Chờ đón 3 công trình biểu tượng tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 với chủ đề “Giao lộ sáng tạo” đang dần lộ diện những công trình biểu tượng. Năm nay, Lễ hội gồm 3 công trình biểu tượng (Pavilion) “Hành lang thơ ngây” tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, “Dòng” ở Vườn hoa Diên Hồng và Bắc Bộ Phủ, “Rồng rắn lên mây” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Các công trình biểu tượng được sắp đặt ở vị trí tương tác với di sản, thay vì đứng độc lập, tạo ra cuộc đối thoại với di sản và tạo sức sống cho chính các di sản đó. Thông qua đó, các nhà sáng tạo muốn viết tiếp câu chuyện sáng tạo kết nối với quá khứ, nhằm tạo ra thể thống nhất giữa truyền thống và hiện đại, có sự kế thừa và phát triển và cũng tạo ra cuộc đối thoại liên thế hệ.
(1) Pavilion “Hành lang thơ ngây”
Nhóm tác giả: KTS Nguyễn Hà Thắng, KTS Nguyễn Bá Dũng, ThS. KTS Nguyễn Lê Minh Nhựt, ThS. KTS Nguyễn Mạnh Tuấn, ThS. KTS Lê Đức.
Công trình được đặt tại Cung Thiếu nhi Hà Nội là không gian kiến trúc mang tính biểu tượng kết nối những tuyến hành lang đã từng, đã có, đã cũ của tuổi thơ với những nét thơ ngây và những hành lang mới, hiện tại và có thể là các hành lang trong tương lai. Hành lang Thơ ngây” bắt đầu và kéo dài (dường như) đến ‘vô tận’ các hành lang ở Cung ra sân chung bên ngoài, làm tiền đề thiết kế Pavilion này. Điểm giao giữa các hành lang trong Cung trở thành những khối trưng bày chính, một điểm dừng để nhìn lại những hành lang cũ – mới đan xen.
Với thiết kế này, Hành lang thơ ngây không hàm ý chia cắt, phân biệt bên trong-bên ngoài, hay các khối kiến trúc mới-cũ, mà trở thành một không gian để kết nối, tạo điều kiện cho cả trẻ em và người lớn, những lớp thế hệ khác nhau đều có cơ hội để chơi, để xem trưng bày, để học hỏi, để trò chuyện và tương tác, như những con phố trên mặt đất cũng như trong suy nghĩ.
Hành lang thơ ngây phản hồi với các mạch chủ đề trong cụm triển lãm Cung Thiếu Nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai với đa dạng hoạt động tại Cung thiếu nhi Hà Nội, trong khuôn khổ Lễ hội Thiếu kế Sáng tại Hà Nội 2024 từ 9-17/11/2024.
(2) Pavilion “Dòng”
Pavilion “Dòng” là một cụm 2 công trình kiến trúc được đặt tại khu vực Bắc Bộ Phủ và Vườn hoa Diên Hồng. Công trình do Nhà điêu khắc Phạm Thái Bình, TS. KTS Trương Ngọc Lân – Phó trưởng Khoa Kiến trúc Qui hoạch trường Đại học Xây Dựng và KTS. Nguyễn Hồng Quang (Văn phòng Kiến trúc TOOB Studio) thực hiện. KTS. Nguyễn Hồng Quang là nhà sáng lập TOOB Studio từ năm 2014 và đã cùng cộng sự nhận được nhiều giải thưởng về thiết kế. Anh cũng đã tham gia Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022, 2023 với hai Pavilion “Không gian hội nhập” tại Hồ Gươm và “Phân Xưởng Nóng” tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm.
Tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo năm nay, các KTS vẫn với sự trân trọng di sản với vẻ đẹp vốn có của tòa nhà Bắc Bộ Phủ, nơi từng là Dinh Thống sứ Bắc Kỳ rồi Phủ Khâm sai Bắc Kỳ, Bắc Bộ Phủ ghi dấu cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên tại Hà Nội năm 1945, kết thúc bằng dấu son lịch sử Giải phóng Thủ Đô năm 1954. Từ một biểu tượng di sản về lòng yêu nước của con người Thủ đô, các KTS tìm kiếm sự kết nối mới mẻ và sáng tạo với không gian chung quanh, tạo ra cụm công trình kiến trúc với tên gọi- DÒNG, gợi sự liên tưởng về một dòng lịch sử hào hùng của Thủ đô Hà Nội.
Pavilion DÒNG bao gồm 2 pavilion đưa công chúng đi từ một không gian “mở” (Vườn hoa Diên Hồng) đến không gian “đóng” (bên trong Bắc Bộ Phủ), và điểm kết của tuyến là một khu vườn nghệ thuật để người xem cảm nhận sự kết nối 2 Pavilion này, tựa như một dòng chảy lịch sử từ di sản tới hiện tại.
Trong thời gian diễn ra lễ hội, các cánh cửa của Bắc Bộ Phủ lần đầu tiên sẽ được mở ra và công chúng có thể quan sát được những điều thú vị về di tích ngay tại cụm Pavilion kiến trúc này. Đó cũng là thông điệp mong muốn được kế thừa và phát triển di sản cho những sáng tạo trong tương lai.
(3) Pavilion “Rồng rắn lên mây”
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, trước đây là Bảo tàng Louis Finot thuộc Trường Viễn Đông Bác cổ được coi là một trong những công trình tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Đông Dương ở Việt Nam thời thuộc địa, do kiến trúc sư Ernest Hébrard và Charles Batteur thiết kế, là một trong 7 di sản trong trục Giao lộ Sáng tạo của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 năm nay. Tại đây KTS. Nguyễn Công Hiệp và cộng sự từ CA’ Library đã thiết kế Pavilion Rồng rắn lên mây như một cuộc đối thoại giữa những yếu tố đương đại với vẻ cổ kính của khuôn viên công trình.
Khác với các Pavilion thông thường nhằm tạo ra điểm nhấn mang tính chất định hướng không gian cho lễ hội, Pavilion Rồng Rắn lên mây được xây dựng với mong muốn trở thành một phần của cảnh quan bảo tàng, không tranh chấp với kiến trúc chính mà tạo ra nơi chốn để thu hút mọi người đến ngắm nhìn công trình di sản này. Tên gọi Rồng rắn lên mây xuất phát từ hình thái uốn lượn của công trình, là một sự liên tưởng tới trò chơi dân gian có vẻ ít nhiều đã bị lãng quên ở hiện tại. Bằng cách thiết kế và đặt tên này, các KTS vừa mong muốn đem đến một sự uyển chuyển hài hòa về không gian, vừa mong muốn khơi gợi sự thích thú vui chơi và tìm tòi của những thế hệ trẻ, từ đó liên kết với công trình di sản và kho tàng lịch sử đang được lưu trữ và trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Xen kẽ trong không gian Rồng Rắn lên mây là các tác phẩm sắp đặt “Tỷ lệ có phải là vấn đề?” trưng bày các mô hình công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở các tỷ lệ khác nhau từ 1:20000 tới 1:75 và bằng các chất liệu khác nhau. Người tham gia có thể nhìn ngắm và khám phá dáng vẻ của công trình từ nhiều góc độ để hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử và phong cách kiến trúc của Bảo tàng.
Bên cạnh đó, hầu hết các vật liệu xây pavilion được tái sử dụng các tấm inox gương từ Pavilion tên là “Bến chờ” ở Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2023 tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Việc tái sử dụng các vật liệu cũng nằm trong ý tưởng của các KTS là chuyển tải xu hướng sáng tạo tái tạo trong tương lai.
Pavillion Rồng Rắn lên mây đặt trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hứa hẹn là một địa điểm vừa vui chơi, vừa khám phá và nhìn ngắm lịch sử phù hợp với nhiều lứa tuổi, nhiều thế hệ.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 được tổ chức dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội – Hội Kiến trúc sư Việt Nam; do Sở Văn hoá và Thể thao, Tạp chí Kiến trúc thực hiện, cùng sự đồng hành và phối hợp tổ chức của Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Thành đoàn Hà Nội, UBND Quận Hoàn Kiếm, các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, và các đơn vị liên quan… Lễ hội có sự tham gia đông đảo các các doanh nghiệp, nhóm cộng đồng, các chuyên gia và tài năng sáng tạo…
Thông tin về Lễ Khai mạc Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024
- Thời gian: 19h30 ngày 09 tháng 11 năm 2024
- Địa điểm: Quảng trường Cách mạng tháng Tám (trước Nhà hát Lớn)
- Chi tiết sự kiện, xem tại: lehoithietkesangtao.vn
© Tạp chí Kiến trúc
© Tạp chí Kiến trúc