Site icon DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU

Chuyện gì đã xảy ra?

Ảnh: NYT

Đây là một dự án bất động sản táo bạo do một nhà phát triển Trung Quốc thực hiện cách đây một thập kỷ. Thành phố Forest City trị giá 100 tỷ USD được xây dựng ở Malaysia và được giới thiệu như một “thiên đường trong mơ”.

Ngày nay, nhiều cư dân Forest City là những người tạm trú. Họ chịu trách nhiệm chăm sóc khu đất, quét dọn những con đường vắng vẻ, nhặt rác, cắt tỉa và tưới cây.

Cô Thana Selvi làm việc tại cửa hàng tiện lợi KK Supermart. Gian hàng của cô nổi bật giữa những hàng quán trống trải, hầu hết đều đóng cửa im lìm trên mặt phố. Cô thuê một căn hộ phía trên cửa hàng với giá 118 USD/tháng.

Nhìn từ xa, những toà nhà của Forest City cao chót vót trên eo biển Johor giữa Singapore và Malaysia. Nhìn gần, đường phố trong khu này vô cùng yên tĩnh. Hầu hết các căn hộ đều tối om.

Nhà phát triển bất động sản khổng lồ của Trung Quốc Country Garden đã mơ ước Forest City là một “thành phố tương lai xanh”. Thành phố này trải rộng 12 dặm vuông với 4 hòn đảo nhân tạo và dự kiến có 700.000 căn hộ. Nhưng đến nay chỉ có 1 hòn đảo và 26.000 căn hộ được hoàn thành.

Kể từ khi Country Garden nộp đơn xin phá sản vào năm ngoái, Forest City đã trở thành minh chứng cho những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc. Các chủ nợ đang kiện Country Garden ở Hồng Kông (Trung Quốc) và có thể tịch thu Forest City.

Với số lượng cư dân ít ỏi và tương lai bấp bênh, Forest City hiện chỉ còn là một vùng hoang vắng. Nơi đây đã được sử dụng làm bối cảnh cho các chương trình truyền hình thực tế “The Mole” trên Netflix và “Battle Trip” trên truyền hình Hàn Quốc. Nhà đầu tư tiền điện tử Balaji Srinivasan gần đây đã bắt đầu sử dụng một không gian ở Forest City để làm trường công nghệ tạm thời.

Dù đối mặt khó khăn, Country Garden vẫn kiên quyết với tham vọng của mình. “Bản thiết kế cho Forest City sẽ không thay đổi. Việc phát triển và xây dựng hợp lý sẽ được thực hiện theo nhu cầu”, Country Garden cho biết trong một tuyên bố với tờ New York Times.

Vào năm 2014, ngay khi xe tải bắt đầu đổ cát để xây dựng, dự án đã bị đình trệ. Hoạt động thi công đã bị dừng trong nhiều tháng để đánh giá tác động môi trường của Forest City. Các quan chức ở Singapore (tức phía bên kia eo biển) đã nêu lên mối quan ngại với Malaysia. Hai năm sau, Trung Quốc lo đồng tiền mất giá vì dòng tiền chảy ra nước ngoài, nên đã ngăn cản công dân mua bất động sản ở Malaysia và các quốc gia khác.

Chính quyền địa phương Malaysia nắm giữ 40% cổ phần tài chính tại Forest City đã cố gắng khôi phục lại sự quan tâm đến dự án. Họ hứa sẽ biến nơi này thành một khu tài chính đặc biệt. Họ bãi bỏ mọi loại thuế đối với văn phòng gia đình của các nhà đầu tư siêu giàu.

Tuy nhiên, khắp nơi đều có dấu hiệu cho thấy Country Garden đã tính toán sai nhu cầu.

Đầu tháng 9, toà nhà văn phòng ở trung tâm khu phức hợp, nơi được kỳ vọng các nhà quản lý tiền tệ sẽ mở văn phòng, đã bị khóa bằng xích và có người trông coi. Vào ban đêm, tòa nhà tối om ngoại trừ một biển LED màu xanh lá cây bị hỏng, thỉnh thoảng nhấp nháy trên đỉnh toà nhà.

Các cửa hàng trong trung tâm thương mại để dành cho các cửa hàng đồ xa xỉ và đồ miễn thuế đã bị khoá chặt bởi dây xích. Một số cửa hàng chứa đầy gỗ mục và vật liệu xây dựng.

Kiến trúc sư Michael Grove tại công ty thiết kế Sasaki đánh giá: “Country Garden đang tận dụng làn sóng thay vì nghĩ đến cơ hội tạo ra một thành phố”.

“Họ đã tiến hành xây dựng ngay lập tức”, ông Grove cho biết.

Nếu cần một công ty xây dựng Forest City thì đó chính là Country Garden. Công ty này từng là một trong những nhà phát triển năng suất nhất của Trung Quốc. Công ty đã dán quảng cáo ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và các thành phố khác. Những khách mua Trung Quốc sẽ được xem các căn hộ mẫu. Các đại lý bất động sản còn đưa ra khả năng xin visa đặc biệt và con đường trở thành công dân Malaysia.

Tại Trung Quốc, nơi có rất ít lựa chọn đầu tư ngoài bất động sản, dự án Forest City được coi là một cơ hội khó bỏ lỡ.

Su Mu sống ở Thượng Hải vào năm 2016. Country Garden tặng anh một chuyến đi miễn phí đến Forest City. Anh thấy không khí trong lành và quang cảnh đẹp. Vì vậy, anh đã mua một căn hộ ở Forest City với giá khoảng 151.000 USD.

“Giá cả ở đây không đắt so với giá ở Trung Quốc. Tôi hiện đã 40 tuổi, muốn thay đổi môi trường sống và bắt đầu lại”, anh cho biết. Anh cũng thừa nhận rằng trong toà nhà của mình không có nhiều người ở. Ban đầu, nơi này thậm chí còn mang lại cảm giác xa xôi hẻo lánh.

Khi mặt trời lặn dọc theo bãi biển cát trắng của Forest City, một số gia đình từ các cộng đồng lân cận đã đưa con cái của họ đến chơi trong công viên nước nhỏ của Forest City.

Một cặp đôi người Trung Quốc đã chụp ảnh một tác phẩm có tên “Nấc thang lên thiên đường” vươn lên bầu trời. Họ cho biết họ đã mua một căn hộ vào năm 2016 và đi từ thành phố ven biển Chiết Giang đến Forest City mỗi năm một lần để nghỉ dưỡng.

Hầu hết chủ sở hữu ở Forest City đều cho thuê căn hộ và ở lại Trung Quốc. Country Garden cho biết 80% căn hộ của họ đã được bán cho khách đến từ hơn 20 quốc gia. Nhà phát triển từ chối cho biết có bao nhiêu người đang sống tại Forest City tính đến hiện tại.

Trong chuyến đi tháng 9, phóng viên tờ New York Times nhận thấy Forest City trông như bị bỏ hoang. Hầu hết những người ở đó là khách du lịch Trung Quốc, chủ nhà hàng và cửa hàng và một nhóm thợ làm vườn, nhân viên vệ sinh và nhân viên bảo vệ từ Indonesia, Nepal, Pakistan và Bangladesh. Họ làm việc không ngừng nghỉ để vận hành khu này.

Trên phố, hai doanh nhân Trung Quốc đã cố gắng tuyển dụng lao động từ Bangladesh để làm một số công việc.

Gần đó, một nhóm nhân viên bảo vệ người Nepal đứng thành hàng để chào đón người quản lý Forest City của họ.

Bên ngoài thành phố, dọc theo một xa lộ do Country Garden xây dựng, những người làm vườn mặc áo sơ mi xanh lá cây, đội mũ che nắng và khom lưng trên hàng rào để dọn dẹp lá cây.

Nguồn, Ảnh: NYT

Nguồn

Exit mobile version