Kinh Tế

Cơ hội nào cho xe điện Trung Quốc tại Việt Nam?

Các dòng xe điện Trung Quốc dự kiến vào Việt Nam chủ yếu là dòng xe điện phổ thông. Trong đó, một tên tuổi đáng chú ý là BYD vừa tìm kiếm đối tác làm đại lý ở Việt Nam. Hãng xe Trung Quốc này được đồn đoán sẽ đưa về Việt Nam 2 mẫu xe Atto 3 (SUV) và Seal (sedan). 

Chiếc Chery Omoda C5 bị gãy trục sau khi đang chạy khiến người dùng tại Malaysia bức xúc

Tuy nhiên, sau Thái Lan, Indonesia mới là nước được hãng xe Trung Quốc BYD chọn xây nhà máy xe điện, thay vì 2 ứng viên khác là Việt Nam và Philippines. Nhà máy của BYD đặt tại Indonesia có công suất lên đến 150.000 xe mỗi năm, với quy mô đầu tư hơn 1,3 tỉ USD. 

Trước đó, BYD đã rất thành công khi xâm nhập thị trường Thái Lan. Không chỉ đặt nhà máy tại Thái Lan, các mẫu xe BYD Atto 3, BYD Dolphin và BYD Seal đều nằm trong nhóm 10 ô tô thuần điện bán chạy nhất thị trường nước này. Năm 2023, có 30.650 xe điện của hãng được khách hàng Thái Lan tiêu thụ.

Khác với BYD, một tên tuổi khác về xe điện tại Trung Quốc là Tập đoàn Chery đã có nhiều bước đi thăm dò rất kỹ thị trường Việt Nam cũng như kế hoạch xây dựng nhà máy.

Đầu tháng 4, liên doanh Geleximco và Công ty TNHH Omoda & Jaecoo (thuộc tập đoàn Chery) công bố kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại tỉnh Thái Bình trị giá hơn 800 triệu USD, công suất 200.000 xe mỗi năm, để sản xuất các mẫu xe mang thương hiệu Omoda & Jaecoo.

Trước khi nhà máy hoàn thành vào năm 2026, Omoda & Jaecoo sẽ tiếp cận thị trường Việt Nam bằng hình thức nhập khẩu xe nguyên chiếc, dự kiến ra mắt thị trường vào cuối năm 2024. Mẫu xe thuần điện thông minh crossover Suv Omoda E5 và mẫu xe việt dã công nghệ Jaecoo 7 Phev sẽ là sản phẩm đầu tiên được ra mắt.

Cơ hội nào cho xe Trung Quốc?

Với các mẫu xe của Omoda & Jaecoo đang được vận hành thử tại Việt Nam, tuy nhiên, giá bán xe chưa được doanh nghiệp này công bố. 

Năm 2023 chứng kiến sự bùng nổ về số lượng xe Trung Quốc được phân phối chính hãng tại thị trường Việt Nam, với mức giá đa dạng từ hơn 200 triệu đến hơn 2 tỉ đồng.

Giá cả được xem là điểm mạnh cạnh tranh của xe Trung Quốc, trong đó có xe điện. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến chất lượng xe, an toàn vận hành và đặc biệt là bài toán về trạm sạc cho xe điện là rào cản rất lớn. 

Hiện hãng xe Việt là Vinfast đã xây dựng cơ bản hệ thống trạm sạc riêng biệt trên cả nước, đây là lợi thế lớn để khách hàng tin tưởng vào sự tiện lợi trong việc sạc điện ở các khu vực khác nhau. Tuy nhiên, với các mẫu xe dự kiến sắp ra mắt, bài toán về hệ thống trạm sạc vẫn chưa được các hãng xe Trung Quốc công bố cụ thể.

Lo ngại về chất lượng xe

Thời gian gần đây, BYD liên tục vướng vào nhiều lùm xùm về chất lượng xe tại các thị trường ngoài Trung Quốc. Tại Thái Lan, nhiều người dùng thời gian qua liên tục khiếu nại về hiện tượng bong tróc sơn và nhựa, thậm chí không ít vụ việc xe BYD bốc khói khi đang sạc. 

Ở Israel, các dòng xe thương hiệu Trung Quốc này cũng liên tục mắc các lỗi cong vênh giá nóc khi chất đồ. Mới đây nhất, vào cuối năm 2023, hàng loạt xe BYD bị phản ánh xuất hiện nấm mốc bên trong khoang nội thất.

Cơ hội nào cho xe điện Trung Quốc tại Việt Nam?- Ảnh 2.

Các mẫu xe của Omoda & Jaecoo sắp ra mắt thị trường Việt Nam

Đặc biệt, dù mới rục rịch ra mắt tại Việt Nam, một mẫu xe của Omoda & Jaecoo đã gặp sự cố nghiêm trọng về an toàn tại Malaysia. Người dùng Stephanie ở Malaysia chia sẻ trên mạng xã hội cho biết, chiếc Chery Omoda C5 bất ngờ bị gãy trục khi xe đang vận hành bình thường trên đường. Khi xảy ra tai nạn, xe không có va chạm, đoạn đường xe chạy qua không có ổ gà nhưng vẫn gãy trục bánh sau ở giữa đường.

Bài viết này đã nhận hơn 12.000 lượt chia sẻ trên mạng xã hội tại Malaysia. Sự cố nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến thương hiệu Chery cũng như các hãng xe Trung Quốc. Tại Việt Nam, dù một số khách hàng đã quen hơn với các mẫu xe Trung Quốc nhờ giá rẻ và nhiều mẫu mã để lựa chọn. Tuy nhiên, đa số người mua xe vẫn có tâm lý khá e dè với xe Trung Quốc.

Những năm 2005 – 2015, nhiều mẫu xe Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam qua các đại lý, đã để lại những “ám ảnh” bởi chất lượng xe, cũng như dịch vụ hậu mãi quá kém. Một câu chuyện tương tự cũng từng xảy ra khi “xe máy Tàu” ồ ạt đổ vào thị trường Việt Nam cuối thế kỷ 20, dù giúp nhiều người dân có cơ hội sở hữu xe máy, song mặt trái là chất lượng kém của các mẫu xe này khiến xe máy Trung Quốc nhanh chóng biến mất khỏi thị trường Việt Nam.

Với Omoda & Jaecoo, việc hợp tác với Geleximco xây dựng nhà máy tại Thái Bình là một bước đi táo bạo của hãng xe này. Song táo bạo có thành công hay không lại chưa dễ trả lời. Nếu không chứng minh được vấn đề chất lượng và an toàn, mẫu xe này khó có chỗ đứng lâu dài tại Việt Nam.

Nguồn