GDP 2024 vượt kế hoạch dù chịu ảnh hưởng của bão lũ là cơ sở quan trọng để năm nay đạt mục tiêu tăng trưởng 8%, theo Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư.
Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn 8% hoặc 10% trong điều kiện thuận lợi, để tạo đà tăng trưởng hai chữ số cho giai đoạn tiếp theo. Nhiều địa phương cũng nhắm mục tiêu GDP tăng hai chữ số trong năm nay.
Tại họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 8/1, Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 7,09%, vượt mục tiêu đặt ra (6,5%). Chưa kể, ảnh hưởng của bão Yagi và hoàn lưu bão đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc hồi tháng 9, khiến GDP giảm 0,8 điểm phần trăm.
Ông Tâm nói đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để năm 2025 đạt mục tiêu GDP tăng 8%.
Thực tế, mục tiêu GDP 8-10% cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao (6,5-7%). Các tổ chức quốc tế đưa ra dự báo GDP năm nay của Việt Nam có thể dưới 7%. Chẳng hạn, IMF dự báo 6,1%, cao hơn so với các nước như Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan (3-5,1%). ADB là khoảng 6,6%, nhờ vào động lực từ thương mại và đầu tư của 2024. Song, theo Chính phủ, đây sẽ là nền tảng để Việt Nam đạt tăng trưởng hai chữ số trong giai đoạn tới (2026-2030). Trước đó, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận 20 năm tới, Việt Nam phải tăng trưởng cao, phấn đấu từ 10% trở lên, để trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, đổi mới, hoàn thiện thể chế vẫn là một trong những động lực giúp tăng trưởng đạt kết quả cao. Năm ngoái, hàng loạt dự án luật về đầu tư, tài chính được sửa đổi, theo hướng phân cấp, phân quyền cho địa phương. Dự kiến, tại kỳ họp giữa năm nay, Chính phủ sẽ trình sửa nhiều dự án luật như Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp… để cởi trói các khó khăn của doanh nghiệp.
Đầu tư công cũng được tập trung giải ngân ngay từ đầu năm, bởi một đồng vốn công được giải ngân sẽ kéo theo 2 đồng vốn cho đầu tư xã hội. “Đây sẽ là nguồn vốn mồi, tạo động lực lớn để kích thích tăng trưởng”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho biết.
Năm nay, Chính phủ yêu cầu sớm tái khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân, trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM và Đà Nẵng, thành lập khu thương mại tự do tại một số địa phương. Các dự án hạ tầng trọng điểm, kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển như 3.000 km đường bộ cao tốc và 1.000 km đường bộ ven biển, cảng hàng không quốc tế Long Thành… gấp rút được hoàn thành.
“Nhiều tuyến đường sẽ được nâng từ hai lên ba làn, trong khi trung tâm tài chính quốc tế là cuộc chơi mới, nếu làm được sẽ gia tăng nguồn lực”, ông Tâm nói thêm.
Cùng với đó, các động lực tăng trưởng truyền thống về tiêu dùng, xuất khẩu cũng được củng cố, làm mới. Chính phủ sẽ có các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, gồm thu hút 120-130 triệu khách du lịch nội địa và 20 triệu du khách quốc tế.
Cùng với mục tiêu tăng trưởng cao, ông Tâm cho biết Chính phủ cũng yêu cầu giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Tức là, tăng trưởng cao nhưng vẫn phải bảo đảm các yếu tố nền tảng.
Theo đó, chính sách tiền tệ sẽ được điều hành linh hoạt, chủ động. Trong khi chính sách tài khóa (miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp) vẫn duy trì tới giữa năm. “Việc này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, sau đó quay lại đóng góp cho ngân sách, kích cầu tiêu dùng trong nước”, ông chốt lại.
Phương Dung