng tái tạo, chuyển đổi các nguồn điện truyền thống, phát thải cao (than, khí) sang các nguồn điện ít phát thải hơn, điện sạch. Song, hiện cơ chế phát triển các nguồn năng lượng sạch còn thiếu, chưa đồng bộ.

Tuy vậy, bà Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật băn khoăn dự thảo luật đề cập nhiều vấn đề mới, như điện hạt nhân, năng lượng mới, nên “nếu làm sơ sài, không rõ chính sách đột phá, khó thực thi”.

“Việc thông qua dự án luật này tại một kỳ họp là mạo hiểm, vì việc sửa đổi chính sách cần chắc chắn, kỹ lưỡng”, bà nêu quan điểm.

Đồng tình, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lo ngại, vội vã sửa mà không theo tổng thể, thì sửa cái này lại gây ra vướng mắc vấn đề khác. “Nếu sửa vội, sẽ sinh ra cái khác khó khăn hơn, càng bất cập. Vì vậy, việc sửa đổi luật rút gọn trong một kỳ chỉ nên điều chỉnh những gì đã rõ, cấp bách, không nên ôm đồm”, ông nêu quan điểm.

Một trong những điểm mới khi sửa luật lần này, theo Bộ trưởng Diên là đưa ra cơ chế để giá điện theo thị trường, tiến tới xóa bù chéo giữa sản xuất, kinh doanh và hộ dùng điện sinh hoạt.

Theo ông Diên, giá điện hiện chưa phản ánh đúng, đủ giá thành sản xuất. Ví dụ, giá truyền tải mới đạt tỷ lệ 5-6% trong giá thành sản xuất, trong khi thực tế chi phí này phải tương đương 30-35%.

“Giá điện sẽ tiến tới tính theo giá hai thành phần (điện năng và công suất), khung giá điện theo giờ và từng bước bóc tách phí truyền tải ra khỏi giá thành điện năng”, ông nói, thêm rằng như vậy mới có thể thu hút nhà đầu tư rót vốn vào lĩnh vực truyền tải.

Thế nhưng các chính sách xoá bù chéo giá điện theo nhận xét của bà Trần Thị Kim Nhung là “chưa rõ thực hiện thế nào”. Bà cho hay nhiều câu từ mang tính lãnh đạo, chỉ đạo hơn là giải pháp như “tiến tới”, “đẩy mạnh”, không rõ phương án cụ thể.

“Cơ quan soạn thảo cần làm rõ lộ trình, nguyên tắc thực hiện thế nào để không bù chéo, phân biệt chính sách bù chéo và hỗ trợ hộ nghèo, khó khăn”, bà Nhung góp ý.

Còn bà Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng quy định tại dự thảo luật chưa tách bạch vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong hạch toán giá từ các nguồn kinh doanh, với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Anh Minh


Nguồn