Site icon DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU

Chịu cảnh thất nghiệp 3 tháng, chỉ nằm nhà học tiếng Anh trong lúc bạn bè đi làm hết, bị gia đình phản đối kịch liệt vì nghỉ việc

Ông Nguyễn Xuân Phú – Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse.

Mong muốn lớn nhất của tôi là tìm hiểu tại sao người ta giàu có, mình lại nghèo khổ“, ông Nguyễn Xuân Phú – Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse – chia sẻ về quyết định khởi nghiệp ở tuổi 28 trong chương trình “Quốc gia khởi nghiệp” của VTV1, được fanpage Shark Tank Việt Nam chia sẻ lại mới đây.

Theo lời kể của vị “cá mập” trong hội đồng đầu tư của Shark Tank Việt Nam, thời ông mới tốt nghiệp chưa có văn hóa thành lập doanh nghiệp riêng. Đa phần sinh viên sẽ được Nhà nước bố trí chỗ làm.

Sau 6 tháng tôi được vào biên chế chính thức của Nhà nước, nhưng cảm thấy có gì đó nhàm chán. Tôi luôn trăn trở rằng nếu như này làm sao chúng ta giàu được. Vì vậy, tôi quyết định nghỉ việc trong ngành xăng dầu. Đấy là quyết định mà tôi nghĩ là khó khăn nhất ở giai đoạn đó, bị bố mẹ, họ hàng phản đối cực lực.

Tôi có 3 tháng nằm nhà, trong khi bạn bè đi làm hết, chỉ để học tiếng Anh. Mục đích là xin được vào một doanh nghiệp nước ngoài, giúp mình có cái nhìn toàn diện hơn“, Shark Phú chia sẻ.

3 lần “nhảy việc” và quyết định khởi nghiệp ở tuổi 28

Theo tìm hiểu, bến đỗ tiếp theo của Shark Phú sau khi nghỉ việc ở Tổng công ty xăng dầu Việt Nam là VMEP – doanh nghiệp sản xuất xe máy 100% vốn của Đài Loan. Ông chịu trách nhiệm tìm kiếm nguồn hàng, vận chuyển và những công việc liên quan xuất nhập khẩu…

Tuy nhiên, do công việc vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, Shark Phú lại “nhảy việc”. Lần này, ông bước chân vào môi trường mang tính toàn cầu là Tập đoàn Ford, được giao xây dựng một phòng vật tư. Công ty cung cấp cho ông ngân sách 1 triệu USD và một cố vấn người Úc, còn kế hoạch triển khai đều được tự quyết. Ngoài ra, ông cũng được tới thăm các nhà máy của Ford trên thế giới.

Shark Phú khẳng định giai đoạn làm ở Ford đã giúp ông trở nên tự tin, dám đưa ra quyết định. Nhưng sau 2 năm, khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định, ông lại cảm thấy công việc lặp đi lặp lại và quyết định nghỉ việc lần thứ 3.

Khi làm nhân viên thì mình chỉ hoàn thành tốt được một công việc, chắc chắn không phải là người tạo ra giá trị cho cuộc sống nhiều hơn, không thể đóng góp nhiều hơn. Vì vậy, sau khi làm cho Ford 2 năm, tôi cũng nghỉ và ra ngoài khởi nghiệp“, Shark Phú kể lại trong chương trình “Quốc gia khởi nghiệp”.

Hồi tưởng về giai đoạn bắt đầu hành trình mới, Shark Phú cho biết điều khó khăn nhất là cảm giác cô đơn, không có người chia sẻ hoặc hỗ trợ. Ngay cả em gái của ông cũng nghỉ việc sau 1-2 tuần vì “chán”.

Khởi nghiệp là hành trình mà trong đầu cảm thấy rất tươi đẹp, hoành tráng, nhưng thực sự bắt tay vào việc mới thấy rất khó khăn“, Shark Phú bày tỏ.

“Các bạn trẻ không kiên nhẫn là vì có đường lùi”

Đề cập tới phong trào khởi nghiệp hiện nay, Shark Phú cho rằng mọi thứ đã thay đổi.

Trước đây, nếu chúng tôi để doanh nghiệp chết là mất hết, vì tiền là của mình, đi vay bố mẹ và anh chị em. Toàn bộ gia sản đổ vào đó, mất là mất hết, không còn cơ hội làm lại.

Nhưng hiện nay mọi thứ đã khác. Các bạn trẻ chỉ cần ý tưởng tốt là các quỹ, nhà đầu tư sẽ rót tiền. Sức ép lên các bạn không lớn, nếu thất bại có thể xóa công ty đó đi và đi làm thuê, không phải lo trách nhiệm làm mất mát tài sản của những người đã đầu tư. Các bạn ấy không có tính kiên nhẫn là vì có đường lùi“, Shark Phú nêu quan điểm.

Ông nói thêm rằng đối với những dự án bị bỏ dở giữa chừng, startup chính là bên chịu thiệt hại đầu tiên, vì họ phải bỏ thời gian và công sức trong những năm tuổi trẻ quý giá. Sau đó là tiền bạc của nhà đầu tư. Thay vì tin tưởng vào dự án đó, nhà đầu tư có thể rót vốn cho dự án khác có tiềm năng sinh lời để tạo nhiều công ăn việc làm cho xã hội hơn. Tổng hòa là xã hội mất rất nhiều.

Đó là lý do trong các thương vụ mà tôi đầu tư, tôi đều đưa ra những điều kiện rất khắt khe, để các bạn ấy hiểu rằng sau khi nhận được vốn, nếu thất bại phải trả giá. Chính vì sự trả giá đó, trong tất cả các hành động phải suy nghĩ thấu đáo và tính toán hơn.

Tất nhiên khi kêu gọi đầu tư không hẳn chỉ vì tiền. Các nhà đầu tư chính là các chuyên gia có thể hỗ trợ phần thiếu của startup. Điều quan trọng nhất là các startup cần nhìn ra điểm yếu và thiếu của mình để lựa chọn nhà đầu tư có thể hỗ trợ, bù đắp cho mình ngoài nguồn vốn“, Shark Phú cho hay.


Minh Anh

Nguồn

Exit mobile version