Chợ đêm, phố đi bộ vẫn chờ thắp sáng
Muốn thâu đêm cũng khó
Kinh tế ban đêm không phải khái niệm mới, nhưng đúng như đánh giá của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng, phát triển kinh tế đêm ở VN là vấn đề không hề dễ dàng.
Thực tế, khung pháp lý để phát triển kinh tế đêm, xây dựng những mô hình sản phẩm về đêm hiện đã được Chính phủ và ngành VH-TT-DL quy định khá rõ, cởi mở nhưng địa phương vẫn chưa dám mạnh dạn triển khai. Bởi vậy, doanh nghiệp làm gì cũng khó.
“Tối thứ bảy vừa rồi, tôi cùng mấy người bạn ra Bùi Viện lai rai vài lon bia. Ở TP.HCM nhưng mấy năm rồi mới quay lại Bùi Viện, khác thật. Hàng quán bày bàn ghế tràn xuống đường. Nhiều quán rượu còn bày cả sàn nhảy ra ngoài, sôi động không khác gì phố đi bộ ở Pattaya, Thái Lan. Khách từ trong ra ngoài đông nghẹt, cả Tây lẫn ta. Đang ngồi vui thì tới gần 1 giờ, có lực lượng chức năng đi ngang từng quán nhắc dẹp bàn ghế, tắt nhạc. Lúc đó quán chúng tôi ngồi vẫn còn khoảng gần 100 khách. Đa số khách nước ngoài ngơ ngác, không hiểu chuyện gì. Đến khoảng 2 giờ thì hàng rào chắn 2 đầu đường mở, xe cộ lại rầm rập đi vào. Nhạc tàn thì cuộc vui cũng tan, ai về nhà nấy”, anh Trần Hiếu (ngụ Q.4, TP.HCM) kể lại trải nghiệm mới đây tại con phố náo nhiệt nhất TP.HCM.
Là biểu tượng của thú chơi đêm khi du khách đến với TP.HCM nhưng hệ thống vũ trường, quán bar tại Bùi Viện cũng chỉ được mở cửa tới 2 giờ sáng. Với những người mê sàn nhảy, đặc biệt giới trẻ thì 22 – 23 giờ mới bắt đầu “lên đồ”. Quy định đến 2 giờ thì đúng như nhiều người nhận xét, nhạc chưa kịp lên đã phải kéo nhau về. Chưa kể, Bùi Viện chỉ đúng nghĩa là phố đi bộ trong khung giờ giới nghiêm vào cuối tuần. Ngày bình thường, tuyến đường này vẫn cho xe di chuyển, giao thông và du lịch “trộn” vào nhau. Tương tự, karaoke chỉ được phép hoạt động đến 24 giờ, trong khi các rạp phim thì liên tục bị “dọa” phạt nếu mở sau 0 giờ và ì ạch đề xuất suốt mấy năm qua vẫn chưa được nới tới 2 giờ sáng. Tuy vậy, nhiều rạp phim vẫn mở bán suất chiếu muộn nhất vào lúc 23 giờ 30, phục vụ số lượng không nhỏ khách có nhu cầu xem phim đêm.
Ở Hà Nội, phố đi bộ Tạ Hiện cũng liên tục trải qua nhiều đợt kiểm tra về vi phạm trật tự đô thị khi người dân thủ đô than phiền vì tình trạng hàng quán bày bàn ghế tràn xuống vỉa hè, lòng đường; nhạc quán bar – chất liệu chính hút khách quốc tế – thì bị ví “như bom, như mìn”.
Không chỉ các loại hình giải trí đặc thù có âm thanh lớn, nhiều nhà hàng, quán nhậu cũng đang khốn khổ vì “không ai cấm nhưng hoạt động không nổi” vì khách sợ thổi nồng độ cồn.
Mở quán bò nướng ở khu đô thị HUD (TX.Sơn Tây, Hà Nội) chưa được 1 năm, anh Thanh Sơn đã phải thông báo đóng quán vì không có khách, không kham nổi tiền mặt bằng. “Giờ kinh tế khó khăn, mọi người cũng hạn chế chi tiêu ăn uống. Lại thêm lực lượng công an siết chặt quản lý theo Nghị định 100 nên chẳng ai còn dám đi ăn nhậu nữa. Hàng quán ế ẩm, chẳng phải riêng nhà tôi mà cả dãy đồ nướng ở đây gần như cũng phải đóng hết. Khu này lúc trước buổi tối đông vui nhộn nhịp tới khuya, giờ mới hơn 20 giờ đã vắng tanh. Sống còn chẳng nổi, nói gì tới làm du lịch”, anh Thanh Sơn than.
Cần đổi mới từ tư duy đến cách làm
Đã 30 năm hoạt động trong ngành du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation, đánh giá: Sau khi Chính phủ thông qua đề án phát triển kinh tế đêm, trong 4 năm qua, khắp các tỉnh, thành trên cả nước từ nam chí bắc đều rầm rộ hưởng ứng chủ trương, quyết tâm kích hoạt “cỗ máy in tiền” này. Tuy nhiên, quan điểm về kinh tế đêm vẫn rất hời hợt, theo công thức. Ví dụ quy hoạch phố đi bộ, bỏ vào đó các hoạt động ăn nhậu là xong. Trong khi về mặt sản phẩm, kinh tế đêm là tất cả những hoạt động vui chơi, giải trí, ăn uống từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau nhưng không phải tự phát mà phải được quy hoạch bài bản theo từng khu vực. Đơn cử, ẩm thực là lợi thế rất lớn của VN nhưng làm phố ẩm thực, chợ đêm không phải chỉ cần tập trung các hàng quán, rào đường, tô sơn, kẻ vạch là thành phố ẩm thực, thành chợ đêm. Muốn làm chợ đêm thì ngay từ đầu phải có quy hoạch, từ quy hoạch đất đai không nằm sát khu dân cư, cho đến hệ thống giao thông, cấp thoát nước, gắn với quy hoạch đô thị; phải đào tạo từ người bán đến người mua; cho phép xây dựng quy chế quản trị an ninh trật tự; phải đảm bảo được vấn đề môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, thậm chí là cả chính sách thuế.
Tại Campuchia, các khu vui chơi, ăn uống được quản lý rất tốt. Khu vực các nhà hàng được quy hoạch bài bản, khách vào đó vui chơi sẽ trả thuế như bình thường hoặc được giảm thuế. Nếu khách ăn uống bên ngoài khu đó sẽ phải chịu mức thuế cao hơn để bù lại cho chi phí quản lý của nhà nước.
Đồng quan điểm, ông Phạm Hà, Chủ tịch kiêm CEO Lux Group, nhấn mạnh du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, muốn đột phá kinh tế đêm thì phải có “nhạc trưởng” và quán triệt chủ trương, quan điểm, chiến lược, chỉ đạo tổng thể từ T.Ư tới địa phương. Bên cạnh đó, không nên dàn trải địa phương nào phát triển du lịch cũng phải tập trung vào kinh tế đêm. Thái Lan cũng chỉ tập trung vào 5 địa phương có nhiều khách nhất, có nhiều hoạt động vui chơi giải trí dễ hút khách nhất, dễ triển khai các quy định mới thông thoáng nhất… để phát triển thật mạnh các hoạt động du lịch về đêm. Ở những “điểm chọn” này, gần như mọi rào cản được gỡ bỏ, chính sách cực thông thoáng, không còn giới hạn, tạo mọi điều kiện cho khách chơi “hết nấc”, tiêu hết tiền. Ngay tại mỗi địa phương cũng cần phải quy hoạch từng khu vực cụ thể để tránh xảy ra xung đột với sinh hoạt hằng ngày của người dân. Đơn cử như cùng ở Hải Phòng nhưng khách châu Âu lại thích trải nghiệm đêm yên tĩnh ngoài vịnh, trong khi khách châu Á hay người Việt lại thích không gian sôi động, những hoạt động giải trí tưng bừng ở Bãi Cháy.
“Nếu thật sự quyết tâm đẩy mạnh kinh tế đêm thì phải có quy hoạch bài bản, chi tiết dựa trên định hướng chân dung khách hàng cụ thể. Quan trọng hơn là có cơ chế thống nhất, rõ ràng. Chúng ta đã thí điểm quá lâu rồi nhưng thực tế thì chỉ là những chỉ đạo chung chung, nỗ lực trên chủ trương, chưa đi vào thực chất. Ví dụ, giờ xác định rõ ràng xây dựng 5 mô hình kinh tế đêm chủ lực là TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc thì yêu cầu địa phương quy hoạch rõ khu giải trí về đêm, ở đó mở cơ chế thật thông thoáng, tạo điều kiện cho đủ mọi loại hình sản phẩm để khách chi tiêu, từ mua sắm đến xem biểu diễn nghệ thuật, ăn, nhậu, bar, pub, vũ trường, thậm chí cả casino… đáp ứng mọi nhu cầu của khách. Chỉ khi thay đổi tư duy, thật sự cởi mở và hiểu đúng về khái niệm kinh tế đêm thì mới kích hoạt được cỗ máy in tiền này”, ông Phạm Hà đề xuất.
Phải có cơ chế quản lý riêng đối với các hoạt động kinh doanh, dịch vụ phục vụ ngành du lịch. Nếu siết quá chặt, khách hàng không tới ăn uống, vui chơi, không đi nhậu thì kinh tế đêm sẽ mất đi một vế cực kỳ quan trọng. Người dân địa phương không được hưởng lợi, vô hiệu hóa khả năng lan tỏa mà du lịch mang lại cho nền kinh tế.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ (Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation)
Ông Phạm Hà (Chủ tịch kiêm CEO Lux Group)