Site icon DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU

Chuyện ít biết về áo bóng đá

Giá áo đấu tăng không ngừng nghỉ

Người hâm mộ Giải bóng đá Ngoại hạng Anh đang phẫn nộ trước mức giá áo đấu tăng vọt cho mùa giải 2023/24, khi 10 câu lạc bộ đã công bố tăng giá từ 9-14% so với mùa giải trước.

Những chiếc áo đấu đắt nhất thuộc về Manchester United, Arsenal và Fulham, với giá bán lẻ mẫu áo đấu sân nhà là 80 bảng Anh. Nhưng đây chỉ là mẫu cơ bản, nếu muốn thêm huy hiệu chính thức, tên và số áo thì chi phí áo sẽ đội lên mức giá đáng kinh ngạc là 100 bảng Anh.

Theo Tiến sĩ Peter Rohlmann, một chuyên gia tiếp thị thể thao, một chiếc áo đấu thông thường trị giá 80 bảng Anh, chỉ tốn 8 bảng Anh để sản xuất, chi phí đó bao gồm cả nguyên vật liệu, nhân công (thường ở Châu Á) và cước vận chuyển đến Châu Âu. Con số này tương đương với chỉ 10% giá bán lẻ.

Vậy thì 90% còn lại đi đâu?

– Chi phí bán lẻ: Các nhà bán lẻ, thường chính là câu lạc bộ, thông thường sẽ thu được khoảng 26,4 bảng Anh cho mỗi chiếc áo. Số tiền này nhằm trang trải các chi phí vận hành liên quan đến việc bán hàng hóa, bao gồm: Mặt bằng, Nhân công, Điện nước…

– Phần quản lý sản xuất: Các thương hiệu đứng ra sản xuất áo đấu, chẳng hạn như Adidas hoặc Nike, sẽ nhận được một khoảng đáng kể là 23,5 bảng Anh. Mức này bao gồm chi phí thiết kế, phát triển, quản lý chất lượng, đầu tư tiếp thị và một phần lợi nhuận.

– Thuế: Thuế giá trị gia tăng (VAT) chiếm khoảng 13,3 bảng Anh.

– Thu nhập của câu lạc bộ (bản quyền): Bản thân câu lạc bộ chỉ nhận được một khoản phí bản quyền tương đối khiêm tốn là 4,8 bảng Anh cho mỗi áo đấu. Nhưng số tiền có vẻ nhỏ này chỉ là một phần của bức tranh toàn cảnh.

– Tiếp thị và phân phối: Các chi phí bổ sung bao gồm 2,4 bảng Anh cho tiếp thị và 1,6 bảng Anh cho phân phối nội địa, đảm bảo áo đấu đến tận tay người hâm mộ.

Cuộc chơi của những gã khổng lồ

Các câu lạc bộ thường tuyên bố rằng các thương hiệu sản xuất trang phục thi đấu mới là bên quyết định giá, với những ông lớn như Adidas, Nike và Puma đóng vai trò chủ đạo, thiết lập mặt bằng giá cho cả ngành.

Nhưng các câu lạc bộ không hoàn toàn “vô tội” trong câu chuyện tăng giá này, vì ngành áo đấu bóng đá hoạt động chủ yếu theo mô hình bản quyền. Thay vì tự sản xuất và phân phối trực tiếp, các câu lạc bộ đã nhượng quyền cho các thương hiệu như Adidas để đổi lại phí bản quyền và nhiều lợi ích tài chính khác.

Về phần Adidas và Nike, các thương hiệu này sẽ chịu trách nhiệm về thiết kế, phát triển, tiếp thị và phân phối toàn cầu, thông qua đó cho phép họ nắm giữ một phần lợi nhuận đáng kể. Những khoản đầu tư khổng lồ vào chuỗi cung ứng đã giúp Adidas và Nike toàn quyền thiết lập giá cả và chi phối tỷ lệ lợi nhuận tổng thể.

Kẻ chiến thắng cuối cùng

Xét về mặt tài chính, Adidas và Nike dường như “thắng lớn” trong thương vụ này với thị phần thống trị và lợi nhuận ròng đáng kể. Các thương hiệu này đã tận dụng mạng lưới toàn cầu, sức ảnh hưởng của thương hiệu và khả năng tiếp thị để chiếm phần lớn doanh thu.

Tính đến năm 2023, Adidas và Nike nắm giữ trên 70% trong thị trường đồ thể thao toàn cầu (Nguồn: Statista). Trong phân khúc áo đấu bóng đá, Adidas và Nike nắm giữ vị trí thống trị với ước tính thị phần vượt qua mốc 80%.

Không những thế, số lượng đơn hàng khổng lồ cho phép Adidas và Nike hưởng lợi từ quy mô kinh tế, giảm chi phí sản xuất và từ đó tăng thêm lợi nhuận. Năm 2022, Adidas báo cáo doanh thu 21,4 tỷ euro và lợi nhuận ròng 1,9 tỷ euro. Nike báo cáo doanh thu 46,7 tỷ USD và thu nhập ròng 6,7 tỷ USD.

Mặc dù không trực tiếp nắm phần lớn lợi nhuận từ áo đấu, các câu lạc bộ vẫn hưởng một phần lợi từ phạm vi tiếp cận rộng lớn của các thương hiệu toàn cầu như Nike và Adidas.

Việc hợp tác với những ông lớn đồ thể thao cũng góp phần nâng cao danh tiếng  và lượng người hâm mộ của câu lạc bộ, từ đó gia tăng khả năng thu hút thêm các hợp đồng tài trợ và cuối cùng thúc đẩy doanh thu trong dài hạn.

Như thương vụ giữa Manchester United và Adidas vào năm 2014, khi Adidas ký hợp đồng trị giá 750 triệu bảng Anh trong 10 năm với Manchester United. Điều này đảm bảo cho câu lạc bộ một nguồn thu nhập đáng kể bất kể doanh số áo đấu, đồng thời cũng tăng cường sự tiếp cận toàn cầu của cả hai thông qua các chiến dịch marketing phối hợp.

Đặc biệt là thỏa thuận trị giá 150 triệu bảng Anh trong 5 năm của Liverpool FC với Nike. Mặc dù giảm so với mức 45 triệu bảng Anh mỗi năm dưới thời New Balance, nhưng Liverpool FC sẽ nhận lại được 20% tiền bản quyền trên doanh số bán hàng.

Báo cáo “Cảnh quan tài chính và đầu tư của các câu lạc bộ châu Âu” tiết lộ Liverpool FC đã kiếm được 113,1 triệu bảng Anh từ doanh số áo đấu và hàng hóa trong mùa giải 2022/23 và 117,3 triệu bảng Anh trong mùa giải 2021/22, vươn lên vị trí thứ 5 trên toàn cầu.


Thanh Sang

Nguồn

Exit mobile version